Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 28 Thường Niên – Năm C

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 28 Thường Niên – Năm C

(2V 5, 14-17; 2Tm 2, 8-13; Lc 19, 38)

“Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”.

 

1/ LÒNG BIẾT ƠN

(ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)

Có một thời, người ta có khuynh hướng bỏ hẳn lời cám ơn trong mối tương quan hằng ngày. Trong thời bao cấp, những nghi thức giao tế bị coi là những hủ tục và tàn dư của thời phong kiến. Người ta chủ trương cuộc sống sòng phẳng, không ai mắc nợ ai, cho nên không ai phải cám ơn ai. Hậu quả là những gương mặt khô như ngói ở những văn phòng hành chính, những cái nhìn lạnh nhạt ở nơi công cộng và những lời nói trống không trong giao tiếp với những người lớn tuổi hơn mình. Cuộc sống thiếu lời cám ơn sẽ trở nên khô khan, đơn điệu, giống như vườn thiếu cây xanh. Lược bỏ phép lịch sự sẽ biến cuộc sống này thành sa mạc hoang dã. Có lẽ vì đã nhận ra hậu quả đáng tiếc của quan niệm này nên gần đây, một số cơ quan mở những lớp dạy cười, dạy nói lời cám ơn và chào hỏi cho nhân viên của mình.

Biết nói lời cám ơn nhau, con người cũng cần thể hiện lòng biết ơn đối với Thượng Đế. Đó là một trong những mục đích quan trọng của các tôn giáo. Đó cũng là nội dung của lời cầu nguyện Kitô giáo. Thông thường, chúng ta đến với Chúa chỉ để xin ơn. Ít khi chúng ta bày tỏ lòng khâm phục, tri ân và mến mộ đối với Chúa và các thánh. Chúa Giêsu hôm nay khiển trách những người cùi đã được ơn mà không biết cảm tạ Thiên Chúa. Trong mười người cùi được ơn chữa lành, duy nhất có một người quay lại tạ ơn Chúa Giêsu mà người đó lại là người ngoại. Khi ghi lại lời phàn nàn của Chúa, chắc hẳn Thánh Luca cũng nhằm phê phán những người Do Thái luôn cậy mình là dân riêng của Chúa nhưng lại không sống đúng với danh dự cao quý đó. Không những thế, họ lại coi thường những người ngoại. Dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, một người ngoại lại mang một tâm hồn đạo đức và biết tạ ơn Chúa. Và như thế, người ấy không còn phải là “người ngoại” nữa, vì đã biết dâng lời tạ ơn Chúa và nhận ra quyền năng của Ngài. Ý tưởng này, chúng ta cũng thấy trong sách Các Vua quyển thứ hai, với trường hợp ông Naaman, một vị tướng của Syria. Sau khi được chữa khỏi, dù là người ngoại, ông đã trở thành một “tín hữu” vì ông tuyên xưng Thiên Chúa của người Ítraen là Thiên Chúa thật: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ítraen”. Việc xin một khối lượng đất đủ hai con la chở được để đem về quê hương đã chứng minh niềm tin chân thành ấy.

Nhờ biết sống tâm tình tạ ơn Chúa, chúng ta luôn nhận ra Ngài hiện diện trong cuộc đời. Việc tạ ơn Chúa cũng giúp chúng ta nhìn cuộc sống lạc quan hơn, bởi vì vũ trụ và cuộc sống này là do Chúa tạo dựng. Ngài kêu gọi chúng ta bằng khả năng của mình, cộng tác với Ngài để tô điểm cho trần gian thêm tươi đẹp. Nếu cuộc sống trần gian còn nhiều khiếm khuyết là do con người chưa thiện chí cộng tác với Chúa trong công trình sáng tạo của Ngài. Thậm chí có người còn đi ngược với chương trình sáng tạo của Chúa, phá vỡ sự hài hòa của môi trường cuộc sống và gây tai họa cho đồng loại cũng như cho thiên nhiên. Một khi sống tâm tình tạ ơn và tôn thờ Chúa, chúng ta sẽ được Chúa ban những ơn cần thiết phần hồn phần xác. Thiên Chúa như người cha yêu thương con cái. Ngài biết chúng ta cần thiết những gì. Ngài cũng biết rõ những gì đem lại ích lợi đích thực và lâu dài cho chúng ta. Chính Ngài sẽ ban cho chúng ta những ơn lành, theo ý của Ngài và nhằm đến những điều tốt đẹp cho mỗi chúng ta. Cách đây vài ngày (ngày 4-10), chúng ta vừa mừng kính thánh Phanxicô thành Átsidi, cũng gọi là thánh Phanxicô khó khăn. Thánh nhân là người yêu thiên nhiên vũ trụ, vì qua thiên nhiên, ngài khám phá ra sự hiện diện quyền năng của Chúa. Nếu những loài cỏ cây, những bông hoa vô danh nhỏ bé mà còn được Chúa trang điểm yêu thương săn sóc như thế, huống chi con người chẳng lẽ Chúa không thương. Dưới cái nhìn của vị thánh nghèo, mọi vật mọi loài đều luôn cất tiếng ca tụng Chúa, làm thành một bản giao hưởng bất tận tuyệt vời.

Lòng biết ơn đối với Chúa không chỉ dừng lại ở ngôn từ nơi môi miệng, nhưng phải thể hiện qua việc tuân giữ giáo huấn của Người. Cũng như trong mối tương quan trong gia đình, con cái không thể chỉ biết ơn cha mẹ bằng những lời khuôn sáo, mà lòng biết ơn và yêu mến cha mẹ cần phải được chứng tỏ bằng những việc làm đích thực. Tuân giữ Lời Chúa là cách thể hiện lòng biết ơn tốt đẹp nhất. Một khi chú tâm tuân giữ Lời Chúa, chúng ta mới có khả năng thông truyền Lời Chúa cho anh chị em mình.

Tin vào lòng thương của Chúa giúp chúng ta kiên vững trong gian nan đau khổ. Thánh Phaolô, một tù nhân vì Chúa Giêsu, đã khích lệ con thiêng liêng của mình là Timôthê. Ngài khẳng định: dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Thiên Chúa luôn trung thành.

“Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Lời cầu xin thống thiết kèm theo sự xác tín của những người cùi đã được Chúa nhận lời. Họ đã được lành bệnh sau khi đi trình diện với các tư tế theo Luật ông Môisen đã quy định. Người tín hữu khi đến với các linh mục là những tư tế của Tân Ước để thú nhận mọi tội lỗi nơi tòa giải tội cũng được Chúa tha thứ và chữa lành. Qua hành động trung gian của các linh mục, chính Chúa Giêsu chúc lành và nâng đỡ chúng ta, nhờ đó, chúng ta có thể trở lại hòa nhập với đời sống cộng đoàn, nhất là chúng ta được nối kết trong mối tình thân thiêng liêng với Chúa, nhờ lòng yêu mến thiết tha mà chúng ta bày tỏ với Người.

2/ ĐÓN NHẬN ƠN CỨU ĐỘ

(ĐTGM. Ngô Quang Kiệt)

Chúa Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem để chịu khổ hình, hoàn thành việc cứu độ. Chính lúc đi ngang qua Samaria, nhất là qua việc cứu chữa mười bệnh nhân phong, Chúa cho thấy một vài đặc điểm của ơn cứu độ.

Ơn cứu độ là phổ quát.

Chúa muốn cứu độ hết mọi người không loại trừ ai. Nên Chúa đi qua Samaria. Samaria là vùng đất cấm kỵ đối với người Do Thái. Đó là vùng đất ngoại đạo. Đó là vùng đất ô uế. Người Do Thái và người Samaria không giao thiệp với nhau. Nhưng Chúa đã vượt qua ranh giới cấm kỵ đó. Chúa muốn đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Tại Samaria Chúa còn gặp gỡ mười người phong cùi. Lại một cấm kỵ nữa. Người phong cùi vốn bị coi là hạng người tội lỗi, ô uế. Ai gặp họ đều trở nên ô uế. Họ bị loại trừ ra khỏi đời sống xã hội. Tại Samaria, những người phong cùi là những người ở tầng lớp cuối cùng của xã hội. Chúa đem ơn cứu độ cho mọi người, kể cả những người bị khinh miệt nhất, bị quên lãng nhất, bị hất hủi nhất. Ơn cứu độ Chúa ban cho tất cả mọi người. Trước mặt Chúa mọi người đều bình đẳng.

Ơn cứu độ là nhưng không.

Không ai dám nghĩ đến việc mời Chúa xuống trần gian. Không ai có công trạng gì khiến Chúa phải xuống trần gian để tưởng thưởng hay để đền đáp. Chúa xuống trần gian hoàn toàn do lòng nhân từ yêu thương của Chúa. Cũng thế, người Samaria hoàn toàn bất ngờ khi Chúa đến miền đất của họ. Những người phong cùi lại càng không bao giờ dám mơ tưởng tới. Bản thân họ đã bị lên án, bị loại trừ rồi. Ngay việc gặp một người bình thường đã không được phép, huống chi là gặp gỡ Chúa. Nhưng Chúa đã đến gặp gỡ họ, ban ơn cứu chữa họ. Hoàn toàn nhưng không. Họ chẳng có công gì. Họ chẳng có quyền đòi hỏi gì. Họ chỉ có nỗi đau khổ tột cùng. Chính nỗi đau khổ đó đã khơi dậy lòng yêu thương của Chúa. Vì Chúa là tình yêu thương.

Ơn cứu độ phải được đón nhận với niềm tin.

Tuy ơn cứu độ được ban rộng rãi và nhưng không, nhưng để đón nhận đòi phải có niềm tin. Những người phong cùi hôm nay đã bày tỏ niềm tin qua hai thái độ. Thái độ thứ nhất là đồng thanh lớn tiếng kêu cầu danh Chúa Giêsu: “Lạy Thày Giêsu, xin cứu chúng tôi”. Danh Thánh Giêsu có nghĩa là Thiên Chúa cứu. Từ cùng tận nỗi đau khổ, những người phong cùi đã kêu van bằng tất cả tấm lòng tha thiết và với niềm tin vững chắc. Chỉ có Chúa mới thương xót họ. Chỉ có Chúa mới đủ quyền năng cứu chữa họ. Thái độ thứ hai là đi trình diện với thày tư tế. Chúa không chữa họ ngay nhưng bảo họ đi trình diện với thày tư tế. Dù chưa được khỏi, nhưng họ vẫn tin tưởng lên đường. Đang khi đi đường thì họ được khỏi. Đức tin đã chữa họ.

Ơn cứu độ phải được đón nhận với niềm vui.

Đây là niềm vui trong mối tương giao giữa Thiên Chúa với con người. Cốt lõi của ơn cứu độ là thiết lập mối tương giao, cho con người được trở nên con cái Thiên Chúa, đồng hưởng hạnh phúc với Chúa. Đó là cội rễ của niềm vui, niềm hạnh phúc. Chín người bệnh không trở lại chỉ có niềm vui được khỏi bệnh, nhưng không có niềm vui trong mối tương giao với Thiên Chúa. Họ có đức tin cầu xin nhưng thiếu đức tin gặp gỡ với Thiên Chúa. Niềm vui được khỏi bệnh rồi cũng sẽ nhạt phai. Chỉ có một người trở lại tạ ơn. Anh trở lại vì mối tương giao. Anh nhận biết nguồn gốc niềm vui của mình. Anh sụp lạy Chúa vì biết nguồn gốc hiện hữu của mình. Anh đã tìm thấy nguồn cội ý nghĩa đời mình. Niềm vui của anh sẽ còn mãi mãi. Đời anh sẽ là một đời tạ ơn không ngừng.

Lạy Chúa, xin cho con biết tìm đến gặp gỡ Chúa để tạ ơn Chúa. Chính niềm vui tạ ơn này đem đến cho con hạnh phúc suốt đời con. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Vì sao Chúa ban ơn cứu độ cho ta và ta phải đón nhận với thái độ thế nào?

2) Đức tin cầu xin và đức tin gặp gỡ Chúa khác nhau thế nào? Bạn đã tiến đến đâu trong đời sống đức tin?

3) Có những miền đất, những con người nào mà bạn coi là cấm kỵ khiến bạn chưa dám tiếp cận không? Với gương Chúa Giêsu hôm nay, bạn sẽ làm gì?

4) Biết ơn rất cần trong đời sống tự nhiên. Bạn có biết ơn trong đời sống siêu nhiên không?

3/ SAO KHÔNG QUAY LẠI ĐỂ TẠ ƠN?

(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)

Có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ: vào ngày 11 tháng 3 năm 2012, kỷ niệm tròn 1 năm thảm họa sóng thần ập đến với nhân dân Nhật Bản. Sau đại họa đó, Nhật Bản đã hồi sinh nhanh chóng, một phần nhờ vào sự tương trợ của các nước trên thế giới. Vì thế, nhân dịp kỷ niệm này, khoảng 500 em học sinh từ thành phố Ishinomaki thuộc tỉnh Miyagi đã đồng ca bài hát mang tên “Arigato” (Cảm ơn) để tri ân thế giới. Hành động này đã làm cho thế giới nghiêng mình kính phục trước hệ thống giáo dục của nước Nhật.

Hôm nay, bài Tin Mừng trình thuật cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu chữa lành mười người phong cùi, tuy nhiên, sau đó chỉ có một người quay lại để tạ ơn Chúa mà thôi. Vậy, tại sao lại có sự chữa lành đó và thái độ tạ ơn của người Samaria đã đem lại cho anh ta những gì?

1. Ý Nghĩa Lời Chúa

Trước tiên, chúng ta tìm hiểu về quan niệm của người Do Thái đối với người bị bệnh phong cùi:

Theo lối suy nghĩ của người Do Thái thời bấy giờ, bệnh phong cùi là một thứ bệnh dơ bẩn, ô uế. Vì thế, người mắc bệnh này chắc chắn bị cô lập. Họ không được sống một cuộc sống bình thường như mọi người, và lẽ đương nhiên bị người cùng thời khinh bỉ. Cuộc sống của họ thường ở ngoại ô, hay nơi vùng sâu vùng xa, ít người qua lại. Nhưng có lẽ khổ tâm hơn cả, chính là họ bị mọi người coi mình như là dấu chỉ bị Thiên Chúa trừng phạt. Những ai mắc bệnh này thì kể như là kẻ bị chúc dữ!

Quả thật, sách Lêvi cũng đã trình bày sự phân biệt và kỳ thị đối với người bị bệnh phong thời bấy giờ như sau: “Người phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: ‘Ô uế ! Ô uế!’ Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó còn ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13,45-46).

Tuy nhiên, hôm nay Đức Giêsu đã làm cho mọi người phải ngỡ ngàng vì Ngài có một trái tim rộng lớn, Ngài đã “chạnh lòng thương” để vượt lên trên lề luật, ra khỏi quan niệm của dân chúng để cứu giúp những người đau khổ.

Câu chuyện được khởi đi từ việc Đức Giêsu đi đến một làng kia và có mười người phong cùi biết tin Ngài đi qua, nên đã đến để xin Ngài chữa lành cho mình: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” (Lc 17, 13 ). Câu nói này thể hiện niềm tin của họ vào Đức Giêsu cách tuyệt đối. Vì tin, nên những người bệnh này cũng đã phá tan hàng rào kỳ thị của dân chúng xưa nay cũng như lòng tự ti của chính mình để miễn sao gặp được Đức Giêsu và mong ước được Ngài yêu thương, chữa lành. Và, khi nghe thấy họ kêu xin mình như vậy, Đức Giêsu đã “chạnh lòng thương” và Ngài đã ra tay cứu giúp khi nói: “Hãy đi trình diện với các tư tế. Ðang khi đi thì họ đã được sạch” ( Lc 17, 14 ). Qua hành vi chữa lành bệnh tật này, Đức Giêsu thể hiện lòng thương xót, nhân từ của Thiên Chúa cho nhân loại. 

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả chính là Đức Giêsu đã giải thoát họ về mặt tinh thần. Từ nay họ không còn bị xã hội xa lánh, khinh miệt và nguyền rủa nữa. Cũng kể từ nay, họ được hòa nhập với xã hội và người thân. Đây có lẽ là điều hạnh phúc nhất của họ.

Sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong bài Tin Mừng hôm nay đó là đức tin và lòng biết ơn:

Trước tiên, vì tin, những người phong cùi mới kêu lên: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” (Lc 17, 14). Vì tin, họ mới nghe lời Đức Giêsu để đến trình diện tư tế khi cha lành bệnh. Và, kết quả là nhờ lòng tin, họ đã được lành sạch khi đang trên đường đi trình diện các Tư Tế.

Thứ đến, là lòng biết ơn. Tất cả mười người đều được lành sạch cả, nhưng chỉ có một người trong nhóm họ đến tạ ơn Đức Giêsu mà thôi. Thật chớ trêu thay, người đó lại là người Samaria dân ngoại, còn những người Do Thái thì có những thái độ ngược lại. Thấy vậy, Đức Giêsu mới hỏi: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?  Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17, 18-19). Câu hỏi này vừa nói lên sự ngỡ ngàng và chua chát của Đức Giêsu với người Do Thái, vốn được coi là dân riêng của Thiên Chúa, nhưng đã không hề chân nhận những ơn lành mà Ngài đã thi ân. Thái độ này của họ đã được Đức Giêsu cảnh báo: “Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 8, 11).

Cuối cùng, nhờ lòng biết ơn, người Samaria này đã sinh hoa trái về đàng thiêng liêng cho chính mình. Người này được sạch cả bên trong lẫn bên ngoài, còn những người Do Thái thì tuy bên ngoài đã sạch, nhưng tâm hồn của họ vẫn bị thứ bệnh phong cùi vô hình làm cho họ mất cảm thức về ơn cứu độ.

2. Sống Sứ Điệp Lời Chúa

Hôm nay chúng ta được nghe tường thuật bài Tin Mừng Chúa chữa mười người phong cùi về mặt thể lý, và điểm then chốt mà sứ điệp lời Chúa hôm nay muốn nhấn mạnh đó là cần phải có niềm tin và lòng biết ơn đối với Thiên Chúa. Đồng thời cũng muốn cho mỗi chúng ta ý thức được mình cũng là người tội lỗi cần được Chúa thứ tha.

Đã nhiều lần ta nghe đâu đó, hay chính chúng ta đã hứa với Chúa: “Lạy Chúa, xin cho gia đình con được bình an, hạnh phúc, được nhiều người giúp đỡ. Con cái ngoan hiền, thi cử đỗ đạt, gia đình có công ăn việc làm, buôn bán được thuận lợi”, rồi sau đó hứa với Chúa là sẽ thay đổi như: bỏ rượu, cờ bạc, trai gái và chăm chỉ đi lễ nhà thờ, lần hạt, chia sẻ bác ái… . Nhưng khi đạt được rồi thì bỏ luôn không còn nhớ gì hay nếu có nhớ thì cũng làm ngơ không để ý đến lời thề của mình với Chúa, Đức Mẹ và các thánh nữa. Vẫn còn đó câu ngạn ngữ: “Hết rên, quên thầy”; “được chim bẻ ná, được cá quăng nơm”; “chắp tay lạy Đức Chúa Trời, cho con lấy vợ con thôi nhà thờ”.

Mong thay, mỗi người chúng ta hãy có một đức tin mạnh mẽ và luôn mang trong mình tâm tình tạ ơn Chúa để được cứu độ. Hồng ân này đã được kinh Tiền tụng Thánh Thể IV diễn tả: “Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Thật ra, Cha không cần chúng con ca tụng, nhưng được ca tụng Cha lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Cha, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tin tưởng vào Chúa như những người phong cùi khi xưa, và xin cho chúng con có thái độ biết ơn như người Samarria trong bài Tin Mừng hôm nay. Ước gì lời tạ ơn của chúng con được Chúa chúc lành và ban ơn cứu độ. Amen.

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Tư tuần III Phục Sinh: Hễ ai thấy Chúa Con thì thấy sự sống đời đời...

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng