Thứ năm tuần XIII thường niên


Phúc Âm: Mt 9, 1-8
“Họ tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người quyền năng như thế”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thuyền, vượt biển mà về thành của Người. Bấy giờ người ta đem đến cho Người một kẻ bất toại nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: “Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi”. Bấy giờ mấy luật sĩ nghĩ thầm rằng: “Ông này nói phạm thượng”. Chúa Giêsu biết ý nghĩ của họ liền nói: “Tại sao các ngươi suy tưởng những sự xấu trong lòng? Bảo rằng “Tội con được tha rồi”, hay nói “Hãy chỗi dậy mà đi”, đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ngươi biết rằng trên đời này Con Người có quyền tha tội”. Bấy giờ Người nói với người bất toại: “Con hãy chỗi dậy, vác giường mà về nhà con”. Người ấy chỗi dậy và đi về nhà. Thấy vậy dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người quyền năng như thế.
Ðó là lời Chúa.


SUY NIỆM 1
Đọc Tin Mừng Matthêu, chúng ta thấy: sau bài giảng trên núi từ chương 5 đến chương 7, thì chương 8 và chương 9, ghi lại hàng loạt phép lạ Chúa Giêsu thực hiện khi Ngài “từ trên núi xuống”. Đoạn Tin mừng hôm nay là phần đầu của chương 9, thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành cho một người bại liệt.

Thánh sử Matthêu và thánh sử Marcô nữa, không cho biết người bị bại liệt là nam hay nữ, già hay trẻ; nhưng Luca cho biết, đó là một chàng thanh niên, khi trích lời Chúa Giêsu nói với người bại liệt: “Này anh, anh đã được tha tội rồi” (Lc 5, 20). 

Tại sao người bệnh xin Đức Giêsu chữa lành mà Ngài lại tha tội? Bệnh và tội có liên hệ gì với nhau chăng?

Người Do thái quan niệm: bệnh là do tội. Đức Giêsu tha tội để người bại liệt được chữa lành nhằm mạc khải chân lý về mầu nhiệm Con Người Ngài: Ngài chính là Thiên Chúa; vì “Chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội”. Các luật sĩ không tin Chúa Giêsu nên đã gán cho Ngài tội phạm thượng! 

Qua diễn tiến câu chuyện, chúng ta nhận thấy: Tha tội để người thanh niên bại liệt được chữa lành hay chữa lành người thanh niên bại liệt để thấy “Con Người có quyền tha tội”, đối với Chúa Giêsu, điều đó như nhau; vì Ngài là Chúa. Chỉ những ai không tin Ngài là Chúa, phủ nhận quyền năng Ngài thực hiện mới đích thực là người phạm thượng! 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, mang thân phận con người, mỗi chúng con đều cảm nhận được sự yếu hèn của thân xác trước biết bao tấn công của mọi thứ bệnh tật; nhưng trên hết, chúng con ý thức căn bệnh “trầm kha là tội lỗi trong tâm hồn. cho chúng con biết thành tâm sám hối và đến với Chúa qua bí tích giải tội. chúng con tin rằng, nơi bí tích giải tội, qua linh mục là thừa tác viên, Chúa vẫn luôn hiện diện, chờ đợi và chữa lành chúng con như Chúa đã chữa lành cho người bại liệt trong Tin Mừng hôm nay. Amen.

Lm. Dom Nguyễn Thành Tiến


SUY NIỆM 2
CHÚA LÀ ĐIỂM TỰA ĐỜI CON
( Mt 9, 1-8 )
Trong một căn phòng hậu phẫu, có nhiều bệnh nhân với những bệnh lý khác nhau. Các bệnh nhân thường hay kêu la đau đớn và tỏ vẻ khó chịu với thân nhân của mình. Tuy nhiên, những người hiện diện ở đó thật ngỡ ngàng khi nhìn thấy và chứng kiến một bệnh nhân trạc tuổi 60, ông không kêu ca, không trách móc, nhưng có lúc lại nở nụ cười tươi. Hỏi thăm, mới biết ông là người Công Giáo và phải mổ để cắt thận vì sỏi quá nhiều. 

Trong lúc trò chuyện, có một người hỏi thăm ông: “Tại sao các bệnh nhân khác thì đau đớn và kêu la, còn ông thì không?” Trong tiếng nói nhỏ nhẹ, ông nói: “Mỗi lần cơn đau đến với tôi, tôi nhớ đến Chúa chịu đóng đinh. Ngài còn đau đớn hơn tôi nhiều, vì thế, tôi luôn cầu xin Chúa giúp sức để vượt qua cơn đau và tôi cũng xin Chúa cho mình được thông phần đau khổ với Ngài”. Thật tuyệt vời, Đức Giêsu là điểm tựa của ông, và cuộc thương khó, cái chết của Ngài đã làm cho ông can đảm, vui vẻ đón nhận đau đớn vì lòng yêu mến Chúa. 
  

Tin Mừng hôm nay trình thuật cuộc đối thoại giữa thánh Tôma và các Tông đồ khác, hẳn ai cũng biết ngài là người cứng lòng tin, bởi vì thánh nhân đã từng nói: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin".Như vậy, với ngài, không thấy là không tin. Thấy thì mới tin. Niềm tin của Tôma chính là: tay phải sờ, mắt phải thấy thì mới có sự thuyết phục. Niềm tin của thánh nhân là niềm tin của lý trí.

Tuy nhiên, Đức Giêsu muốn Tôma, các Tông đồ khác và cả chúng ta ngày hôm nay phải đạt tới mức độ vượt lên trên những gì là khả giác của đời thường, để tiến tới một đức tin trưởng thành, tức là không thấy mà vẫn tin. Hơn nữa, đức tin phải thực sự được tôi luyện bằng thử thách mới đủ độ can trường.

Mong thay lời tuyên tín của thánh Tôma khi xưa: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!"cũng là lời cầu nguyện và xác tín của mỗi chúng ta, và, lời chúc phúc của Đức Giêsu cho Tôma: “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin"cũng là lời chúc phúc cho chúng ta hôm nay. 

Lạy Chúa Giêsu, đức tin của chúng con còn non yếu, xin Chúa giúp cho đức tin của chúng con được lớn mạnh và trưởng thành. Xin cho chúng con tin tưởng vào Lời Chúa và những lời dạy của Giáo Hội. Xin cho chúng con biết luôn tìm đến Chúa như là điểm tựa của cuộc đời chúng con. Amen. 

Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

bài liên quan mới nhất

Nét đẹp của sự tử tế nơi người mục tử nhân lành

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng