Thứ hai tuần XV thường niên


Thứ hai tuần XV thường niên
Phúc Âm: Mt 10, 34 – 11, 1
“Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng đem gươm giáo”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con chớ tưởng rằng Thầy đến để mang hoà bình cho thế gian: Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng đem gươm giáo. Vì chưng, Thầy đến để gây chia rẽ con trai với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình: và thù địch của người ta lại là chính người nhà mình. Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào yêu con trai con gái hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.

Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con: người ấy không mất phần thưởng đâu”.

Sau khi Chúa Giêsu truyền dạy xong các điều ấy cho mười hai tông đồ, Người rời khỏi đó để đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành phố của các ông.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM 1
HÒA BÌNH TRONG CHÂN LÝ
(Mt 10, 34 – 11, 1)
Sống trong bối cảnh xã hội hiện nay, chúng ta thấy tình hình căng thẳng trên Biển Đông ngày càng leo thang! Các nước có liên quan đã lên án sự ngang ngược, cách hành xử vô lý của Trung Quốc muốn bá chủ vùng Biển này. Đồng thời người ta lo ngại sẽ xảy ra chiến tranh!

Qua câu chuyện Biển Đông, người dân đều mong muốn có hòa bình, không chiến tranh. Tuy nhiên, ai cũng biết, muốn không xảy ra đụng độ, các bên phải ngồi lại để đàm phán, tôn trọng và chấp nhận sự thật. Có thế, chúng ta mới hy vọng hòa bình lặp lại trên Biển Đông.

Hôm nay, Đức Giêsu tuyên bố một câu xem ra rất nghịch lý: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa người ta với cha mình, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10, 34-36). Thoạt nghe, chúng ta thấy xem ra có vẻ mâu thuẫn, bất thường và khó hiểu. Tuy nhiên, đi vào chiều sâu của vấn đề, chúng ta mới thấy sáng tỏ một chân lý, đó là: chỉ có bình an đích thực khi chấp nhận sự thật; chấp nhận loại trừ những sai quấy. Bao lâu ta còn để cho sự ác, bất công, gian dối lộng hành, thì bấy lâu chúng ta không có bình an, nếu có, cũng chỉ là thứ bình an giả tạo.

Như thế, chúng ta cũng đâu lạ gì khi trong gia đình có những thành phần chống đối nhau. Tại sao thế? Thưa, chỉ vì có những chuẩn mực trong cuộc sống, những lựa chọn khác nhau, dẫn đến hệ quả khác nhau.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải đắn đo và cẩn trọng khi chọn lựa. Khi đã chọn điều tốt, phải kiên trì bảo vệ để đạt được sự bình an đích thực.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chiến đấu trong sự thiện, để luôn đứng về phía sự thật, hầu đem lại sự bình an thực sự. Amen.

Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP


SUY NIỆM 2
"Các con chớ tưởng rằng Thầy đến để mang hoà bình cho thế gian: Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng đem gươm giáo”. Đọc lại trình thuật Tin mừng hôm nay, hẳn mỗi người chúng ta đều có một sự nghi ngờ giống nhau là “phải chăng Chúa Giêsu đã nói ra những lời này?” “Và nếu đó là của Chúa, thì chúng ta hiểu sao?”

Điều quan trọng khi đọc đoạn Tin mừng này là chúng ta đọc nó theo những gì khác mà Chúa Giêsu đã từng viết. Chúng ta phải đọc nó trong ánh sáng của tất cả những lời dạy của Người về tình yêu và lòng thương xót, sự tha thứ và sự hiệp nhất, v.v. Vậy Chúa Giêsu đang nói về điều gì trong đoạn Tin mừng này?

Quả thật, Chúa đang nói về một trong những hiệu quả của sự thật của Tin mừng. Sự thật của Tin mừng có sức mạnh kết hợp chúng ta với Chúa một cách sâu sắc khi chúng ta hoàn toàn chấp nhận đó là Lời sự thật. Nhưng một hiệu quả khác của Tin mừng là chia rẽ chúng ta khỏi những người từ chối kết hợp với Chúa trong sự thật.

Chúng ta đang sống trong một thế giới, nơi mà văn hoá đương thời đang truyền bá một “chủ nghĩa tương đối”. Chủ nghĩa tương đối cho rằng điều tốt và đúng đối với tôi có thế không tốt và đúng đối với người khác. Và cho dù có những khác biệt và sự thật như vậy, chúng ta vẫn là một gia đình hạnh phúc. Nhưng điều đó không là chân lý được. Chân lý là điều mà Thiên Chúa đã thiết định cái gì là tốt cái gì là xấu. Ngài đã thiết lập luật luân lý cho toàn thể con người. Và luật đó cũng đúng với tôi cũng như đối với bạn hay bất cứ ai khác.

Như thế, loại bỏ tất cả các hình thức của thuyết tương đối và sống theo giáo huấn của Chúa chúng ta cũng có nguy cơ bị chia rẽ, ngay cả với những người trong gia đình mình. Điều này thật đáng buồn và thật đau đớn! Chúa Giêsu khi dạy chúng ta những điều này là để củng cố tinh thần chúng ta khi những điều này xảy ra. Nếu sự chia rẽ xảy ra do tội lỗi , chúng ta phải biết chấp nhận sai lỗi của mình. Nếu sự chia rẽ xảy ra vì chân lý của Tin mừng, chúng ta nên chấp nhận nó như là kết quả của Tin mừng. Chúa Giêsu đã bị từ chối và chúng ta cũng không nên ngạc nhiên nếu điều đó xảy ra với mình.

Lạy thánh cả Giuse, xin giúp chúng con biết đón nhận thánh ý Chúa như ngài đã từng đón nhận bằng một trái tim yêu mến và lòng can đảm mãnh liệt. Amen.

bài liên quan mới nhất

Diễn từ Đức Thánh Cha dành cho Phong trào Équipes Notre-Dame hỗ trợ các đôi vợ chồng Kitô hữu

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng