Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật VI Phục Sinh - Năm C

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH – NĂM C

1/ THỜI ĐẠI CỦA CHÚA THÁNH THẦN

(ĐTGM Giuse Vũ Văn Thiên)

Do Thái giáo được so sánh như một cây cổ thụ, và Kitô giáo là nhánh chồi non mọc lên từ cây cổ thụ đó. Chương trình cứu độ của Thiên Chúa thật kỳ diệu. Ngài đã có ý định thiết lập Giáo Hội từ ngàn xưa, khi Ngài tạo dựng đất trời. Trong lịch sử, Ngài đã chuẩn bị một dân. Từ dân riêng đó, Đấng Cứu độ là Đức Giêsu đã xuất hiện. Vị Ngôn sứ thành Nagiarét đã quy tụ những người tin vào Người và lập nên Giáo Hội. Trước khi về trời, Đức Giêsu hứa sẽ xin Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo trợ đến hướng dẫn Giáo Hội. Sau khi Chúa Giêsu về trời, Chúa Thánh Thần đã đến với Giáo Hội vào ngày lễ Ngũ Tuần. Đây là khởi điểm thời đại của Giáo Hội, cũng là thời đại của Chúa Thánh Thần.

Trước cuộc khổ nạn và Phục sinh, Chúa Giêsu chỉ hiện diện nơi vùng đất xứ Galilêa. Khi đã về trời, Người lại hiện diện cách huyền nhiệm và thiêng liêng ở bất cứ nơi nào có cộng đoàn tín hữu, như Người đã hứa: “Này đây Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Như vậy, nếu Chúa Giêsu không hiện diện hữu hình nơi trần thế, thì Giáo Hội là chính sự hiện diện của Người. Nói cách khác, Giáo Hội chính là hiện thân của Chúa, làm cho sự hiện diện của Người lan rộng. Qua Giáo Hội, Chúa Giêsu không còn hiện diện ở một nơi nào cố định, mà Người hiện diện trên toàn thế giới.

Các tông đồ ngay từ thuở Giáo Hội sơ khai đã ý thức được vai trò của Chúa Thánh Thần. Ngài hoạt động giữa các ông. Bài Sách thánh thứ nhất trích sách Công vụ Tông đồ kể lại cuộc gặp mặt quan trọng quy tụ các tông đồ. Cuộc gặp mặt này được gọi là Công đồng Giêrusalem, tức là cuộc họp chính thức đầu tiên của Kitô giáo. Được tổ chức vào khoảng năm 46, với mục đích giải quyết những vấn nạn liên quan đến việc các tín hữu gia nhập Giáo Hội. Thời đó, có những tranh cãi giữa các tín hữu và ngay cả giữa các tông đồ. Có người chủ trương phải cắt bì và tuân giữ Luật Môisen. Kết quả của cuộc tranh luận này được ghi ngắn gọn: Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác, ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn máu, ăn thịt loài vật không cắt tiết và tránh gian dâm”. “Văn kiện” của Công đồng đầu tiên của Giáo Hội ngắn gọn đơn sơ là thế, mà đánh dấu một bước tiến mới quan trọng: Giáo Hội Kitô như một mầm non tách khỏi cây cổ thụ Do Thái giáo để từ nay từng bước độc lập về hệ thống giáo lý cũng như về cơ cấu tổ chức. Đức tin Kitô giáo vẫn dựa nền tảng trên giáo huấn của Cựu ước, nhưng được canh tân đổi mới theo giáo huấn của Chúa Giêsu và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ngôi Ba Thiên Chúa hiện diện như linh hồn của Giáo Hội. Nhờ Chúa Thánh Thần mà cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi lớn mạnh nhanh chóng.

Ngày lễ Ngũ Tuần khai mở thời đại của Chúa Thánh Thần, cũng là thời đại của Giáo Hội. Bởi lẽ Chúa Thánh Thần hoạt động thúc đẩy mỗi thành viên của Giáo Hội. Nhờ sức mạnh của Ngài mà người tín hữu can đảm tuyên xưng Đức tin, làm chứng cho Đức tin dù có phải đổ máu. Cùng với Thánh Thần, Đấng Phục sinh đã ban cho các môn đệ bình an của Người. Bài Tin Mừng Thánh Gioan ghi lại tâm tình thương mến của Chúa Giêsu đối với các môn đệ. Những tâm tình thật thắm thiết và thiêng liêng. Người căn dặn các ông đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi, “vì Thầy đi và Thầy sẽ đến cùng anh em”. Đó cũng là những tâm tình Chúa Giêsu dành cho chúng ta, là những môn đệ của Người sau hai mươi thế kỷ. Bởi lẽ chúng ta cũng được mời gọi mạnh dạn làm chứng cho Chúa qua việc thực thi giáo huấn của Người. Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng cho chúng ta, để nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã dạy. Mỗi tín hữu đều được trao sứ mạng loan truyền Đức Giêsu Phục sinh. Vì vậy, thời của Giáo Hội và cũng là thời của chúng ta, vì chúng ta làm thành Giáo Hội. Mỗi người đều là chi thể của thân thể, là Giáo Hội có Chúa Giêsu là Đầu.

Ai yêu mến Thầy, thì hãy giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. Được Chúa Cha và Chúa Con hiện diện trong tâm hồn, đó là vinh dự lớn lao đối với người tín hữu. Vinh dự này là kết quả đến từ lòng mến Chúa. Lòng mến ấy được chứng minh qua cố gắng nỗ lực thực thi lời Chúa dạy. Hạnh phúc của những ai mến Chúa không chỉ ở đời này, mà còn tồn tại vĩnh viễn trong thế giới mai sau. Thánh Gioan tông đồ trong thị kiến đã thấy thiên đàng. Nơi đây không còn cần đến ánh sáng vật chất của mặt trời và mặt trăng, vì vinh quang Thiên Chúa toả rạng và Chiên Con là ngọn đèn chiếu soi”. Người công chính sẽ được chia sẻ vinh quang Thiên Chúa. Họ sẽ trở nên bất tử, như Thiên Chúa, và được cùng sống mãi mãi với Ngài.

 

2/ TRONG VÀ NGOÀI TÌNH YÊU

(ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Trong những năm qua, nước ta phải trải qua hai thiên tai khốc liệt. Thiên tai gây nên những thiệt hại trầm trọng về vật chất và tinh thần. Nhưng cũng chính trong thiên tai đã xuất hiện những nét đẹp của tình người.

Qua báo đài, tôi đã thấy nhiều Đức Giám mục, Linh mục mặc quần soọc áo may-ô chèo thuyền đi thăm viếng, khích lệ các nạn nhân. Nhiều cao tăng hoà thượng vận động tín đồ Phật tử tham gia công tác cứu trợ. Nhiều nữ tu đứng ra tổ chức công việc cứu trợ có khoa học và hiệu quả. Nhiều nhà thờ, nhà chùa, tu viện trở thành nơi tiếp đón các gia đình lâm nạn. Biết bao bộ đội, công an xả thân, liều lĩnh vượt qua sóng to gió lớn để cứu hộ các nạn nhân. Cả nước hướng về những nơi hoạn nạn đã đành. Cả những anh chị em ở nước ngoài cũng đau đớn khi khúc ruột trong nước đau đớn. Nên Việt kiều ở nước ngoài cũng đã vận động quyên góp, tổ chức những đoàn cứu trợ về thăm viếng và uỷ lạo các nạn nhân bão lụt. Nhiều cơ quan thiện nguyện nước ngoài cũng nhập cuộc. Tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, màu da, ngôn ngữ, khuynh hướng chính trị, giai cấp đang quy tụ lại để khắc phục thảm hoạ. Toàn cầu hoá với sự bùng nổ thông tin đang làm cho các nước xích lại gần nhau. Gần gũi không chỉ về không gian, nhưng nhất là về tấm lòng. Mọi người liên đới với nhau trong việc chống lại cái ác và cùng nhau đề cao sự thiện, lòng nhân ái. Đó là dấu chỉ cho thấy Lời Chúa đang được thực hiện.

Tuần trước khi Chúa Giêsu nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con thương yêu nhau”, Người đã cấp thẻ quốc tịch cho những kẻ thuộc về Người. Căn tính của những kẻ thuộc về Người không phải là mầu da, ngôn ngữ hay phong tục tập quán, nhưng là trái tim. Người ta nhận ra thần dân của Người không phải bằng chiều cao, sức nặng, nhưng bằng tình yêu.

Hôm nay, khi nói: “Ai yêu mến Thầy thì giữ Lời Thầy. Và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy”, Chúa Giêsu đang vẽ nên biên cương Nước Chúa. Biên cương này không xác định bằng rừng núi, sông biển, nhưng bằng tấm lòng. Chúa Giêsu không giới hạn Nước Chúa trong 4 bức tường nhà thờ vì Nước Chúa là Tình Yêu. Vì thế, điều quan trọng không phải là ở trong hay ngoài nhà thờ, nhưng là ở trong hay ở ngoài tình yêu. Ai ở ngoài nhà thờ mà ở trong Tình Yêu thì người ấy đã ở trong Nước Chúa. Trái lại, những ai ở trong nhà thờ mà không có Tình Yêu, thì người ấy vẫn còn ở ngoài Nước Chúa.

Rồi xã hội sẽ chẳng còn phân biệt hữu thần với vô thần. Nhưng sẽ chỉ có một phân biệt duy nhất: hữu tâm và vô tâm. Người hữu tâm là người có trái tim rộng mở, biết chạnh lòng thương xót, biết chia sẻ, phục vụ. Người vô tâm là người lòng chai dạ đá, trái tim khép chặt, chỉ biết trau chuốt bản thân. Người vô thần mà có trái tim nhân ái thì đã thuộc về Chúa. Hữu thần mà tâm hồn tàn nhẫn độc ác thì đã bị loại trừ ra khỏi Nước Chúa rồi.

Nhìn như thế, Nước Chúa thực là rộng lắm. Những người thuộc về Nước Chúa thực là đông đảo. Những người có trái tim yêu thương tạo nên thành Giêrusalem mới như ta nghe trong bài đọc thứ I hôm nay. Thành Giêrusalem mới có cửa mở ra 4 phương tám hướng để đón nhận mọi người từ khắp nơi tuốn về. Thành không có Đền Thờ vì thành được xây bằng yêu thương. Mà ở đâu có yêu thương thì ở đó có Thiên Chúa ngự trị. Thành không cần đèn đuốc vì Thiên Chúa tình yêu là ánh sáng cho thành. Gạch xây thành là những trái tim chan chứa yêu thương nên thành trở nên một khối pha lê trong suốt, như một viên ngọc quý toả ánh sáng tới khắp muôn dân.

Trong số những người có trái tim, xây dựng nên thành Giêrusalem mới ấy, tôi thấy có nhiều người trong anh chị em. Trong những năm qua số người tham gia công tác từ thiện bác ái ngày càng đông. Người âm thầm, kẻ công khai. Người góp của, kẻ dâng công. Tôi thấy rõ là anh chị em đang phấn đấu để ở trong tình yêu. Tôi thấy rõ là anh chị em đang rèn luyện để trở nên người hữu tâm.

Xin tình yêu Chúa thanh luyện trái tim ta không ngừng, để mỗi trái tim chúng ta trở thành một viên gạch trong suốt như pha lê, góp phần xây dựng thành Giêrusalem mới cho tình yêu Thiên Chúa ngự trị. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Chỉ đi lễ, đi đọc kinh thôi, đã đủ làm công dân trong Nước Trời chưa? Bạn có quan tâm giúp đỡ những người kém may mắn chung quanh bạn không?

2. Bạn có phấn đấu để hãm dẹp tính ích kỷ, chia rẽ và phát triển tình yêu thương tha thứ trong tâm hồn bạn không?

3. Bạn nghĩ gì về những người ngoại đạo tốt? Họ có phải là con Chúa không?

4. Trong và ngoài Giáo Hội. Trong và ngoài tinh thần. Bạn quan tâm tới điều nào hơn?

ÁNH SÁNG SOI ĐƯỜNG

(Lm. Phạm Thanh Liêm)

Chúng ta đang ở Chúa Nhật thứ sáu phục sinh, thứ năm tới là lễ Chúa Thăng Thiên nếu nơi đó không dời vào Chúa Nhật tới, và Chúa Nhật tới nữa là lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Ai yêu Ta thì giữ Lời Ta

Theo Tin Mừng, Đức Yêsu nói với các tông đồ rằng: “Ai yêu mến Ta thì giữ lời Ta, Cha Ta sẽ yêu mến người đó, và chúng ta sẽ đến và ở với người đó”.

Yêu mến ai, thì vâng lời người đó, làm theo điều người đó muốn. Không vâng lời ai, là không yêu người đó, ít nhất là không yêu đến độ bỏ ý riêng mà vâng lời. Thánh Y-nhã nói: “tình yêu hệ tại ở việc làm hơn tại lời nói”. Chúa Yêsu đã nói: “không phải những người nói ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ là được vào Nước Trời, nhưng là những kẻ làm theo ý Thiên Chúa” (Mt.7, 21).

Ai vâng nghe Lời Chúa, được Thiên Chúa ở cùng, và người đó trở thành dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện cho người khác nữa.

Thánh Thần sẽ dạy các con mọi sự

Đấng Bầu Chữa, Thánh Thần được Thiên Chúa Cha gởi tới nhân danh Chúa Yêsu, sẽ dạy các tông đồ mọi sự, và sẽ nhắc nhớ các tông đồ những gì Đức Yêsu đã nói với các ngài.

Chính trong Thánh Thần và nhờ Thánh Thần, Đức Yêsu ban bình an của Ngài cho chúng ta. Bình an Chúa Yêsu ban cho chúng ta, không ai có thể cướp được, ngay cả những người quyền thế có thể giết người, cũng không thể cướp được bình an ấy. Bình an Chúa ban, là hậu quả của xác tín được Chúa thương yêu vô cùng. Người có ơn bình an Chúa ban, cảm nhận Chúa là tất cả đối với mình. Ngài là Đấng không gì có thể đánh đổi được, Ngài là “mối lợi tuyệt vời” mà người được ơn nhận ra.

Chúa Thánh Thần luôn ở với chúng ta. Ngài dạy chúng ta mọi sự, Ngài giúp chúng ta làm những gì làm đẹp lòng Thiên Chúa. Thánh Thần giúp chúng ta tự do với tất cả. Trong bài đọc thứ nhất, một số Kitô hữu gốc Do Thái đòi các Kitô hữu gốc dân ngoại phải cắt bì, vì họ cho rằng có như vậy, các tín hữu dân ngoại mới được cứu độ. Để bảo vệ và làm sáng tỏ Tin Mừng, Phao-lô vàBarnabas đã quyết làm sáng tỏ vấn đề: Kitô hữu được cứu độ không do cắt bì nhưng do tin vào Đức Yêsu. Và “quyết định dưới tác động Thánh Thần” của các tông đồ đồ, là các Kitô hữu không phải cắt bì. Thánh Thần giúp chúng ta sống trong bình an và tình yêu, chứ không sống trong sợ hãi hay nô lệ. Thánh Thần Thiên Chúa, làm chúng ta tự do đích thực.

Ánh sáng soi thành là Con Chiên

Để có thể nhìn thấy vật gì đó, vật đó cần ánh sáng chiếu rọi và hình ảnh được phản chiếu vào mắt, nhờ vậy người ta có thể nhìn được. Con Chiên là đèn soi thành, Đức Yêsu là ánh sáng, là tiêu chuẩn giúp người ta nhận định được đâu là điều hay để làm và điều xấu để tránh.

Thế gian có tiêu chuẩn riêng của nó, và những người theo thế gian sống theo tiêu chuẩn thế gian: tiền bạc, danh vọng, địa vị. Hậu quả của việc đi tìm tiền bạc, danh vọng, không là hạnh phúc đích thực. Tiền bạc, danh vọng, khoái lạc, có “xiềng xích” riêng của nó, nó có thể trói buộc con người và biến con người thành nô lệ.

Ước gì mỗi người nhận ra Đức Yêsu là “đường, sự thật và sự sống”, và để Chúa trở thành tiêu chuẩn và ánh sáng cho từng người, để chúng ta được tự do đích thực.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1. Theo Chúa, bạn được giải phóng khỏi nô lệ điều gì?

2. Bạn có kinh nghiệm Thiên Chúa gần gũi với bạn không? Xin bạn chia sẻ.

3. Ai yêu mến Ta thì giữ lời Ta! Điều nào Chúa dạy khó nhất đối với bạn? Tại sao?

 

 

bài liên quan mới nhất

Dưới ánh sáng Lời Chúa | Chúa Nhật V Mùa Phục Sinh, năm B: Cây nho và cành

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng