Thánh Phêrô và Phaolô tông đồ

tai xuong


Phúc Âm: Mt 16, 13-19
Con là Ðá, Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”.
Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM 1
ĐỨNG DẬY NHỜ ƠN CHÚA
Mt 16, 13 - 19

Trong buổi trò chuyện, diễn thuyết tối 22.5 tại White Palace (TP.HCM), Nick Vujicic đã cho mọi người thấy rằng, người bị khuyết tật nghĩa là họ khiếm khuyết điều gì đó, nhưng người mang nỗi tự ti mới là người bị khuyết tật thực sự.

Nick đã nói: "Dù ai đó không phải ngồi trên xe lăn nhưng bạn vẫn phải trải qua những thời điểm khó khăn trong cuộc sống. Nếu lúc đó bạn thiếu tự tin, bạn sợ thất bại, sợ nhìn về tương lai thì chính điều đó sẽ níu kéo bạn, khiến bạn không thể tiến lên".

Nick còn nói thêm: "Khi tôi 10 tuổi, tôi gần như muốn buông xuôi, tôi muốn đầu hàng và nghĩ không bao giờ có công việc, có thể cưới vợ, lập gia đình. Nhưng bây giờ tôi không chỉ lấy vợ, lập gia đình mà còn có đứa con trai. Chúng ta sẽ không biết được sự khó khăn diễn ra như thế nào nếu không tạo cho bản thân cơ hội để vượt qua nó. Đừng bao giờ từ bỏ khi bạn gặp thất bại hay khó khăn".

Quả thực, con người luôn có những khuyết tật. Có người bị khuyết tật điều này, người điều kia. Không ai hoàn hảo về thể xác hay về tâm hồn. Tuy nhiên, có người biết bổ túc cho khuyết tật của mình bằng nghị lực, bằng phấn đấu, bằng niềm tin vươn lên. Nhưng cũng có người buông xuôi, than trách cho số phận và để mặc cho dòng đời đưa đẩy.

Nick không phải là một thiên tài. Nick là một nhân vật điển hình cho bao người biết phấn đấu vươn lên để bổ túc cho khuyết tật của mình. Anh không có chân tay nhưng anh vẫn lạc quan phấn đấu vươn lên, nhất là biết dùng môi miệng mình để diễn thuyết, để rao giảng về Thiên Chúa. Anh không buông xuôi theo số phận nhưng biết tận dụng khả năng giới hạn của mình để có thể phụng sự Thiên Chúa và tha nhân. Anh đã rao giảng về Chúa ở quê hương anh. Anh đã rao giảng vượt qua biên giới để đến nhiều vùng đất xa xôi. Anh đã đến Việt Nam và đã tuyên xưng mình tin vào Thiên Chúa, tin vào thiên đàng và đó là lẽ sống cuộc đời anh, là lý do anh sống và vươn lên.

Thánh Phêrô và thánh Phaolô cũng từng có những khuyết tật trong cuộc đời của các ngài. Phêrô yếu đuối, nhút nhát. Phaolô kiêu căng, thẳng thắn. Vì tấm lòng khuyết tật nên Phêrô từng chối Chúa ba lần. Còn Phaolô thì lao vào việc truy sát người tin vào Chúa Giêsu phục sinh để bách hại và giết chết. Thế nhưng, cả hai đã nhận ra sự khuyết tật của mình để phấn đấu, để vươn lên. Nhất là biết cậy vào ơn Chúa mà kiện toàn con người mình và phụng sự Thiên Chúa. Phêrô đã từng cảm nghiệm "ơn Ta đủ cho ngươi và quyền năng Ta hiển trị trên sự yếu hèn của ngươi". Phaolô thì trông cậy vào sức mạnh của Chúa mà ông đã đi đến cùng sự bách hại, gian truân, đói rét, tù đầy nhưng vẫn giữ vững đức tin. Cả hai đã nhờ ơn Chúa mà bù đắp những khuyết tật của mình để hoàn thiện con người mình theo như lòng Chúa mong ước.

Hôm nay mừng kính  hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, trước hết chúng ta cảm tạ Chúa đã cho chúng ta hai tấm gương biết sám hối và canh tân. Các Ngài không chết trong tội như Giuđa nhưng đã đứng lên để làm lại cuộc đời. Các Ngài đã ý thức sự yếu đuối bất toàn của mình để cần đến ân sủng của Chúa. Các ngài đã biết nương tựa vào ơn Chúa để thắng vượt những giới hạn của bản thân. Và trên hết chính là tấm gương rao giảng tin mừng không mệt mỏi, không chùn bước trước nghi nan. Cho dẫu dòng đời có những sóng gió nguy nan. Cho dẫu đường trần có lắm gian truân, các ngài vẫn kiên trung cho đến cùng lòng trung thành với Chúa. Các ngài luôn ý thức rằng: "Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta", thế nên: "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Nước trời".

Xin cho chúng ta luôn ý thức thân phận yếu đuối của mình để nhận ra tình thương tha thứ của Chúa vẫn dành cho chúng ta. Xin cho chúng ta biết nương tựa vào ân sủng của Chúa để kiện toàn mình mỗi ngày một tốt hơn. Và xin cho chúng ta biết chuyên tâm lắng nghe lời Chúa và nói về Chúa cho tha nhân. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

SUY NIỆM 2
HAI VIÊN ĐÁ TẢNG DIỆU KỲ 
Mt 16, 13 - 19  
Sau một thời gian rao giảng Tin Mừng cứu độ, Chúa Giêsu muốn biết xem người ta nhận định thế nào về thân thế và sứ mạng của Người, nên Người mới hỏi các môn đệ: "Người ta bảo con người là ai ?" (Mt 16,13). Câu hỏi này như một hình thức trắc nghiệm về niềm tin. Dân chúng trả lời mỗi người mỗi cách, nhưng tất cả đều không chính xác. Chỉ có lời tuyên tín của Phêrô, "Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16) là câu trả lời làm Chúa Giêsu hài lòng nhất. Nếu cho điểm, có lẽ Phêrô đã đạt điểm tuyệt đối, điểm 10. Ngay sau đó Chúa Giêsu đã cúi xuống để nâng Phêrô lên một địa vị đặc biệt. Chúng ta biết lúc ấy Phêrô đang mang cái tên cúng cơm, tên thường gọi là Simon. Đây là cái tên rất phổ biến đối với dân Dothái. Ngay trong Tân ước, cũng có tới 3 nhân vật cùng có tên Simon được nhắc đến, đó là Simon nhiệt thành - một trong nhóm Mười Hai, Simon thành Kyrênê và Simon Phêrô.

Chúa Giêsu đã long trọng đặt tên mới cho ngài là Phêrô, tiếng Dothái là Kêpha, nghĩa là đá. Simon, cái tên đang đẹp như vậy, giờ được đổi thành đá (Nguyễn văn Đá !). Chắc hẳn Phêrô đã rất ngạc nhiên vì cha mẹ mình đặt tên như vậy, sao giờ Thầy mình lại đặt cho cái tên lạ lùng như thế. Tại sao lại là Đá ? Là đá có ý nghĩa gì ? Là đá, bởi vì chúng ta biết rằng trong Cựu Ước, hình ảnh đá là hình ảnh hết sức kiêu hùng, hết sức cao vượt. Đá ở đây không phải là đá lăn đá lộn ngoài đường; đá ở đây chính là hình ảnh, là biểu tượng của Thiên Chúa. Bởi thế mà người Dothái mỗi lần cầu nguyện, họ thường nói với Chúa rằng : Lạy Chúa, Ngài là Đá Tảng con nương nhờ; Ngài là Thạch Động, là Núi Đá cho con ẩn mình; Ngài là Đá Cứu Độ.... Được Chúa lấy tên đó mà đặt cho mình, hẳn là Simon Phêrô rất hãnh diện. Và cũng chính qua tên đó mà Phêrô được gởi cho một căn tính mới, một lý lịch mới. Vì chưng đối với người Dothái, cái tên luôn gắn liền một sứ mạng. Cái tên mới đồng nghĩa với sứ mạng mới (x. Lm. Nguyễn Thế Toàn, CD Bài Giảng). Sứ mạng mới ở đây là làm nền tảng cho Giáo hội Chúa Kitô : "Con là Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy" (Mt 16,18). Nói theo ngôn ngữ ngày hôm nay thì ngài là Đức Giáo Hoàng cơ đấy !

Thế còn thánh Phaolô thì sao ? Một số bạn trẻ lý luận vui rằng tại sao Chúa Giêsu không đặt cho ngài cái tên là Phao-rin, phao xịn, mà lại đặt tên là Phao-lô, vì Phao-lô nghĩa là phao dỏm. Mà phao dỏm thì ai mà xài! Thực sự thì Chúa Giêsu không đặt tên cho Phaolô. Phaolô là cái tên Hylạp của ngài; còn Saolê là tên gọi theo tiếng Dothái. Tuy nhiên, một điều cần ghi nhận là ngài được chính Chúa Giêsu trực tiếp chọn gọi trên đường đi Đamas, và đích thân Chúa Giêsu trao sứ mạng cho ngài, một sứ mạng cao cả là làm tông đồ cho dân ngoại. Như vậy thánh Phaolô đã cùng với thánh Phêrô giữ vai trò là hai trụ cột, hai viên đá sống động làm nền cho Giáo hội Chúa Kitô.

Thế nhưng một điều ngỡ ngàng là khi đọc lại các sách Tin mừng và sách Công vụ Tông đồ, chúng ta thấy cả hai Tảng Đá này đều bị nứt (một bị nứt trước khi xây và một bị nứt sau khi xây). Trước khi đặt xây thì tảng đá Phaolô đã bị nứt (x. Giọt Nước Mắt Hồng, Lm. Đỗ Văn Thiêm, NXB Tôn Giáo 2005). Những lần bắt bớ Giáo hội, và giết hại các Kitô hữu là những vết nứt. Là một người nhiệt thành với Giavê Thiên Chúa và trung thành với luật Môisê, Phaolô đã không ngần ngại tiêu diệt những ai xưng mình là môn đệ Đức Kitô. Đối với Chúa Giêsu, Phaolô là một viên đá tảng kiên vững của đạo Dothái, song là tảng đá đầy góc cạnh, ngang ngược, kiêu căng, tự mãn và cũng quá nhiều đường nứt. Tuy thế, Chúa Giêsu sẽ sử dụng viên đá này trong công trình mở mang ngôi nhà Giáo hội của Người. Chúa Giêsu sẽ sửa lại, gọt đẽo lại bằng lòng thương xót của Người, cùng với cả những thập giá khổ đau mà thánh nhân phải chịu, như bị mù lòa, bị bắt bớ, bị tù đày, bị đánh đòn, bị ném đá, bị trộm cướp, bị đắm tàu, bị đói khát...(x. 2Cr 11,23-27). Chính tình yêu của Đức Kitô và những đau khổ mà thánh nhân chịu đã biến luyện ngài trở thành một viên đá trơn tru lành lặn, và nhất là luôn gắn kết với Đá Tảng Góc Tường là Đức Kitô, như lời ngài xác nhận : "Không có gì tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô" (Rm 8, 35.39).

Thưa quý Ông bà anh chị em Nếu tảng đá Phaolô bị nứt trước khi xây thì tảng đá Phêrô, đá chính hiệu, không bị nứt bể ngay từ đầu, mà lúc đặt xây rồi mới bị nứt. Không phải nứt một đường mà là ba đường. Mỗi lần chối Chúa là một đường nứt; đường nứt sau lớn hơn đường nứt trước, và có nguy cơ tách lìa khỏi Đức Kitô là Viên Đá Góc.

Nhiều người vẫn thắc mắc : liệu Chúa Giêsu có biết trước những điều này không, mà sao Ngài vẫn chọn tảng đá này. Ngài vẫn chọn vì chính ngài sẽ giúp Phêrô hàn gắn lại tảng đá đời mình. Hàn gắn bằng gì ? Thưa đối với Phêrô là bằng ánh mắt bao dung khoan thứ của Chúa Giêsu. Chính ánh mắt dung thứ ấy đã làm cho vết nứt nơi tâm hồn ông liền lại. Hơn nữa ngài còn sửa chữa bằng nước mắt. Kỳ lạ ở chổ, đá mà biết khóc, tảng đá mà biết rơi lệ. Tương truyền rằng thánh nhân đã khóc lóc ăn năn (khóc như mưa mấy ngày qua vậy), khóc đến độ nước mắt chảy làm mòn cả hai gò má. Nước mắt ấy được các nhà tu đức gọi là nước mắt hồng. Gọi là nước mắt hồng vì là nước mắt chảy ra từ trái tim sám hối. Như thế, tảng đá Phêrô chẳng những đã trở nên lành lặn mà còn cứng rắn hơn, vững chắc hơn. Chính Chúa Giêsu đã xác nhận điều này : "Dầu sức mạnh hỏa ngục có nổi lên cũng không làm gì được" (Mt 16,18). Nhưng đồng thời tảng đá ấy cũng "khiêm tốn" hơn, vuông đẹp hơn trước rất nhiều.

Giờ đây, Chúa Giêsu có thể hoàn toàn yên tâm trước sứ mạng mà Người đã giao phó cho hai vị. Nhờ đá tảng Phêrô mà tòa nhà Giáo hội được nên kiên vững; nhờ đá tảng Phaolô mà Hội thánh Chúa Kitô được mở rộng cho muôn dân nước.

Kính thưa quý Ông bà anh chị em Qua Bí tích Rửa tội, mỗi người chúng ta cũng được mang một danh xưng mới, danh xưng Kitô hữu. Danh xưng này nói lên một sứ mạng đặc biệt, sứ mạng xây dựng Hội thánh Chúa ở trần gian. Nếu chúng ta không là đá tảng như Phêrô hay Phaolô, thì chúng ta cũng được mời gọi làm một viên gạch góp phần xây nên tòa nhà Giáo hội. Thế thì chúng ta phải khiêm tốn đặt câu hỏi cho mình : Viên gạch đời tôi đang trong tình trạng nào ? Có thể là nó quá méo mó, cong queo và nhiều góc cạnh khi con người của mình còn đầy những tính hư nết xấu, đầy những đam mê tội lỗi chăng ? Có thể là bị nứt bể và mất hiệp thông với Viên Đá Góc là Đức Kitô, khi đời sống của chúng ta thiếu cầu nguyện, thiếu lòng yêu mến Chúa chăng ? Và cũng có thể là không còn gắn kết với các viên gạch khác là anh chị em mình, khi sống thiếu tình liên đới và lòng bác ái yêu thương chăng ?... Nếu viên gạch đời tôi còn cong queo méo mó,xin Chúa giúp uốn nắn lại cho ngay thẳng; nếu còn quá nhiều góc cạnh, xin Chúa gọt đẽo cho vuông vức; nếu bị nứt bể, xin Chúa hàn gắn; và nếu tách lìa với Đức Kitô và Giáo hội, thì xin Thánh Thần Nguồn Tình Yêu nối kết lại, để cuộc đời chúng ta luôn là những viên gạch thật đẹp trong bàn tay Người Thợ Xây là chính Chúa.

Vậy hôm nay, trong ngày lễ mừng hai thánh Quan Thầy Phêrô và Phaolô, chúng ta cùng nguyện xin Chúa, qua lời cầu bầu của các ngài, giúp mỗi người chúng ta luôn biết ý thức về sứ mạng của mình và nổ lực chu toàn sứ mạng ấy trong việc cộng tác xây dựng ngôi nhà chung của Giáo Hội ngày một tươi đẹp và lớn mạnh hơn. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

bài liên quan mới nhất

Diễn từ Đức Thánh Cha dành cho Phong trào Équipes Notre-Dame hỗ trợ các đôi vợ chồng Kitô hữu

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng