Các bài suy niệm Chúa nhật V Mùa Chay – Năm C

CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – NĂM C

Is 43, 16-21; Pl 3, 8-14; Ga 8, 1-11

 

1/ ĐẤNG GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI

(ĐTGM Giuse Vũ Văn Thiên)

Trong trình thuật về người phụ nữ ngoại tình, Chúa Giêsu vừa được giới thiệu là Đấng nhân từ, đồng thời cũng là Đấng giải phóng nhân loại. Đây chính là dung mạo của Thiên Chúa theo mặc khải của Thánh Kinh. Quả vậy, trong truyền thống Cựu ước, Thiên Chúa vẫn được tuyên xưng và ca tụng là Đấng bao dung nhân từ, và là Đấng giải phóng Dân Ngài khỏi áp bức của các dân hùng mạnh. Ngài vừa là “Chúa các đạo binh”, và cũng là Đấng chỉ “giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời”.

Với nhân vật người phụ nữ ngoại tình, dưới ngòi bút của thánh sử Gioan, ta thấy đây là một vụ xét xử «bất đắc dĩ» đối với Chúa Giêsu. Bởi lẽ lúc đó Người đang giảng cho dân chúng và người ta tuốn đến rất đông. Thánh Gioan viết: toàn dân đến với Người. Những kinh sư và biệt phái muốn gài bẫy Chúa và làm cho người mất mặt trước công chúng. Nếu Chúa đồng ý cho ném đá, thì Chúa hành xử ngược lại với lời giảng dạy của Người. Nếu Chúa không đồng ý cho ném đá, thì sẽ là người chống lại luật Môisen. Đàng nào cũng mắc bẫy và bị phê phán – họ nghĩ thế. Chúa không đồng ý với việc ném đá. Chúa cũng không ngăn cản họ làm việc này. Chúa chỉ nói đơn giản: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Nghe câu này, dân chúng tản ra rồi dần dần giải tán. Trước lời tuyên bố của Chúa Giêsu, họ không thể bắt bẻ Người được nữa.

Trọng tâm câu chuyện không phải ở nhân vật người phụ nữ hay những đối phương, mà là ở giáo huấn của Chúa. Với lời tuyên bố: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”, Chúa Giêsu đã giải phóng người phụ nữ khỏi một đám đông đang muốn ăn tươi nuốt sống một cách tàn nhẫn. Với lời dặn: “Chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”, Chúa Giêsu – thời đó được coi như một bậc thầy về luân lý – đã giải phóng chị khỏi tâm trạng mặc cảm tội lỗi. Bởi lẽ theo tâm lý tự nhiên, người phạm tội đau khổ vừa do lời gièm pha chê trách của người xung quanh, vừa do tự ti mặc cảm vì mình đã làm điều xấu. Chúa Giêsu đã giải phóng các tội nhân khỏi tội, và ban cho họ được thanh thản tâm hồn. Người cũng tuyên bố không kết án chị. Không kết án, tức là tha thứ và cảm thông bỏ qua những lỗi lầm đã phạm.

Lời nói: “Chị cứ về đi” của Chúa Giêsu cũng giống như lời Chúa nói khi làm cho ông Lagiarô đã chết được sống lạ: “Hãy cởi khăn và vải cho anh ấy, để anh ấy đi” (Ga 11,44). Người phụ nữ đã được giải phóng khỏi nấm mồ tăm tối mà người ta đã muốn nhốt chị vào. Đối với chị, vào lúc cùng cực nhất, thì thật may mắn là chị được cứu thoát và cuộc sống mới đã khởi đầu. Như thế, chúng ta có thể nói Chúa Giêsu đã làm cho chị phục sinh, ra khỏi nấm mồ, như Chúa sẽ gọi ông Lagiarô ra khỏi mồ, ra khỏi cõi chết. Chúng ta thường gọi đây là «trình thuật về người phụ nữ ngoại tình». Cách gọi này xem ra không chính xác cho lắm. Bởi lẽ, khi nhấn mạnh đến tội ngoại tình, là chúng ta như đứng về phía những người đang tố cáo người phụ nữ này. Họ tỏ ra là những người nhiệt thành bảo vệ lề luật. Đúng hơn, nên gọi đây là trình thuật về tình thương của Chúa đối với người phụ nữ ngoại tình.

Một chi tiết nhỏ rất đáng chú ý, đó là ý thâm ý của những kinh sư và biệt phái, như thánh sử Gioan viết: «Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng chứng tố cáo người» (câu 6). Thì ra người bị tố cáo chính thức lại không phải người phụ nữ, nhưng chị chỉ được dùng như một phương tiện để những kinh sư và biệt phái gài bẫy tố cáo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không mắc bẫy họ. Người cũng không chấp nhận làm cho luật Môisen trở thành một phương tiện giết người. Người tỏ cho thấy, lề luật nhằm giáo dục con người, cứu giúp con người để họ hướng thiện. Giáo huấn của Cựu ước đã nêu rõ: Thiên Chúa không muốn ai phải chết. Thiên Chúa yêu thương mọi người và Ngài muốn cho họ được sống. Ngài không vui thích khi thấy con người gặp hoạn nạn khổ đau, nhưng Ngài ra tay cứu giúp họ. Chúa Giêsu đã tiếp nối giáo huấn của Cựu ước, nhưng điều chỉnh để diễn tả dung mạo một Thiên Chúa nhân từ.

Khi tuyên bố: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”, Chúa Giêsu cho thấy, tội lỗi không chỉ là hành vi ngoại tình, mà tội lỗi còn là việc xét đoán tha nhân. Người mời gọi các kinh sư và biệt phái nhận ra thân phận tội lỗi của mình để có cái nhìn bao dung hơn với người khác. Khi xét đoán và phê phán anh chị em mình, con người thuộc về quyền lực của bóng tối. Giữa đám đông hôm đó, có duy nhất Chúa là Đấng Thánh, Đấng vô tội và là Đấng có quyền lên án các tội nhân, nhưng Người lại không kết án người phụ nữ. Sau khi đám đông đã giải tán hết, chỉ còn Chúa Giêsu và người phụ nữ, Chúa đã nói với chị: “Tôi không lên án chị đâu”. Lời này đã làm cho chị ngạc nhiên và vui mừng. Đây là lời diễn tả tình thương bao la của Thiên Chúa đối với các tội nhân. Qua ngòi bút của thánh sử Gioan, chúng ta thấy có sự đảo lộn về khái niệm. Ban đầu, xem ra chỉ có chị phụ nữ là người có tội, nhưng về sau, thì Chúa tỏ cho thấy, những kinh sư và biệt phái cũng là những tội nhân, và họ muốn thay quyền Thiên Chúa để xét đoán đồng loại. Việc họ dần dần bỏ đi cho thấy họ là những người còn mang nhiều tội lỗi.

Thiên Chúa là Đấng giải phóng con người. Ngôn sứ Isaia thét vang lên điều đó, vào lúc dân Do Thái đang chán chường bi quan trong cảnh lưu đày (Bài đọc I). Đoạn sách được đọc trong Chúa nhật thứ bốn này được gọi là “Sách an ủi”, vì nó truyền cho dân lưu đày một nghị lực mới. Nghị lực này đến từ niềm tin vào Thiên Chúa. Dân Do Thái hy vọng vào sự can thiệp của Ngài. Họ chắc chắn sẽ được giải phóng để về lại quê hương. Vào lúc đó, đau khổ ê chề sẽ qua, sa mạc sẽ có suối nước, nước mắt sẽ không còn.

Nên lưu ý một chi tiết rất thú vị khi đọc tiếp Tin Mừng của thánh Gioan: nếu Chúa Giêsu cứu người phụ nữ khỏi bị dân ném đá, thì sau đó, cũng ở chương 8, người Do Thái lại định ném đá Người, nhưng Người lánh đi và ra khỏi Đền thờ (x Ga 8,59). Họ muốn ném đá Chúa khi Người phê phán thói giả hình và sự cứng lòng của họ. Vâng, Chúa Giêsu là Đấng vô tội, đã mang lấy trên thân mình tội lỗi của muôn dân. Thập giá mãi mãi là một mầu nhiệm mà con người không thể suy thấu. Con Thiên Chúa chịu mọi khổ hình cho đến chết, chỉ vì yêu thương và muốn cứu độ con người. Trên cây thập giá, Người đã mang lấy tội lỗi của chúng ta.

Mùa Chay giúp ta suy tư về thân phận con người. Mùa Chay cũng nhắc chúng ta suy tư về tình thương của Thiên Chúa. Đức tin vào Chúa Giêsu Kitô sẽ cứu chúng ta khỏi chết. Thánh Phaolô quả quyết với chúng ta như thế trong Bài đọc II. Một khi đã hiểu biết và đã gặp gỡ Chúa Giêsu trong đời mình, vị tông đồ của chúng ta sẵn sàng chấp nhận mất hết mọi sự, miễn là có được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Khi sám hối trong Mùa Chay, chúng ta được nghe Chúa nói: tôi cũng không lên án anh (hay chị, hay ông bà) đâu, hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa. Với lời Chúa, chúng ta được trở nên con người mới, bước sang một ngã rẽ mới để làm lại cuộc đời. Chúa đã quên tội lỗi của chúng ta. Dù ta tội lỗi đến đâu, Người vẫn ở bên ta, để nâng đỡ và phù trợ với tình yêu thương của Người. Xin cho chúng ta cảm nhận được sự hiện diện kỳ diệu ấy. Amen.

 

2/ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA


( ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Càng đi sâu vào mùa Chay, ta càng đi sâu vào tình yêu của Thiên chúa. Tuần trước ta đã được tắm gội trong tình yêu tràn trề của người cha nhân hậu. Tuần này ta lại được hưởng nếm lòng khoan dung nhân hậu của Chúa Giêsu.
Bài Tin mừng hôm nay trình bày một phiên toà. Bị cáo là người phụ nữ. Nguyên cáo là các kinh sư và những người Pharisêu. Tội phạm là tội ngoại tình. Bản án là tử hình bằng cách ném đá. Thực ra họ không cần đến Chúa Giêsu làm quan toà. Họ có thể căn cứ vào luật Môsê để thi hành án. Họ đến hỏi ý kiến Chúa Giêsu không phải với thiện ý nhưng nhằm gài bẫy Người. Tha cho người phụ nữ là Người chống lại luật Môsê. Kết án người phụ nữ là Người mâu thuẫn với chính mình vì Người vẫn giảng dậy về lòng nhân từ thương xót. Cái bẫy thật hiểm độc. Đằng sau bản án của người phụ nữ chính là bản án dành cho Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu im lặng, cúi xuống viết trên đất. Người im lặng vì không đồng tình với thái độ của họ. Người im lặng để mọi người có thời gian lắng đọng tâm hồn. Người không trả lời vì câu hỏi họ đặt chưa đúng chỗ. Người không trả lời câu hỏi của họ để đưa ra cho họ một câu hỏi khác cơ bản hơn.
Người cúi xuống để người phụ nữ khỏi xấu hổ. Người cúi xuống để những kinh sư và những người Pharisêu biết nhìn vào tâm hồn mình. Người cúi xuống buồn phiền vì sự độc ác của con người.
Vì họ cứ hỏi mãi nên Người đành ngẩng lên. Họ chờ đợi Người lên tiếng thì Người lên tiếng. Nhưng lời Người khiến họ chới với. “Ai trong các ông sạch tội, cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Họ mời Chúa Giêsu làm quan toà xét xử người phụ nữ, không ngờ Chúa Giêsu lại trở thành quan toà xét xử họ. Họ đợi chờ Chúa Giêsu kết án người phụ nữ, không ngờ Chúa Giêsu lại kết án họ. Họ mang đá đến để ném vào người phụ nữ, không ngờ Chúa Giêsu lại ném một hòn đá vào lương tâm họ.
Có điều, họ muốn Chúa Giêsu làm quan toà giết chết, nhưng Chúa Giêsu lại là quan toà cứu sống. Hòn đá họ mang đến với mục đích ném chết người phụ nữ. Hòn đá Chúa Giêsu ném vào lương tâm giúp lương tâm họ sống lại, bừng tỉnh khỏi mê muội, nhận biết mình tội lỗi, nên họ đã lần lượt rút lui không dám kết án người phụ nữ nữa.
Xét xử các kinh sư và những người Pharisêu rồi, Chúa Giêsu mới xét xử người phụ nữ. Với ánh mắt dịu dàng, lời lẽ hiền từ, Người đã đưa ra lời phán xét: “Tôi không kết án chị đâu! Thôi, chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Thật là một lời phán xét lạ lùng. Lời phán xét của Chúa không tàn nhẫn độc đoán nhưng dịu dàng nhân hậu. Lời phán xét của Chúa không soi mói xét nét nhưng đại lượng bao dung. Lời phán xét của Chúa không cay đắng trách móc nhưng ân cần vỗ về. Lời phán xét của Chúa không sỉ nhục con người tội lỗi nhưng phục hồi nhân phẩm cho ta. Lời phán xét của Chúa không giam cầm tội nhân trong quá khứ, nhưng mở cho ta một tương lai. Chúa đã dứt bỏ và quên hết quá khứ lầm lỗi của ta. Chúa không nghi ngờ ta vốn hay phản bội. Chúa hoàn toàn tin tưởng khi trao tương lai vào tay người phụ nữ: “Hãy về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Với lời tha thứ của Chúa Giêsu tôi hiểu rằng tình yêu và sự tha thứ của Chúa là vô điều kiện. Với lời tha thứ của Chúa Giêsu tôi hiểu rằng con người đáng quí đáng trọng không phải ở quá khứ nhưng ở tương lai, không phải ở cái họ đã là nhưng ở cái họ sẽ là. Với lời tha thứ của Chúa Giêsu tôi yên tâm đóng lại quá khứ để bắt đầu một tương lai mới, bước đi trong tình yêu thương và niềm tin tưởng của Thiên chúa. Với lời tha thứ của Chúa Giêsu tôi hiểu rằng lòng thương xót của Chúa là vô biên. Người không lên án người phụ nữ phạm tội, cũng không lên án những người tố cáo chị.
Lạy Chúa, con cảm tạ lòng thương xót vô biên của Chúa.
Kiểm điểm đời sống:
1- Lên án và tha thứ, bạn làm điều nào nhiều hơn?
2- Mỗi khi xét người, bạn có xét mình trước không?
3- Bạn có cảm nhận được lòng thương xót của Chúa trong đời sống của bạn không?
4- Khi đã tha thứ cho ai, bạn có hoàn toàn tin tưởng vào thiện chí của người đó không?

 

3/ TỬ HÌNH HAY CỨU SỐNG

(Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)

Trong mùa Chay không ai quên được câu: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn và được sống” (Ed. 33, 11). Câu đó tỏ rõ lòng nhân từ của Thiên Chúa, nhưng con người lại muốn kết án tử hình nhau. Bài Tin Mừng cho thấy con người xử tử hình, còn Thiên Chúa lại cứu sống. Người ta đã mở một cuộc thăm dò dư luận về án tử hình, có nên bãi bỏ không? Một số đồng ý bãi bỏ, lý do là án tử hình không răn đe hữu hiệu kẻ phạm tội ác. Đa số ủng hộ luật tử hình, lý do là án tử hình làm người ta sợ không dám phạm tội ác.

Thực tế, hầu hết các nước trên thế giới vẫn duy trì án tử hình, chỉ trừ nước Thụy Sĩ và mấy nước Bắc Âu. Tại sao người ta đã lập ra án tử hình? Có lẽ án tử hình không có sức răn đe làm người ta sợ không dám phạm tội ác, cho bằng lý do trả thù như câu châm ngôn: “ác trả ác báo”, “mắt đền mắt, răng đền răng”, để trừng trị kẻ thù, để tiêu diệt những kẻ tranh giành địa vị và quyền lợi với mình: “Được làm vua thua làm giặc”. Vua tru di tam tộc kẻ thua, phe đảng này giết phe đảng kia, bọn cướp này giết bọn cướp kia, chỉ để chiếm quyền độc tôn thống trị, lợi lộc. Sở dĩ có chiến tranh chém giết lẫn nhau cũng chỉ vì tranh giành quyền lợi. Vua Chúa cấm đạo cũng chỉ vì giữ uy quyền cho mình hay cho giáo phái, tín ngưỡng của mình. Thượng tế và kinh sư chỉ vì ghen tương trang giành quyền binh khi thấy “Toàn dân đến với Người” nên họ phải gài bẫy để đánh gục Đức Giêsu. Một trong những bẫy đó là họ dẫn đến trước mặt Người một phụ nữ ngoại tình và họ nói: “Người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách luật, ông Mosê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó, vậy Thầy nghĩ sao?”.

Nếu họ thành thực giữ luật Môsê, sao họ không xử đàn bà đó đi? Họ đang là hạng người có quyền thế trong xã hội Do Thái, còn Đức Giêsu lúc đó chỉ là thường dân. Họ quá ác ý nên Tin Mừng đã chú thích thêm: “Họ nói thế nhằm thử Người để có bằng chứng tố cáo Người”. Họ sẽ tố cáo Người thế nào?

Nếu Người tha cho kẻ ngoại tình, họ sẽ tố cáo Người phá luật Môsê, tức là phản đạo và thông đồng với kẻ tội lỗi, như vậy họ có quyền kết án tử hình Người.

Nếu Người kết án ném đá tội nhân, họ sẽ tố cáo Người đã phạm tội giết người với Chính quyền Đế quốc Rôma, vì luật Hoàng đế cấm người Do Thái không được xử tử ai. Như vậy, chính quyền đế quốc sẽ lên án tử hình cho Đức Giêsu. Họ còn có bằng cơ tố cáo Người đã hành động bất nhất, nghịch với đạo lý yêu thương cứu độ của Người.

Nếu Đức Giêsu mắc vào bẫy của họ, họ sẽ được lợi quá nhiều: Họ sẽ kết án Người cùng với đàn bà ngoại tình, đồng thời không còn ai tin Người là Đấng Cứu thế nữa. Thật là một nhục hình cùng cực, một âm mưu thâm độc, như sau này họ đã thành công kết án tử hình Người trên thập giá.

Trái hẳn với dã tâm gian ác của họ, Đức Giêsu đã hiền từ, lặng lẽ ngồi xuống âm thầm bãi bỏ án tử hình của loài người, với lý do Người viết trên cát câu thật chí lý: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Mắt Người đã nhìn thấu suốt tâm can của họ và vạch trần tim đen của họ như Thánh Augustinô nói: “Chúa đã viết tội từng người và họ đã từ từ rút lui”. Nếu họ dám ném đá người đàn bà ngoại tình thì họ phải ném đá mình nữa. Đúng như Người đã nói: “Họ thấy cái rác trong mắt người khác, mà không thấy cái xà trong mắt mình”. Rõ thật hạng giả hình: “Chân mình lấm láp lê thê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Đức Giêsu là người số một đã bãi bỏ án tử hình. Chỉ một mình Thiên Chúa mới hiên ngang bãi bỏ luật tai ác đó thôi. Ngài là Đấng ban sự sống, lại rất tôn trọng yêu quý sự sống của con người. Dù con người gian ác thế nào, Ngài vẫn lo cứu chuộc. Ngài tự nhận mình là thầy thuốc lo cứu chữa những bệnh nhân, Ngài đến để cho thế gian được sống và được sống dồi dào.

Sự sống dồi dào đó, Đức Giêsu đang ban cho chị phụ nữ bị kết án tử hình được tiếp tục sống: “Tôi không lên án chị đâu, thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Từ nay chị được sống dồi dào cả hồn lẫn xác vì chị vừa được tha khỏi bị ném đá và nhất là được tha tội; tâm hồn chị như “tù nhân Sion được Chúa đưa về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ, vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng” (Đáp ca Tv. 125). Tâm trạng vui mừng của chị còn hơn các tù nhân lưu đày ở Babilon được tiên tri Isaia loan báo tin mừng sắp được giải thoát. Đức Giêsu đã mở con đường từ ái giải thoát chị, như Thiên Chúa đã mở con đường giữa đại dương giải thoát dân Israel an toàn trở về đất hứa. Đức Giêsu đã mở trong tâm hồn chị một dòng sông để tưới mát những khao khát của chị như Thiên Chúa đã khơi một giòng sông giữa sa mạc khô cằn cho dân Ngài được giải khát. Đức Giêsu đã xây dựng con người chị thành con Thiên Chúa luôn biết vui mừng ca ngợi Thiên Chúa, như Thiên Chúa đã gầy dựng dân Israel thành một dân luôn biết ngợi khen Thiên Chúa (Bài I).

Bây giờ chị có thể nói như Thánh Phaolô rằng: “Tôi coi tất cả mọi sự chẳng thiệt gì, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Giêsu, vì Người, tôi đành mất tất cả và tôi coi tất cả như đồ bỏ để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Bài II).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết tự tố cáo và lên án mình để Chúa thương xót con và con được nghe những lời từ ái dịu ngọt rằng: Cha không kết án con vì Cha đến thế gian để hiến mạng sống Cha cứu độ con và cho con được biến đổi sống lại trong ánh sáng phục sinh của Cha.

4/ BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT CHO THIẾU NHI

CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY NĂM C

 

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

1. Cha đố chúng con, hôm nay là Chúa nhật thứ mấy trong Mùa Chay vậy chúng con?
- Dạ thưa cha, Chúa nhật thứ năm.
- Giỏi. Thiếu nhi của cha giỏi quá! Hôm nay đã là Chúa nhật thứ năm có nghĩa là chúng ta sắp bước vào một tuần lễ hết sức đặc biệt của năm Phụng vụ. Cha đố chúng con đó là tuần lễ gì?
- Thưa cha đó là Tuần Thánh, chuẩn bị mừng lễ Chúa Phục sinh.
- Chúng con giỏi

Bây giờ chúng con nghe lại câu chuyện hôm nay.

Hôm ấy lúc trời vừa tảng sáng, Đức Giêsu đang ngồi giảng dạy cho đám đông dân chúng nơi đền thờ Giêrusalem, thì đột nhiên những người kinh sư và Pharisêu lôi một người phụ nữ mà họ nói là đã bắt gặp chị ta đang ngoại tình đến trước mặt Chúa. Tin Mừng không nói là họ bắt gặp chị đó phạm tội ở đâu và với ai. Họ đặt chị ta đứng ở giữa mọi người và rồi nói với Chúa: 
- Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Theo sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?
Đứng trước câu hỏi của họ, Chúa Giêsu không trả lời ngay. Chúa ngồi xuống, lấy ngón tay viết trên đất. Tin Mừng không cho chúng ta biết Chúa viết gì. Chỉ biết việc làm của Chúa làm cho những người hỏi Chúa sốt ruột. Chịu không được, họ cứ hỏi mãi, lúc đó Chúa mới ngẩng đầu lên và bảo họ: 
- Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.
Rồi Chúa lại ngồi xuống và lại viết trên đất. Thật là lạ lùng. Chúa không nói thêm gì nữa. Thế mà Tin Mừng ghi: "Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi." 
Sau đó thì chỉ còn lại một mình Ðức Giêsu, và người phụ nữ đứng ở giữa. Lúc đó Chúa mới ngẩng lên và hỏi: 
- Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?
Người đàn bà đáp: 
- Thưa ông, không có ai cả
Và đây là những lời của Chúa:
- Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!
Và câu chuyện chấm dứt ở đây.

2. Câu chuyện là như thế, nhưng cha hỏi chúng con: Chúa muốn dạy chúng ta điều gì qua câu chuyện hôm nay?

a. Trước hết, đọc trong Tin Mừng cha thấy: Chúa Giêsu có những nguyên tắc sống mà Ngài luôn theo đuổi. Đây là một trong những nguyên tắc ấy: "Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.(Ga 12,17

Trong câu chuyện hôm nay, những người Do thái muốn Chúa phải lên án người đàn bà ngoại tình. Trong câu hỏi họ đặt ra cho Chúa, họ tưởng Chúa bắt buộc phải làm như vậy. Lên án thì không xong vì làm như thế là không thương. Bỏ qua cũng không được, vì làm như thế là dung túng cho sự xấu.

Vậy làm thế nào bây giờ ? Chúng con hãy nhìn Chúa Giêsu. Cha thấy Chúa Giêsu thật quá khôn ngoan. Chúa không bị mắc kẹt trong cái bẫy của những kinh sư và Pharisêu. Chúa đã chứng tỏ cho mọi người thấy. Đây chúng con hãy nghe Chúa nói với những thử thách Chúa: "Ai trong các ông không có tội thì hãy ném đá chị này trước đi"(Ga 8,7). Thật tuyệt vời! Sau đó thì Tin Mừng ghi: "Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Ðức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.(Ga 8,9-10). Lúc đó Chúa mới giải quyết vấn đề. "Tôi cũng không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa". Nói thế có nghĩa là Chúa không lên án mà cũng không dung túng, nhưng Ngài cho kẻ có tội một cơ hội. Ngài bảo chị về và đừng phạm tội nữa tức là cho chị một cơ hội để làm lại cuộc đời.

3. Câu hỏi tiếp theo cha muốn hỏi chúng con: "Tại sao Chúa ban cơ hội cho người tội lỗi?" Chúng con hãy nhìn lại bài Tin Mừng. Chúng con thấy nếu Chúa Giêsu bảo đừng ném đá chị ta thì lỗi luật Môsê, nếu Chúa truyền phải ném đá thì Người đã làm sai lời dạy của chính mình là "Các con hãy yêu thương nhau". Một cái bẫy vừa tinh vi vừa nham hiểm.

Chúa Giêsu cúi xuống vẽ trên đất. Không biết Chúa viết gì, chỉ biết khi họ sốt ruột gặng hỏi Chúa mãi thì Chúa trả lời một câu như mũi dao xoáy vào tâm can họ: "Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá trước đi" (Ga 8,7).

Quả thật, không một ai dám can đảm ném hòn đá đầu tiên, và cũng chẳng có hòn đá cuối cùng. Bởi vì, không ai dám tự hào mình vô tội.

Chúa Giêsu là Đấng duy nhất vô tội mà còn không kết án thì hỏi có ai mà giám: "Tôi không lên án chị đâu? Chị hãy về đi, từ nay đừng phạm tội nữa !" (Ga 8,11). Thật là an ủi biết bao cho chúng ta, những con người tội lỗi. Chúa không răn đe, không sửa phạt, chỉ an ủi, khích lệ, tin tưởng và hy vọng nơi chúng ta. Người không giết chết, nhưng cứu sống. Người không dung túng cho tội lỗi, nhưng nâng đỡ kẻ có tội. Người ghét tội nhưng lại thương xót tội nhân: "Ta không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống". 

Nói đến đây cha nhớ tới một câu chuyện. Câu chuyện đơn sơ nhưng nhiều ý nghĩa. Chuyện thế này: Một hôm người ta bắt được một tên ăn trộm.. Họ giải anh ta đến nhà vua, và nhà vua hạ lệnh cho giết hắn. Tên trộm cắp này rất khôn ngoan, nên nói với đao phủ:
- Tôi có một bí mật này rất quý. Nếu tôi chết thì bí mật ấy cũng bị mang theo. Thật là uổng. Cho nên tôi muốn giao nó lại cho nhà vua.
Người ta dẫn hắn tới nhà vua. Hắn nói: 
- Bí mật của tôi là tôi có một hạt giống kỳ diệu, đào lỗ chôn xuống đất thì nội trong một đêm nó sẽ mọc lên thành cây và trổ ra toàn những trái bằng vàng.
Nhưng hắn nói thêm:
- Nhưng có điều kiện này là chỉ người nào chưa từng lấy gì của người khác thì mới trồng hạt giống đó được,
Sau đó hắn thú nhận: 
- Tôi thì là một thằng ăn cắp nên không thể trồng được rồi. Vậy trong số các quan đây, ai chưa từng lấy gì của người khác hãy trồng nó đi.
Các quan lần lượt viện cớ để từ chối, giống y những người biệt phái trong bài Tin Mừng này vậy. Cuối cùng tên trộm cắp nói với nhà vua:
- Chắc là Bệ Hạ có thể trồng được
Nhưng nhà vua đáp:
- Nói ra thì thật xấu hổ. Hồi còn nhỏ, ta cũng đã từng lấy của người khác vài lần.
Khi đó tên trộm nói:
- Bệ hạ và các quan là những người có đầy đủ mọi thứ thế mà còn lấy của người khác mà không bị hình phạt gì cả. Phần tôi thì nghèo túng thiếu thốn mọi điều, thế mà lại bị xử tử vì tội lấy của người khác.

Nhà vua đành ra lệnh tha cho hắn.

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 20/4: Thánh Anê Môntepuxiano (1268-1317)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng