Các Bài Suy Niệm Lễ Vọng Đức Maria Hồn Xác Lên Trời

CÁC BÀI SUY NIỆM LỄ VỌNG ĐỨC MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI

(1 Sb 15, 3-4. 15-16; 16, 1-2; 1 Cr 15, 54-57; Lc 11, 27-28)

 

1/ Bài giảng Thánh lễ Vọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của Đức TGM Girelli tại La Vang

Trước tiên, tôi xin gửi lời chào đến tất cả mọi người hiện diện ở đây. Thật là một niềm vui lớn cho tôi khi được hiện diện trong biến cố hân hoan này, với tư cách là đại diện của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tại Việt Nam.

Tôi xin hiệp ý với anh chị em trong lời cầu nguyện tại nơi La Vang thân yêu này, khi chúng ta cùng nhau cử hành Lễ Vọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Xin thân ái kính chào Đức Tổng giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng giám mục Huế; Đức Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, cùng toàn thể quý giám mục, quý linh mục, quý tu sĩ và tất cả anh chị em.

Xin cám ơn sự hiện diện của tất cả anh chị em.

Tôi xin chuyển đến anh chị em những lời cầu chúc tốt đẹp nhất và phép lành từ Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Đức Thánh Cha rất thân thiết gần gũi với Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt trong dịp cử hành nghi thức Đặt Viên Đá Đầu Tiên của Đền Thánh Toàn Quốc La Vang.

Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là ngày lễ của niềm vui, và hôm nay, niềm vui của chúng ta lại càng lớn hơn nữa, vì hôm nay, chúng ta khởi công xây dựng Đền Thánh Toàn Quốc này, để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria, người Mẹ trên trời của tất cả chúng ta.

Trong bài đáp ca chúng ta vừa nghe, đó là bài thánh ca Magnificat, bài ca tuyệt diệu của niềm vui, xuất phát từ tâm hồn Mẹ Maria để ca tụng Thiên Chúa, nghĩa là loan báo những kỳ công của Ngài. Mẹ hằng mong mỏi cho Thiên Chúa được tôn vinh, được trở nên cao cả trên trần gian này và trong cuộc đời của Mẹ nữa, cũng như sự hiện diện của Mẹ giữa chúng ta. Mẹ biết rằng nếu Thiên Chúa cao cả, thì chúng ta cũng sẽ được trở nên giống như Người, vì cuộc sống của chúng ta không bị áp bức đè nặng, nhưng được thăng hoa và triển nở.

Thế giới hiện tại, với lối sống thực dụng hoặc ý thức hệ vô thần, luôn muốn Thiên Chúa của chúng ta biến mất đi, sợ rằng Ngài không ban được cho chúng ta sự tự do. Thế nhưng, một khi Thiên Chúa đã biến mất đi, thì con người lại chẳng trở nên tốt đẹp hơn tí nào, và rút cuộc, con người đơn thuần chỉ là một sản phẩm của cuộc tiến hóa, để con người chỉ có thể đem ra dùng, bị lợi dụng, và bị lạm dụng mà thôi. Chỉ có khi nào Thiên Chúa được tôn vinh cao cả thì nhân loại mới có thể trở nên tốt lành.

Chúng ta hãy làm cho Thiên Chúa được trở nên cao cả, được tôn vinh ngay tại Việt Nam của chúng ta, qua việc xây dựng Đền Thánh Toàn Quốc này, dâng kính Đức Mẹ La Vang. Đền Thánh này sẽ là Nhà của Thiên Chúa, bởi vì khi tôn vinh Đức Maria như là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta cũng tôn vinh Ngài chính là nơi mà Thiên Chúa ngự.

Mẹ Maria đã dọn chỗ cho Thiên Chúa trong tâm hồn mình, và như thế, Mẹ thực sự trở nên đền thờ đích thực, là nơi chính Thiên Chúa nhập thể và hiện diện nơi trần gian này. Mẹ Maria đã trở thành ngôi nhà của Thiên Chúa, bởi vì Mẹ đã tin thật vào Chúa. Cũng như Mẹ, Giáo Hội Công Giáo cũng tin vào sự thật của Thiên Chúa hiện thân nơi Đức Kitô.

Nơi Đức Kitô, chúng ta tìm ra sự thật về Thiên Chúa và loài người. Nơi Ngài, mọi người sẽ tìm thấy sự tự do trọn vẹn, tìm thấy ánh sáng để hiểu ra chân lý sâu xa và biến đổi nó bằng sức mạnh của tình yêu.

Như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói rằng trong chân lý của Chúa Kitô, chúng ta khám phá ra nền tảng của những giá trị luân lý chứa đựng những chỉ dẫn rõ ràng về sự sống, sự chết, về bổn phận, về quyền lợi, về hôn nhân gia đình và xã hội; tóm một lời, nó bao hàm những giá trị bất khả xâm phạm của con người.

Kitô giáo, khi làm sáng tỏ những giá trị ấy, không muốn áp đặt ai cả, nhưng muốn đưa ra lời mời gọi về Chúa Kitô để hiểu biết sự thật, mà sự thật sẽ giải thoát chúng ta.

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu tin tưởng trao phó cho Giáo Hội nối tiếp sứ mạng của Người.

Để làm tròn bổn phận này, Giáo Hội phải quan tâm đến sự tự do tôn giáo căn bản, gồm khả năng rao giảng và cử hành đức tin cách công khai, mang sứ điệp tình thương cho người khác, mang lại sự giao hòa và bình an mà Chúa Giêsu đã đem đến cho trần gian.

Tại Việt Nam, Giáo Hội từng bước đã có thể thi hành sứ vụ căn bản này cho việc diễn tả đức tin một cách cởi mở và công khai.

Hôm nay, tại La Vang này, chúng ta cùng biết ơn Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện dễ dàng để tái thiết Thánh Địa này, nơi được coi như Trái Tim của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Hơn lúc nào hết, ước gì những sự hiểu biết lẫn nhau được tiếp tục mãi, và tôi mong ước khuyến khích Chính quyền củng cố và tăng cường những gì đã được thực hiện qua đối thoại.

Quyền tự do của con người về tôn giáo, riêng tư, cũng như trong chiều kích công cộng, diễn tả một sự duy nhất tính của nhân bản của con người, con người đó, cùng một lúc, là một công dân và một tín hữu.

Như lời của Đức Thánh Cha, chúng ta sẽ trở thành những người tín hữu tốt và công dân tốt, và chúng ta sẽ trở thành những công dân tốt nếu như chúng ta là những Kitô hữu tốt.

Trong thực tế hôm nay, người tín hữu có bổn phận phải tham gia vào việc xây dựng xã hội và củng cố những giá trị mang tính xã hội. Nuôi dưỡng niềm hy vọng để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, và tạo những điều kiện thuận lợi để kiến tạo hòa bình và sự phát triển hài hòa bằng các nguyên lý Phúc Âm.

Khi Giáo Hội Công giáo đề cao những quyền lợi này, Giáo Hội không hề muốn đòi hỏi những đặc ân nào riêng cho mình, mà Giáo Hội chỉ muốn trung thành với Thiên Chúa, với Đức Kitô và với Tin Mừng Phúc Âm.

Ở đâu có Chúa Kitô hiện diện, chúng ta trở nên nhân đạo hơn, và tính nhân loại của chúng ta trở nên hiện thực hơn. Đó là lý do tại sao mà Giáo Hội luôn tìm những chứng từ sống động bằng rao giảng và dạy dỗ. Hy vọng lớn lao biết mấy khi sắp tới đây, trên Đất Nước mến yêu này, Giáo Hội có thể mang lại cho những lĩnh vực của sự hiểu biết với các trường trung học, đại học và các phúc lợi của sứ vụ mình.

Anh chị em thân mến, “tin” có nghĩa là đi theo con đường chỉ dẫn của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, với một ý thức sâu sắc về trách nhiệm đối với thế giới và lịch sử chúng ta đang sống, từ đó, chúng ta tham gia một cách hữu hiệu vào việc xây dựng một thế giới chan hòa công lý, nhân ái và hòa bình.

Năm Đức Tin bắt đầu từ tháng 10 tới đây, là cơ hội đặc biệt để nhắc lại lời cam kết đức tin của chúng ta.

Vào dịp mừng Đại Lễ Đức Mẹ Lên Trời hôm nay, chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria: Mẹ dẫn chúng ta tới niềm hy vọng, dẫn tới tương lai tràn ngập niềm vui; Mẹ dạy chúng ta cách thế để thực hiện điều ấy bằng cách đón nhận Con của Ngài, là Chúa Giêsu vào trong cuộc sống của chúng ta với lòng tin, bằng cách để lời của Ngài hướng dẫn chúng ta và bằng cách lần bước đi theo Ngài mỗi ngày.

Giờ đây, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa đã cho chúng ta món quà, là chính Mẹ Ngài và cũng là Mẹ chúng ta, và chúng ta hãy khẩn cầu Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng ta biết đi theo con đường Chúa Giêsu mỗi ngày.

Kính xin Mẹ Maria, Mẹ các Giáo Hữu, Nữ Vương Thiên Đàng, gìn giữ nước Việt Nam và đồng hành với chúng ta, cho đến khi hoàn thành Đền Thánh Quốc Gia La Vang này. Xin cám ơn.

Ban Truyền Thông TGP Huế ghi lại

(tonggiaophanhue.net, 16-08-2012)

TGM Leopoldo Girelli

2/ ĐỨC BÀ NHƯ HÒM BIA THIÊN CHÚA VẬY

(Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Lời Chúa trong sách Sử Biên Niên quyển thứ nhất mô tả cảnh “con cái Lêvi rước hòm bia Thiên Chúa với nhạc khí râm ran, vừa đi vừa hát hòa điệu với đàn sắt, đàn cầm, và não bạt, tấu lên những hân hoan” (1Sb 15, 3-4. 15-16; 16, 1-2) làm chúng ta nhớ đến biến cố Mẹ về Trời như lời ca của Triệu Hà diễn tả: “Mẹ lên trời giữa một ngày rực ánh sáng. Đàn ca các Thánh tung hô! Nhân loại vui hát mừng vì xác hồn vẹn tuyền Mẹ về thiên cung. Mẹ lên trời ngày mừng vui cho thiên quốc. Hào quang Mẹ Chúa Ba Ngôi. Sáng ngời khắp chín tầng vì xác hồn vẹn tuyền Mẹ tới thiên đường”. Ngày khiêng hòm bia dân chúng rỗn rã tung hô. Ngày Mẹ được rước lên Trời chín tầng mây thắp sáng, các Thánh tung hô, nhân loại hát mừng, triều thần thiên quốc và trái đất mừng vui, đúng là ngày trời đất hân hoan.

Hòm bia Thiên Chúa

Nói tới hòm bia Thiên Chúa là đề cập đến một cái hộp hay cái hòm bằng một loại gỗ có chiều dài 1, 1 m, cao và rộng 0, 7 m được Môsê làm theo hướng dẫn của Thiên Chúa. Bên ngoài có hai thiên thần Cherubim bảo vệ. Các mặt bên có những vòng khuyên để xỏ đòn vào khi di chuyển hòm bia.

Theo Kinh Thánh, chiếc hòm này chứa những tấm bia giao ước do chính ngón tay Thiên Chúa viết cho dân của Ngài (quen gọi là Mười Điều Răn Đức Chúa Trời); ngoài ra còn có một chiếc hộp nhỏ đựng một ít Manna do chính Chúa ban cho dân Israel trong sa mạc, và có chiếc gậy của Aaron, vị tư tế đầu tiên của Dân Chúa. Vì thế, chiếc hòm này được gọi là hòm bia Thiên Chúa vì mang những kỳ công tay Chúa làm (x. Xh 16, 33 và Ds 17, 10).

Với dân Chúa, hòm bia, là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa các thị tộc Israel thời tiền quân chủ; được Đavít rước về Giêrusalem, thủ đô của đất nước vừa được thống nhất và trở nên nguyên lý cho sự hiệp nhất giữa các chi tộc Israel. Hòm bia được gọi bằng những tên như: Hòm bia giao ước, hòm bia chứng ước, hòm bia Thiên Chúa. Tuy nhiên, tên gọi đầy đủ nhất là: “Hòm bia giao ước của Đức Chúa các đạo binh, Đấng Ngự Trên các thần Kêrubim” (x. 1Sm 4, 4). Nhưng “Hòm bia Thiên Chúa” là tên gọi được dùng nhiều nhất với 82 lần trong Kinh Thánh. Sau này hòm bia được vua Salomon đặt vào nơi Cực Thánh ở trong Đền Thờ Giêrusalem.

Đức Maria, hòm bia hơn cả hòm bia

Ngay từ rất sớm, các nhà Kinh Thánh Tân Ước, các Giáo Phụ và huấn giáo của Hội Thánh đã nhận ra sự tương đồng giữa Đức Maria và hòm bia Thiên Chúa trong câu chuyện truyền tin (Lc 1, 26-38), thăm viếng (39-56) và sách Khải huyền (11, 19 – 12, 1.5. 17) những chi tiết gợi lên hình ảnh về hòm bia Thiên Chúa.

Hình ảnh Đức Maria chỗi dậy, đon đả lên đường viếng thăm bà Isave gợi lên hình ảnh Đavit, chỗi dậy, vội vã cùng toàn dân rước hòm bia Thiên Chúa từ Baalê Giuđa lên Giêrusalem (2 Sm 6, 2). Cũng vậy, bà Isave nghe lời Maria chào thì đứa con trong bụng nhảy lên vì vui sướng (Lc 1, 44) gợi nhớ hình ảnh Vua Đavit nhảy múa quay cuồng trước Nhan Đức Chúa khi hòm bia Thiên Chúa được rước vào Thành (2 Sm 6, 16). Lời bà Isave nói “Em được chúc phúc hơn mọi người nữ, và người Con em đang mang cũng được chúc phúc” (Lc 1, 42) gợi nhớ việc Đavít nhân danh Thiên Chúa chúc lành cho toàn dân (2 Sm 6, 18). Tâm tình của bà Isave: “Bởi đâu tôi được diễm phúc Thân Mẫu Chúa tôi đến viếng thăm” (Lc 1, 43) làm ta liên tưởng đến Đavit nghĩ về sự bất xứng của mình trước Thiên Chúa nên nói: “Hòm bia Thiên Chúa đến với tôi thế nào được” (2 Sm 6, 9).

Trong đoạn sách Khải Huyền 11, 19 – 12, 1.5.17, “Người Nữ”, “Hòm bia Thiên Chúa” cũng đã giao chiến với con con Rồng và nó đã bị đánh bại. Vì thế, lời cầu “Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa” mời gọi chúng ta hãy đến với Mẹ để gặp chính Đấng đã chiến thắng con Rồng xưa. Chắc chắn, có Đức Maria, Người Nữ chiến thắng với Chúa Giêsu Con Mẹ trong cuộc chiến thiêng liêng này, chúng ta sẽ giành phần thắng trước ba thù: thế gian, ma quỷ và xác thịt.

Trong Kinh Cầu Đức Bà có câu: “Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa vậy”. Chúng ta phải khẳng định Đức Maria là hòm bia hơn cả hòm bia Thiên Chúa.

Hòm bia trong Cựu Ước chỉ chứa đựng Mười Điều Răn, hay những vật thánh chứ không cưu mang những vật đó. Trong khi Đức Maria mang trong mình chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, Đấng từ đời đời vẫn là Thiên Chúa (Ga 1, 1 – 2). Mẹ  là hòm bia đích thực, vì qua Mẹ và trong Mẹ, Thiên Chúa đã cắm lều giữa chúng ta. Mẹ là hòm bia hơn cả hòm bia Thiên Chúa.

Hòm Bia diễm phúc được đưa về Trời

Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú” ( Lc 11, 27 là lời của một người nữ thính giả đang nghe Chúa Giêsu giảng cất cao giọng nói. Chúng ta có thể gọi mà không lầm rằng, Hòm bia có tên là Maria là Hòm Bia Hạnh Phúc.

Hòm Bia Hạnh Phúc vì có “Thiên Chúa ở cùng” (Lc 1, 28 ). Lời bà Isave xác nhận: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc” (Lc 1, 42 ). Phúc của hòm bia Maria trổi vượt trên mọi thần thánh trên trời, phúc vì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng là Hồng Phúc đã cư ngụ trong dạ hòm bia Maria chín tháng mười ngày, đến khi chào đời, bia Maria đã ôm ấp bú mớm nâng niu. Hòm bia Maria thật diễm phúc và luôn hạnh phúc, Chúa Giêsu Con Mẹ đã phủ đầy vinh quang trên Mẹ bên trong cũng như bên ngoài, hồng phúc ấy vượt quá sự hiểu biết của chúng ta.

Hòm bia Maria được rước lên Trời hưởng niềm vinh phúc. Mẹ hạnh phúc, Mẹ cũng muốn con cái mình hạnh phúc, nên Mẹ dạy: “Người bảo gì các con cứ làm theo” (Ga 2, 5). Chúa Giêsu bảo: “Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa còn có phúc hơn” ( Lc 11, 28 ).

Xin Mẹ giúp chúng con vâng nghe và giữ lời Thiên Chúa, để trở nên những người con diễm phúc được bao bọc chở che bởi Hòm Bia Hạnh Phúc. Amen.

3/ MẸ MUỐN CHÚNG TA ĐẠT TỚI CÕI PHÚC TRÊN TRỜI

(Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Với đoạn Tin Mừng ngắn gọn vọng lễ chiều nay dìu chúng ta về với Đức Maria đầy ơn phúc được ân thưởng hồng phúc hồn xác về trời, đồng thời khuyến khích chúng ta chuyên chăm lắng nghe và thực hành Lời Chúa để cũng Chúa thưởng hồng phúc như Mẹ.

Đức Maria Người Nữ hạnh phúc

Chuyện xảy ra là khi Chúa Giêsu đang giảng dạy dân chúng, thì từ giữa đám dân chúng có một phụ nữ vì thấy quyền năng và sự khôn ngoan thể hiện trong lời nói và việc làm của Chúa Giêsu, bà đã không thể kìm hãm nổi sự ngưỡng mộ của mình liên cất tiếng ngợi khen Chúa Giêsu bằng cách ca tụng người mẹ đã cưu mang Chúa: “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú” (Lc 11, 27).

Đức Maria là người nữ hạnh phúc, lời đầu tiên của Sứ Thần Gabriel chào Đức Trinh Nữ là bằng chứng: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc” (Lc 1, 28 ) là bằng chứng. Quả thật, mọi phúc lành con người có được kể cả Đức Maria hệ tại ở phúc lành Thiên Chúa ban chứ không tùy thuộc các sự thế trần. Đức Maria là người hạnh phúc, trước hết vì đã được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn. “Phúc thay kẻ được Người chọn lấy và cho lại gần, nơi tiền đình của Người, nó sẽ lưu lại! ” (Ps 65,5). Phúc của Mẹ vượt trên mọi người nữ trần gian, lời của bà Êlisabeth xác nhận: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc” (Lc 1, 42). Mẹ là người diễm phúc vì có: “Thiên Chúa ở cùng” (Lc 1, 28 ). Trong hạnh phúc của Mẹ có hạnh phúc của mỗi người chúng ta.

Nghe và giữ Lời Chúa thì có phúc hơn

Mẹ hạnh phúc, Mẹ cũng muốn con cái mình hạnh phúc, nên Mẹ dạy: “Người bảo gì các con cứ làm theo” (Ga 2, 5 ). Lời Chúa Giêsu đáp lại người đàn bà đã khen Đức Maria là người diễm phúc: “Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa còn có phúc hơn” ( Lc 11, 28 ) cũng là lời Chúa dạy chúng ta hôm nay. Lời này mạc khải cho chúng ta một mối phúc khác ngoài tám mối phúc đã được Chúa Giêsu công bố trong bài giảng trên núi, chúng ta có thể gọi mối phúc đây là mối phúc “lắng nghe Lời Chúa và sống thực hành Lời Chúa“. Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng, mối phúc mà Mẹ Maria đang vui hưởng, là vì Mẹ đã lắng nghe, cẩn thận ghi nhớ và nỗ lực thực hành Lời Chúa từng ngày.

Mẹ trở nên cao trọng không những vì Mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu và cho Chúa bú mớm,  mà còn vì Mẹ đã lắng nghe và thực thi Lời  Chúa hơn ai hết, nhờ vậy Mẹ luôn nhận ra được thánh ý Chúa muốn nơi cuộc đời để rồi cộng tác hết mình với Chúa. 

Chúa Giêsu không có ý phủ nhận vai trò của Mẹ Maria trong việc cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Người; nhưng qua những lời trên đây, Chúa mạc khải mối tương quan sâu xa giữa Đức Maria Mẹ Người với Người; tương quan ấy không chỉ dừng lại ở huyết nhục, nhưng hơn ai hết, Mẹ là người đã triệt để lắng nghe và thực hành Lời Thiên Chúa, vì thế Mẹ đã trở nên gương mẫu cho mọi người chúng ta noi theo.

Để được vào số những người diễm phúc

Mừng lễ Đức Maria hồn xác về trời hôm này, chúng ta dễ dàng nhận ra năng động thiêng liêng của Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta có thể trở thành người có phúc do việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa : “Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa”.

Ai trong chúng ta cũng có thể có được mối phúc ấy, nếu biết khiêm tốn lắng nghe và thực hành lời Chúa truyền dạy. Mối phúc lời Chúa này không phải là độc quyền dành cho Đức Maria. Mẹ đã đi trước làm gương cho chúng ta và muốn cho chúng ta sống như Mẹ đã sống hầu được Thiên Chúa ân thưởng vinh quang hạnh phúc thiên đàng với Mẹ.

Mẹ Maria ơi, trên thiêng đàng con sướng vui, trên thiên đàng con sướng con cùng vui, xin Mẹ giúp chúng con vâng nghe và giữ lời Thiên Chúa, để có được chỗ đứng trên nước trời.  Amen.

 

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 24/4: Thánh Phiđen Díchmarinh ngân, linh mục, tử đạo (1578-1622)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng