Thứ bẩy tuần XI thường niên

Phúc Âm: Mt 6, 24-34
“Các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và Tiền Của được. Vì thế, Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?
“Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đoá hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin. Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: “Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.
Ðó là lời Chúa

SUY NIỆM 1
TIN VÀO CHÚA QUAN PHÒNG
(Mt 6, 24-34)
Khi nói đến khái niệm “Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng”, ấy là lúc chúng ta nói đến sự can thiệp của Thiên Chúa cách nhiệm mầu, khiến con người không thể ngờ cũng như không thể hiểu được.
Tuy nhiên, sự quan phòng của Thiên Chúa không giống như kiểu quan niệm của những người không có niềm tin. Những người đó thường hay coi đó như là một định mệnh, hay số mệnh đã được ấn định trước cho mỗi người phải chịu một kiếp sống tốt hay xấu, sướng hay khổ, thành công hay thất bại giống như kiểu rút thăm, rút số ghi sẵn cái gì thì phải lãnh cái đó.

Nhưng quan phòng theo mặc khải của Thánh Kinh có hai vế: về phía Thiên Chúa, Người là Đấng Khôn Ngoan, đầy tình thương mến, hy sinh tận tụy lo toan cho con cái, luôn tìm dịp để ban phát cho con của mình những điều tốt đẹp nhất, đồng thời luôn bảo vệ để chúng được an lành; còn về phía con người, được mời gọi tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, vì không thể nào một người con xin cá, mà cha hay mẹ của mình lại cho rắn hay bọ cạp, xin bánh lại cho đá…

Hôm nay, Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ và cũng là mời gọi mỗi người chúng ta: hãy tin tưởng vào một mình Thiên Chúa, không được “bắt cá hai tay”, tức là làm tôi hai chủ. Thiên Chúa, Đấng Yêu Thương luôn chăm sóc anh em mọi lúc. Hãy xem chim trời, hoa huệ ngoài đồng thì sẽ thấy được tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người là dường nào!

Tuy nhiên, sự tin tưởng vào Chúa không có tính cách thụ động, khoanh tay ngồi chờ theo kiểu: “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”, không phải thái độ vô vi, yếm thế, buông trôi. “Đức tin chân chính phải thể hiện bằng việc làm”, càng tin, càng phải đem “hết sức mình, hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn” cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu thế của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, ước gì tâm hồn chúng con được như em bé nằm gọn trong vòng tay Chúa để được Chúa yêu thương. Xin cho chúng con tin tưởng tuyệt đối vào tình thương của Chúa và biết cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ mà Chúa đang thực hiện trong trần thế hôm nay. Amen.
GiuseVinhsơn Ngọc Biển SSP


SUY NIỆM 2

Nhìn lại cuộc đời của một con người, chúng ta có thể thấy đó như là tổng số của nhiều nỗi lo: khi còn bé thì lo ăn, lo học; lớn hơn lo lập gia đình, lo sự nghiệp, lo con cái; mỗi năm mỗi già đi lại thêm nhiều mối lo khác, lo bệnh tật, lo già yếu; rồi đến sợ, sợ chết, sợ tủi thân, sợ bị quên lãng, sợ bị bỏ rơi….

Những lo lắng trần thế cứ nối tiếp nhau. Con người có được bao nhiêu khoảng khắc để có thể gọi là bình an, là niềm vui. Có một sự thật không thể chối cãi rằng con người chỉ có thể lo âu, buồn bã nhưng lắm khi là bất lực, sợ hãi, đầu hàng với thực tại, với chính mình. Lo âu kéo theo mệt mỏi, và làm cho cuộc sống trở nên ngắn ngủi và nặng nề hơn. Nếu cuộc sống chỉ đầy lo lắng và đau khổ thì đâu là nơi cho con người tìm thấy hạnh phúc và bình an?

Để giải quyết nỗi lo của con người Chúa Giêsu đưa ra hai hình ảnh chứng minh sự quan phòng của Chúa: chim trên trời, bông huệ ngoài đồng, chúng có đáng gì đâu, thế mà Chúa vẫn hằng nuôi nấng để ý đến, huống chi con người, vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Chúa và được Chúa Giêsu cứu chuộc bằng chính giá máu của Ngài.

Của cải không mang lại cho chúng ta sự sống: "Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?". Kinh thánh nói rất rõ: "Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài, làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư? (Tv 24, 1 )."Vì thú rừng là của Ta hết thảy, cả ngàn muôn loài vật núi đồi. Mọi thứ chim trời, ta đều biết rõ, động vật nơi hoang dã thuộc về Ta" (Tv 50, l0,12).

Trong lời dạy của Chúa Giêsu, chủ là người ban nén bạc cho tôi tớ (Mt 25, 15) và chủ vườn là người giao vườn nho cho kẻ làm thuê (Mt 21, 33). Nguyên tắc này có những hiệu quả rộng rãi. Con người có thể mua bán sắp xếp, điều chỉnh sự vật nhưng không thể tạo ra sự vật. Quyền sở hữu tối hậu trên mọi vật là thuộc về Thiên Chúa. Con người không thể bảo một vật gì trên trần gian là "của mình" mà chỉ được nói "cái này thuộc về Chúa và Ngài đã cho tôi sử dụng nó".

Do đó xuất hiện nguyên tắc căn bản này: không có gì trên trần gian này thuộc về tôi nên tôi cũng không được phép sử dụng thế nào tùy ý mà phải nói rằng: "cái này thuộc về thiên Chúa và tôi phải dùng nó theo ý Ngài. Chúa dạy ta đừng quá lo lắng đến nỗi mất tin cậy vào Chúa.

Khi nói như thế, Ngài muốn ta đừng tìm bảo đảm nơi của cải, mà phải tìm cái cốt yếu cho cuộc đời, rồi mọi sự khác sẽ được thêm cho. Lo lắng quá cũng chẳng được gì, vì “có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tấc không?”. Nhưng người biết tín nhiệm vào Chúa không có nghĩa là sống thụ động, mà là cộng tác với Chúa tùy ơn gọi của mỗi người: tự giúp mình thì lúc đó trời sẽ giúp cho.

Thiên Chúa biết rõ ta không phải là những con chim hay bông hoa ngoài đồng, mà là những con người phải làm việc để nuôi thân và góp phần xây dựng gia đình và xã hội.

Chúa dạy chúng ta “trước hết hãy tìm” nghĩa là hãy đặt đúng chỗ công việc: việc nào trước, việc nào sau. “Trước hêt hãy lo tìm Nước Chúa và sự công chính của Ngài”, lời này đặt nền tảng cho người Ki tô hữu trong việc chọn lựa. Thiên Chúa phải chiếm chỗ ưu tiên trong con người và công việc của chúng ta, rồi đến việc cứu rỗi bản thân và đưa người khác về với Chúa, đảo lộn trật tự này tức là đi ngược thánh ý và chương trình của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu khẳng định rằng Thiên Chúa biết tất cả những gì cần thiết cho con người. Và một khi ta tin tưởng và phó thác cuộc đời cho Thiên Chúa, khi ta đặt Thiên Chúa làm chủ cuộc đời mình, Thiên Chúa sẽ không bao giờ để con cái Người phải chịu thiệt thòi dù ở đời này hay đời sau. Thiên Chúa là Chúa duy nhất, là Thiên Chúa luôn hướng về con người, là Thiên Chúa của tình yêu và lòng thương xót. Người cảm thông những khắc khoải của con người. Hơn thế, Người cảm nghiệm sâu sắc những gì diễn ra trong trái tim, trong tâm hồn của họ. Tất cả những gì con người nghĩ Thiên Chúa đều biết. Và vì Thiên Chúa tạo nên con người, nên Người biết con người cần những gì, Người rõ bản chất con người hơn chính họ nữa.

Vì thế, Chúa Giêsu khuyên nhủ "Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.” (Mt 6, 32). Việc người môn đệ theo Chúa cần làm là "Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6, 33)

Là người môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta phải biết tín thác vào Chúa. Kinh nghiệm này chính Thánh Phaolô kể cho chúng ta nghe kinh nghiệm của ông: ''Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này; nhưng Người quả quyết với tôi: "Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối."

Đây cũng là kinh nghiệm cho chúng ta, vì chúng ta thường viện dẫn những lý do về của cải vật chất: "có thực mới vực được đạo" làm chúng ta trì trệ công việc rao giảng Tin Mừng; vì thế, chúng ta thường xin Chúa cho những điều kiện này, điều kiện kia để làm việc tông đồ. Nhưng Chúa có kế hoạch của Chúa và bổn phận của chúng ta là làm theo thánh ý của Chúa, chứ không theo sở thích riêng của chúng ta. Hãy luôn tính thác vào Chúa vì : "Ơn Ta đủ cho con".

 

bài liên quan mới nhất

Diễn từ Đức Thánh Cha dành cho Phong trào Équipes Notre-Dame hỗ trợ các đôi vợ chồng Kitô hữu

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng