Cuộc họp Bàn tròn Hòa bình Tokyo
Cuộc họp Bàn tròn Hòa bình Tokyo, do các Tôn giáo vì hòa bình tổ chức, đã kết thúc tại Nhật Bản với sự tái cam kết của các đại diện tôn giáo trong việc xây dựng một xã hội hòa hợp hoàn toàn.
Tham gia sự kiện có nhiều đại diện Kitô giáo cũng như các lãnh đạo Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái giáo, Khổng giáo, Thần đạo, đạo Sikh, Đạo giáo và các tôn giáo truyền thống, và cả các nhà lãnh đạo của các quốc gia hiện đang bị ảnh hưởng bởi xung đột. Tất cả cùng nhau nói không với chiến tranh và cố gắng xây dựng xã hội trong sự hòa hợp hoàn toàn.
Hội nghị đã thảo luận về các chủ đề chính: tăng cường sự tin tưởng và hiểu biết giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo để hỗ trợ các nỗ lực hòa giải; thúc đẩy đối thoại liên tôn dựa trên các nguyên tắc cơ bản của mỗi truyền thống; hợp tác giữa các tôn giáo với các nhà lãnh đạo chính trị nhằm xây dựng các sáng kiến hòa bình ở cấp địa phương, tập trung phòng ngừa xung đột và ứng phó nhân đạo; tăng cường liên minh với các nhà hoạch định chính sách, tổ chức liên chính phủ và xã hội dân sự để tăng cường các nỗ lực xây dựng hòa bình toàn cầu.
Ông Luigi De Salvia, chủ tịch của tổ chức Tôn giáo vì Hòa bình Ý, giải thích với Vatican News rằng trong bối cảnh thế giới đang bị tổn thương bởi nhiều cuộc xung đột, cần duy trì niềm tin tưởng và hy vọng vào khả năng phục hồi và hòa giải. Ông tin tưởng Hội nghị Tokyo sẽ mang lại một tư duy mới và một cam kết mạnh mẽ hơn cho việc xây dựng hòa bình.
Được thành lập vào năm 1970 tại Kyoto, các “Tôn giáo vì hòa bình” là một mạng lưới cộng đồng quốc tế bao gồm hơn 90 quốc gia, cam kết hợp tác đa tôn giáo vì hòa bình, dựa trên nguyên tắc tôn trọng các khác biệt tôn giáo. Tổ chức tham gia vào giải quyết xung đột, hỗ trợ nhân đạo và các hoạt động xây dựng hòa bình khác thông qua đối thoại và hợp tác giữa các tôn giáo trên cơ sở quốc tế, khu vực và quốc gia, trên mọi châu lục và đặc biệt hiện diện ở một số nơi có nhiều bất ổn nhất trên trái đất. Trong quá trình làm việc, tổ chức chú ý đặc biệt đến Ucraina, Dải Gaza và Myanmar, “một quốc gia đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô và cả Đức Lêô XIV nhắc đến nhiều lần”.
Nguồn: vaticannews.va