Ngày 22/7: Thánh nữ Ma-ri-a Ma-đa-lê-na
Phúc Âm: Ga 20, 1. 11-18
“Bà kia, sao mà khóc? Bà tìm ai?”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối, và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ.
(Bà liền chạy về tìm Simon Phêrô và người môn đệ khác được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta để Thầy ở đâu”.)
Bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc, nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: “Tại sao bà khóc?” Bà trả lời: “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi, và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?” Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó. Nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu hỏi: “Bà kia, sao mà khóc? Bà tìm ai?” Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: “Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người”. Chúa Giêsu gọi: “Maria”. Quay mặt lại, bà thưa Người: “Rabboni”, nghĩa là “Lạy Thầy”. Chúa Giêsu bảo bà: “Ðừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: “Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con”.
Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: “Tôi đã trông thấy Chúa, và Chúa đã phán với tôi những điều ấy”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM TIN MỪNG
Maria Mađalêna hay còn gọi là Maria. Sau khi được Chúa trừ cho khỏi bảy quỷ, ngài đã theo Chúa trên hành trình đi rao giảng (x. Mc 16,9; Lc 8,1-3) Thánh nhân là nhân chứng đầu tiên của biến cố Đức Giêsu phục sinh (x. Ga 20,1-18) kể lại những gì Chúa nói với ngài (x. Ga 20,18). Ngài đặt cho tước hiệu Apostolorum Apostola - Tông đồ của các Tông đồ. Vì ngài đã báo tin Chúa sống lại cho các Tông đồ, và các Tông đồ lại loan tin ấy cho toàn thế giới.
Maria Mađalêna, hay “Maria Mácđala”, người được Ðức Kitô chữa khỏi bảy quỷ (Lc 8,1-3). Maria Mađalêna bị “nhận diện sai lầm” trong 20 thế kỷ vì người ta cho rằng cô là người phụ nữ tội lỗi đã lấy nước mắt rửa chân Ðức Giêsu (x. Lc 7,36-50). Và người ta cũng lầm lẫn Maria Mađalêna với Maria thành Bêtania, em của Martha. Ba người tên Maria (Ngoài Đức Maria - Mẹ của Chúa Giêsu) mà Tân ước đề cập là ba nhân vật khác nhau.
Hẳn mọi người còn nhớ vào năm 1969, trong triều đại giáo hoàng của Chân phước Phaolô VI, Tòa Thánh không phê bình về nhận xét của Thánh GH Grêgôriô Cả, mà chỉ bỏ điều đó bằng cách tách biệt người phụ nữ tội lỗi trong Phúc Âm theo Thánh Luca với bà Maria ở Bêthania và Maria Mađalêna qua Sách lễ Rôma.
Do đó, tai tiếng vẫn cứ “lờn vờn” bị gán cho Thánh Maria Mađalêna. Sau thời gian quá lâu, cách tin này trở thành “thâm căn cố đế” không chỉ trong Giáo hội Tây phương mà còn trong một số Giáo hội Tin lành đã từng theo truyền thống Công giáo Rôma. Cách hiểu sai về Thánh Maria Mađalêna là cô-gái-điếm-sám-hối vẫn được nhiều văn sĩ và họa sĩ hồi thập niên 1990.
Thậm chí ngay cả ngày nay, cách hiểu sai đó vẫn được truyền bá. Điều đó được phản ánh trong bộ phim của Martin Scorsese – phỏng theo tiểu thuyết “Cơn Cám Dỗ Cuối Cùng của Đức Kitô” (The Last Temptation of Christ) của Nikos Kazantzakis, trong phim “Phúc Âm theo Chúa Giêsu Kitô” (The Gospel According to Jesus Christ) của José Saramago, trong “Siêu Sao Giêsu Kitô” của Andrew Lloyd Webber, trong “Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô” của Mel Gibson, trong “Màu Thập Giá” (Color of the Cross) của Jean-Claude La Marre và trong “Sách Sự Sống” (The Book of Life) của Hal Hartley.
Vì hiểu sai về Thánh Maria Mađalêna là gái điếm nên người ta mới chọn bà làm bổn mạng của “các phụ nữ hư hỏng”, vì có một truyền thuyết lâu đời trong Giáo hội nói rằng bà là người phụ nữ tội lỗi vô danh đã xức dầu chân Chúa Giêsu được thuật lại trong Lc 7:36-50, và Viện tế bần Mađalêna đã được thành lập để “cứu vớt” các chị em từ nhà thổ. Bà còn được coi là bổn mạng của những người bị vu khống.
Maria Mađalêna là một trong những người đã giúp đỡ Chúa Giêsu và nhóm Mười hai bằng các phương tiện của họ (Lc 8,2-3). Maria Mađalêna là một trong những người đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu với Ðức Mẹ và Gioan tông đồ. Khi táng xác Chúa, Maria Mađalêna và Maria vợ ông Clêôphas đã ngồi trước mộ thánh của Chúa Giêsu. Maria là một trong những nhân chứng “chính thức” đã được chọn để chứng kiến sự Phục sinh và loan báo Tin Mừng Chúa Kitô Phục sinh.
Thánh nữ Maria thành Magđala (Mácđala hay Mađalêna) là người được gọi đầu tiên trong số các phụ nữ được Chúa Giêsu chữa bệnh, nay theo và phục vụ Người (Lc 8,2).
Trong Tin Mừng có nói nhiều về những người mang tên Maria, cũng được Chúa chú tâm đặc biệt, ít nhất là có ba người, đó là các bà Maria thành Béthania (miền Giuđê), bà Maria thành Magđala (miền Galilê) và người đàn bà tội lỗi vô danh trong Tin Mừng Thánh Luca (Lc 7).
Phụng vụ Giáo Hội La Mã, kể từ thời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả, đều coi Maria này là người đàn bà tội lỗi, rửa chân cho Chúa Giêsu (Lc 7,36-50) và là chị của Mátta và Lagiarô (Lc 10,38,50 ; Ga 12,1-8). Thế nhưng khoa Thánh Kinh ngày nay không xác tín điểm này.
Điểm chắc chắn không ai tranh cãi là Maria Magđala đã đứng dưới chân Thánh Giá của Chúa Giêsu (Mc 15,40-41). Bà hiện diện nơi cuộc táng xác Chúa (Mc 15,47) và vào buổi sáng phục Sinh, bà cùng mấy phụ nữ đã đi ra mồ Chúa (Mc 16,1-8). Chính bà là người đầu tiên được Chúa Phục Sinh hiện ra và sai đi báo cho các Tông Đồ tin mừng Phục Sinh (Mc 16,9 ; Ga 14-18).
Việc Chúa Giêsu Phục sinh đã biến đổi hẳn ý nghĩa và tình cảm của con người; bà Maria Mađalêna chính là đại diện; trước cái chết: nếu không tin việc Phục sinh, chúng ta đau buồn than khóc trước cái chết của một người thân và tiếc nuối đi tìm thân xác họ, khi đã có niềm tin Phục sinh, chúng ta sẽ không còn than khóc và sẽ không tìm người sống nơi kẻ chết nữa.
Tình cảm của bà đối với Chúa Giêsu rất đậm đà: Khi không thấy xác Chúa Giêsu, bà khóc và cả thế giới này không còn ý nghĩa gì đối với bà nữa: bà không tìm gì khác ngoài xác của Chúa Giêsu, không nhận ra ai khác (các thiên thần, chính Chúa Giêsu mà bà tưởng là người giữ vườn). Khi Chúa gọi tên, bà nhận ra Chúa, sau đó vui mừng chạy đi báo cho mọi người. Tóm lại, đối với Maria Chúa Giêsu là tất cả, mất Chúa Giêsu cả thế giới như sụp đổ, gặp lại Chúa là gặp lại niềm vui.
Maria Mađalêna và các chị em lúc ban đầu đi ra thăm mộ với những bước đi nặng nề, sợ hãi tâm hồn lạnh lẽo đang than thở khóc lóc… bỗng trở nên vui tươi, rạng rỡ vì gặp Ðấng Phục Sinh…
Bà quá vui mừng và muốn giữ Ngài lại cho riêng mình. Nhưng Chúa Giêsu thúc giục bà hãy loan tin Ngài đã phục sinh: “Ðừng giữ Ta lại... hãy đi gặp anh em Ta và hãy báo tin.”...
Theo mệnh lệnh của Đấng Phục sinh, Mađalêna hoan ca reo vui ra đi loan báo cho các môn đệ: Thầy đã sống lại và “Tôi đã thấy Chúa!” (Ga 20,18).
Sứ điệp tin mừng Phục sinh là niềm vui khôn tả nhưng luôn khẩn cấp không thể chần chừ trì hoãn vì Chúa Giêsu đã chết, sự chết làm tiêu tan tất cả và Ngài đã Phục sinh thông ban cuộc sống mới cho chúng ta: Cuộc sống được ra khỏi bóng tối của thế gian và những sự ràng buộc của nó, ra khỏi mùa đông lạnh lẽo đầy sự chết của ngôi mồ biểu tượng quyền bính của thần chết và bước vào ánh sáng của mặt trời công chính vừa bừng dậy sau giấc ngủ của đêm dài, bước trong sự ấm áp của nắng xuân Phục sinh.
Huệ Minh