Thánh
MARTINÔ TRẦN NGỌC THỌ (QUANG hay NHO)
Nông dân (1787 - 1840)
NGÀY TỬ ĐẠO: 08 THÁNG 11
"Sống công bằng chưa đủ, phải có bác ái nữa."
Thánh Martinô Trần Ngọc Thọ sinh năm 1787 tại làng Kẻ Báng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông tên thật là Nho, tên Thọ là tên của người con thứ chín.
Trong chức vụ thu thuế, ông sống thanh liêm, không nhận hối lộ, cũng không quỵ lụy cấp trên. Ông còn làm ruộng, ươm tơ và nuôi tằm. Kiếm được thêm tiền, ông Thọ giúp đỡ người nghèo hoặc đóng góp cho việc chung trong làng và giáo xứ. Ông khuyên các con: “Sống công bằng chưa đủ, phải có bác ái nữa”.
Dưới triều vua Minh Mạng, khi lệnh cấm đạo được thi hành triệt để, gia đình ông Thọ vẫn kiên tâm sống đạo, vẫn đón linh mục, thầy giảng và giữ ảnh tượng thánh trong nhà. Khi quan quân thi hành lệnh triệt phá nhà thờ, nhà nguyện, nhà xứ và các cơ sở tôn giáo, ông Thọ đứng ra nhận nhà xứ Kẻ Báng, đưa vợ con và dụng cụ nông trang vào sống trong nhà xứ để bảo vệ nhà xứ khỏi bị tàn phá.
Sau khi đi viếng xác hai vị tử đạo là chánh trương Nguyễn Tiến Đích và lý trưởng Nguyễn Huy Mỹ, ông Thọ ân cần dặn dò các con: “Nếu Chúa cho Cha theo chân hai đấng ấy, các con hãy vui lòng. Phần các con, nếu bị bắt, các con hãy can đảm giữ vững đức tin”.
Tại đình làng Kẻ Báng, ngày 30-5-1840, ông Thọ bị bắt vì tội chứa chấp đạo trưởng. Dưới bóng cây đa ở sân đình, ông Trần Ngọc Thọ được an ủi khi gặp lại các cha Tạ Đức Thịnh, Nguyễn Ngân, Nguyễn Đình Nghi và ông Trần Ngọc Cỏn. Năm vị tù nhân đức tin cùng với hai mươi giáo hữu bị đóng gông, áp giải về trại giam Nam Định.
Ngày 08-11-1840, cùng với thánh Gioan Baotixita Trần Ngọc Cỏn, thánh Martinô Trần Ngọc Thọ chịu xử trảm tại pháp trường Bảy Mẫu, dưới triều vua Minh Mạng. Thi hài của hai vị được đưa về an táng tại giáo xứ Kẻ Báng.
Chứng nhân đức tin Martinô Trần Ngọc Thọ được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.
Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: Hội đồng Giám mục Việt Nam