Các Bài Suy Niệm Lễ Chúa Lên Trời, Năm C

CÁC BÀI SUY NIỆM LỄ CHÚA LÊN TRỜI, NĂM C

1/ HƯỚNG VỀ TRỜI

(ĐTGM Giuse Vũ Văn Thiên)

Từ nhiều năm trở lại đây, để thuận lợi cho giáo dân tham dự lễ trọng, đa số các Giáo phận chuyển dịch ngày lễ Thăng Thiên vào Chúa nhật thứ VII Phục Sinh. Tổng Giáo phận Hà Nội vẫn cử hành long trọng lễ Thăng Thiên vào thứ Năm sau Chúa nhật VI Phục sinh, vì theo truyền thống của Giáo Tỉnh miền Bắc, lễ này thuộc “Tứ Quý”: lễ Giáng Sinh, lễ Chúa Thăng Thiên, lễ Đức Mẹ Lên Trời và lễ các Thánh Nam Nữ. Trong bốn ngày lễ này, người tín hữu phải kiêng việc xác và tham dự thánh lễ.

Dù mừng lễ Thăng Thiên vào ngày nào, thì Phụng vụ vẫn nhắc người tín hữu hướng về Quê Trời, đồng thời cố gắng chu toàn bổn phận dưới đất. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa nhập thể. Người về trời sau khi đã hoàn tất chương trình cứu độ. Người về với Chúa Cha, vì Người đã từ Chúa Cha mà đến. Dưới ánh sáng phục sinh, một nhãn quan mới về nhân sinh Kitô giáo đã mở ra: con người không đơn giản chỉ là “đầu đội trời, chân đạp đất”, mà họ đã thuộc về trời ngay khi họ đang sống nơi trần gian. Nói cách khác, Kitô hữu luôn hướng về trời, và đối với những người đạo đức thánh thiện, họ được nếm trước vinh quang Nước Trời ngay ở đời này. Khi suy niệm Kinh Mân côi, ở mầu nhiệm thứ hai Mùa Mừng, chúng ta xin cho được yêu mến (ái mộ) những sự trên trời, để dầu còn sống trên trần gian, một cách nào đó, chúng ta đã hưởng hạnh phúc như các thánh trên trời.

Hướng về trời không phải là một ảo tưởng hão huyền hay là một thứ “thuốc phiện mê dân”, nhưng là niềm hy vọng và niềm xác tín của Kitô hữu. Chúng ta dựa vào lời cầu nguyện của Chúa Giêsu với Chúa Cha trong Tin Mừng Thánh Gioan chương 17. Qua lời cầu nguyện này, Chúa Giêsu vừa thân thưa với Chúa Cha, vừa thể hiện tâm tình thương mến đặc biệt đối với các môn đệ. Người xin Chúa Cha cho các môn đệ được ở với Người, vì các môn đệ – và những người kế tiếp các ngài là chính chúng ta hôm nay – là những quà tặng mà Chúa Cha ban cho Chúa Giêsu. Như thế, những ai tin vào Chúa Giêsu, sẽ được ở với Người và cùng Người chiêm ngưỡng vinh quang vĩnh cửu. Vinh quang này đến từ nơi Chúa Cha. Chính Chúa Giêsu cũng được đón nhận vinh quang ấy, rồi Người lại chia sẻ cho chúng ta.

Hướng về trời mở ra cho người tín hữu một chân trời hy vọng. Hy vọng là chờ đợi những điều tốt đẹp ở phía trước. Người tin Chúa biết rõ tương lai hậu vận đời mình, đó là được sống với Chúa, được chia sẻ vinh quang hạnh phúc với Ngài. Nhờ có niềm hy vọng, chúng ta vững tin ngay cả khi gặp những gian nan thử thách, với xác tín rằng, người yêu mến Chúa sẽ vượt thắng tất cả. Trong lời cầu nguyện vừa nêu ở trên, Chúa Giêsu khẳng định những ai tin vào Người sẽ được Chúa Cha yêu thương. Ở một nơi khác trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói đến sự hiện diện của Chúa Cha và Chúa Con trong tâm hồn những ai yêu mến và thực thi giáo huấn của Chúa Con “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Đây là hạnh phúc kỳ diệu. Chúa Ba Ngôi sẽ ở trong tâm hồn người công chính.

Hướng về trời cũng giúp cho người tín hữu có được những nghị lực siêu nhiên. Thế gian là bãi chiến trường, là thung lũng nước mắt, là bể khổ. Đức tin khẳng định với chúng ta: Thiên Chúa hiện diện giữa bãi chiến trường ấy, vì Ngài là Cha giàu lòng thương xót. Ngài luôn nâng đỡ trợ lực chúng ta trên mọi nẻo đường đời. Tác giả sách Công vụ Tông đồ đã kể lại chứng từ của thánh Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên của Kitô giáo: trong lúc sắp tắt thở vì bị ném đá, ông đã nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người ngự bên hữu Thiên Chúa”. Đức tin vào đời sống vĩnh cửu đã ban cho vị tử đạo của chúng ta sức mạnh và niềm xác tín phi thường, với niềm xác tín: chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Hỡi những người Galilêa, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1,11). Lời của hai sứ thần mặc áo trắng nói với các môn đệ năm xưa lúc thày trò chia tay, cũng là lời ngỏ với chúng ta hôm nay. Mừng Chúa lên trời hướng chúng ta về quê hương vĩnh cửu, đồng thời nhắc chúng ta về bổn phận đối với quê hương trần thế. Kitô hữu không phải là người bị “bứng” khỏi cuộc sống đời này, nhưng là những người dấn thân trong mọi môi trường cuộc sống, để làm chứng cho niềm vui của Đức tin, nhất là làm chứng cho Chúa Giêsu trong khi mong đợi Người lại đến.

“Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến! Đời sống Kitô hữu là sự chờ đợi liên lỉ, với tâm tình cầu nguyện và phó thác cậy trông. Đấng Phục sinh đang hiện diện giữa chúng ta. Người sẽ đến trong vinh quang vào ngày tận thế. Chúa đã hứa với chúng ta như vậy.

2/ NIỀM HY VỌNG NƯỚC TRỜI

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Có nhiều người nghĩ thế giới chỉ bó gọn trong trái đất và con người chỉ thuộc về mặt đất. Nhưng không phải thế. Hôm nay, Chúa Giêsu lên trời là một bằng chứng cho niềm hy vọng của ta.

Việc Chúa Giêsu lên trời bảo cho ta biết rằng ngoài trái đất còn có trời. Ngoài cõi nhân sinh nhỏ hẹp còn có cõi thần linh bao la. Ngoài cuộc sống trần gian mau qua còn có cuộc sống thiên đàng vĩnh cửu.

Chúa Giêsu về trời là niềm hy vọng cho ta. Mai sau ta cũng sẽ được về trời với Người. Vì chính Người đã hứa: “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy”.

Chúa Giêsu đã liên kết ta thành một thân thể với Người. Người là đầu. Chúng ta là chi thể. Đầu tiến đến đâu thì chi thể cũng sẽ tiến đến đấy.

Chúa Giêsu dạy ta biết rằng ta là con của Thiên Chúa Cha, Đấng ngự trên trời. Con sẽ được ở trong nhà cha mẹ. Chúng ta sẽ được ở nhà Cha trên trời là tự nhiên.

Tuy nhiên Chúa Giêsu chỉ về trời sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ Đức Chúa Cha trao phó cho Người ở trần gian. Nhiệm vụ đó là loan báo cho mọi người biết Chúa là Cha yêu thương mọi người. Nhiệm vụ đó là làm chứng về tình yêu thương của Cha đối với mọi người.

Hôm nay, trước khi về trời, Chúa Giêsu uỷ thác nhiệm vụ đó lại cho ta. Ta phải tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng yêu thương cho mọi người. Đem niềm hy vọng đến cho kiếp người.

Với niềm hy vọng đó, người Kitô hữu chân đạp đất nhưng lòng vẫn hướng về trời cao. Niềm hy vọng đó giải thoát ta khỏi nô lệ vào mặt đất nhờ đã biết rõ vật chất chỉ là phương tiện sẽ mau chóng qua đi. Niềm hy vọng đó nâng cuộc sống con người lên vì từ nay ta hiểu rằng định mệnh loài người không phải như loài súc vật, nhưng ngang hàng với thần linh. Niềm hy vọng đó đó làm cho cuộc sống của ta có ý nghĩa, vì Chúa tạo dựng nên con người không phải để con người tàn lụi đi theo quy luật của vật chất mà để con người phát triển, tồn tại đến vô biên, không phải bị kết án vào những đau khổ vất vả trần gian, nhưng đã được tiền định hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng. Niềm hy vọng đó cho ta thêm động lực phục vụ tha nhân tận tâm hơn vì đó chính là sứ mang Chúa trao phó. Niềm hy vọng đó khuyến khích ta tích cực xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, vì đó chính là điều kiện cho ta được vào Nước Trời.

Lạy Chúa, xin giúp con chu toàn nhiệm vụ ở trần gian để sau này con được về trời với Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Ham hố tiền bạc, danh vọng, chức quyền, khoái lạc làm đời sống ta nặng nề, không vươn lên cõi tâm linh được. Bạn thấy mình bị nặng nề về ham mê nào?
  2. Đời sống là một nỗ lực bay lên cao. Có khi nào bạn cảm thấy mình thoát khỏi những ràng buộc tầm thường để nhẹ nhàng bay lên không?
  3. Đời sống là một bổn phạn phải chu toàn. Bạn nghĩ gì về điều này?

3/ CHỨNG NHÂN

(Lm. Giuse Trần Việt Hùng)

Truyện kể: Thấy một thổ dân Phi Châu đang đọc sách. Một nhà buôn Âu Châu đi ngang qua, hỏi xem anh đọc gì? Anh đáp: Đọc Kinh Thánh. Nhà buôn cười cười nói: Thứ đó, ở xứ tôi đã lỗi thời rồi! Người Phi Châu đáp: Nếu ở đây mà Kinh Thánh lỗi thời, thì ông đã bị ăn thịt từ lâu rồi.

Kinh Thánh là lời mạc khải của Thiên Chúa ban cho con người. Đọc Kinh Thánh giúp cho chúng ta nhận biết về chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Dân tộc Do-thái được Thiên Chúa chọn lựa, cưu mang và phát triển là để đón nhận Đấng Cứu Thế. Sự hình thành của Kinh Thánh Cựu Ước kéo dài cả mấy ngàn năm đón chờ. Tuy dù dân tộc Do-thái được chuẩn bị cách rất cẩn thận qua Kinh Thánh mạc khải, qua các dấu chỉ và qua các lời tiên tri loan báo, nhưng nhiều người đã bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ Đấng mà cha ông bao năm mong chờ. Bởi lẽ các vị lãnh đạo tôn giáo như các Thượng tế, Thầy cả, Tư tế, Luật sĩ, Biệt phái, Nhóm Sađucêô và các Đầu mục, Kỳ lão đã dẫn dân đi lạc vào ngõ khác. Chúa Giêsu đã đến hoàn tất mọi lời Kinh Thánh loan báo về Ngài. Chúa đến không phải để hủy phá lề luật, nhưng làm cho nên trọn. Chúa Giêsu là phiến đá mà thợ xây loại bỏ, đã trở thành đá góc tường. Ngài chính là cột trụ trung tâm duy nhất của mọi niềm tin.

Cuộc lữ hành trần thế của dân Do-thái tiến bước dần đến ơn cứu độ. Suy tư và não trạng chung của nhiều người vẫn còn bám víu vào những truyền thống và tục lệ cha ông. Vì thế, họ không dễ dàng mở cửa đón nhận những làn gió mới. Đạo Do-thái với những sinh hoạt tôn giáo, những hệ thống thần học, những luật lệ và những thực hành sống đạo đã ăn rễ sâu trong niềm tin. Một hệ thống tôn giáo quá nặng về phần tổ chức, sống vị luật và chú tâm hình thức. Tâm hồn họ dần rời xa cốt lõi của niềm tin là đời sống nội tâm. Nhiều người chỉ còn tôn thờ Thiên Chúa ngoài môi miệng nhưng lòng họ lại rời xa. Chúa Giêsu xuất hiện như cai gai trước mắt nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời. Chúa công khai giảng dạy tại trung tâm tôn giáo ở Giêrusalem. Chúa đã gặp gỡ mọi thành phần trong dân và đối diện với các nhóm lãnh đạo chuyên biệt. Chúa Giêsu tìm đưa dẫn họ về với căn cốt của đạo. Tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý. Sống đạo nội tâm. Sống đạo trong yêu thương, bác ái và vâng phục.

Chúa Giêsu đến để rao giảng tin mừng cứu độ. Chúa mời gọi mọi người sám hối vì Nước Trời đã gần kề. Thời gian đã viên mãn. Chúa thực hiện một cuộc vượt qua mới trong tinh thần mới. Chiếc xe thời gian đã đến, ai không bước lên, sẽ bị tụt lại sau. Mặc dầu có nhiều sự chống đối và chối từ, Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mệnh hy sinh cứu độ. Chúa hiến thân chịu chết và đã sống lại. Chúa Phục Sinh đã trở thành niềm hy vọng tuyệt đối cho nhiều người. Có rất nhiều người cùng đồng hành chia sẻ với cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa. Chúa không dấu diếm hay lừa dối những người tin theo Chúa, nhưng Chúa đã báo trước những sự khó khăn, sự bách hại, xua đuổi và chịu hy sinh đau khổ. Qua thánh giá khổ đau mới có thể bước vào vinh quang sự sống. Stêphanô là hoa qủa đầu mùa của niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh đã lãnh nhận triều thiên tử đạo.

Người ta thù ghét cả những người tin vào Chúa Kitô sống lại. Các nhà lãnh đạo tôn giáo là những người đầu tiên lên tiếng phủ nhận, phản đối và bách hại. Tác giả sách Tông Đồ công Vụ kể rằng trước khi bị ném đá cho chết, Stêphanô được đầy ơn Chúa Thánh Thần: Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.”(Tđcv 7, 56). Stêphanô đã tuyên xưng đức tin một cách can đảm, dầu phải đối diện với sự đau khổ và sự chết kề bên. Ông đã tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô Phục Sinh. Stêphano hiểu ý nghĩa lời dạy: Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính vì Nước trời là của họ. Nhưng những người đồng hương không thể chấp nhận một giáo lý mới của một người đã bị kết án tử hình: Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Sao-lô (Tđcv 7, 57-58).

Stêphanô thấm nhuần Tin Mừng của Chúa: Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” Nói thế rồi, ông an nghỉ (Tđcv 7, 60). Chúng ta biết máu của các vị thánh tử đạo là hạt giống ươm mầm đức tin. Thật vậy, sau cái chết của Stêphanô, ông Saolô đã được ơn trở lại. Saolô cùng đồng cảnh, đồng thuyền với nhóm đồng hương nhân danh đạo giáo để kết án ném đá Stêphanô. Chúa Giêsu phục sinh đã mở đường đưa dẫn ông Saulô trở về làm nhân chứng cho Ngài. Ông Saulô đã đổi đời và đổi tên thành tông đồ Phaolô. Phaolô trở thành một nhân chứng nhiệt thành. Không sợ gian nan, đau khổ và bách hại, ông đã sống chết cho niềm tin. Cả cuộc đời còn lại Phaolô đã không ngừng rao giảng Chúa Kitô phục sinh cho nhiều người. Ngài cũng đã chịu tử vì đạo và lấy máu đào chứng minh cho niềm tin sắt son.

Chúa Giêsu là kiên thuẫn, là đá tảng và là nơi nương náu cho những tâm hồn tìm kiếm Chúa. Chúa mời gọi mọi người lắng nghe và thực hành lời Chúa, họ sẽ được chia phần vinh quang hạnh phúc: Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một (Ga 17, 22). Chúa Giêsu yêu mến những người Chúa đã chọn và tất cả những ai thuộc về Chúa. Ngài muốn ấp ủ chúng ta như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh. Chúa đã tha thiết cầu nguyện cùng Chúa Cha: Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành (Ga 17, 24).

Qua bí tích Rửa Tội, chúng ta được tẩy sách tội xưa và cùng được tham dự vào Nhiệm Thể của Chúa Kitô, Chúa Kitô là đầu và tất cả chúng ta là chỉ thể. Chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa trong một đoàn chiên theo một Chúa Chiên. Chúa cầu nguyện để mọi người nên một trong Chúa. Trở nên một trong ý nghĩa phổ quát. Không phải nên một với người này, người kia hay nhóm này, nhóm nọ. Chúng ta nên một với Chúa Kitô để cùng tôn thờ Thiên Chúa Cha. Chúng ta cùng chia sẻ một niềm cậy trông và một niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu ngày sau. Chúng ta tuyên xưng chỉ có một Chúa, một đức tin và một phép rửa. Chúng ta tin nhận Chúa Kitô: Là An-pha và Ômêga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng (Kh 22, 13).

Trong cuộc sống, chúng ta nhận biết rằng có rất nhiều tổ chức các tôn giáo khác nhau. Tuy các tôn giáo có khác nhau về cơ cấu, tổ chức và thực hành sống đạo nhưng cùng quy hướng về sự tôn thờ một Thiên Chúa và hy vọng cuộc sống vĩnh cửu ngày sau. Chúa Kitô là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Con đường dẫn lối vào Nước Trời tuy hẹp nhưng Chúa Giêsu đã đi trước và mở lối đưa đường. Chúa Giêsu phán: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy (Ga 14, 6). Chúa Kitô là trung tâm điểm qui tụ mọi niềm tin về một mối để tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lạy Chúa, chúng con đã lãnh nhận hạt giống đức tin qua Bí tích Rửa Tội, xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con biết can đảm sống niềm tin và hăng say làm nhân chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh. Amen.

4/ CHÚA THĂNG THIÊN: MẦU NHIỆM VÀ SỰ KIỆN

(Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện)

Hôm nay chúng ta đọc hai trình thuật của Thánh Luca diễn tả cùng một thực tại: Chúa Giêsu Thăng Thiên.

Tuy nhiên, hai trình thuật này lại có nhiều điểm xem ra không dễ dung hòa với nhau, nhất là về phương diện lịch sử. Trong Tin Mừng (Lc 24,50-51), tác giả Luca giới thiệu biến cố Thăng Thiên ngay buổi chiều ngày Phục Sinh. Nhưng trong Công Vụ Tông Đồ, ông lại xác định biến cố Thăng Thiên vào thời điểm kết thúc “40 ngày” (Cv 1,3). Tại sao lại có sự khác biệt đó?

Trong Tin Mừng Lc, biến cố Thăng Thiên là biến cố kết thúc sách Tin Mừng. Tác giả không cung cấp những yếu tố thời gian rõ ràng, nên nhiều người hiểu rằng ông kể lại biến cố đó như thể đã xảy ra ngay chiều ngày Phục Sinh và diễn ra trong một cách thức long trọng: Chúa Giêsu giơ tay chúc lành cho các đồ đệ, “và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời” (Lc 24,51).

Trong Cv, điều Thánh Luca bận tâm và cố ý nhấn mạnh là công trình của Hội Thánh không được khởi sự chỉ với các đồ đệ của Chúa, mà là với chính Chúa Giêsu Phục Sinh. Chính Người hiện ra với họ, đồng hành với họ, thăm viếng họ suốt 40 ngày. Do đó, công trình loan báo Tin Mừng của Hội Thánh không phải là công trình của nhân loại, mà là công trình do chính Chúa Phục Sinh ấn định, khởi xướng, dẫn dắt. Vì thế, biến cố Thăng Thiên được đặt ở lúc kết thúc “40 ngày”.

Trình thuật trong sách Cv dài hơn và có nhiều chi tiết hơn trình thuật trong Lc: “Trong bốn mươi ngày, Đức Giêsu đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Người truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần. Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không? ” Người đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.” Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1,3b-11).

Điểm đặc biệt đáng chú ý nhất trong trình thuật này là tác giả đã không sử dụng bất cứ một chi tiết ly kỳ nào để miêu tả chính biến cố Thăng Thiên, cũng không nói gì về tâm tình hay cảm xúc của những người chứng kiến. Trình thuật chỉ kể đơn giản rằng: “Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (Cv 1,9). Đám mây quyên lấy Người, khiến cho không ai có thể kể lại là Người đã đi vào cõi Trời như thế nào. Rõ ràng tác giả cố tránh những chi tiết ly kỳ.

Điều này làm cho trình thuật khác hẳn tất cả những câu chuyện truyền kỳ và hoang đường đương thời. Tác giả không mô tả chính việc Đức Giêsu lên trời, cho bằng trách cứ thái độ của các đồ đệ cứ đăm đăm nhìn lên trời, phía Đức Giêsu đã đi. Đó là thái độ đặc trưng của những người mong cuộc tận thế sẽ mau xảy đến. Thánh Luca là một người công bố Tin Mừng. Điều ông quan tâm là giúp các tín hữu thời đại ông sống sứ mạng của họ theo thánh ý Thiên Chúa. Ông không bận tâm đến thái độ và phản ứng của các đồ đệ chứng kiến cuộc Thăng Thiên, mà chú ý đến việc Hội Thánh phải lấy lập trường đức tin như thế nào đối với mầu nhiệm Thăng Thiên và mầu nhiệm Cánh Chung. Điều chính yếu là lập trường căn bản mà Hội Thánh phải có đối với mầu nhiệm Cánh Chung. Vì thế, ông nhấn mạnh rằng Hội Thánh phải từ bỏ những sự tính toán ngày tháng (Cv 1,7), và phải tin rằng chính Đức Chúa, trong hiện tại của Hội Thánh, đang điều khiển lịch sử của thế giới và công trình loan báo Tin Mừng của Hội Thánh.

 Liên quan đến mầu nhiệm Thăng Thiên mà chúng ta cử hành hôm nay, cứ theo những gì Kinh Thánh trình bày, chúng ta có thể nói: đây là một thực tại có hai khía cạnh. Một bên là mầu nhiệm Đức Giêsu Phục Sinh vào trong cõi của Thiên Chúa một cách vô hình, còn bên kia là biến cố Người từ giã thế gian này một cách hữu hình. Khía cạnh thứ nhất trình bày cuộc tôn vinh Chúa Phục Sinh trên cõi trời, mang đậm chiều kích thần học, vượt quá giác quan và chỉ có thể chấp nhận nhờ lòng tin và nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Khía cạnh thứ hai là một sự kiện xảy ra trong lịch sử, thuộc phạm vi của những thực tại có thể kinh nghiệm được.

Khía cạnh thứ nhất, khía cạnh mầu nhiệm, là điều chính yếu và thuộc về nội dung căn bản của lòng tin. Còn việc Đức Giêsu chia tay các đồ đệ sau 40 ngày là một biến cố xảy đến như một ân huệ Thiên Chúa thương ban cho chúng ta vì bản tính yếu đuối của con người có giác quan. Vậy sự kiện xảy ra vào lúc kết thúc “40 ngày” không thể diễn tả trọn vẹn, đầy đủ và tương xứng chính mầu nhiệm đức tin thâm sâu vượt quá giác quan con người.

Chính vì thế, khi mô tả biến cố Thăng Thiên, cả trong Tin Mừng lẫn trong Cv, ta thấy Thánh Luca luôn cố ý giữ gìn một tâm tình kính cẩn trước mầu nhiệm. Ngài tránh mọi chi tiết mang tính huyền thoại, chỉ giữ lại ở mức tối thiểu những hình ảnh văn chương không thể không dùng để diễn tả mầu nhiệm. Để trình bày ý tưởng Đức Chúa Phục Sinh đã siêu vượt thế giới hư nát này và đi vào vinh quang Thiên Chúa, Kinh Thánh buộc phải dùng lối nói “lên trời”. Đó là hình ảnh có giá trị tượng trưng mà chúng ta buộc phải chấp nhận để diễn tả mầu nhiệm.

Vậy khi chúng ta nói Đức Giêsu lên trời, điểm cốt yếu phải tin là Chúa Kitô đã sống lại và siêu vượt khỏi cái thế giới tù túng, tội lụy, hay thay đổi và đầy đau thương này. Với thân xác phục sinh, Người đã đi vào một thế giới mới, thế giới của Thiên Chúa. Thế giới đó là thế giới xác thực, thiêng liêng, mới mẻ và siêu việt. Chỉ trong thế giới đó mới có sự sống đích thực. Thế giới đó siêu việt (chứ không xa cách) thế giới chúng ta đang sống. Đó là một thế giới khác biệt hẳn về phương diện thực hữu, chứ không phải về phương diện không gian xa gần hay rộng hẹp. Chúng ta có thể “sờ đụng” vào thế giới đó trong lòng tin và nơi các bí tích cứu độ. Đó là một sự “tiếp cận” một thực tại mầu nhiệm nhưng đồng thời rất thật, rất gần, thật và gần hơn cả cái thế giới phàm tục mà ta đang sống đây.

Vì thế, nói theo một nghĩa nào đó, mầu nhiệm Thăng Thiên cũng chính là mầu nhiệm mà Hội Thánh đang mời gọi chúng ta sống hằng ngày, ngay trong cái hôm nay của cuộc đời chúng ta.

 

bài liên quan mới nhất

Giáo xứ Cao Bình: Mừng lễ thánh Giuse Thợ, cùng nhiều anh chị em sắc tộc khai mạc tháng hoa kính Mẹ

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng