Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm C

CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT III PHỤC SINH - NĂM C

Cv 5, 27b-32. 40b-41; Kh 5, 11-14; Ga 21, 1-14 {hoặc 1-19}

 

1/ MẦU NHIỆM GIÁO HỘI

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Sau khi Phục Sinh, Chúa Giêsu quan tâm đến việc thiết lập Giáo Hội để tiếp tục công cuộc cứu chuộc của Người trên trần gian. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy hình ảnh về Giáo Hội mà Người mong muốn khi thiết lập.

Hình ảnh về một Giáo Hội có nền tảng là yêu thương. Chúa Giêsu không thiết lập một cơ chế, nhưng thiết lập một gia đình. Người đứng đầu Giáo Hội không phải là người chỉ huy ra lệnh, nhưng là người chăm sóc. Sức mạnh của Giáo Hội vì thế không phải ở kỷ luật, uy quyền, nhưng ở tình yêu thương. Mọi người yêu thương nhau vì lẽ là anh chị em trong một gia đình. Để duy trì tình yêu thương, người đứng đầu phải là người yêu thương nhiều nhất. Chính vì thế, trước khi tuyển chọn thánh Phêrô làm Giáo hoàng. Chúa Giêsu đã 3 lần hỏi: “Phêrô, con có mến Thầy không?”. Có yêu mến Chúa thì mới biết yêu mến anh chị em mình. Tình yêu mến là nền tảng của Giáo Hội. Bao lâu tình yêu mến còn, Giáo Hội còn vững vàng. Khi nào tình yêu mến suy giảm, Giáo Hội sẽ suy yếu.

Hình ảnh về một Giáo Hội có sức sống truyền giáo. Giáo Hội như con thuyền của ngư phủ. Ngư phủ sinh sống bằng nghề đánh bắt tôm cá. Sức sống của Giáo Hội là truyền giáo, là đánh bắt các linh hồn như Chúa Giêsu, khi kêu gọi các Tông đồ đầu tiên đã nói: “Hãy theo Thầy, Thầy sẽ đào tạo anh em thành những tay chài lưới linh hồn người ta”. Muốn đánh bắt được tôm cá, ngư phủ không được neo thuyền, ngồi trên bờ mà nghỉ ngơi nhàn nhã, nhưng phải dong buồm ra khơi, ra chỗ nước sâu mới có nhiều cá. Cũng vậy, muốn cứu được nhiều linh hồn, Giáo Hội không được ngồi yên ngơi nghỉ, mà phải lên đường, phải ra đi đến những nơi xa xôi, phải nỗ lực tìm kiếm. Ra khơi là phải mệt nhọc, phải làm việc và nhất là phải đương đầu với sóng to gió lớn, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Cũng vậy, lên đường truyền giáo là phải vất vả, khổ cực và chấp nhận những nguy hiểm, rủi ro. Phải ra đi vì đó là ước nguyện của Chúa. Phải lên đường vì đó chính là sứ mạng Chúa trao cho Giáo Hội.

Hình ảnh về một Giáo Hội hoạt động có hiệu quả nhờ tuân theo Lời Chúa. Giáo Hội quy tụ những con người. Giáo Hội hoạt động với những cố gắng của con người. Nhưng chỉ với sức con người. Giáo Hội không làm được việc gì. Phêrô và các bạn mệt nhọc suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào là hình ảnh của những hoạt động không có Chúa hướng dẫn. Khi nghe Lời Chúa dạy, các ngài đã đánh được một mẻ cá lớn lạ lùng. Hôm nay Chúa không còn ở với các Tông đồ. Không còn ngồi chung thuyền với các ngài. Không còn dẹp yên sóng gió cho các ngài. Chúa đã về trời. Chúa đứng ở một bến bờ khác. Nhưng Chúa vẫn theo dõi những hoạt động của các ngài. Chúa sẽ đưa ra những chỉ dẫn để hoạt động của các ngài có kết quả tốt đẹp. Tuy không hữu hình, nhưng Chúa vẫn hiện diện bên Giáo Hội như lời Người hứa: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Giáo Hội thật là một mầu nhiệm vì xét theo bề ngoài chỉ gồm những con người hữu hình, nhưng thật sự bên trong có sự hiện diện của Thiên Chúa vô hình. Sự vững mạnh của Giáo Hội không nhờ luật lệ, quân đội, hay vũ khí, nhưng nhờ tình yêu thương. Càng yêu thương, càng tha thứ thì Giáo Hội càng mạnh mẽ. Hiệu quả của Giáo Hội không ở tại việc ổn định, yên vị, nhưng ở tại mạo hiểm ra đi. Chính khi ra đi, Giáo Hội thâu lượm được nhiều kết quả. Càng gặp khó khăn, Giáo Hội càng vững mạnh vì Chúa hằng ở với Giáo Hội luôn mãi.

Lạy Chúa, con yêu mến Chúa. Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa. Amen.

2/ CHỨNG NHÂN PHỤC SINH

(ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên) 

            Sách Tông đồ Công vụ thường được gọi là Phúc Âm của Chúa Thánh Thần. Nội dung sách này kể lại đời sống Đức tin của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, nhất là chứng từ của các tông đồ và nỗ lực truyền giáo của các ngài. Vào thời sơ khai ấy, nội dung lời giảng dạy của các tông đồ rất đơn giản, chỉ là sự quả quyết Đức Giêsu đã chết nhưng đã sống lại theo như lời Thánh Kinh và Người đang hiện diện giữa các tín hữu. Bài đọc I cho thấy, vị Thượng tế và các thành viên Thượng Hội đồng rất đỗi ngạc nhiên, vì thấy Phêrô và các tông đồ là những người dân chài ít học quê mùa, nhưng lời chứng của các ông rất rõ ràng, xác quyết. Các ông còn sẵn sàng chấp nhận đau khổ để chứng minh sự sống lại của Đức Giêsu. Hơn nữa, Phêrô còn tỏ ra rất uyên bác và khôn ngoan, khi tuyên bố trước các thành viên của Thượng Hội đồng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”. Ông còn diễn giải sự phục sinh của Đức Giêsu là do quyền năng của Thiên Chúa. Ông sẵn sàng làm chứng, cùng với Thánh Thần “Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người”. Lời chứng của các ông mạnh mẽ đến nỗi, những thành viên Thượng Hội đồng là những người học thức, phải im lặng. Họ không làm gì được các ông, và chỉ còn gỡ thể diện bằng cách cho đánh đòn rồi thả các ông ra.

Không chỉ Phêrô và các tông đồ, cộng đoàn tín hữu tiên khởi cũng xác tín vào sự hiện diện của Đấng Phục sinh. Chính Đấng Phục sinh đã làm cho lời giảng của các tông đồ mang tính thuyết phục. Chính Đấng Phục sinh đã quy tụ các tín hữu, để làm nên một thân thể và một tâm hồn, liên kết với nhau trong tình hiệp thông. Vì thế mà số người tin theo Chúa Giêsu qua lời giảng của các tông đồ tăng lên nhanh chóng.

Thực ra, ban đầu các môn đệ cũng rất hoang mang trước cái chết của Chúa. Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus là một ví dụ. Dường như các ông chưa hiểu được sứ mạng của mình sau sự kiện Phục sinh. Việc ông Phêrô đi đánh cá, và các môn đệ cùng đi với ông trong bài Tin Mừng hôm nay cho thấy các ông đã muốn trở lại với nghề nghiệp cũ, tức là nghề đánh cá, là công việc các ông vẫn làm trước khi theo Chúa Giêsu. Bởi lẽ khi nghe Chúa gọi, các ông đã bỏ thuyền, bỏ chài lưới và bỏ gia đình, cha mẹ mà đi theo Người. Qua việc các ông đi đánh cá, dường như việc theo Chúa đã kết thúc. Hơn ai hết, các ông hiểu thời điểm và vị trí nào thuận tiện để mẻ lưới có kết quả. Tuy vậy, các ông vất vả suốt đêm mà không được con cá nào. Chỉ đến lúc Đức Giêsu hiện ra và bảo các ông thả lưới bên phải mạn thuyền, lúc bấy giờ, các ông mới thu hoạch được mẻ lưới kỳ diệu.

Khi từ cõi chết sống lại, Đức Giêsu hiện diện giữa các môn đệ với một phong thái khác. Chính các ông cũng không nhận ra Người, mặc dù trước đó các ông ở với Người, cùng ăn uống với Người. Chỉ khi trực tiếp chứng kiến mẻ cá lạ, mắt các ông mới mở ra và nhận ra Thày mình. Sự hiện diện của Đấng Phục sinh mang tính huyền nhiệm linh thiêng, không còn như trước, bởi Người đã từ cõi chết sống lại. Nếu Chúa hiện diện vô hình và huyền nhiệm, thì hiệu năng của sự hiện diện ấy lại vô cùng mãnh liệt. Thánh sử Gioan ghi rõ số cá thu được từ mẻ lưới lạ là 153 con. Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, con số 153 là số loài cá dưới đại dương mà những nhà nghiên cứu chuyên môn thời bấy giờ thống kê được. Như thế, 153 con cá có nghĩa là tất cả các loài cá dưới đại dương. Ơn cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện qua Đức Giêsu Kitô mang tính hoàn vũ. Tất cả mọi người dưới gầm trời này, nếu đến với Đức Giêsu và đón nhận giáo huấn của Người, thì đều được cứu rỗi. Đó cũng là điều tác giả sách Khải Huyền đã thấy trong thị kiến, ở Bài đọc II của Chúa nhật này. Tác giả viết: “Tôi nghe thấy mọi loài thụ tạo trên trời dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả cùng tung hô: “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời”. Con Chiên chính là hình ảnh của Đức Giêsu, Đấng đã chịu sát tế làm của lễ dâng lên Chúa Cha, giống như con chiên mà người Do Thái giết trong dịp lễ Vượt qua để tưởng niệm việc Chúa cứu Dân Ngài ra khỏi Ai Cập. Như máu chiên bôi trên khung cửa nhà người Do Thái để tránh cho các con đầu lòng bị tàn sát, máu Chúa Giêsu đổ ra trên thập giá tẩy rửa tội lỗi, giải phóng và ban ơn cứu độ cho loài người.

Cuộc gặp gỡ giữa các môn đệ với Đức Kitô Phục sinh, vừa củng cố Đức tin của các ông, đồng thời cũng là dịp Chúa trao trách nhiệm trông coi đàn chiên, mà người đứng đầu là Phêrô. Trách nhiệm này chỉ được trao phó khi Phêrô thành tín tuyên xưng tình yêu mến và lòng trung thành. Lời tuyên xưng ấy, Phêrô đã giữ suốt đời, cho đến lúc chết để làm chứng cho Thày mình. Tác giả cuốn tiểu thuyết nối tiếng “Quo Vadis” của nhà văn người Ba Lan, Henryk Sienkievich, đã diễn tả Phêrô như một ông cụ già nua, khả kính, luôn hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu trong lúc cuộc bách hại của hoàng đế Nêrô ở thời điểm khốc liệt nhất. Trong cuộc hành hình các tín hữu ở Hý trường Rôma, Phêrô vẫn hiện diện giữa đám khán giả, để chúc lành cho các tín hữu đang bị làm mồi cho sư tử. Sự hiện diện của vị Tông đồ trưởng đã tiếp thêm sức mạnh để các tín hữu can đảm và trung thành tuyên xưng Đức tin cho đến hơi thở cuối cùng. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Phêrô cảm thấy buồn, vì Thày hỏi đến ba lần về lòng yêu mến. Thực ra, những cử chỉ và lời nói yêu thương cần phải được lặp đi lặp suốt cả cuộc đời, như đôi lứa đang yêu tâm sự cùng nhau, như mẹ cha nói với con cái và như con cái tỏ bày với cha mẹ. Phêrô đã trung thành với lời hứa ấy. Chúa đã quên quá khứ của ông. Người không còn nhớ đến lỗi lầm của Phêrô cũng không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng ta.

Cũng như Chúa đã trao cho Phêrô nhiệm vụ chăm sóc đàn chiên, Người cũng đang mời gọi chúng ta làm chứng cho Người giữa thế gian. Làm chứng cho Chúa Phục sinh là sứ mạng nhiều khó khăn gian khổ. Chúa đã nói với tông đồ Phêrô về một tương lai sắp tới: “Anh sẽ phải giang tay cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. Thánh sử Gioan đã nhận thấy đây là một lời tiên tri, ám chỉ Phêrô sẽ phải trải qua đau khổ và phải chết. Những chứng nhân của Chúa, thời nào cũng trải qua thập giá. Bởi lẽ, chúng ta rao giảng một Đức Giêsu chịu khổ hình và chịu đóng đinh. Muốn là người môn đệ đích thực, Kitô hữu phải đi trên con đường Thày mình đã đi. Đó là con đường thập giá. Nhưng thập giá không phải là đích điểm của hành trình Kitô hữu. Đó chỉ là một chặng đường tiến tới Phục sinh. Chúng ta đang đi trên con đường ấy, với lòng kiên nhẫn và trung thành, có Đấng Phục sinh luôn hiện diện và đỡ nâng chúng ta. Tác giả sách Tông đồ Công vụ đã ghi lại một điều bất ngờ: khi Thượng tế và các thành viên Thượng Hội đồng ra lệnh đánh đòn ông Phêrô và các tông đồ, có ý đe doạ và làm các ông xấu hổ, các ông lại vui mừng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu. Tuyên xưng Đức tin vào Chúa Giêsu không phải là một điều xấu hổ hay thẹn thùng, nhưng một vinh dự mang lại niềm vui. Tuy vậy, để có thể tuyên xưng Đức Giêsu Phục sinh, chúng ta phải kết nối với Người, tức là gặp gỡ Chúa, qua lời cầu nguyện và niềm tín thác cậy trông.

Người tín hữu mừng lễ Phục sinh không giống như một lễ hội thế tục. Các nghi lễ Phụng vụ giúp cho chúng ta gặp gỡ Đấng Phục sinh, để xác tín vào sự hiện diện của Người, đồng thời có khả năng giới thiệu Chúa cho những người xung quanh mình.

Xin cho mỗi Kitô hữu chúng ta can đảm làm chứng cho Chúa giữa đời, để rồi nếu người thời nay không nhìn thấy Đấng Phục sinh, thì họ nhận ra Người đang sống và đang hiện diện qua những môn đệ của Người là chính chúng ta. Amen.

 

3/ TRƯỚC KHI TRUYỀN GIÁO, PHẢI BIẾT “YÊU”

(Lm.Vinhson Ngọc Biển SSP)

Trước khi về trời, Đức Giêsu đã truyền lệnh cho các Tông đồ hãy đi loan báo Tin Mừng: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21). Lệnh truyền này mang tính cấp thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy, truyền giáo chính là bản chất của Giáo Hội. Hay nói cách khác, Giáo Hội của Đức Giêsu phải truyền giáo. Bao lâu Giáo Hội không còn truyền giáo, thì bấy lâu Giáo Hội đánh mất căn tính của mình. Hình ảnh mẻ cá lạ với 153 con nhưng lưới không bị rách mà Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay trình thuật chính là một lời mời gọi ra đi để quy tụ muôn dân và hướng tới một Giáo Hội phổ quát.

Tuy nhiên, Giáo Hội mà Đức Giêsu thiết lập và trao phó cho các Tông đồ chăm sóc, loan truyền, phải là một Giáo Hội mang trong mình tình yêu. Chính vì thế, trước khi trao cho Phêrô quyền lãnh đạo Giáo Hội, cũng như mặc khải cho các Tông đồ về sứ mạng truyền giáo qua mẻ cá lạ, Đức Giêsu đã trắc nghiệm Phêrô về lòng yêu mến của ông.

  1. Con có yêu mến Thầy không? 

Sau khi Phục sinh, Đức Giêsu đã tỏ mình ra cho các Tông đồ trên biển hồ Tibêria và truyền lệnh cho các ông thả lưới bên phải mạn thuyền sau một đêm vất vả mà không được gì (x. Ga 21, 6). Họ đã nghe theo vị khách lạ xem ra có vẻ dày dạn về kinh nghiệm đánh bắt cá truyền bảo. Kết quả thật mỹ mãn: đó là một mẻ lưới đầy cá. Khi thấy những sự kiện lạ như vậy, Gioan đã hô lên: “Chúa đó!”. Phải chăng vì lòng mến Chúa cách đặc biệt mà ông đã nhận ra Chúa trước anh em? (x. Ga 20, 1-9).

Khi nghe Gioan nói: “Chúa đó!” các ông vào bờ và Đức Giêsu trực tiếp phục vụ các ông. Một bữa ăn tràn đầy lòng thương xót của Đấng Phục Sinh.

Sau bữa ăn, chính là phần trao ban sứ vụ lãnh đạo cho Phêrô. Nhưng trước khi trao, Đức Giêsu cất tiếng hỏi vị Tông đồ trưởng tới ba lần: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” (Ga 21, 15a). Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 15b). Đức Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21, 15c). Đức Giêsu hỏi Phêrô tới ba lần như vậy là vì muốn phục hồi địa vị môn đệ của ông sau khi ông đã yếu đuối và sa ngã tới ba lần khi trối Thầy trong cuộc thương khó. Hơn nữa, Đức Giêsu muốn cho chính Phêrô hiểu rằng: lòng mến là nền tảng căn bản, quan trọng phải có của người môn đệ, bởi lẽ: “Đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại. Nhưng đức mến là quan trọng nhất” (1 Cr 13,13). Vì thế, Đức Giêsu nói tiếp với Phêrô: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” (Ga 21,18). Cuộc khổ nạn mà Đức Giêsu loan báo cho Phêrô có nghĩa là: ông không còn làm chủ đời mình nữa, mà là một đời môn đệ đích thực. Ông phải trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu chịu đóng đinh. Bị kẻ khác thắt lưng còn có nghĩa là bị bắt, chịu trói và bị giết chết. Thật vậy, phải tin yêu hết lòng thì mới có sức chịu đựng được những cực hình ấy.

Phêrô đã xác tín mạnh mẽ và tin theo Đức Giêsu cách tuyệt đối, nên sau những lần trả lời đầy khiên tốn và yêu mến, Đức Giêsu đã trao phó nhiệm vụ chăn dắt Giáo Hội cho ông. Như thế: mầu nhiệm phục sinh chấm dứt cuộc đời trần thế của Đức Giêsu, thì đồng thời khai mở sứ vụ truyền giáo.

  1. Sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội

Hình ảnh mẻ cá lạ và có tới một 153 con mà lưới không bị rách, diễn tả mầu nhiệm Giáo Hội phổ quát.

Theo các nhà động vật học của Hylạp thời bấy giờ, trên thế giới có tất cả là 153 loại cá. Mẻ cá lạ này, Thầy Giêsu mặc khải cho các ông thấy rằng: công cuộc loan báo Tin Mừng dưới quyền lãnh đạo của Phêrô phải được các ông loan đi tới tận cùng trái đất, cho hết mọi người, để mọi người được ơn cứu chuộc.

Nếu hình ảnh 153 con cá tượng trưng cho sứ mạng của người môn đệ, thì hình ảnh chiếc lưới lành lặn không bị rách mặc dù cá nhiều đến như vậy là tượng trưng cho một Giáo Hội của Đức Giêsu luôn đứng vững trước mọi cạm bẫy của “ba thù”. Mặt khác, dù nhiều chủng loại, ngôn ngữ và văn hóa khác nhau, thì vẫn là cộng đồng duy nhất trong một chiếc lưới của Thiên Chúa dưới vị lãnh đạo của Phêrô; vẫn là một Chủ Chăn và một đoàn chiên duy nhất.

Khi truyền lệnh cho Phêrô thả lưới bên phải thuyền, ông đã vâng lời và kết quả đã thành công. Sự kiện này cho thấy, viễn tượng truyền giáo của Giáo Hội có thành công hay không nhờ vào việc vâng phục thánh ý Thiên Chúa và trung thành với lời hứa của Ngài. Chính thánh nhân cũng đã quả quyết cách khẳng khái khi bị quan tòa tra hỏi: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Khi vâng lời trong lòng mến, các ngài đã “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5, 41). 

Đây cũng chính là nền tảng sứ mạng tông đồ của chúng ta sau khi được Chúa gọi vào làm “vườn nho của Ngài”.

  1. Sứ điệp cho chúng ta ngày hôm nay

Đức Giêsu đã trao phó cho Phêrô nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên của Ngài vì ông đã vâng lời, khiêm tốn, tin tưởng và yêu hết lòng. Chúa trao cho ông vì chính Ngài cũng tin tưởng và yêu mến ông tha thiết.

Còn chúng ta ngày hôm nay thì sao? Gẫm lại lịch sử đời chúng ta: hẳn ai cũng thấy có biết bao lần mình sa ngã phạm tội, nhưng có khi không hề nói lên lời sám hối, hoặc sám hối hời hợt cho qua! Phải chăng lòng mến của chúng ta chưa đủ mạnh như Phêrô để một lần cho cả đời?

Hôm nay, Chúa cũng trao phó cho mỗi chúng ta sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Hãy loan tin ấy tới tận cùng trái đất. Đây là trách nhiệm của mỗi chúng ta khi đã lãnh nhận và cảm nghiệm được tình yêu ấy trong cuộc đời, để rồi sứ vụ loan báo Tin Mừng của người môn đệ luôn gắn liền với Thập Giá và những hy sinh, vất vả, cô đơn, hiểu lầm, và, ngay cả cái chết như Phêrô để làm chứng cho Thiên Chúa là Tình Yêu. Hình ảnh 153 loài cá là lời mời gọi ra đi truyền giáo cách tha thiết tới mỗi người chúng ta.

Như vậy, sứ mạng truyền giáo đòi hỏi mỗi người chúng ta phải vượt ra khỏi chính mình để loại bỏ những bon chen, cố chấp, hẹp hòi, nghi kỵ và sợ sệt, để biết thích ứng với từng hoàn cảnh như văn hóa, truyền thống, thiếu thốn, bệnh tật trong khi loan báo Tin Mừng…

Xin Chúa ban sức mạnh cho chúng ta và các thừa sai của Chúa trên cách đồng truyền giáo bao la ngàn trùng, để các ngài ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh đến tận cùng trái đất. Xin cũng cho chúng ta đón nhận tất cả mọi thử thách trước, trong và sau khi loan báo Tin Mừng với tâm niệm rằng: vì lòng mến Chúa, xin cho con đón nhận tất cả, bởi vì tần số của tình yêu là yêu không giới hạn.

Nếu được như thế, chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu dành cho Phêrô khi xưa: “hãy theo Thầy” và cùng Thầy lên đường…? 

Đây chính là sứ điệp mà Đức Giêsu muốn gửi đến cho các Tông đồ trong lần thứ 3 Ngài tỏ mình ra cho các ông, kể từ sau khi trỗi dậy từ cõi chết và cũng là sứ vụ được trao phó cho chúng ta hôm nay. Amen.

 

bài liên quan mới nhất

Giáo phận Bắc Kinh chuẩn bị Ngày cầu nguyện cho ơn gọi: “Sứ mệnh bước theo Chúa Kitô”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng