Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XVIII Thường Niên – Năm C

CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN – NĂM C

(Gv 1, 2; 2, 21-23; Cl 3, 1-5, 9-11; Lc 12, 13-21)

 

1/ SỐNG CÓ Ý NGHĨA

(ĐTGM Giuse Vũ Văn Thiên)

Sống trong đời, ta là thân lữ khách, bởi lẽ cuộc sống là một cuộc hành trình dài. Có những lúc dừng lại để hồi tâm suy nghĩ, những câu hỏi làm ta giật mình: ta sống để làm gì? Vất vả ngược xuôi, bon chen tính toán, để cuối đời ta được gì, vì lúc vào đời, ta có hai bàn tay trắng, và lúc ra đi, ta cũng trắng tay? Đặt những câu hỏi đó sẽ giúp chúng ta nhìn lại đường đời mình đang đi, vừa để tận hưởng những hạnh phúc nho nhỏ ta có bên đời, vừa để kịp thời điều chỉnh những sai phạm lầm lỡ, nhờ đó uốn nắn cuộc đời nên hoàn thiện hơn.

Tác giả sách Giảng viên đã ghi lại lời giảng của ông Cô-hê-lét. Đây là suy tư của một người đã từng trải. Chắc ông đã qua nhiều thăng trầm trôi nổi của cuộc sống, để rồi cuối cùng đúc rút ra một bài học: tất cả chỉ là phù vân. Phù vân là mây bị gió thổi, ý nói mọi sự đều chóng qua và vô nghĩa. Một văn sĩ Việt Nam, khi cảm nhận được sự chóng qua của đời người đã thốt lên: “Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật, Thế cho nên tất bật đến bây giờ!” (Bùi giáng). Một tác giả khác lại suy tư: “Phú quý vinh hoa như mộng ảo,Sắc tài danh lợi tựa phù du”. Ý tưởng về sự mong manh của kiếp người cũng thường thấy trong Thánh vịnh: “Kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình.” (Tv 103, 15-16). Vì cuộc sống chóng qua như thế, chúng ta phải sống sao cho có ý nghĩa trước mặt Chúa và tha nhân.

Nhân dịp có người đến nhờ giải quyết tranh chấp gia tài, Chúa Giêsu nói về việc sử dụng của cải. Tiền vàng bạc bể trên thế giới, chỉ có Chúa là chủ sở hữu chính thức. Con người ở đời chỉ là “lưng cơm giá áo” như người xưa vẫn nói. Ai may mắn có được của cải, cũng chỉ là Chúa trao cho quản lý và sinh lời. Dụ ngôn người phú hộ chúng ta đọc hôm nay và dụ ngôn 3 người đầy tớ được trao những nén bạc (x. Mt 25,14-30), cũng mang một giáo huấn tương tự. Được trao nhiều hay trao ít, mọi đầy tớ phải lo làm cho số vốn đã nhận sinh lợi. Người phú hộ không đáng trách vì anh ta giàu, nhưng Chúa trách anh ta và quở anh là “ngốc”, vì anh ta chỉ bo bo giữ cho mình số của cải có được. Những lời tự nhủ của anh ta cho thấy anh là một người giàu có nhưng ích kỷ và kiêu ngạo, chỉ lo hưởng thụ mà quên lãng tha nhân. “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”. Lời kết thúc của bài Tin Mừng là giáo huấn mà Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta. Trước mặt thế gian, người phú hộ rất giàu có, nhưng trước mặt Thiên Chúa, anh lại rất nghèo nàn. Sự giàu có và nghèo nàn trong giáo huấn của Chúa Giêsu lại khác với quan niệm thông thường trong cuộc sống chúng ta. Kết cục bi thảm của cuộc đời người phú hộ cho thấy điều ông tưởng là chắc chắn và đặt để niềm hy vọng, thì đó chỉ là đám bèo trôi, nay hợp mai tan, nay còn mai mất. Đang là người tưởng mình hạnh phúc, ông trở thành bất hạnh, vì công lao khó nhọc bao năm tích cóp mà chẳng được hưởng dùng, cũng chẳng mang đi được. Mỗi ngày sống, chúng ta cần “làm giàu” trước mặt Chúa và cần tích trữ cho mình của cải thiêng liêng. Một đời sống đạo hạnh, bao dung, nhân từ, khiêm tốn trung thực… sẽ là tạo nên nhiều của cải thiêng liêng cho bản thân. Lòng quảng đại sẻ chia tinh thần vật chất cho người bất hạnh, sẽ được Chúa ghi nhận, vì “cho đi là còn mãi”, hoặc “chính lúc hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”. Sống ngay lành trước mặt Chúa, thân thiện và quảng đại đối với anh chị em, sẽ làm cho cuộc sống thêm đẹp và có ý nghĩa, nhờ đó ta tìm được hạnh phúc ngay chính ở đời này, vì người ta chỉ hạnh phúc đích thực khi đem lại hạnh phúc cho người khác.

Mỗi người đều cần có vật chất để bảo đảm đời sống của mình và giúp đỡ tha nhân. Qua dụ ngôn người phú hộ, Chúa Giêsu nhắc chúng ta: đừng quá lệ thuộc vào vật chất. Vật chất chỉ là phương tiện, chứ không phải đích điểm của đời người. Kinh nghiệm thực tế dạy chúng ta: không phải lúc nào vật chất cũng đem lại cho chúng ta hạnh phúc. Thánh Phaolô dạy các tín hữu hãy sống cao thượng, can đảm từ bỏ những thói hư tật xấu. Khi từ bỏ tội lỗi, là chúng ta chấp nhận chết với Chúa Giêsu để vươn tới cuộc sống mới, cuộc sống trong ân sủng và niềm vui của Đấng phục sinh. Thánh nhân liệt kê những gì được coi là “hạ giới”, như gian dâm, ô uế, ước muốn xấu và tham lam. Kết hợp với Đấng phục sinh, chúng ta đã nếm hưởng hạnh phúc Thiên đàng ngay khi còn ở đời này.

Xin kết thúc bằng những vần thơ, cũng của thi sĩ Bùi Giáng, suy tư về ý nghĩa cuộc đời. Chúng ta hãy cùng với ông “hướng về nơi cao xanh”:

Khi ra đi cũng không còn nuối tiếc
Vì đời ta đã sống trọn kiếp người
Với tất cả tấm lòng thành thương mến
Ðến mọi người xa lạ cũng như quen

Ta là Cát ta sẽ về với Bụi
Trả trần gian những cay đắng muộn phiền
Hồn ta sẽ về nơi cao xanh ấy
Không còn buồn lo lắng chốn trần ai.

2/ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Từ khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới ít chú ý đến chính trị. Mọi nỗ lực đều tập trung vào phát triển kinh tế. Xưa kia, nước mạnh dùng sức mạnh quân sự để áp chế những nước yếu. Ngày nay những nước giàu dùng sức mạnh kinh tế để chèn ép những nước nghèo. Kinh tế trở thành một sức mạnh. Tiền bạc trở thành một vũ khí lợi hại. Chính vì thế ai cũng mong làm ăn phát đạt để trở nên giàu có. Thế mà Lời Chúa trong các bài đọc hôm nay dường như đi ngược chiều với xã hội. Phải chăng Chúa chống lại sự phát triển, sự sung túc thịnh vượng của xã hội?

Nếu đọc kỹ Lời Chúa và quan sát đời sống của Chúa Giêsu, ta sẽ thấy.

1) Chúa Giêsu xuống trần gian không nhằm giải quyết vấn đề kinh tế.

Khi người thanh niên đến xin Người phân xử vụ chia gia tài, Người đã trả lời: “Ai đặt ta làm quan án cho các ngươi?” Người đến không phải để giải quyết các vấn đề kinh tế. Việc phân chia tài sản là việc giữa con người với nhau.

Sau khi chứng kiến phép lạ bánh hoá ra nhiều, dân chúng muốn tôn Đức Giêsu lên làm vua. Nhưng Người đã lánh đi nơi khác. Người muốn cho con người thoát ra khỏi lãnh vực vật chất trong cuộc sống.

2) Chúa Giêsu muốn nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tuy không quan tâm đến vấn đề kinh tế, nhưng Chúa Giêsu không chống lại việc làm giàu, tích lũy của cải. Người chỉ muốn cho việc tích lũy của cải có một ý nghĩa.

Khi nói với đám đông: “Anh em phải coi chừng, phải tránh xa mọi thứ tham lam, vì dẫu có dư giả thì mạng sống con người cũng không nhờ của cải mà được bảo đảm đâu”, Chúa Giêsu muốn cho ta hiểu: đời sống đâu chỉ gói gọn trong vấn đề cơm, áo, gạo, tiền. Đời sống còn là cái gì cao hơn thế, đẹp hơn thế.

Triết học phân chia con người ra hai phạm trù: “avoir” (có) và “être” (là). Tôi có gì thuộc phạm vi khối lượng. Tôi là gì thuộc phạm vi chất lượng. Những gì tôi có như của cải, quần áo, chỉ là những gì ở ngoài, không làm thành giá trị con người. Những gì tôi là mới tạo thành bản thân tôi, gắn bó thân thiết với tôi, tạo thành giá trị đời tôi.

Khối lượng không quí hơn chất lượng. Đừng lầm tưởng rằng ý nghĩa cuộc đời sẽ tăng theo khối lượng của cải. Chúa Giêsu muốn đời nghèo khổ, không của cải, nhưng không phải vì thế mà cuộc sống của Người không có giá trị. Giuđa chết khi túi đầy tiền bạc, nhưng không phải vì thế mà ông có giá trị hơn người khác.

Truyện kể: xưa có nhà hiền triết sống rất đơn sơ. Ông không cần quần áo, nhà cửa. Nhà của ông là một chiếc thùng phuy. Một hôm, vị hoàng đế đến thăm hỏi xem ông có cần gì không. Ông trả lời: “Tôi chỉ cần nhà vua đứng tránh ra, kẻo che mất ánh mặt trời của tôi”. Trong hai người ấy, ai cao quý hơn, ai đáng kính trọng hơn?

Chất lượng cuộc sống làm con người sống nên người hơn, cao quý hơn, sung mãn nhân cách hơn. Của cải chỉ có ý nghĩa khi giúp con người đạt được chất lượng cuộc sống. Của cải chỉ là phương tiện. Đừng biến phương tiện thành mục đích.

3) Chúa Giêsu mở tầm nhìn vô biên

Ông phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay đã coi của cải là mục đích. Có được của cải rồi, ông không còn biết làm gì hơn là hưởng thụ. Tầm nhìn của ông quá hạn hẹp. Chỉ biết có vật chất. Chỉ nhìn thấy đời này. Lời Chúa phán: “Hỡi đồ ngốc! Nội đêm nay người ta sẽ đòi mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sửa đó sẽ về tay ai” đã mở tầm nhìn ra vô biên. Người ta đâu sống mãi mà hưởng thụ. Khi chết thì của cải dù nhiều cũng tan theo mây khói.

Nhưng chưa hết, chết rồi người ta còn phải ra trước toà Chúa mà chịu phán xét. Chúa không đánh con người theo khối lượng những gì họ có, nhưng đánh giá theo chất lượng của đời sống. Theo cách đánh giá của Chúa, những gì ta thu tích cho bản thân sẽ hết, sẽ qua đi. Nhưng những gì ta cho đi sẽ tồn tại.

Lời Chúa hôm nay dạy ta đừng hạ thấp đời sống con người trong một tầm nhìn hạn hẹp vào việc thu tích của cải cho riêng mình. Nhưng hay nâng cao cuộc sống, mở rộng tầm nhìn để biết tích trữ những kho tàng nơi Thiên Chúa, kho tàng ấy sẽ không bao giờ mất được.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Tiền bạc cần thiết cho cuộc sống, nhưng tiền bạc cũng nguy hiểm. Theo bạn đâu là những nguy hiểm do tiền bạc?

2- Tham nhũng, hối lộ đang trở thành phổ biến, người tín hữu phải có thái độ nào đối với tiền bạc?

3- Bạn nghĩ gì về Lời Chúa: “Hãy dùng tiền của phi nghĩa mà mua lấy bạn hữu trên trời”?

4- Tiền bạc có phải là tất cả? Hay đời sống con người còn cần nhiều thứ khác cao quý hơn?

3/ HẠNH PHÚC KHÔNG NƠI TIỀN CỦA

(Lm. Louis Gonzaga Đặng Quang Tiến)

“Những của cải ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai!”

Chúng ta thường nói: “Đồng tiền nối liền khúc ruột”. Tiền của cần cho sự sống, cho việc sống đạo nữa. Có thực mới vực được đạo.

Thái độ của Chúa Giêsu đối với tiền bạc như thế nào? Chúa không ngại nói đến tiền bạc. Ngài nói đến như một thứ cần dùng, có giá trị nữa. Ngài nói đến người đàn bà đánh mất một đồng bạc, thắp đèn quét nhà tìm kiếm, kiếm được vội chạy đi khoe đầu làng cuối xóm. Ngài nói đến người đầy tớ nhận năm nén bạc làm lợi thành mười và Ngài khen là đầy tớ tốt và trung tín.

Đành rằng Phúc Âm không cho biết Chúa Giêsu có cầm tiền không? Nhưng không lạ, nếu Ngài cũng dùng tiền như mọi người. Các tông đồ có một túi tiền chung do Giuđa giữ và Chúa dạy đi mua sắm (Ga 12,6; 13,29). Chúa sống trong thế giới Do thái tiền bạc và Ngài là nạn nhân tiền bạc, Ngài bị bán với giá 30 đồng.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa dạy dùng tiền nhưng đừng ham tiền. Hạnh phúc con người không lệ thuộc vào tiền của. Và Chúa kể câu chuyện người giàu có thiếu khôn ngoan, xây mộng vàng hạnh phúc trên tiền của rồi chết bất ưng. Chúa kết luận: “Đồ ngốc! ngay đêm nay, người ta sẽ đòi ngươi trả lại hồn ngươi, mọi điều ngươi đã soạn kia sẽ về tay ai?”. Và thánh Luca kết luận bằng một câu, có lẽ lấy ở nơi khác: “Như thế đó, kẻ lo chất kho cho mình, mà không biết làm giàu nơi Thiên Chúa”.

Năm 1923, tại Chicago, có hội nghị các thương gia Mỹ. Chín người được coi là thành công nhất, trong số có ông chủ hãng thép, điện, xăng, hỏa xa, ngân hàng International Settlement. Nhưng mà, gần hết các ông vua tiền ấy đã kết thúc cuộc đời trong cảnh nghèo túng, thất vọng hay đã tự tử.

Thánh Phaolô nói: “Vì tham tiền là cội rễ mọi sự dữ. Cầu thỏa lòng tham, thì có kẻ đã lạc xa đức tin và bị bao nỗi đớn đau xâu xé” (1Tm 6,10).

Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính Ngài đúng bữa cho ăn. Khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê (Tv 144).

4/ TIỀN BẠC VÀ GIÀU SANG

Có người đã kết án: Kitô giáo là đạo của những người giàu và Giáo Hội thì chạy theo tư bản! Vậy đâu là thái độ của Chúa Giêsu và lập trường của Giáo Hội đứng trước vấn đề của cải và giàu sang? Như chúng ta đã biết Chúa Giêsu muốn sống thật nghèo hèn. Sinh ra không nơi ẩn trú, lớn lên không chốn tựa đầu và chết đi một cách trơ trụi trên thập giá, thế nhưng, Ngài cũng đã chấp nhận quyền tư hữu.

Thực vậy, trong 10 giới răn được công bố có giới răn thứ 7 và thứ 10 cấm chúng ta không được ước ao, lấy hay giữ của người khác một cách trái phép. Với chàng thanh niên giàu có, trước hết Ngài đã phán: Hãy tuân giữ những giới luật. Sau đó, Ngài thêm: Nếu con muốn trở nên trọn lành, hãy về bán tất cả những gì con có, phân phát cho người nghèo, rồi hãy đến mà theo Ta.

Chúa Giêsu luôn tỏ ra thương xót những kẻ nghèo hèn và cùng khốn, tuy nhiên Ngài cũng có những người giàu ở bên cạnh, chẳng hạn như Giakêu, như Giuse Arimathia. Ngài cũng đã vào nhà ông Simon, một người biệt phái giàu có.

Tuy nhiên Ngài đã cảnh giác: Sự giàu sang là một nguy hiểm cho phần rỗi linh hồn và người giàu có khó mà vào được Nước Trời. Ngài nói rằng khó chứ không bảo rằng không có thể. Theo Ngài, sự giàu có, hay nói đúng hơn lòng đam mê tiền bạc là như một bụi gai, bót nghẹt hạt giống lời Chúa được gieo trồng trong tâm hồn chúng ta.

Ngài không kết án sự giàu sang chính đáng, được tạo nên bởi mồ hôi nước mắt, bởi công lao vất vả của chúng ta. Điều Ngài kết án đó là lòng đam mê tiền bạc một cách mù quáng, đến nỗi quên mất cả Thiên Chúa và linh hồn của mình. Chính trong chiều hướng này mà Ngài đã nói: Khốn cho những kẻ giàu sang, vì không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa, lại vừa làm tôi tiền bạc được. Ngài cũng căn dặn chúng ta về việc sử dụng tiền của: Hãy dùng tiền của mà mua lấy bạn hữu. Đồng thời Ngài đặc biệt nhắc bảo chúng ta hãy thu tích cho mình một kho tàng thiêng liêng, trộm cắp không thể lấy đi và mối mọt không thể gậm nhấm… bởi vì được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích lợi chi. Và như thế dưới mắt Chúa Giêsu thì phần rỗi linh hồn quý trọng hơn mọi của cải vật chất.

Tiếp đến là Giáo Hội, noi gương Thầy chí thánh, Giáo Hội không kết án của cải tiền bạc nhưng kết án thói xa xỉ phung phá, lòng đam mê tiền bạc quá đáng, cũng như sự keo kiệt và cõi lòng chai đá. Theo giáo huấn của Giáo Hội, thì Thiên Chúa là chủ mọi tạo vật. Vì thế, con người sẽ phạm tội nếu không sử dụng của cải trong tinh thần công bằng và bác ái. Giáo Hội không ngừng khơi dậy một tình thương: Hỡi người người giàu hãy than khóc vì những tại hoạ đổ xuống, của cải sẽ mục nát, vàng bạc sẽ bị han rỉ, tiền công của thợ gặt mà các ngươi đã gian lận đang kêu lên và tiếng kêu ấy đã thấu tới Chúa. Các thánh giáo phụ cũng đã dùng những lời lẽ gay gắt để chỉ trích những kẻ cho vay nặng lãi và những kẻ bóc lột người nghèo. Rồi các Đức Giáo Hoàng gần đây không ngừng cổ võ cho một sự công bằng xã hội. Đức Thánh Cha Léo XIII trong thông điệp “Tân sự” đã bênh vực thợ thuyền và xác định những quyền lợi của giới công nhân. Tiếp đến, các Đức Thánh Cha Piô XI, Piô XII, Gioan XXIII, Phaolô VI cũng đi vào con đường đó, các ngài lên tiếng phải cải tạo xã hội dựa theo công bằng và tình thương Kitô giáo. Như thế chúng ta thấy cả Chúa Giêsu lẫn Giáo Hội đều không phải là những người chạy theo tư bản. Mặc dù bênh vực quyền tư hữu, nhưng luôn kết án lòng đam mê tiền bạc, hoang phí tiền của và cư xử bất công đối với những người nghèo. Vì thế, hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa trước đã. Tiền bạc chỉ là phương tiện, chứ không phải là mục đích cuối cùng của đời sống chúng ta.

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Sáu tuần IV Phục Sinh: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng