​​​​​​​Thứ ba tuần XVI thường niên



Phúc Âm: Mt 12, 46-50
“Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Ðây là mẹ Ta và là anh em Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: "Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia". Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: "Ðây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy".
Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM 1
MẸ VÀ ANH EM CỦA ĐỨC GIÊSU
(Mt 12, 46-50)
Trong cuộc sống, vì nhiều hoàn cảnh, các thành viên trong gia đình nhiều khi phải phân tán để ra đi đến nơi xa lạ nhằm kiếm miếng cơm manh áo hay học hành hoặc vì sứ vụ… Nỗi lòng nhớ quê hương và người thân hẳn không bao giờ vơi đi trong lòng người xa quê! Như vậy, nếu may mắn có cơ hội gặp được người thân nơi đất khách quê người thì thật là hạnh phúc, nhất là người đó lại là cha mẹ hay anh chị em thân thiện với mình.

Hôm nay, bài Tin Mừng cho thấy phản ứng ngược lại tình cảm tự nhiên của Đức Giêsu. Khởi đi từ việc Mẹ Maria và anh em của Đức Giêsu đến gặp Ngài. Khi được tin báo, thay vì hồ hởi, tay bắt mặt mừng để ra chào đón Mẹ và anh em của mình, thì Đức Giêsu lại chỉ tay vào các môn đệ và những người đang nghe giảng mà nói: “Đây là mẹ và anh em của ta”. Phải chăng có phũ phàng quá không???

Thực ra, qua câu nói này của Đức Giêsu không có ý hạ thấp, giảm nhẹ vai trò Đức Maria là thân mẫu của mình, cũng như không hề phủ nhận tình nghĩa anh em trong dòng họ. Nhưng mặt khác, Ngài muốn đề cao Đức Mẹ và anh em mình cách cụ thể, bởi vì chính các ngài là những người đã vâng theo thánh ý Chúa cách triệt để. Cũng qua câu nói này, Đức Giêsu đã đưa dân chúng đến một quan hệ khác còn quan trọng hơn tình mẫu tử và tình anh em ruột thịt, đó là những người nghe và mau mắn thi hành Lời Chúa thì đáng được gọi là mẹ hay anh chị em của Ngài hơn.

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy biết lắng nghe và mau mắn thi hành Lời Chúa trong đời sống hằng ngày, để trở thành thành viên trong đại gia đình của Chúa thực sự. Chỉ những ai được tháp nhập vào trong đại gia đình này mới là những người được ơn cứu độ, vì con cái thì mới được ở trong nhà.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban ơn thánh của Chúa xuống trên chúng con, để chúng con trở nên những con chiên ngoan ngoãn nhờ biết mau mắn thi hành Lời Chúa. Amen.

Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP


SUY NIỆM 1
Khổng Tử có một người cháu tên là Khổng Liệt và một người học trò tên là Bật Thứ Thiên, cả hai ra làm quan cùng một thời. Một hôm Khổng Tử hỏi người cháu: Từ khi ra làm quan đến giờ, người đã được điều gì và mất điều gì?
Khổng Liệt trả lời:
Từ khi ra làm quan, tôi chưa được điều gì, mà đã mất ba điều: Không có giờ học vì thế trình độ thấp, lương bổng không đủ để giúp người thân, công việc bề bộn nên không có thời giờ thăm viếng bạn bè.
Nghe thế Khổng Tử rất buồn lòng.
Một ngày nọ, Khổng tử cũng hỏi Bật Thứ Thiên cùng một câu như đã hỏi Khổng Liệt, Bật Thứ Thiên đáp:
Từ khi ra làm quan, tôi chưa mất điều gì, mà đã được ba điều: những điều đã học nay đem ra thực hành, vì thế việc học được rõ ràng thêm. Lương bổng tuy có ít nhưng cũng có thể giúp người thân phần nào, do đó mà thân thiện hơn; công việc tuy nhiều nhưng cũng bớt chút thời gian thăm bạn bè khiến tình bạn càng thân thiết.
Câu trả lời của Bật Thứ Thiên được Khổng Tử khen là chí lý và thực là câu trả lời của người quân tử. (Sưu tầm)

Đức Giê-su vì sứ mạng loan báo Tin Mừng, đã buộc mình phải rời xa tương quan ruột thịt tự nhiên và hạn hẹp, để gắn bó thiết thân hơn với sứ vụ, và gắn chặt mối tương quan nhân loại bao quát hơn. Có lẽ trong nhận thức của không ít người, khi dấn thân phục vụ cho đồng loại, dường như họ nghĩ là sẽ bị mất mác thua thiệt điều gì đó, nhưng Chúa Giê-su muốn cho mọi người, và nhất là những người môn đệ của Người thấy rằng: họ không mất mà được gấp trăm là “mẹ là anh em” của Chúa. Cũng như kinh nghiệm của Bật Thứ Thiên trong câu chuyện trên, khi tận tình cho công việc chung của triều đình, tương quan của Ông rộng và sâu hơn.
Khi Mẹ Maria liều lĩnh chấp nhận vâng nghe Lời Sứ Thần truyền, và chấp nhận gắn bó với Chúa Giê-su, Mẹ đã từng bước nhận ra Mẹ không chỉ là Mẹ duy nhất của Chúa Giê-su theo huyết nhục, mà Mẹ còn có mối tương quan thân thiết gắn bó đặc biệt với nhóm 12, mà còn quan trọng hơn với gia đình nhân loại. Khi biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa, mỗi người chắc chắn sẽ tăng thêm nhận thức về bản thân là những phần tử trong mối dây liên kết và tương quan trong đức tin, đức cậy và đức mến đối với đồng loại và đối với Thiên Chúa. Không ai trong thế giới này từ cổ chí kim có liên hệ huyết nhục nhân loại với Đức Giêsu; nhưng đã có rất nhiều người và chắc chắn sẽ còn có nhiều người sẽ gắn bó còn hơn ruột thịt và dám sống chết với Người, vì họ biết lắng nghe và thi hành ý muốn của Cha trên trời (Mt 12,50).

Minh Tứ
 

bài liên quan mới nhất

Ngày 09/5: Thánh GIUSE NGÔ DUY HIỂN. Linh mục, Tử đạo(1769-1840)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng