Thứ sáu tuần XVI thường niên


Thứ sáu tuần XVI thường niên
Phúc Âm: Mt 13, 18-23
“Kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả”.


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Vậy các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường. Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó: đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã. Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết ngạt mà không sinh hoa kết quả được. Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả, đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi”.
Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM 1
TRỞ NÊN THỬA ĐẤT NÀO CHO HẠT GIỐNG?
(Mt 13,18-23)
Đức Giêsu thường dùng dụ ngôn để giảng dạy một chân lý nào đó. Tuy nhiên, dụ ngôn người gieo giống hôm nay không những được Đức Giêsu kể, mà chính Ngài còn đích thân giải thích ý nghĩa của nó. Khi giải thích dụ ngôn, Đức Giêsu nhắm vào trọng tâm các đối tượng trong việc lắng nghe Lời Chúa.

Đức Giêsu đã dùng hình ảnh các thứ đất và số phận của những hạt giống, để nói lên sứ điệp cho các môn đệ và những người nghe giảng cũng như cho mỗi chúng ta hôm nay.

Hạt giống rơi bên vệ đường, chính là ám chỉ đến những người nghe mà chẳng hiểu, hay dửng dưng với Lời Chúa, hoặc tách biệt Lời Chúa ra khỏi cuộc sống.

Hạt giống rơi vào sỏi đá là dấu hiệu của một tâm hồn nông nổi, rất vui vẻ, sẵn sàng đón nhận Lời. Nhưng không có chiều sâu nội tâm, nên khi ra khỏi nơi chốn, vị trí hay với thời gian là quên hết, họ không quan tâm lưu giữ và thực hành Lời Chúa.

Hạt rơi vào bụi gai chính là những người có quan tâm đến Lời Chúa. Nhưng họ đã để cho sự đời chèn ép, chiếm thế. Nền kinh tế thị trường đã làm cho họ không còn chú trọng đến Lời Chúa, vì Lời Chúa làm cho họ phải đi ngược dòng với con người và xã hội.

Cuối cùng là hạt rơi vào đất tốt. Ấy là những người có lựa chọn ưu tiên cho Lời Chúa chiếm vị trí quan trọng trong mọi chiều kích của cuộc đời họ. Họ để cho Lời Chúa trở thành kim chỉ nam hướng dẫn mọi hành vi, vì thế, hệ quả chính là được một vụ mùa bội thu…

Mong sao, Lời Chúa hôm nay là dịp để chúng ta xác định lại chiều kích sống đạo của mình, nhằm hiệu chỉnh trong cuộc sống. Đừng vì hình thức, vụ luật như hạt rơi bên vệ đường. Hay hời hợt, giỗng tuếch như hạt rơi vào sỏi đá. Hoặc đừng để những lợi lộc trần gian, ăn chơi trác táng mà quên phần thưởng Nước Trời như hạt rơi vào bụi gai. Nhưng hãy như thửa đất tốt để Lời Chúa trở nên phong phú và đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Amen.

Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM 2

Mảnh đất giàu
“Ai có tai để nghe, thì hãy nghe!”.

Một nghệ sĩ vĩ cầm bất ngờ khám phá tiếng đàn của mình có tác dụng thôi miên người nghe; anh cũng thấy tác động này trên các vật cưng trong nhà. Và anh tự hỏi, điều ấy sẽ thế nào đối với những thú hoang? Và ngày kia, đến một bìa rừng, anh cất tiếng đàn. Điều kỳ diệu đã xảy ra! Một con sư tử cái, một con voi và một con khỉ lao vào chỗ anh, chúng say mê lắng nghe. Chẳng mấy chốc, động vật các loại đến chật ních. Đột nhiên, một con sư tử khác lao ra khỏi rừng, vồ lấy người nghệ sĩ. Sư tử cái hét lên, “Sao ông làm thế?”. Sư tử đực khum hai chân sau đôi tai đáp, “Cái gì?”.

Kính thưa Anh Chị em,
Con sư tử đực kia xem ra không có một ‘đôi tai nội tâm’ và một ‘mảnh đất giàu’ bên trong như các con thú khác. Tin Mừng hôm nay cũng nói đến một ‘đôi tai’ và một ‘mảnh đất giàu’; nhưng ‘đôi tai’ Chúa Giêsu nói đến có nhiều điều hơn đôi tai thể lý. Ngài nói đến một ‘đôi tai’, qua đó, chúng ta có thể nghe, hiểu, lựa chọn và chấp nhận thánh ý Thiên Chúa từ một ‘mảnh đất giàu’ của linh hồn.

Bằng nhiều cách, Chúa Giêsu nói Lời Thiên Chúa cho chúng ta, nhưng chúng ta có lắng nghe và sẵn sàng để Lời Ngài thấm nhuần hay không, điều này tuỳ thuộc nội tâm mỗi người. Chỉ khi chăm chú vào Lời Ngài, chúng ta mới có thể nắm bắt ý muốn của Thiên Chúa; cùng lúc, tâm hồn chúng ta phải là một ‘mảnh đất giàu’. Để có được ‘mảnh đất giàu’ màu mỡ trong tâm hồn, quả không dễ! Vì sẽ dễ hơn rất nhiều để đất khô cằn, gai gốc, sỏi đá và không đón nhận. Vậy, làm sao để nuôi dưỡng một tâm hồn hầu nó có thể trở nên một ‘mảnh đất giàu?’.

Để bắt đầu công việc này, một trong những nơi quan trọng nhất là chúng ta phải đi xuống ‘vùng trũng’ khiêm tốn. Khiêm tốn, cuối cùng, là nhìn nhận sự thật về con người mình; và đặc biệt, nhận thức được sự cần thiết của ân sủng Thiên Chúa trong đời. Việc khiêm tốn thừa nhận chúng ta bất lực nếu không có ân sủng là một điều cần thiết trước tiên để tạo ra một ‘mảnh đất giàu’ nội tâm; từ đó, chúng ta hoàn toàn cậy trông vào Chúa. Lần đầu tiên, khi hạ mình xuống tận ‘vùng trũng’ lòng mình, tựa nương vào Đấng Quyền Năng, chúng ta bắt đầu ở trong tư thế sẵn sàng lắng nghe khi Thiên Chúa nói; và lúc Ngài mở lời, qua ‘đôi tai nội tâm’, chúng ta vui mừng lắng nghe, hiểu, lựa chọn và chấp nhận thánh ý; tức là vâng lời. Chỉ khi đó, hoa trái tốt lành của lòng thương xót Chúa mới có thể đổ vào cuộc sống chúng ta và qua chúng ta, đổ vào cuộc đời những người khác.

Bài đọc Xuất Hành hôm nay là một minh hoạ cho thấy thái độ lắng nghe với ‘đôi tai nội tâm’ của Môisen và Aaron, những con người có những ‘mảnh đất giàu’. Bị dân ta oán giữa sa mạc với những lời lẽ khó nghe nhất, “Thà chúng tôi chết trong đất Ai Cập do tay Chúa, khi chúng tôi ngồi kề bên nồi thịt và ăn bánh no nê!”, Môisen và Aaron vẫn không một lời phàn nàn hay khiển trách, một chỉ khiêm tốn lặng thinh, chờ đợi để lắng nghe Thiên Chúa. Và Thiên Chúa đã phán cùng Môisen để ông nói lại cho dân, “Chiều nay các ngươi sẽ ăn thịt, và sáng mai sẽ ăn bánh no nê!”. Quả đúng như vậy! Thú vị thay, ở sách Dân Số, Môisen sẽ nói với dân, “Anh em sẽ ăn, không phải một ngày, hai ngày, năm mười ngày, hay hai mươi ngày, nhưng suốt cả tháng, cho đến khi thịt lòi ra lỗ mũi!”. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay xác nhận điều đó, “Chúa ban bánh bởi trời nuôi dưỡng họ!” khi Ngài cho chim cút và sương mai rơi rợp trại!

Anh Chị em,
Không ai đã bước xuống ‘vùng trũng’ khiêm tốn bằng Thiên Chúa. Bằng chứng là dân, miệng vừa, “Vang lên muôn lời ca, ta ca ngợi Chúa!”, lại vừa ta oán Ngài. Vậy mà, Thiên Chúa vẫn chịu đựng, Ngài kiên nhẫn lắng nghe họ. Ngày nay, vẫn vị Thiên Chúa đó, đang bước xuống trong Chúa Giêsu Kitô. Ngài đã bước xuống thật thấp, thấp đến nỗi hiến mình treo cao trên nhục hình thập giá; thấp đến nỗi hiến mình lấy Máu Thịt nuôi dưỡng nhân loại trên các bàn thờ. Ôi, một nhân loại vĩ đại, cao quý! Chúng ta có nhận ra điều đó không, hay suốt ngày chỉ kiếm tìm những gì thoả mãn cơn đói vật chất và để cho ‘đôi tai tâm hồn’ mình điếc đặc. Chớ gì mỗi ngày, chúng ta biết cần mẫn khiêm tốn cúi xuống mảnh đất tâm hồn để nhặt đi những hòn sỏi ích kỷ, nhổ đi những cọng cỏ kiêu căng, hầu hạt giống Lời Chúa có thể mọc lên từ một ‘mảnh đất giàu’ màu mỡ.

“Lạy Chúa, xin đừng để hạt giống Lời Chúa chết nghẹt nơi con; nhưng cho con biết cộng tác với ân sủng, từ việc đón nhận với ‘đôi tai nội tâm’ nhạy bén đến việc ra sức vun xới cho tâm hồn trở nên ‘mảnh đất giàu’; nhờ đó, Lời Chúa có thể sinh hoa trái cho linh hồn con và anh em con”, Amen.


Tác giả bài viết: Lm. Minh Anh

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 09/5: Thánh GIUSE NGÔ DUY HIỂN. Linh mục, Tử đạo(1769-1840)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng