Các Bài Suy Niệm Lễ Chúa Ba Ngôi - Năm C

CÁC BÀI SUY NIỆM LỄ CHÚA BA NGÔI – NĂM C

(Cn 8, 22-31; Rm 5, 1-5; Ga 16, 12-15)

 

1/ NGỠ NGÀNG

 (ĐTGM Giuse Vũ Văn Thiên)

“Ngỡ ngàng” là tâm trạng của một người khi đứng trước một công trình hay một biến cố kỳ diệu. Trước công trình kỳ diệu đó, người chiêm ngắm thốt lên lời khen ngợi và cảm phục. Sự ngỡ ngàng thường đi liền với lòng yêu mến tri ân. Ngày lễ Chúa Ba Ngôi, Phụng vụ ngỡ ngàng thán phục tôn vinh sự kỳ diệu của Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là một trong ba “Mầu nhiệm cả” của Đức tin Kitô giáo. Thánh Gioan tông đồ khẳng định: Thiên Chúa là Tình Yêu”. Đã là tình yêu, thì phải có đối tượng được yêu. Mặc dù Thiên Chúa yêu thương con người, nhưng con người lại không phải đối tượng tương xứng của tình yêu cao cả nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa không đơn độc. Ngài là Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con nồng thắm và diệu kỳ đến nỗi từ tình yêu này phát xuất Chúa Thánh Thần. Công đồng Rôma năm 382 đã viết: “Đây là ơn cứu rỗi của các Kitô hữu: tin vào Chúa Ba Ngôi, tức là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; được thanh tẩy trong Chúa Ba Ngôi, chúng ta phải tin vững vàng rằng Thiên Chúa Ba Ngôi là một Thiên Chúa duy nhất và quyền năng, vinh quang và hằng hữu”. 

Nội dung Bài đọc I là sự ngỡ ngàng của Đức Khôn Ngoan khi nói về Đức Chúa. Đức Khôn Ngoan ca tụng Đức Chúa đã thực hiện công trình sáng tạo. Trong công trình kỳ diệu ấy, Đức Khôn Ngoan là tác phẩm đầu tay. Dưới lăng kính Kitô giáo, Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa là chính Đức Giêsu. Người đã có tự muôn thuở, “được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha”. Người ở với Chúa Cha từ trước khi vũ trụ được khai nguyên. Cùng với Chúa Cha, Đức Khôn Ngoan thực hiện công trình sáng tạo, Người “hiện diện bên Chúa Cha như người thợ cả”. Như thế, Đức Khôn Ngoan ngang hàng với Chúa Cha và cùng với Chúa Cha hoạt động không ngừng để làm cho vũ trụ thêm huy hoàng đẹp đẽ.

Là người tin Chúa, chúng ta ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của vũ trụ, đồng thời chúng ta tuyên xưng Chúa là Đấng làm nên vẻ đẹp đó. Sự huy hoàng của vũ trụ được tác giả Thánh vịnh 8 ca ngợi: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài”. Trong tất cả các loài thụ tạo, con người được Chúa ưu ái nhất, và con người “chẳng thua kém thần linh là mấy, vì được Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên”. Theo sách Sáng thế, sau khi tạo dựng muôn loài, Thiên Chúa trao đất đai cho con người canh tác và làm cho đất phì nhiêu màu mỡ. Thiên Chúa đã đặt con người thay Ngài lên cai quản vũ trụ.

Nhìn lại lịch sử Cứu độ, chúng ta ngỡ ngàng trước quyền năng và tình yêu thương của Thiên Chúa. Ngài đã hướng dẫn lịch sử bằng cánh tay uy quyền của người cha, và bằng tình yêu thương dịu dàng của người mẹ. Con người nhiều lần phản nghịch lỗi phạm giới răn của Chúa, nhưng Ngài luôn tha thứ bao dung. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài là Đức Giêsu đến trần gian. Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, có sứ mạng hoà giải Thiên Chúa với con người và nối kết con người với nhau trong tình huynh đệ thân thương. Dân chúng nghe lời giảng dạy của Người đều ngỡ ngàng trước sự khôn ngoan của Người. Qua Đức Giêsu, họ nhận ra “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài”. Họ tung hô: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”.

Nếu dân chúng ngỡ ngàng trước sự khôn ngoan của Đức Giêsu, họ cũng hết sức ngỡ ngàng và bàng hoàng trước cái chết của Người trên thập giá. Vị sĩ quan người Rôma, khi chứng kiến cái chết của Người, đã thốt lên: “Quả thực, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Vì oán hận ghen tương, con người đã giết Con Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã mang lấy án phạt để nhân loại được hạnh phúc. Con Thiên Chúa đã trở nên nô lệ để con người được tự do. Ngước nhìn thập giá, người tín hữu tôn thờ Thiên Chúa, Đấng yêu thương nhân loại và hy sinh vì hạnh phúc của con người.

Ông Phêrô cùng với các tông đồ và những khách hành hương ở Giêrusalem ngày lễ Ngũ Tuần đã ngỡ ngàng trước điều kỳ diệu Chúa Thánh Thần đã thực hiện. Ngài ngự trên các ông như hình lưỡi lửa, đồng thời ban cho các ông sức mạnh thần linh. Các ông mở tung cánh cửa đang đóng kín, mạnh mẽ rao giảng Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai và là Đấng Cứu độ. Chúa Thánh Thần là Thần Khí sự thật, là Đấng Bảo Trợ mà Chúa Giêsu đã hứa với các tông đồ (Bài đọc II). Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động giữa Giáo Hội và thế giới hôm nay, để giúp cho Giáo Hội phát triển và cho Sự Thật được thực thi trong đời sống con người. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa và thân thưa với Ngài: Áp-ba! Cha ơi!.

Câu chuyện sáng tạo và câu chuyện cứu độ do Thiên Chúa thực hiện không chỉ là câu chuyện xa xưa, nhưng vẫn đang là câu chuyện của hôm nay và là câu chuyện của cá nhân mỗi người. Khi tôn vinh Chúa Ba Ngôi, chúng ta ngỡ ngàng nhận ra bản thân mỗi người là một công trình kỳ diệu của Chúa Ba Ngôi. Ba hoạt động: sáng tạo, cứu độ và thánh hoá luôn đan xen hoà quyện trong chính mỗi người chúng ta. Quả thật, nhờ ơn Chúa chúng ta sống động và hiện hữu; nhờ ơn Chúa chúng ta được giải thoát và thứ tha; nhờ ơn Chúa chúng ta được thêm sức và thánh hóa. Một số nhà Thần học có khuynh hướng “phân công” ba hoạt động này như sau: Chúa Cha là Đấng Sáng tạo, Chúa Con là Đấng Cứu chuộc, Chúa Thánh Thần là Đấng canh tân và thánh hoá. Thực ra, mỗi tác động này đều là tác động của Ba Ngôi Thiên Chúa, vì Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cùng ở trong nhau và cùng nhau hoạt động. Và, kỳ lạ thay, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, dù bé nhỏ nghèo hèn, chúng ta cũng được tham dự vào dòng chảy tình yêu tuyệt vời nơi cung lòng Ba Ngôi, như Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).

“Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”. Khi làm dấu Thánh giá, chúng ta cảm thấy ngỡ ngàng. Bởi lẽ là thụ tạo nhỏ bé hèn mọn, mà chúng ta lại được tái sinh nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng thời nhân danh Chúa Ba Ngôi trong mọi hành động. Nhân danh Chúa để làm việc, để suy tư, để dùng bữa và nhất là để cầu nguyện. Khi nhân danh Chúa mà làm việc, chắc chắn những việc chúng ta làm sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp.

Ngỡ ngàng trước những điều kỳ diệu cao cả ấy, chúng ta cùng cất lời tôn vinh: “Sáng Danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen”.

2/ THIÊN CHÚA TÌNH YÊU

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Một bạn trẻ hỏi tôi: “Thưa Cha, tại sao đạo Phật khi xây chùa thì chọn những nơi rừng núi thâm u, xa hẳn thị thành, còn đạo Công Giáo khi xây nhà thờ lại chọn những nơi dân cư đông đúc, phồn hoa đô hội?” Tôi trả lời: “Bạn quả là có con mắt nhận xét. Việc xây cất chùa chiền, nhà thờ như vậy, thực ra, phát xuất từ quan niệm nền tảng của đạo. Đạo Phật là đạo xuất thế. Đức Phật vì thấy những cảnh khổ ở đời trong sinh, lão, bệnh, tử nên đã tìm môt con đường mong giải thoát chính mình và nhân loại khỏi cảnh khổ não ở đời. Vì thế Ngài đã từ giã cung đình, rũ sạch bụi trần, xa lánh phồn hoa. Trái lại đạo Công Giáo là đạo nhập thế. Thiên Chúa thấy con người trầm luân khổ ải nên chạnh lòng thương, đã sai Con Một là Chúa Giêsu xuống trần để cứu độ chúng sinh. Chúa Giêsu xuống trần không chỉ là nhập thế, mà còn hoá thân một người nghèo sống giữa người nghèo, người tội lỗi để đưa mọi người về với Chúa, đó là nhập thể. Có thể nói đạo Công Giáo diễn tả việc Thiên Chúa đi tìm con người.

Thiên Chúa đi tìm con người vì Thiên Chúa yêu thương con người. Không yêu thương thì chẳng việc gì phải đi tìm. Đi tìm tức là có quan tâm. Xa vắng thì nhớ. Thấy khổ vì thương. Vì thương, vì yêu nên phải cất bước đi tìm.

Không phải Thiên Chúa chỉ yêu thương khi con người gặp đau khổ. Thực ra Thiên Chúa đã yêu thương con người từ trước, từ khi chưa có con người. Vì Thiên Chúa là tình yêu thương.

Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu thì không thể sống đơn độc nên phải có Ba Ngôi. Vì yêu thương không chỉ là cho đi nhưng còn là nhận lãnh. Muốn cho đi, phải có đối tượng để nhận lãnh. Muốn nhận lãnh cũng đòi phải có người sẵn sàng cho đi. Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên Thiên Chúa là Ba Ngôi để có thể cho đi và nhận lãnh.

Thiên Chúa là tình yêu tuyệt hảo nên sự cho đi và nhận lãnh ở nơi Ba Ngôi Thiên Chúa cũng đạt đến mức tuyệt hảo. Thiên Chúa Cha trao ban cho Chúa Con tất cả những gì mình có, nên Chúa Con là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha, đến nỗi Chúa Giêsu có thể nói: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy, Thầy và Cha là một”. Vì yêu, Chúa con dâng lại cho Chúa tất cả những gì mình nhận lãnh. Việc hiến dâng này ta thấy rõ trong thái độ khiêm tốn, tự hạ, vâng phục vô biên của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha. Chúa Giêsu đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Chúa Giêsu đã quả quyết: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu”. Và Người đã vì Chúa Cha mà hiến mạng sống.

Thiên Chúa là tình yêu tuyệt đối. Tình yêu ấy không chỉ đóng kín nơi bản thân mình. Cũng không chỉ dừng lại ở một đối tượng hạn hẹp. Nhưng vượt mọi ranh giới, lan toả đến mọi góc biển chân trời. Ba Ngôi Thiên Chúa là một bầu trời tình yêu hạnh phúc. Nhưng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa không chỉ thu gọn trong cộng đoàn Ba Ngôi, mà lan toả đến khắp vũ trụ, ấp ủ cả thế giới, nâng niu cả sinh linh vạn vật. Ba Ngôi là một lò lửa tình yêu. Lò lửa tinh luyện tình yêu càng ngày càng phong phú, là nguồn mạch của mọi tình yêu trên đời.

Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi như thế không xa vời. Trái lại rất gần gũi, thiết thân với đời sống chúng ta, là nguồn mạch sự sống của ta, là khuôn mẫu ta phải noi theo, là cùng đích ta phải đạt tới.

Ta ra đời là do tình yêu của Thiên Chúa. Có thể nói nhân loại là kết tinh của tình yêu Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã nói: “Ta hãy tạo dựng con người giống hình ảnh Ta”. Thiên Chúa là tình yêu. Con người giống Thiên Chúa vì có trái tim biết yêu thương. Cây cỏ không có trái tim biết yêu thương. Cầm thú không có khả năng yêu thương. Chỉ có con người mới có khả năng yêu thương vì con người giống Thiên Chúa.

Nhưng tình yêu ở nơi con người chưa hoàn hảo vì còn chen lẫn nhiều ích kỷ, hận thù, ghen ghét. Vì thế con người còn phải thanh luyện cho tình yêu ngày càng thêm tinh tuyền, thêm quảng đại, thêm phong phú. Càng yêu thương con người càng nên giống Thiên Chúa. Càng quảng đại con người càng gần với trái tim Thiên Chúa. Càng quên mình con người càng tham dự vào sự sống Thiên Chúa.

Được sinh ra trong tình yêu nên con người phải sống bằng tình yêu. Như thế con người mới sống trọn định mệnh đời mình. Như thế con người mới đạt được cùng đích đời mình là sống hạnh phúc trong tình yêu muôn đời của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, là nguồn mạch tình yêu, là sự sống sung mãn, là thiên đàng hạnh phúc, con đã được sinh ra trong tình yêu của Chúa. Xin cho con biết sống tình yêu hy sinh theo gương Chúa Giêsu Kitô, để con được kết hợp với Chúa, sống chan hoà hạnh phúc trong tình yêu muôn đời của Chúa.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Thiên Chúa là tình yêu. Bạn cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa thế nào?

2) Bạn có là hình ảnh tình yêu của Thiên Chúa chưa?

3) Bạn làm gì để sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi?

3/ CHÚC TỤNG THIÊN CHÚA BA NGÔI – R. VERITAS

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

“Chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, vì Chúa đã tỏ lòng từ bi đối với chúng ta”. Đó là lời mở đầu của thánh lễ mừng kính Thiên Chúa Ba Ngôi. Các bản văn phụng vụ không nhằm giải thích tại sao một Thiên Chúa duy nhất mà lại có ba ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Mạc khải trọn vẹn về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đã được hoàn tất nơi Chúa Giêsu Kitô. Nhưng cả khi mạc khải cho các môn đệ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu cũng không dạy tại sao Thiên Chúa duy nhất phải có ba ngôi. Chúa Giêsu đã mạc khải cho các tông đồ, nhất là trong bài diễn văn về việc hiện hình trong bữa tiệc ly vì sự hiện diện và tác động của từng ngôi Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, và về mối tương quan hiệp nhất giữa ba ngôi mà không giải thích lý do tại sao. Các tông đồ lúc đó cũng không thắc mắc tại sao như vậy, nhưng các ngài đã yêu mến chấp nhận và sống mầu nhiệm với hết lòng chân thành: “Ta và Cha Ta, chúng ta chỉ là một. Ai tuân giữa giới răn Ta truyền, thì chúng ta sẽ đến ngự trong người đó”. Và nơi Phúc Âm thánh Gioan chương 16,12-15 được dùng trong thánh lễ kính Đức Chúa Trời Ba Ngôi là những lời Chúa Giêsu mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần.

Vấn đề quan trọng nhất không phải là biết hết tất cả mọi sự về Thiên Chúa, mà là sống mầu nhiệm về Thiên Chúa. Sự hiểu biết của con người tuy có thể đạt được phần nào về Thiên Chúa, nhưng không thể nào biết trọn được cả. Sự việc đã xảy ra cho thánh Augustinô khi thánh nhân suy nghĩ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi còn là một lời dạy cho chúng ta ngày hôm nay. Trí khôn con người hữu hạn, làm sao có thể hiểu hoàn toàn về Thiên Chúa vô cùng. Nếu muốn hiểu thì chẳng khác nào muốn đem nước của đại dương mênh mông mà đổ vào trong một lỗ nhỏ, như một trò đùa của em bé mà thánh Augustinô gặp nơi bờ biển. “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lãnh hội được. Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật. Người sẽ đưa các con vào trọn cả trong sự thật.”

Mỗi ngày, chúng ta cần lớn lên trong tương quan với Thiên Chúa, cần được Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn chúng ta tiến sâu vào trong mầu nhiệm Ba Ngôi của Thiên Chúa. Đây là một sự khám phá vô cùng và mãi mãi không bao giờ ngừng cả khi chúng ta được đối diện với Thiên Chúa trong cõi đời đời.

Mỗi ngày, chúng ta càng được hướng dẫn hay để cho mình được hướng dẫn tiến sâu vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thì chúng ta càng trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến, càng được thần thiêng hóa và trở nên giống Thiên Chúa hơn và đối xử với anh chị em chung quanh như chính Thiên Chúa muốn, càng được thấm nhuần trong mầu nhiệm Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện, kết hiệp thân tình với Thiên Chúa, thì chúng ta càng có tâm hồn quảng đại, mở rộng đón nhận anh chị em chung quanh và mời gọi họ trong mọi hoàn cảnh cụ thể. Đây là kinh nghiệm sống đức tin của những vị thánh mà không sự chứng minh hay giải thích nào của lý trí có thể đủ sức trình bày.

Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần, mà dấu Thánh Giá chúng ta mang lấy trên thân mình hàng ngày trước mỗi công việc quan trọng ban cho chúng ta được mỗi ngày một tiến sâu vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, được ẩn mình trong Thiên Chúa, được biến đổi trong Thiên Chúa để sống trọn cuộc sống con người của mình trên trần gian này và mãi mãi trong cõi vĩnh phúc mai sau.

4/ CHÚA BA NGÔI

Trong cuộc đời, có nhiều điều lạ lùng mà trí khôn hạn hẹp của người không bao giờ có thể hiểu thấu. Để diễn tả những thực tại lạ lùng ấy, cha ông chúng ta ngày xưa đã thách: Đố ai biết núi mấy cây, biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng. Đố ai quét sạch lá rừng, để ta khuyên gió, gió đừng rung cây. Đố ai biết đá mấy hòn, tua rua mấy chiếc, trăng tròn mấy đêm. Đố ai tát bể Đông khô, tất sông Bồ Đề, nhổ mạ cấy trên.

Trong tất cả mọi thực tại tuyệt diệu khó hiểu của cuộc sống con người, có lẽ tình yêu là khó hiểu nhất: Đố ai cắt nghĩa được tình yêu, có nghĩa gì đâu một buổi chiều…Tình yêu của con người mà còn khó hiểu, thì tình yêu của Thiên Chúa lại càng khó hiểu hơn gấp ngàn vạn lần. Bởi vì, Thiên Chúa được gì khi tạo dựng nên chúng? Tại sao Chúa lại phải chịu chết để cứu chuộc chúng ta? Chỉ có tình yêu đích thực vô biên và vô vị lợi mới trao ban sự sống và tận hiến tất cả.

Lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay cho chúng ta thấy được mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Và theo sự diễn tả của thánh Gioan, thì từ nguyên thủy đã có tình yêu và tình yêu qui hướng về Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa chính là tình yêu. Và tình yêu đã nhập thể, đến sống giữa chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã tỏ lộ ra cho loài người, như là Con Thiên Chúa. Đồng thời, trong Ngài chúng ta nhận Thiên Chúa là Cha và Chúa Thánh Thần như là người mẹ trao ban sự sống. Tuy chỉ là một, nhưng Ngài lại có Ba Ngôi, đó là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Chúa Cha là Đấng hướng dẫn toàn bộ cuộc sống con người và lịch sử thế giới. Chính Ngài đã trao ban cho Chúa Con sức mạnh dẫn đưa con người và thế giới trở về với Ngài, theo chương trình tình yêu nguyên thủy của thời tạo dựng.

Khi vâng lời Chúa Cha trong mọi sự, Chúa Con sửa chữa cho nhân loại khỏi án phạt sự chết và khỏi một cuộc sống xa lìa Thiên Chúa, cũng như nổi loạn chống lại thánh ý Ngài. Đồng thời, Chúa Cha còn hướng dẫn cuộc sống của các Kitô hữu và của Giáo Hội, dân riêng mới của Ngài, qua sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng trợ giúp con người hiểu biết sự thật toàn vẹn. Nghĩa là hiểu biết và chấp nhận chương trình yêu thương và cứu độ mà Thiên Chúa đã có đối với con người và thế giới.

Tuy nhiên, ở đây cũng như trong thời tạo dựng, Thiên Chúa hoàn toàn tôn trọng sự tự do của mỗi người chúng ta. Ngài để cho chúng ta được tự do quyết định chấp nhận hay khước từ chương trình cứu độ đầy yêu thương ấy. Chính vì thế, như một câu danh ngôn đã bảo: Hãy tự cứu lấy mình, rồi trời sẽ cứu. Con người nắm giữ vận mạng trong chính lòng bàn tay của mình. Hay như lời thánh Augustinô đã nói: Khi tạo dựng nên chúng ta, Thiên Chúa không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng để cứu độ chúng ta, Ngài cần chúng ta ưng thuận và cộng tác với Ngài, bởi vì Ngài sẽ không thể cứu độ chúng ta, nếu như chính bản thân chúng ta lại không muốn.

 

bài liên quan mới nhất

Thánh Catherine Thành Siena: Đặc sủng Chữa Lành và Hộ Giáo

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng