Các bài suy niệm lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa

1: PHÉP RỬA KHIÊM NHƯỜNG

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Sông Gio-đăng, tiếng Do Thái là “yarad” có nghĩa là đi xuống. Sông Gio-đăng phát nguồn từ ngọn núi Héc-mon ở độ cao 520m. suốt 220km đường dài dòng sông không ngừng đi xuống. Thoạt tiên sông chảy vào hồ Hu-lê chỉ còn 68m trên mực nước biển. Kế đó sông chảy vào biển hồ Galilê, nơi Chúa Giêsu thường qua lại, và các tông đồ thường chài lưới. Ở đây lòng hồ sâu 212m dưới mực nước biển. Sông tiếp tục chảy xuống miền Nam, đổ vào Biển Chết. Ở đây độ sâu là 394m dưới mức nước biển. Có thể nói đây là điểm thấp nhất của địa cầu.

 Khi Chúa Giêsu bước xuống sông Gio-đăng để chịu phép rửa, Người đã xuống chỗ thấp nhất không chỉ về chiều sâu theo không gian địa lý mà còn về chiều sâu tâm lý xã hội. Bước xuống để Gioan Baotixita làm phép rửa tội, Chúa Giêsu đã hoà mình vào dòng thác người tội lỗi, cần thống hối ăn năn. Tuy đến để cứu độ người tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu không cho mình quyền đứng trên kẻ tội lỗi. Người đã hạ mình xuống ngang hàng với họ, liên đới với họ và trở nên anh em của họ. Không ai nhận ra Người. Mọi người đều cho rằng Người là một trong những kẻ tội lỗi.

Trong đêm Giáng Sinh, ta được chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống làm người. Làm một người bé nhỏ nghèo hèn như chưa đủ đối với tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa, nên hôm nay người lại hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống tận đáy xã hội nhân loại khi nhận mình tội lỗi.

 Hôm nay, bắt đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Người bắt đầu xuất hiện để rao giảng Tin Mừng. Trước khi tiến ra gặp gỡ quần chúng, Chúa Giêsu đã tới gìm mình trong dòng sông Gio-đăng. Để chuẩn bị ra gặp loài người Chúa Giêsu cảm thấy cần phải thanh tẩy. Mặc lấy xác phàm, Chúa Giêsu chưa cảm thấy mình gần với nhân loại cho đủ. Người còn hạ mình xuống làm một người tội lỗi. Người gìm mình xuống lòng sông Gio-đăng, dường như muốn mượn làn nước trong xanh tẩy sạch đi tất cả dáng vẻ cao quý của Thiên Chúa còn vương vấn nơi thân xác nhân loại của Người. Tẩy sạch đi tất cả những gì ngăn cách, để Người được thực sự là một người anh em của mọi người.

Dòng nước sông Gio-đăng có trong xanh đến mấy cũng đâu đủ sức rửa Thiên Chúa làm người. Thực ra chính Người tự rửa mình bằng sự khiêm nhường thẳm sâu. Khiêm nhướng là một phép rửa. Vì khiêm nhường là sự quên mình, là chết đi một chút. Gìm mình vào dòng sông là chấp nhận đau khổ và chết đi. Cái chết chính là phép rửa như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy còn phải chịu một phép rửa, và Thầy những bồn chồn chờ đến lúc hoàn tất” (Lc 12,50). Người còn hỏi hai ông Gioan và Giacôbê khi hai ông này đến xin được ngồi bên tả, bên hữu trong nước Người: “Các ngươi có thể uống chén Ta uống và chịu thanh tẩy thứ thanh tẩy Ta phải chịu không?” (Mc 10,38). Khi nói thế Chúa Giêsu có ý nói đến cái chết Người sẽ phải chịu.

 Một câu châm ngôn nói; Không ai thấy được tình yêu. Người ta chỉ thấy được những bằng chứng của tình yêu. Bằng chứng tình yêu của Chúa Giêsu đối với ta đó là sự hạ sinh làm một em bé nghèo hèn yếu ớt. Đó là sự khiêm nhường hoà mình vào đoàn lũ những tội nhân tới gìm mình trong dòng sông Gio-đăng. Tình yêu đã thúc đẩy Người đi những bước táo bạo, bất ngờ. Mượn dòng nước sám hối xoá đi mọi khoảng cách còn lại giữa Thiên Chúa và con người.

 Cử chỉ khiêm nhường của Người là một lời mời gọi ta. Nếu ta cảm thấy mình còn xa cách Chúa. Nếu ta cảm thấy mình cần được thanh tẩy. Đừng ngần ngại thay đổi đời sống. Hãy mạnh dạn tiến đến lãnh nhận phép rửa của Chúa Giêsu để trở nên gần gũi với Người. Nếu ta chưa thể lãnh nhận phép rửa trong cái chết tủi nhục như Chúa Giêsu, ta vẫn có thể được thanh tẩy trong phép rửa khiêm nhường. Hãy rửa mình trong dòng lệ sám hối. Hãy tắm mình trong dòng nước khiêm cung. Như lời vua Đavit nói: “Lễ dâng Chúa là tâm hồn sám hối. Một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50)/

 Khiêm nhường sám hối là bước khởi đầu để ta đón nhận Phúc Âm. Khiêm nhường sám hối là quay trở về nhà Cha, sống trọn tâm tình của người con thảo hiếu. Khi khiêm nhường trở về, ta sẽ gặp được người Cha nhân hậu đang đứng chờ ta. Người sẽ nói về ta như nói về Chúa Giêsu: “Đây là con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về con”.

 Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết đến với Chúa và đến với anh em bằng sự khiêm nhường sám hối. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1.     Chúa Giêsu không ngừng đi xuống. Còn bạn, bạn có tự hạ, hay là lúc nào bạn cũng muốn gìm người khác xuống?

2.     Làm thế nào để trở nên “Con yêu dấu” của Đức Chúa Cha?

3.     Hằng ngày, bạn có cảm thấy cần phải chịu phép rửa khiêm nhường của Chúa Giêsu không?

 

2: CUỘC GẶP GỠ NGẮN NGỦI VỚI THIÊN CHÚA

Một người mẹ đã quyết định truyền dẫn lòng tự tin vào những người con của bà sớm bao nhiêu có thể. Sau khi bà được người con đầu lòng, và tên nó là Matthêu, bà hỏi đi hỏi lại nó rằng, "Tại sao mẹ yêu con?" Bà đã dạy cho nó phải trả lời mỗi khi bà hỏi câu đó là, "Bởi vì con là Mátthêu." Sau khi đứa con thứ hai ra đời, nó tên là Lillian, bà cũng dùng một chiêu thức lập đi lập lại câu hỏi, "Tại sao mẹ yêu con?" Lillian không cần suy nghĩ và ngần ngại trả lời ngay, "Bởi vì con là Mátthêu."

Tại sao Thiên Chúa lại yêu tất cả các bạn, nào là Mátthêu, Lillian, Roberts, Mary, Alice...? Bởi vì bạn là bạn! Bạn là con Chúa trong Chúa Giêsu.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh Luca nói cho chúng ta về biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, "Có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con" (Lc 3:22). Điều này gợi lên một câu hỏi thách đố đó là: Bạn có thể nào vượt qua khỏi những cách thức suy nghĩ quá quen thường nhật của mình để lắng nghe lời Thiên Chúa nói với bạn, "Con là Con yêu dấu của Cha" không? Bạn có thể nào phá đi cái hàng rào "người lớn" của bạn và trở nên như một trẻ nhỏ để tin tưởng tuyệt đối vào lời hứa của Thiên Chúa chăng?

Trong một lớp Thánh Kinh dành cho người lớn, vấn đề được bàn đến vào ngày hôm đó là việc cầu nguyện. "Hãy xin, thì sẽ được", thầy giáo đã trích lời này từ trong bài giảng trên núi của Chúa Kitô. Sau đó, thầy giáo hỏi các học sinh trong lớp rằng các em có cầu nguyện hằng ngày không? Một học sinh đã giơ tay trả lời rằng em cầu nguyện để được khỏe mạnh. Một người đàn bà trả lời, "Tôi cầu nguyện cho được hạnh phúc." Một vài người khác thì cầu nguyện cho được ơn cứu độ ở đời sau. Tuy nhiên, một bà cụ già vẫn cứ lắc đầu lia lịa với những câu trả lời mà bà nghe được. Khi đến phiên của bà, bà đã nói, "Việc cầu nguyện rất đơn giản. Tôi tin Chúa, và tôi cầu nguyện xin Chúa cũng tin tôi."

Tuy nhiên, bạn có thấy không! Vấn đề không phải là chỗ mình cố gắng để thay đổi ý định của Thiên Chúa về bản thân của mình! Ngài đã tin tưởng ở bạn! "Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa" (Ga 1,1). Chính Ngôi Lời đã nhập thể làm người để mặc khải cho chúng ta về tình yêu mãnh liệt của Thiên Chúa đối với con người. Các bạn đã có trong trí của Thiên Chúa ngay từ ban đầu. Các bạn là một trong những thành phần của công cuộc sáng tạo để đem nó đến chỗ viên mãn trong Nước Tình Yêu của Ngài.

Cho dù là bạn có gặp khó khăn gì trong giây phút hiện tại, cho dù là bạn có gặp những nỗi gian truân gì mà bạn không được người khác thông cảm, bạn hãy tin tưởng rằng sự hiện diện của bạn trên trái đất này được Thiên Chúa quan phòng cách đặc biệt.

Bạn đừng tầm thường hóa công trình kiệt tác của Ngài bằng cách là các bạn tự đặt mình vào khuôn đúc của cuộc sống. Đừng hạn chế cuộc sống của mình vào một khuôn khổ nào cả. Bạn hãy biết chấp nhận chính mình! Hãy vui mừng hân hoan vì bạn là bạn.

Một đứa bé đi học về và đến nói với bố mình, "Thầy giáo con nói là tối mai sẽ có một cuộc họp giữa phụ huynh và thầy giáo tại trường học." Ông bố lại hỏi lại, "Bố có cần phải đi không?" "Con nghĩ là họ sẽ mong có sự hiện diện của bố," đứa con trả lời lại, "bố biết không, đây là cuộc họp nhỏ bao gồm thầy giáo, hiệu trưởng, bố và con."

Hôm nay, xin đề nghị các bạn làm một cuộc họp nhỏ, sớm bao nhiêu có thể, giữa Thiên Chúa và chính bạn. Bạn hãy nghe lời Chúa Giêssu nhủ bảo hôm nay và trở thành một em bé. Hãy đàm thoại và tin tưởng vào Thiên Chúa, hãy lắng nghe lời Ngài, "Con ơi, con là con của Cha. Con là con rất yêu dấu của Cha. Con đẹp lòng Cha. Cha tin tưởng ở nơi con." Hãy cảm nghiệm tình yêu của Ngài. Hãy dìm mình vào trong sự hiện diện của Thiên Chúa, và cảm nghiệm được sự vượt qua cái biên giới đóng khung mà nó đã kéo bạn xuống.

Hãy để cho tất cả những lo lắng phiền muộn trôi đi! Hãy tin tưởng vào lời phán quyết của Chúa và đừng sợ hãi gì. Hãy tin tưởng vào Chúa và hãy xây dựng cuộc sống của mình bằng cách này và bạn sẽ cảm nghiệm được một cuộc sống đầy đủ và tràn ra cho những người chung quanh.

Bạn có thể trở thành nhà giảng thuyết hiệu lực nhờ sức mạnh đến từ Thiên Chúa. Để trở thành cha mẹ tốt, người vợ và chồng tốt, người hàng xóm tốt, hãy biết dùng cái nguyên liệu mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng bạn. Bạn cần phải tin tưởng vào cái nguyên liệu đó. Nó sẽ ban cho bạn sức mạnh, hy vọng và trang bị cho bạn biết phục vụ người khác trong sứ mệnh Chúa Giêsu đã truyền dạy.

Hãy phó mình cho Thiên Chúa như một em bé. Hãy lắng nghe lời Ngài như một người con ngoan thảo. Nếu bạn tin tưởng vào Chúa thì một sự việc lạ lùng sẽ xảy ra. Đó là bạn sẽ biết kính trọng tất cả mọi người, và bạn sẽ biết phải sống với mọi người ra sao.

 

3: CON YÊU DẤU CỦA TA (Dành cho Thiếu Nhi)

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

Các em Thiếu Nhi rất thân mến!

Khi nào thì các em cần rửa tay chân? Khi tay chân dơ bẩn, cần phải rửa sạch sẽ. Để làm gì? Ạ, để giữ gìn vệ sinh và tránh bệnh tật nguy hiểm. Thông thường các em còn phải tắm mỗi ngày nữa. Mặc dù có những em cũng làm biếng tắm lắm, nhất là những hôm trời lành lạnh như mấy hôm nay. Có ai 3 tháng mới tắm một lần không? Có hả? Có thì mang đi làm yaourt được rồi đấy!

Các em thấy trên Tivi người ta quảng cáo nhiều loại xà bông diệt khuẩn: nào là Lifebouy, nào là Safeguard… nhằm diệt các vi khuẩn có hại và nguy hiểm bám trên da.

Ngay từ thời xa xưa con người đã biết ý thức về việc giữ gìn vệ sinh thân thể, tức là tắm rửa. Việc thanh tẩy còn có ý nghĩa tôn giáo nữa, như trong đạo Do thái. Người ta gọi đó là phép rửa, nhằm khu trừ các bệnh tật của linh hồn, tức là tội lỗi và các thói hư tật xấu…. Gioan Tiền Hô đã làm phép rửa này cho dân chúng và Chúa Giêsu cũng đã đến để lãnh nhận phép rửa của Gioan.

Vậy cha hỏi các em nè, phép rửa mà các em cũng như cha đã lãnh nhận và phép rửa mà Chúa Giêsu chịu từ tay Gioan có giống nhau không? Thưa không. Phép rửa mà chúng ta lãnh nhận là Bí tích do chính Chúa Giêsu thiết lập để tha tội, tội chung và tội riêng, đồng thời cho chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa. Đây là phép rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Bởi đó khi rửa tội, các em nghe linh mục đọc: “Cha rửa con, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

Còn phép rửa mà ông Gioan thực hiện thì sao? Có tha được tội nguyên tổ và tội riêng không? Có làm cho chúng ta trở nên con Thiên Chúa không? Có nhân danh Ba Ngôi không? Thưa không. Vì đây chỉ là nghi thức sám hối, kêu gọi mọi người ăn năn hoán cải, sửa đổi đời sống, hầu chuẩn bị tâm hồn đón nhận Đấng Cứu Thế và đón nhận ơn tha tội mà Chúa Giêsu sẽ ban sau này.

Nhưng Chúa Giêsu có tội không? Chắc chắn là không rồi. Vì lẽ đó mà ban đầu ông Gioan không dám làm phép rửa cho Chúa Giêsu như lời ông nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa. Thế mà Ngài lại đến với tôi”. Vậy tại sao Chúa lại phải lãnh nhận phép rửa của Gioan? Chúa lãnh nhận phép rửa của Gioan vì Chúa muốn đồng cảm với con người chúng ta để chia sẻ kiếp người yếu đuối mỏng manh, dễ bị tổn thương bởi chính tội lỗi của mình, cũng như dễ làm người khác bị tổn thương. Chúa hòa vào dòng người tội lỗi ấy để đến xin Gioan làm phép rửa cho, như một cử chỉ nhắc nhở và khích lệ thánh Gioan tiếp tục can đảm làm chứng nhân và làm tiền hô cho Chúa. Sau hết, Chúa đón nhận phép rửa của Gioan để cho thánh ý Chúa Cha được nên trọn, nghĩa là để Chúa Cha có thể giới thiệu Ngài với nhân loại chúng ta.

Mặc dù Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, không vướng mắc một tội lỗi nào, nhưng vì yêu thương và muốn cứu chúng ta khỏi tội lỗi, nên Ngài đã vâng lời Chúa Cha, xuống thế làm người, mặc lấy thân phận yếu hèn của con người. Hành động này đã làm cho Chúa Cha hài lòng, nên Chúa Cha đã xác nhận: “Này là con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”.

Các em thân mến! Qua Bí tích Rửa Tội, các em đã được Chúa Thánh Thần ban ơn thánh hóa và được trở nên con cái Thiên Chúa. Vậy các em hãy dâng lên Chúa tâm tình cảm tạ tri ân, vì Chúa đã cho các em được làm con của Người, được gọi Chúa là Cha và được đón nhận mọi người như là anh em, chị em của mình.

Trong phép lần hạt Năm Sự Sáng, ngay gẫm thứ nhất, chúng ta vẫn đọc: “Thứ nhất Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa”. Vậy lúc này đây, các em hãy dâng lên Chúa quyết tâm sống thật tốt, thật xứng đáng là con Thiên Chúa qua cuộc sống của mình. Cụ thể là luôn biết yêu thương, thảo hiếu trong gia đình, biết hoà nhã khiêm tốn đối với mọi người chung quanh, và biết chăm chỉ siêng năng học hành nơi trường lớp. Có như thế, các em mới có thể được nghe Chúa nói với mình: “Đây là cu Tí, cu Tèo; đây là bé Na, bé Ni yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về các con… Ta rất vui và rất yêu thương tất cả các con…”. Chứ không phải nghe lời Chúa nói: “Đây là con yêu…quái của Ta; Ta… buồn lòng về nó”.

Các em thích nghe câu nào? Câu thứ nhất hay câu thứ hai? Tất nhiên là câu trên rồi. Vậy thì các em hãy biết sống xứng đáng là người con ngoan của Chúa nhé!

 

4: TÁI TẠO THẾ GIỚI MỚI

Lm. Mark Link

"Chúng ta phải hoàn tất sự tái tạo thế giới mà Chúa Cha đã khởi sự kể từ lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa"

Người xưa có một quan niệm về vũ trụ rất ngộ nghĩnh. Họ chia nó thành 3 tầng thế giới chồng lên nhau giống như 3 tầng bánh "ga tô". Tầng trên cùng là nơi Chúa ngự được gọi là Trời hay Thiên đường. Tầng giữa nơi có loài người sinh sống được gọi là thế giới sinh vật, còn tầng chót là nơi con người sẽ đến sau khi chết, được gọi là âm phủ hay thế giới người chết.

Từ khi Adam, Eva phạm tội, tầng giữa tức thế giới sinh vật càng ngày càng trở nên tồi tệ. Vì thế, các thánh nhân đã cầu xin Chúa từ Trời ngự đến cứu giúp trần thế hỗn loạn của họ. Chẳng hạn, Tiên tri Isaia đã nài xin Chúa: "Sao Ngài không xé bầu trời xuống với chúng con?" (Is 64,1); và tác giả Thánh vịnh cũng kêu cầu: "Lay Chúa, xin hãy xé bầu trời ra và xuống với chúng con" (Tv 144,5).

Chúng ta phải đọc Bài Phúc Âm lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa trong bối cảnh này. Bài Phúc Âm mô tả 3 biến cố xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Trước hết là bầu trời mở ra trên Chúa Giêsu; tiếp đến là một con chim bồ câu từ trời xuống bay lượn trên Chúa Giêsu và trên nước; và cuối cùng là tiếng nói từ trời thốt ra: "Con là Con Ta rất yêu dấu". Bây giờ chúng ta hãy xét kỹ hơn từng biến cố một.

Trước hết là biến cố bầu trời mở ra trên Chúa Giêsu. Theo những điều đã nói ở phần trên, chúng ta có thể hiểu rõ ý nghĩ của biến cố này. Lời cầu xin của các thánh nhân đang được đáp trả. Chúa đã xé bầu trời đến trần gian để chỉnh đốn sự hỗn loạn nơi đây. Nói cách khác, việc Chúa Giêsu xuất hiện và chịu phép rửa nơi sông Giođan đánh dấu bình minh của một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại.

Từ đó, chúng ta bước sang xem xét biến cố kế tiếp cũng xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Thần Khí Chúa dưới hình một con chim bồ câu từ tầng trời mở toang bay xuống lượn vòng trên Chúa Giêsu và trên mặt nước. Sự kiện này nhắc ta nhớ lại lúc bắt đầu tạo dựng thế giới Thần Khí cũng bay là là trên nước giống như vậy. Sách Sáng Thế đã mô tả giây phút oai nghi ấy như sau: “Từ nguyên thuỷ… Thần lực Chúa chuyển động trên mặt nước. Đoạn Chúa truyền lệnh: 'Hãy có ánh sáng, lập tức ánh sáng liền xuất hiện.'” (St 1,1-3) Như thế, sách Sáng Thế là nền tảng giúp ta hiểu ý nghĩa biến cố thứ hai này. Chim bồ câu bay lượn trên Chúa Giêsu và trên nước là hình ảnh muốn báo cho chúng ta biết sắp có một cuộc tạo dựng mới xảy ra. Chúa sắp sửa tái tạo và canh tân thế giới chúng ta. Ngài sắp sửa thực hiện lời hứa qua môi miệng Tiên tri Isaia: "Ta sắp tạo dựng một trái đất mới, những sự việc đã qua sẽ không còn được nhắc nhở nữa… Trên trái đất mới này chỉ toàn là sự vui mừng và hạnh phúc." (Is 65,17-16)

Chúng ta hãy tiếp tục xét đến biến cố thứ ba cũng là biến cố sau cùng xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Bầu trời vừa mở ra thì có chim bồ câu lượn là là trên mặt nước và có tiếng nói từ trơi vọng xuống: "Con là Con Ta yêu dấu". Ý nghĩa của biến cố thứ ba này thật rõ ràng: Chúa Giêsu được xác nhận là Con Thiên Chúa, là "Adam mới", là trưởng tử của công cuộc tạo dựng mới. Khi bình luận về vai trò của Chúa Giêsu được ví như Adam mới trong cuộc tân tạo, Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Côrintô: "Người thứ nhất - tức Adam - từ đất mà ra và thuộc về đất, người thứ hai - tức Đức Giêsu - từ trời mà đến… Chúng ta đã mang trong mình hình ảnh con người bởi đất - tức Adam cũ - thế nào, thì chúng ta cũng mang hình ảnh con người bởi trời - tức Adam mới - như thế." (1 Cr 15,47-49)

Tóm lại, 3 biến cố xảy ra ngay khi Chúa Giêsu chịu phép rửa mặc khải cho ta biết 3 điều:

* Trước hết, bầu trời mở ra nói lên việc Chúa từ trời ngự xuống cõi trần chúng ta.

* Thứ đến, hình chim bồ câu bay lượn trên nước và trên Chúa Giêsu diễn tả việc Chúa đang bắt đầu một cuộc tạo dựng mới.

* Và cuối cùng, tiếng nói vọng ra từ trời nhằm mục đích xác nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là "Adam mới" trong cuộc tái tạo này.

Từ đó, chúng ta rút ra kết luận thực tiễn sau đây: Chúng ta là công dân của hai thế giới, nghĩa là chúng ta mang trong mình hình ảnh của Adam thứ nhất lẫn Adam thứ hai, nên chúng ta chia sẻ sự sống với cả hai vị này. Chúng ta từng cảm nghiệm được sức lôi cuốn về mặt xác thịt của Adam thứ nhất và sự thôi thúc tinh thần của Adam thứ hai. Điều này cắt nghĩa được lý do chúng ta thường bị xâu xé về mặt tâm linh; vì chúng ta vừa bị lôi cuốn làm điều tốt, đồng thời bị lôi cuốn làm điều xấu. Trong thư gởi tín hữu Rôma, chính Thánh Phaolô đã nhắc lại sự xâu xé tâm linh này: "Tôi không làm điều tôi muốn, mà lại làm điều tôi ghét." (Rm 7,15)

Và như thế, bài Phúc Âm hôm nay làm nổi bật 2 sự kiện. Sự kiện thứ nhất cách đây hơn 2.000 năm, Thiên Chúa đã xuống trần gian, nơi con người Chúa Giêsu, để bắt đầu công cuộc tái tạo. Sự kiện thứ hai mà bài Phúc Âm cho biết là mỗi người chúng ta là một phần trong cuộc tái tạo này. Chúa tái tạo chúng ta khi chúng ta chịu phép rửa tội bằng cách tháp nhập chúng ta vào thân thể Đức Giêsu, Con Ngài. Tuy nhiên, Chúa giao cho chúng ta trách nhiệm hoàn tất việc tái tạo của riêng chúng ta bằng cách chúng ta cầu nguyện và nhận lãnh các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể. Và cuối cùng, chúng ta nên nhớ rằng, chỉ khi nào chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể gọi Chúa là Cha, và đồng thời chỉ khi nào Thiên Chúa là Cha thực sự của chúng ta, thì chúng ta mới được chia sẻ sự sống vĩnh cửu với Ngài.

Để kết thúc, chúng ta hãy đọc lại lời Thánh Phalô nhắn gởi chúng ta trong Bài đọc 2:

"Bất kỳ ai trong bất cứ dân tộc nào, ai kính sợ Thiên Chúa và thực thi công chính đều được Ngài đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Ngài đến cùng con cái Israel loan tin bình an qua con người Đức Giêsu là Chúa cả muôn loài."

bài liên quan mới nhất

Suy niệm thứ Bảy tuần Thánh: Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng