Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 26 Thường Niên – Năm C

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 26 Thường Niên – Năm C

(Am 6, 1a. 4-7; 1Tm 6, 11-16; Lc 16, 19-31)

“Ngươi đã được sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ”.

 

1/ HAI CUỘC ĐỜI – HAI SỐ PHẬN

(ĐTGM. Vũ Văn Thiên)

Cũng như Chúa nhật trước, Lời Chúa hôm nay lại nói với chúng ta về chủ đề tiền bạc. Tiền bạc rất cần thiết cho con người. Tiền bạc cũng là lý do xung đột và gây nhiều thảm hoạ. Hai cuộc đời, hai số phận được Chúa Giêsu dùng trong câu chuyện dụ ngôn để gửi gắm một giáo huấn quan trọng. Người khuyên các thính giả, hãy mở lòng quảng đại và hãy nghĩ đến đời sau khi còn đang sống. Người cũng lên án những ai coi của cải thế gian là lý tưởng và cùng đích của cuộc đời. Những người này sẽ phải ân hận. Hai nhân vật chính trong dụ ngôn hoàn toàn khác nhau khi họ sống trên đời cũng như khi họ đã chết.

Hai cuộc đời: ông nhà giàu và Lagiarô là hai thái cực của cuộc sống vật chất. Một người giàu sang, một người nghèo khó. Sự giàu sang cũng như sự giàu có đều được diễn tả ở mức cao nhất. Người giàu lắm bạn bè thăm hỏi; Lagiarô chỉ có con chó làm bạn. Người giàu quần là áo lượt; Lagiarô chỉ có lở loét toàn thân.

Hai số phận: có điểm giống nhau giữa hai nhân vật, đó là cả hai người đều chết. Dụ ngôn không nói rõ, nhưng chắc chắn Lagiarô chết trong âm thầm; còn ông nhà giàu chắc phải có đám tang rất linh đình, như chúng ta thường thấy trong xã hội mọi thời. Cả hai đều chết, nhưng hậu phận lại khác nhau. Người xưa kia giàu, nay trở thành khốn khó; Lagiarô xưa kia nghèo, nay hạnh phúc thảnh thơi. Cả sự khốn khó và hạnh phúc của hai nhân vật này cũng được diễn tả ở mức cao nhất. Trước đây Lagiarô mong ước đồ ăn thừa, mà chẳng có ai cho; bây giờ ông nhà giàu chỉ mong được chấm một giọt nước vào lưỡi cho giảm nhiệt do bị thiêu đốt, cũng không được.

Người phân xử ở đây không phải là Thiên Chúa, mà là ông Abraham. Ông là Tổ phụ của dân Do Thái. Lề luật mà ông Abraham nại đến, đó là ông Môisen. Ông được tôn kính trong truyền thống dân tộc và là nhân vật biểu tượng cho lề luật. Như thế, sống ở đời là tự chọn cho mình sự phán xét. Hạnh phúc hay khốn khó, nhiều khi tự mình chọn cho mình. Trả lời cho đề nghị xin cử Lagiarô về để cảnh báo người thân, Tổ phụ trả lời: Ai có số phận người ấy. Đã có giáo huấn của ông Môisen và các ngôn sứ.

Trong tin mừng thánh Luca, dụ ngôn này được xếp liền với một chuỗi giáo huấn của Chúa Giêsu về cách sử dụng của cải. Qua hình ảnh hai nhân vật trong dụ ngôn, Chúa muốn răn dạy mọi người, hãy khôn ngoan và thận trọng khi sử dụng của cải. Ông nhà giàu đáng trách không phải vì ông ta lắm của. Giàu có không phải là một tội, cũng như nghèo nàn không phải là điều xấu. Tội của ông nhà giàu là sự dửng dưng vô cảm trước nỗi khổ của người nghèo nằm ngay trước cổng nhà mình. Khoảng cách từ bàn ăn đến cánh cổng chẳng bao xa, mà ông chẳng bao giờ vượt qua, vì ông thực sự không muốn. Theo giáo huấn của Kinh Thánh, Thiên Chúa là Đấng cảm thương và bênh vực những người nghèo khó và bé mọn. Nếu người đời hắt hủi họ, thì Thiên Chúa lại ôm họ vào lòng. Ông Abraham chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Ngài luôn giàu lòng xót thương những người đau khổ, và bảo vệ những người bị ức hiếp.

Lời phê phán của Tổ phụ Abraham đối với ông nhà giàu cũng là lời ngôn sứ Amos (khoảng thế kỷ VII trước Công nguyên) lên án những người giàu mà bóc lột người nghèo (Bài đọc I). Nếu sống ở thời đại chúng ta, ngôn sứ Amos sẽ lên án những quan tham gian lận của công, những con sâu mọt làm nghèo đất nước. Một vị lãnh đạo của Việt Nam đã nói: “họ (bọn tham quan) ăn không từ thứ gì”. Lưới trời lồng lộng, những kẻ tham nhũng có thể qua mắt người đời, nhưng không thể qua được mắt Thiên Chúa. Ngôn sứ Amos đã tiên báo: giờ đây họ phải lưu đày và đi đầu các kẻ lưu đày; những buổi yến tiệc của các kẻ buông tuồng sẽ không còn nữa”. Không những phải chấm dứt tiệc tùng xa hoa, mà tên tuổi của họ còn bị người đời lên án phỉ nhổ. Lời của ngôn sứ Amos làm chúng ta liên tưởng đến những vụ đại án hiện nay tại Việt Nam, khi một số quan chức có địa vị cao trong xã hội lần lượt ra toà.

Mối quan tâm hàng đầu của người tín hữu là gì? Thánh Phaolô trả lời: hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành. Đây chính là sự giàu sang thiêng liêng, không bị mối mọt với thời gian, nhưng bền vững và xứng đáng được Thiên Chúa ban thưởng. Thánh Tông đồ khuyên Timôthê: hãy chiêm ngắm và noi gương Đức Giêsu. Người vốn là Thiên Chúa cao sang, là Vua các Vua, Chúa các chúa, mà đã trở nên nghèo khó để chúng ta được giàu sang.

Sống ở đời, ai cũng cần phải có tiền bạc. Tuy vậy, không phải lúc nào tiền bạc cũng đem lại cho chúng ta hạnh phúc. “Nhiều tiền mà làm gì?” trong khi gia đình tan vỡ, vợ chồng xung đột. Trong cuộc sống của chúng ta, có cả ngàn câu chuyện buồn mà tiền bạc là nguyên nhân. Xin Chúa cho chúng ta có một cuộc sống vật chất ổn định vừa đủ, đồng thời biết sử dụng của cải để sinh lợi thiêng liêng cho mình và những người xung quanh.

2/ LIÊN ĐỚI

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Toàn cầu hóa đã giúp nhân loại phát triển tình liên đới. Nhân loại trở nên một cộng đồng sinh mệnh. Sự an nguy không còn của riêng ai mà là của tất cả mọi người. Cứu người chính là cứu mình. Vì một thảm họa nếu không sớm được ngăn chặn, sẽ mau chóng lan tràn khắp thế giới. Liên đới đang trở thành đức tính không thể thiếu được trong đời sống hiện tại. Nó không chỉ là một việc làm thiện nguyện mà còn là một nhiệm vụ cấp bách của mọi công dân trên hành tinh. Biết sống liên đới, nhân loại đang đi vào con đường Phúc Âm.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc đến tình liên đới. Phải liên đới vì mọi người đều là anh em với nhau. Phải liên đới vì đó là điều kiện vào Nước Trời.

Bài Phúc Âm hôm nay cho ta thấy điều đó. Có lẽ khi đọc bài dụ ngôn này, có nhiều người bất mãn tự hỏi: “Ông nhà giàu đâu có tội gì mà phải xuống hỏa ngục. Ông không gian tham, trộm cắp, bóc lột. Tiền của do công sức mồ hôi nước mắt ông làm ra, ông có quyền ăn xài chứ? Giàu có đâu phải là tội?”.

Vâng, giàu có đâu phải là một tội. Tuần trước Chúa Giêsu đã cho ta thấy giá trị tích cực của tiền bạc khi dạy ta hãy dùng tiền của mua lấy bạn hữu để họ đưa ta vào cuộc sống vĩnh cửu. Tiền bạc, nếu biết sử dụng, sẽ có giá trị tích cực. Nhưng nếu không biết sử dụng, sẽ trở thành nguy cơ.

Nguy cơ thứ nhất là: tiền bạc có thể mê hoặc tâm hồn.

Khi đó tiền bạc sẽ trở thành sợi dây trói buộc. Tâm hồn mê tiền bạc giống như con chim bị cột, không cất cánh bay cao, bay xa được. Đó là trường hợp chàng thanh niên đạo đức trong Phúc Âm. Anh đến hỏi Chúa Giêsu làm thế nào để được sống đời đời. Anh muốn vươn lên, muốn tiến bộ trên đường đức hạnh. Nhưng tiền bạc đã ngăn cản bước tiến của anh. Chúa Giêsu cất tiếng gọi anh. Nhưng tiền bạc đã trói buộc bước chân. Và anh bỏ cuộc quay về. Đành cam chịu với nếp sống tầm thường xưa cũ.

Nguy cơ thứ hai là: tiền bạc dễ làm cho trái tim thành xơ cứng, chai đá.

Người có nhiều tiền bạc dễ rơi vào tình trạng tự mãn. Tự mãn với những gì mình có, người giàu sẽ không cần tới ai khác và vì thế sẽ không chú ý đến những người chung quanh. Đó là trường hợp ông nhà giàu trong bài Phúc Âm hôm nay. Ông có nhà cao cửa rộng, mặc toàn gấm vóc lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Chỉ mải mê hưởng thụ, ông không có thời giờ nghĩ đến người khác. Ladarô nằm thoi thóp bên cửa nhà mà ông không nhìn thấy. Ladarô có rên rỉ vì đau đớn, đói khát ông cũng không nghe thấy. Tự mãn đã khiến trái tim ông khép chặt lại, biến ông thành vô cảm trước những đau khổ của tha nhân. Những mẩu bánh dư thừa, ông đâu có tiếc gì. Thế nhưng ông chẳng có thời giờ nghĩ đến Ladarô. Và người ta vất những mẩu bánh dư thừa vào thùng rác trong khi Ladarô mơ ước được những mẩu bánh dư ăn cho đỡ đói. Tự mãn đã biến ông nhà giàu thành ích kỷ, thiếu tình liên đới.

Nguy cơ lớn nhất mà tiền bạc có thể dẫn tới: đó là làm cho ta mất hạnh phúc đời đời.

Hạnh phúc trên Nước Trời là một cuộc sống hiệp thông trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Tình yêu của Chúa Ba Ngôi là một tình yêu dâng hiến trọn vẹn. Cho đi tất cả để nhận lãnh được tất cả. Những người ích kỷ không biết cho đi, không biết chia sẻ, không thể tham dự vào sự sống hiệp thông này. Vì thế, người ích kỷ là người tự chọn con đường xuống hỏa ngục. Kẻ khép cửa lòng trước nỗi khốn cùng của tha nhân, là người tự đào huyệt chôn mình. Người sống thiếu tình liên đới là người tự trục xuất mình ra khỏi Nước Trời.

Bây giờ thì chúng ta hiểu tại sao ông nhà giàu lại bị đày đọa trong hỏa ngục. Ông nhà giàu không có tội gì. Ông chỉ có tội thiếu sót: thiếu sót tình liên đới, thiếu sót sự chia sẻ. Trước đây ông đóng kín cửa để tự ngăn mình với Ladarô. Nay cánh cửa đó biến thành vực sâu thăm thẳm chia cắt hai người. Trước kia ông chỉ cần xoay nắm mở cửa là gặp được Ladarô. Nay ông không tài nào vượt qua được vực thẳm ngăn cách. Trước kia ông nghĩ sẽ không bao giờ cần tới Ladarô. Nay ông biết mình cần Ladarô cho mình một giọt nước thì đã trễ. Tình liên đới nếu không tạo lập ở thế gian, khi chết rồi sẽ không còn cơ hội nữa.

Qua dụ ngôn này, Chúa muốn dạy ta biết: Ta sống trong cuộc đời không đơn lẻ, nhưng sống với người khác. Người ta không phải là những đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau. Trái lại vận mệnh chúng ta đan xen vào nhau. Vì thế trách nhiệm liên đới là không thể thiếu được. Do đó cần phải quan tâm đến những người chung quanh mình. Sự quan tâm này không phải tự nhiên có được, nhưng phải tập luyện hằng ngày. Phải rèn luyện một trái tim nhạy bén biết cảm thương những cảnh ngộ bất hạnh. Phải rèn luyện một trái tim quảng đại sẵn sàng chia sẻ với những anh em thiếu thốn.

Lạy Chúa, xin mở mắt con để con nhìn thấy Chúa trong những anh em sống chung quanh con. Xin mở tai con để con nghe được tiếng họ đang than van đau khổ. Xin mở trái tim con để con biết chia sẻ với mọi người những niềm vui, nỗi buồn của họ. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Tôi có quan tâm đến những người sống chung quanh tôi, đặc biệt những người nghèo khổ không?

2) Đời sống tôi cần đến người khác cả về phương diện tự nhiên lẫn phương diện siêu nhiên. Tôi có ý thức điều đó không?

3) Một đời sống quá đầy đủ có thể là nguy cơ cho đời sống thiêng liêng. Tôi làm cách nào để tránh rơi vào nguy cơ này?

4) Tại sao ông nhà giàu phải vào hỏa ngục?

3/SỐNG VỚI NGƯỜI KHÁC

(Lm. Giuse Lê Danh Tường)

Cuộc sống hôm nay đầy tất bật. Ai cũng đổ xô đi lo công ăn việc làm. Công việc làm ăn có thể làm ta không còn thời gian để gặp gỡ nhau, ngay cả các thành viên trong gia đình. Điều ấy đã làm bao gia đình chia ly, tan vỡ. Giữa những bôn ba đó, những giây phút dừng lại bên nhau để lắng nghe Lời Chúa luôn là điều tuyệt đối cần thiết. Chúa Nhật tuần trước, Lời Chúa nhắc nhở về thái độ đúng trước tiền của: tiền chỉ là phương tiện chứ không là ông chủ của ta. Lời Chúa hôm nay mời gọi ta hãy biết nhìn đến người khác, biết chia sẻ hoàn cảnh với những người khác, biết sống với những người đang sống quanh ta.

Trong bài Phúc âm Lc 16, 19-31, Chúa Giêsu kể một dụ ngôn với hai  hình ảnh đối lập giữa một người nghèo và một người giàu.

Ông phú hộ là một người giàu có. Mặc toàn những thứ lụa là gấm vóc. Ông quá dư thừa của cải, hằng ngày thư thái, chỉ việc hưởng thụ. Ông mở tiệc linh đình thường xuyên.

Ladarô là một người nghèo khổ. Thân thể anh đầy mụn nhọt, ghẻ lở. Anh chẳng có nhà cửa, phải vạ vật ở cửa nhà ông phú hộ. Anh chẳng có gì để ăn. Anh ngồi đó và chờ đợi những thứ trên bàn ăn của ông phú hộ rơi xuống đất để kiếm miếng. Và dường như anh cũng chẳng có bạn, chẳng được ai ngó ngàng tới, chỉ thấy mấy con chó thỉnh thoảng đến liếm ghẻ chốc trên anh.

Hình ảnh đối lập ấy cũng chẳng thiếu gì trong xã hội hôm nay.

Người ta có thể biện minh rằng ông phú hộ không lấy gì của anh Ladarô. Ông phú hộ cũng không làm thiệt hại gì Ladarô. Nhưng phải chăng ông phú hộ có quyền được tận hưởng những gì mình đang có mà không cần biết đến người khác? Phải chăng sự đầy đủ của cải vật chất như ông phú hộ là bảo đảm cho niềm hạnh phúc mà người ta đang ngày đêm kiếm tìm?

Nếu như cuộc sống chỉ là những gì khi ta sống; nếu như cái chết ập đến là chấm dứt tất cả, thì nhà phú hộ kia đã sống trọn vẹn một kiếp người. Ông không xâm phạm đến ai, ông đã tận hưởng cuộc sống bằng những gì mình có. Nhưng nếu thế thì cuộc đời này cũng còn đâu ý nghĩa. Cái chết ập đến, kẻ giàu người nghèo cũng bằng nhau; người lương thiện cũng bằng kẻ gian ác; người suốt đời miệt mài sống cho người khác cũng chẳng hơn gì người ích kỷ chỉ biết sống cho mình. Xã hội còn đâu là công bình với chân lý.

Cuộc sống không chỉ chấm dứt sau cái chết. Trái lại, chính cái chết mở ra cho con người một cuộc sống mới, một cuộc sống trường tồn vĩnh viễn. Ở cuối dụ ngôn, Chúa Giêsu cho đưa ra viễn cảnh của nhà phú hộ và Ladarô trong thế giới trường tồn sau cái chết. Từ viễn cảnh ấy ta mới thấy thái độ của nhà phú hộ thật thiếu sót.

Ông không làm hại Ladarô nhưng của cải trần gian đã làm ông mù quáng trước tha nhân. Con người không phải là cỏ cây mà có thể vô tình trước đồng loại. Con người quý giá là ở tấm lòng. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã phải thốt lên: “sống trong đời sống phải có một tấm lòng” là thế.

Cái tội của ông phú hộ là đã không có một tấm lòng đối với người khác. Ông chỉ biết mình, chỉ lo cho riêng mình. Ông không chút động lòng trước cảnh ngộ éo le của người khác. Ông vui vẻ yến tiệc linh đình ngay trước mặt một con người đau khổ đến tột cùng, một con người cũng là người như ông. Một con người đang phải oằn lên với đau đớn thể xác, đang khát khao được sống. Của cải, tiện nghi đã làm ông trở nên mù trước tha nhân. Ông có mắt mà không nhìn thấy nỗi đau của người khác.

Thái độ ấy của ông phú hộ hoàn toàn bị lên án trong ánh mắt hiền từ của Chúa Giêsu. 

Thái độ mà ông lựa chọn ấy đã quyết định cho cuộc đời của ông trong cuộc sống vĩnh hằng. Con người có toàn quyền lựa chọn cho mình thái độ sống ở đời. Ông phú hộ đã lựa chọn lối sống ích kỷ, thờ ơ với người khác để rồi cuối cùng ông phải rằn vặt với chính mình ở đời sau.

Ai cũng ước ao mình được an vui ở đời này và hạnh phúc đời sau. Con đường của Chúa Giêsu là bảo đảm chắc chắn đưa ta đến bến bờ ta mong đợi. Con đường ấy là con đường của yêu thương, của phục vụ, sẵn sàng hy sinh tính mạng mình vì người khác.

Đứng trước những con người đau khổ, Chúa luôn chạnh lòng thương. Chúa tìm cách đến với người đau khổ. Chúa tìm cách giúp đỡ những người đau khổ. Và trên thập giá, Chúa đã gánh lấy tất cả để cứu con người đang khổ đau.

Đi vào con đường của Chúa là biết chạnh lòng trước nỗi đau của người khác, biết nhận ra những nhu cầu của người khác đang sống quanh ta, là biết chia sẻ cho người khác những gì mình đang có mà không đợi người khác đề nghị, là biết giang tay đón nhận người khác vào trong cuộc đời của mình, là biết khát khao được chung sống với mọi người.

Lậy Chúa Giêsu, giữa những bộn bề của công việc và tiện nghi của vật chất, xin Chúa uốn nắn tâm hồn con để con biết nắm lấy bàn tay của những người anh chị em đang sống quanh con, biết cho đi mà không tính toán, biết yêu thương người khác với trái tim sẻ chia đầy tình người trong tình Chúa.

4/ THAY ĐỔI CÁCH SỐNG ĐỂ ĐƯỢC VÀO NƯỚC TRỜI

(Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng cách sống của những người giàu sang phú quý (Am 6, 1a), cụ thể là nhà phú hộ “người phú hộ vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16,19) tương phản với cách sống của của Lagiarô, vị hành khất nghèo nằm trước cửa nhà ông, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho” (Lc 16,20). Số phận của họ sẽ rõ ràng sau khi chết. Lời Chúa mời gọi chúng ta quan sát cách sống của những người trên để mà sống sau cho có cái kết hậu.

Những người giàu

Chúa Nhật tuần trước, tiên tri Amos đã nói đến những con người buôn bán muốn làm giàu bằng cách bóc lột người nghèo. Hôm nay, Amos nói đến hạng người có thế lực, mà người phú hộ trong bài Tin Mừng Luca là một tiêu biểu. Ông mô tả nếp sống của những người có thế giá, địa vị trong xã hội “người phú hộ vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16,19); “Họ nằm ngủ trên giường ngà, mê đắm trên Giáo Hộiế dài: ăn những chiên con trong đoàn và bê béo trong đàn và ca hát theo tiếng đàn cầm thụ: người ta nghĩ mình như Đavid… dùng chén lớn uống rượu, lấy dầu hảo hạng xức lên mình” (Am 6, 4-7).

Chúng ta biết rằng, chiên, cừu, bê là những vật thường được dùng đặt trên bàn thờ nơi đền thánh để dâng lễ; nay nằm trên bàn ăn của hạng giàu có. Họ đã biến phòng ăn của họ trở nên như đền thờ, nghêu ngao dạo nhạc như Ðavít. Chén lớn và dầu hảo hạng, dân Do thái dùng để xức vào các dịp lễ lớn tại Đền thờ, nay họ đùng chén và dầu này để uống và xức, quả là phạm thánh. Người Do thái không có vừa ăn vừa nằm thõng thượt. Chỉ có người Hy lạp với làm thế. Đây là hình ảnh ngoại lai. Thực tế, con người và đời sống đạo của những người trên là như thế đó. Chúa của họ bây giờ là “cái bụng” cũng như đối với những kẻ đang làm giàu: tiền mới là chúa tể. Họ chỉ biết ăn uống, chứ đâu có để mắt tới đồng bào, đồng loại, sống chết mặc bay.

Lagiarô

Nhà phú hộ trong dụ ngôn Chúa Giêsu nói đây và người phú quý mà Amos mô tả, tương phản với anh Lagiarô nghèo.

Chi tiết “người phú hộ vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16,19) chứng tỏ đây là người không có nhân đức chừng mực; nhưng không nói ông đã làm giàu cách bất lương: ông dùng của cải ông có. Lagiarô có nghĩa là (Thiên Chúa cứu giúp). Người nghèo là người đang cần được và sẽ được Thiên Chúa cứu giúp; đến bầy chó hoang, thường chỉ đi xâu xé, thế mà cũng đến liếm các ung nhọt cho Lagiarô. Và điều này càng nói lên sự bất nhân của nhà phú hộ. Nếu có điều kiện ông sẽ chè chén, đó là việc làm của ông; nhưng ông không nhận ra anh Lagiarô nghèo nằm ở cổng nhà mình là một điều không thể chấp nhận được. Và Thiên Chúa toàn năng phán: “Khốn cho các người là những kẻ phú quý ở Sion… vì chẳng thương hại gì đến nỗi băn khoăn của Giuse” (Am 6, 1a).

Đời sống ích kỷ khiến người giàu chỉ chú ý đến mình, qui mọi sự về mình, bị mắc kẹt trong sự thờ ơ, trở thành tù nhân của nhà tù mạ vàng của chính mình, mù quáng trước nhu cầu của người đồng loại, và điếc trước tiếng gọi của Thiên Chúa từ nhân.

Sự kiện bất ngờ ập đến nhà phú hộ và anh Lagiarô nghèo là cả hai cùng chết, cùng chịu xét xử. Bản án thật nghiêm khắc: người nghèo vui mừng và đầy tràn hoan lạc, được đem vào lòng Abraham, vui mừng giữa triều thần thánh. Người Do Thái quan niệm rằng các người công chính sau khi chết, sẽ được các thiên thần đưa lên trời dự tiệc, giữa cộng đoàn dân Chúa có tổ phụ Abraham chủ tọa. Và ai cũng được yêu, càng được ngồi gần vị tổ phụ. Kiểu nói “ngồi trong lòng Abraham” chỉ muốn diễn tả chỗ ngồi đặc biệt và tình âu yếm ấy. Còn nhà phú hộ được đem chôn vào lòng đất (x, Lc 16,22). Mỗi người bắt đầu cuộc sống của mình sau cái chết: người nghèo được tách khỏi thế gian này, anh được cất nhắc lên trời; người giàu khám phá ra sự hư không của một cuộc đời với những thú vui trần thế.

Thật đáng ngạc nhiên khi tình thế hoàn toàn bị đảo ngược sau khi chết, cuộc đối thoại giữa Abraham và người giàu khẳng định điều đó: nhà phú hộ đau khổ tột cùng, ông nài xin Lagiarô cho ông một chút nước để làm mát lưỡi. Thật không thể nào hiều nổi một ‘vực thẳm’ ngăn cách, khiến người ta không thể bắc cầu mà qua, hay làm được một cử chỉ nào với lòng thương xót. ‘Vực thẳm không thể qua được này’ đề cập đến sự cần thiết phải hoán cải ngay lập tức.

Thay đổi cách sống để được vào dự tiệc Nước Trời

Dụ ngôn kết thúc, như một lời nhắc nhở hữu ích về ảo tưởng của sự giàu sang. Cần phải đặt mình trong tương quan với tha nhân.

Nhà phú hộ xin với Cha Abraham, nếu không bớt được đau khổ cho ông thì ít ra cũng cảnh báo anh em ông khỏi rơi vào cảnh buồn tủi thế này. Câu trả lời của tổ phụ Abraham nại đến “Môisen và các tiên tri” sẽ thức tỉnh lương tâm họ: nhưng theo nhà phú hộ thì các chứng nhân Cựu Ước không đủ để thức tỉnh anh em ông về sự quyến rũ của thế gian này. Nên ông nài nỉ: “Nhưng nếu có ai đó trong kẻ chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải” (Lc 16,30). Lời khước từ của Abraham khép lại dụ ngôn ngay lập tức: “Nếu chúng không chịu nghe Môisen và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu.” (Lc 16,31).

Rõ ràng: nếu chúng ta từ chối nghe lời Thiên Chúa không ngừng sám hối ăn năn, cứ đóng kín lòng mình trong sự ích kỷ của cái tôi, không nghĩ đến người khác, chúng ta sẽ không thể gia nhập cộng đoàn huynh đệ đã được Đức Kitô Phục sinh khai mở.

 

bài liên quan mới nhất

ĐTC Phanxicô chủ sự Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân nữ tại nhà tù Rebibbia

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng