Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm C

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm C

1. GIỚI RĂN MỚI

(ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)

Nếu trong tuần Bát nhật Phục sinh, Phụng vụ trích dẫn những chứng từ của những người đã mắt thấy tai nghe về Đấng đã sống lại từ cõi chết, thì trong mùa Phục sinh, Phụng vụ lại giới thiệu cho chúng ta sự phát triển kỳ diệu của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Quả thật, chỉ hơn 40 năm sau cái chết của Đức Giêsu, Đức tin vào Người đã lan rộng khắp nơi vùng Địa Trung Hải. Giáo lý của các tông đồ thời đó không cao siêu mang tính thần học hay triết học. Lời chứng của các ông rất đơn sơ, đó là Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai. Người đã chịu chết trên thập giá và đã sống lại như lời Thánh Kinh, và chúng tôi sẵn sàng làm chứng về điều đó, dù có phải đánh đổi bằng chính mạng sống mình.

Khi bầu khí sôi động của ngày lễ Phục sinh và tuần Bát nhật đã lắng xuống, Giáo Hội mời gọi chúng ta lắng đọng tâm hồn để suy niệm lời giáo huấn của Chúa Giêsu, đồng thời cảm nhận Đấng Phục sinh đang hiện diện và tiếp tục giáo huấn chúng ta, để chuyên cần thực thi những lời dạy ấy. Bài Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến hai chữ “yêu thương”.

Yêu thương đã là một trong những điểm nhấn quan trọng trong giáo huấn của Cựu ước. Yêu thương là cốt lõi trong lời dạy của Chúa Giêsu, đến nỗi Chúa gọi đó là giới răn mới, và là giới răn của Người. Yêu thương không phải một mệnh lệnh. Vì tình yêu không bao giờ cưỡng ép và bó buộc, nếu không chẳng còn phải là tình yêu. Tình yêu luôn là tự nguyện, là sự gắn bó thật lòng, chứ không phải giả tạo hay nhẫn nhịn. Thiên Chúa không buộc chúng ta phải yêu Ngài. Nhiều người coi tình yêu như một điều ràng buộc, nên làm giảm bớt ý nghĩa của tình yêu. Mẫu mực cho tình yêu mà Đức Giêsu đề nghị chính là bản thân Người. Hãy yêu như Thày đã yêu. Chúa Giêsu mời gọi tình yêu thương không giống như bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân, với điều kiện nếu mua và dùng thuốc này thì sẽ khỏi bệnh. Tình yêu Chúa đề nghị không kèm theo điều kiện nào. Đó là tình yêu cho đi, dựa trên mẫu mực là chính Chúa Giêsu. Quả vậy, Đức Giêsu là Thiên Chúa cao sang đã huỷ mình ra không, trút bỏ mọi danh sự vinh quang, đã hy sinh mạng sống vì yêu thương nhân loại. Yêu như Thày đã yêu chính là bài học từ cây thập giá.

Như vậy, theo Chúa Giêsu, đâu là người môn đệ đích thực: phải chăng là người đi tham dự thánh lễ thường xuyên? Phải chăng là người siêng năng cầu nguyện và rước lễ? Những thực hành này rất cần và rất tốt, nhưng còn thiếu nếu chúng ta chỉ dừng lại ở đó. Người môn đệ đích thực được Chúa Giêsu khẳng định: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”. Có thể nói, khi chuyên tâm thực hành giới răn mới của Chúa Giêsu là chúng ta chu toàn mọi lệnh truyền và giáo huấn của Cựu ước. Sau này, thánh Phaolô khẳng định: “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).

Chính tình yêu thương đã giúp cho Tin Mừng lan rộng nhanh chóng và cộng đoàn Đức tin cũng được thăng tiến phát triển. Bài trích sách Công vụ Tông đồ nhắc tới những địa danh khác nhau trong hành trình truyền giáo của thánh Phaolô và thánh Barnaba cho thấy hoa trái dồi dào của công cuộc truyền giáo thuở ban đầu. Với nỗ lực cố gắng của các tông đồ, rất đông những người ngoài Do Thái trở lại và đón nhận Đức tin. Một số tín hữu, vì tin vào Chúa Giêsu mà bị các kỳ mục Do Thái và nhà cầm quyền thù ghét, nên phải bỏ quê hương đến lánh nạn ở nơi khác. Điều kỳ lạ là đi đến đâu, họ tiếp tục loan báo Danh Đức Giêsu với niềm xác tín. Danh thơm tiếng tốt của các Kitô hữu đến từ việc thực thi những hành động yêu thương, như lời Chúa Giêsu mời gọi.

Tình yêu dành cho tha nhân diễn tả tình yêu ngàn đời của Thiên Chúa, và làm cho tình yêu Thiên Chúa hiện hữu nơi cuộc sống hằng ngày. Yêu thương cũng giúp người Kitô hữu trải nghiệm hạnh phúc thiên đàng ngay nơi trần thế. Thánh Gioan Tông đồ trong một thị kiến đã thấy thành Giêrusalem mới. Nơi đây không còn những đau khổ và nước mắt. Nơi đây, Thiên Chúa ở với con người. Đúng hơn, con người được hoà mình vào đại dương mênh mông của tình yêu Ba Ngôi. Nhờ được kết hợp với Ba Ngôi Thiên Chúa, con người trở nên thần thiêng và bất tử. Đó chính là lý tưởng của đời sống Kitô hữu. Nhờ Đức Kitô, với Đức Kitô và trong Đức Kitô, những ai sống công chính sẽ được gia nghiệp muôn đời nơi Thiên Chúa. Hạnh phúc hôm nay khởi đầu cho hạnh phúc mai sau. Yêu thương như Thày Giêsu, đó là bí quyết giúp chúng ta đạt đến hạnh phúc ấy.

2. XIN HÃY YÊU THƯƠNG NHAU

(Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)

Nhân loại ai cũng mong cho thế giới được hiệp nhất và bình an. Ai cũng mong cho con người biết sống yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Thế nhưng ước mơ tưởng chừng như nhỏ bé ấy vẫn là hoài bão từ bao đời nay. Thế giới vẫn còn chiến tranh, hận thù. Lòng người vẫn còn oán trách, tị hiềm lẫn nhau.

Sở dĩ con người chưa xây dựng được thế giới hiệp nhất yêu thương là bởi vì con người chưa dẹp được cái tôi của mình. Cái tôi luôn muốn hơn người khác. Cái tôi luôn muốn chiếm đoạt về cho mình. Nói tóm lại, cái tôi thường tham lam và ích kỷ. Khi con người không thắng được lòng tham nghĩa là con người đã hết yêu thương, lúc này người ta bất chấp chấp tất cả để được điều mình muốn. Nhưng lòng tham được ví như một cái thùng không đáy, có bao nhiêu cũng không đủ. Khi không có thì muốn có, khi có rồi, lại muốn có nhiều hơn. Do đó con người ta phải cả đời làm lụng nhọc nhằn, vất vả để được sung sướng để thỏa mãn lòng tham muốn. Nhưng vì lòng tham là vô tận, người không biết dừng thì không bao giờ thấy đủ, do vậy cả đời là khổ, nhiều khi gây vạ vào thân.

Cũng chính vì lòng tham khi không kiểm sóat được mà dẫn đến những tranh quyền đoạt vị, những lừa đảo chiếm đoạt, những ganh ghét dèm pha, những hạ bệ và loại trừ lẫn nhau. Cuộc sống chung với nhau yêu thương thì ít đấu đá nhau thì nhiều. Chia sẻ thì ít, tranh dành nhau thì nhiều. Nhường nhịn thì ít xô đẩy nhau thì nhiều.

Người Công Giáo sống giữa thế gian lắm thị phi được mời gọi sống chứng nhân cho tình yêu. Yêu thương thì phải chia sẻ, phải đùm bọc lẫn nhau nên cần loại bỏ tính tham lam , ghen ghét và đố kị. Vì chính Chúa Giê-su đã nói giới răn quan trọng nhất chính là “hãy yêu thương nhau”. Tình yêu thương sẽ giúp chúng ta vui với người vui và khóc với người khóc. Tình yêu thương sẽ giúp chúng ta biết sống công bằng bác ái với nhau. Không vì cái thích của mình để rồi lỗi công bằng với tha nhân.

Theo sách Tông đồ công vụ, Giáo hội sơ khai được toàn dân thương mến vì họ sống tình yêu thương và hiệp thông với nhau. Hiệp thông trong cầu nguyện và yêu thương trong sự đùm bọc lẫn nhau để không ai bị đói, bị khổ, bị cô đơn ngay giữa anh em mình. Chính vì tình yêu thương và hiệp nhất mà họ đã làm nên một cộng đoàn duy nhất để loan truyền tin mừng cho thế gian.

Ước mong lời di chúc của Chúa được thể hiện nơi mỗi người chúng ta khi biết từ bỏ cái tôi của mình để hòa hợp chia sẻ với nhau. Và xin hãy yêu thương nhau , vui với ai mừng vui, khóc với ai đang khổ sầu để tình yêu được tỏa sáng giữa thế giới hôm nay. Amen

3. ĐIỀU RĂN MỚI

(Lm. Thái Nguyên)

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới: hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Yêu thương nhau trở thành điều răn mới, vì không còn yêu theo kiểu cũ là yêu như chính mình, hoặc yêu như chúng ta muốn yêu; mà là yêu như Chúa muốn chúng ta yêu, là yêu như Ngài đã yêu thương chúng ta. Trước khi công bố điều răn mới này, Ðức Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, trong đó có Giuđa. Dù lúc đó biết ông sẽ phản bội, nhưng Ngài vẫn cúi xuống bên chân ông để bày tỏ tình yêu thương đối với ông. Ngài còn chấm miếng bánh đầu tiên trao cho Giuđa, như cơ hội cuối cùng để mong ông nhận ra mình đang lầm đường lạc lối. Nhưng rồi cũng vô ích, ông vẫn lầm lì ra đi thực hiện mưu đồ của mình. Đúng là “ma đưa lối quỷ đưa đường, lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”.

Trước thái độ cố chấp của Giuđa, Chúa Giêsu biết rõ số phận đang chờ mình, và Ngài sẵn sàng hiến thân để yêu thương cho đến cùng. Yêu như Chúa yêu là như vậy: một tình yêu khiêm hạ, cúi mình để phục vụ; một tình yêu tha thứ trước sự vong ân bội phản; một tình yêu cho đến cùng dù phải hy sinh chính mình. Tôn giáo nào cũng đặt nặng tình yêu thương đồng loại, nhưng điều thật mới mẻ nơi Kitô giáo là yêu thương“như Thầy đã yêu thương”. Tình thương này đã trở nên mẫu mực cho mọi tình yêu của con người. Chưa từng có vị Thầy nào trên thế giới đã dám sống và công bố như thế. Hơn nữa, tình yêu ấy còn là chính sức mạnh linh thiêng đem lại ơn cứu độ cho con người.

Lời trăn trối về giới răn mới của Chúa Giêsu vẫn làm chúng ta trăn trở và nhức nhối. Tuy có nhiều gương sống sáng ngời của nhiều vị thánh đã thực hiện Lời Chúa hôm nay, nhưng nhìn lại bản thân, đời sống cộng đoàn cũng như lịch sử Giáo Hội, ta thấy không thiếu những phân rẽ, bất hòa, kỳ thị, chống chọi, kình địch và triệt hạ lẫn nhau. Điều này đã làm cho thiên hạ chê cười, và gây ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống đức tin, khiến nhiều tín hữu rời bỏ Giáo hội để tìm đến những giáo phái hay đạo giáo khác. Thật mỉa mai cho chúng ta, những người tự hào về tôn giáo của mình là đạo rất chính rất thật, nhưng đời sống lại không chính thật, khiến cho nhiều người phải thất vọng.

Mahatma Ghandhi được coi như bậc đại thánh của dân tộc Ấn cũng đã có lần bị kỳ thị và khinh khi, đến nỗi ông không được vào nhà thờ dự lễ. Ông là người rất yêu mến Thánh Kinh và đã tìm ra nơi Kitô Giáo một sách lược hữu hiệu cho đường lối chính trị của mình. Quả thật, dễ dàng yêu mến đạo, nhưng khó lòng yêu người có đạo. Đường lối yêu thương của Phúc Âm thì tuyệt vời, nhưng chưa đi vào đời mà mới chỉ là một mớ giáo thuyết, tuy rất đồ sộ và hệ thống, xem ra không có tôn giáo nào bằng. Nhưng tất cả chỉ bằng không nếu điều răn mới của Đức Giêsu vẫn còn để nguyên trong các sách Tin Mừng, mà chưa được khai sáng trong đời Kitô hữu để có thể khai phóng cho đời sống con người.

Tôn giáo nào cũng có những dấu hiệu riêng để người khác biết mình là tín hữu. Những dấu hiệu nơi người Kitô hữu thì chúng ta thường cho là đeo thánh giá, làm dấu thánh giá, đi nhà thờ, kinh nguyện sớm tối,… Nhưng đối với Ðức Giêsu, dấu hiệu đặc trưng của người môn đệ là tình yêu thương mà họ dành cho nhau, qua sự cảm thông, tha thứ, tôn trọng, hy sinh, phục vụ, chia sẻ,… Có yêu thương người đồng đạo thì ta mới có thể yêu thương người khác đạo, cũng là những người con cái Thiên Chúa mà Ngài muốn cứu chuộc. Chúng ta trách những con người hôm nay sao quá vô cảm, nhưng xem ra chúng ta cũng vẫn vô tâm.

Có điều là muốn yêu thương thì phải chấp nhận đau thương. Đây là điều đòi phải có một trái tim phi thường. Nhìn lên thập giá Chúa ta hiểu điều đó. Đó mới là tình yêu có sức thánh hóa và biến đổi đời sống ta. Chỉ có tình yêu đó mới giúp ta hoàn thiện, trở nên chính mình, làm nên cuộc đời mình theo ý định của Thiên Chúa, đem lại cho ta niềm an vui và hạnh phúc cho nhau. Hãy để cho Lời Chúa một lần nữa lọt vào tâm khảm chúng ta, để những con người được Chúa chọn gọi vì yêu thương biết sống tình thương yêu như Chúa, một tình yêu thương vượt qua mọi ranh giới, để làm chứng rằng: Thiên Chúa là tình yêu, Ngài đang sống trong tôi, và tôi đang sống trong Ngài, để sự hiện diện của tôi ngày càng phản ảnh sâu xa sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời này.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Con được dạy yêu thương như chính mình,
nhưng chính mình lại yếu đuối mỏng giòn,
cuộc sống với bao nhiêu là sai sót,
nhân cách con cũng dễ bị sói mòn,
dễ tham lam chiếm hữu lo hưởng thụ.

Hôm nay Chúa dạy con điều răn mới,
yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương,
một tình yêu nhân hậu và khiêm nhường,
như Chúa đã rửa chân cho đồ đệ.

Dù biết họ sẽ lỗi ước quên thề,
và hơn nữa còn manh tâm phản bội,
nhưng Chúa vẫn đón nhận không từ chối,
và sẵn sàng chọn đường lối hiến thân.

Yêu như Chúa yêu thật chẳng dễ dàng,
vì không phải tình yêu trong chốc lát,
mà tình yêu dám vượt những trái ngang,
cả đau thương và chua xót bẽ bàng.

Yêu như Chúa không tìm kiếm an toàn,
mà trong tâm thế sẵn sàng hiến mạng,
bởi khi yêu là bắt đầu cuộc tử nạn,
qua đau khổ mới đạt tới vinh quang.

Để yêu như Chúa yêu,
con cần đến ơn thánh Chúa rất nhiều,
vì con thấy bản thân mình quá yếu,
và nghị lực chẳng có được bao nhiêu.

Để sống giới răn mới,
xin ban cho con một quả tim mới,
để từ nay con thực sự đổi đời,
nên hình ảnh sáng ngời tình yêu Chúa. Amen.

bài liên quan mới nhất

Thứ Sáu tuần IV Phục Sinh: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng