Suy Niệm Chúa Nhật XVII Thường Niên – Năm B


Suy Niệm Chúa Nhật XVII Thường Niên – Năm B
Phúc Âm: Ga 6, 1-15
“Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới.
Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”. Một trong các môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn.
Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã ăn no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. Họ thu lại được mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.
Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Ðấng tiên tri phải đến trong thế gian”. Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.
Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM 1
Hãy Cho Họ Ăn
Nội dung của Bài đọc I trích sách Các Vua và Bài Tin Mừng Thánh Gioan của Phụng vụ Chúa nhật này cùng chung một đề tài, đó là “Bánh”. Cả hai trình thuật cùng có chung một cấu trúc văn chương. Trước hết là lệnh truyền: “Hãy cho họ ăn!”; tiếp theo là sự băn khoăn về số bánh thì quá ít mà số người có nhu cầu thì quá đông; và sau cùng là điều kỳ diệu đã xảy ra: đó là phép lạ nhân bánh ra nhiều. Sách Các Vua nói đến người làm phép lạ là ngôn sứ Elisê; Tin Mừng kể lại, người làm cho bánh hoá ra nhiều là Chúa Giêsu. Cả hai trình thuật đều nhấn mạnh đến quyền năng của Thiên Chúa. Tuy vậy, nếu trong Cựu ước, quyền năng của Thiên Chúa thể hiện qua lời cầu nguyện của một vị ngôn sứ, thì trong Tân ước, chính Thiên Chúa hiện diện nơi trần thế và thực hiện những điều huyền diệu. “Hãy cho họ ăn!”. Đó là lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các môn đệ. Kitô hữu là môn đệ của Chúa Giêsu, vậy nên lệnh truyền ấy vẫn đang mang tính thời sự trong cuộc sống của chúng ta.

Thiên Chúa tạo dựng mọi sự mọi loài. Ngài ban cho trái đất có đủ tiềm năng để nuôi sống nhân loại. Nếu trên thế giới, còn có những người nghèo đói, là vì do sự phân phối của cải vật chất không đồng đều. Tại một số quốc gia phát triển, người dân quá lãng phí vật chất, trong khi ở những quốc gia nghèo, nhiều người thiếu ăn. Nguyên nhân nghèo đói cũng do một số quốc gia sử dụng quá nhiều tiền bạc đầu tư cho chiến tranh và vũ khí nguyên tử để phô trương sức mạnh và mở rộng ảnh hưởng trên chính trường. Vì vậy, để giải quyết gốc rễ của nạn nghèo đói, con người phải biết chia sẻ và có trách nhiệm với nhau và phải tôn trọng tài nguyên trong vũ trụ.

Cũng như ông Philiphê, chúng ta băn khoăn không biết phải làm thế nào để cung cấp bánh cho số đông những người theo Chúa. Bởi lẽ khả năng con người thì giới hạn, mà nhu cầu xung quanh ta thì quá nhiều. Lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Cứ bảo người ta ngồi xuống đi”. Năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá là số lượng quá ít so với nhu cầu của đám đông. Tuy vậy, khởi đi từ một chút nhỏ nhoi này, điều kỳ diệu đã xảy ra: năm ngàn người ăn no và vẫn còn dư mười hai thúng. Khi lòng quảng đại và sự vâng lời của con người kết hợp với quyền năng của Thiên Chúa, thì phép lạ sẽ xảy đến. Như thế, trong cuộc sống hiện tại, nếu chúng ta biết chia sẻ cho anh chị em cơ nhỡ bần hàn, Chúa sẽ thực hiện những điều kỳ diệu, làm cho cuộc sống này đẹp hơn và của cải vật chât sẽ tăng thêm. Một câu ngạn ngữ châu Phi nói đại ý như sau: lòng bác ái như ngọn lửa, càng chia sẻ, lửa không mất đi, nhưng càng nhân rộng. Quả vậy, khi chia sẻ, ta không mất đi, trái lại tình nghĩa và cả vật chất cũng sẽ được nhân lên và toả sáng. Khi cho đi vật chất, ta nhận lại tinh thần, đó là niềm vui và sự an bình.

Khởi đi từ hai mươi chiếc bánh lúa mạch, ngôn sứ Elisê đã có thể phân phát cho hàng trăm người đang đói, mà vẫn còn dư.

Khởi đi từ năm cái bánh và hai con cá nhỏ, Chúa Giêsu đã thết đãi số đông tới năm ngàn người mà còn dư mười hai thúng.

Các tác giả Phúc Âm đều kể lại phép lạ Chúa nhân bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Ngay từ những thế kỷ đầu, cộng đoàn Kitô hữu đã nhận ra hình ảnh tiên báo của Bí tích Thánh Thể. Quả vậy, nếu ngày xưa Chúa Giêsu đã làm cho bánh hoá ra nhiều để nuôi dân chúng là những người trung thành bền bỉ theo Người, thì hôm nay, qua Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục nuôi dưỡng các Kitô hữu trong đời sống thiêng liêng. Đây là nguồn sức mạnh giúp chúng ta vững bước trên đường đời. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hiến cho chúng ta chính bản thân Người. Thánh Thể là Mình và Máu Chúa Kitô. Đây là mầu nhiệm của tình thương Thiên Chúa đối với nhân loại.

Thánh Thể kết nối mọi người Kitô hữu. Vì được nuôi dưỡng cùng một Bánh, người Kitô hữu cũng phải trở nên một trong tình thương và bác ái chia sẻ. Thánh Phaolô đã khẳng định: “Chỉ có một Chúa, một Đức tin, một Phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha của mọi người. Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người”. Sự kết nối kỳ diệu ấy được thực hiện nhờ Bí tích Thánh Thể. Như thế, chia rẽ phân biệt và ganh tỵ là đi ngược lại với ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh Thể. Chính Chúa Giêsu hôm nay đang liên kết chúng ta nên một. Người vẫn đang truyền lệnh cho chúng ta: “Hãy cho họ ăn!”. Khi quảng đại chia sẻ và bác ái là chúng ta thực hiện lệnh truyền của Người.

Những ngày này, cả nước hướng về Sài Gòn và các tỉnh thành phía Nam, để cảm thông, cầu nguyện và chia sẻ tinh thần cũng như vật chất. Không thể kể xiết những tấm lòng nhân nghĩa, bằng muôn hình thức khác nhau, đã được thể hiện để chứng minh tình liên đới với đồng bào trong vùng dịch. Qua những tấm lòng tuyệt vời ấy, chắc chắn Chúa sẽ thực hiện những điều kỳ diệu cho chúng ta.

“Lạy Chúa, xin hãy mở lòng con để biết cảm thông với anh chị em bất hạnh.
Xin hãy mở mắt con để biết nhìn nỗi khổ của tha nhân
Xin hãy mở tay con để biết sẻ chia không tính toán.
Và như thế, con đang cùng Chúa làm nên những phép lạ diệu kỳ. Amen

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

SUY NIỆM 2
Đào Tạo Trái Tim
( ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)
Đài VTV1 đã chiếu lại bộ phim truyền hình nhiều tập “Bản Tin Sớm”. Nhân vật chính trong phim là Gary Hopson, một người thường xuyên theo dõi tin tức hằng ngày qua tờ báo “Chicago”. Khi đọc tin tức, anh thường chú ý tới những người đang gặp nạn. Mỗi khi thấy có người bị nạn, anh luôn băn khoăn tự hỏi xem mình phải làm gì để giúp đỡ nạn nhân. Và lập tức, bất kể những khó khăn, anh lên đường tìm giúp người bị nạn.

Tâm hồn người thanh niên dũng cảm và quảng đại ấy có những nét giống với tâm hồn của Đức Giêsu. Mỗi khi nhìn thấy những cảnh khổ ở đời, Đức Giêsu không sao cầm được lòng thương. Hôm nay, nhìn thấy đám đông đói khát, Người không thể để mặc họ ra về. Người cảm thấy có trách nhiệm phải lo cho họ ăn uống đầy đủ. Dù giữa nơi hoang vu không có hàng quán. Mà nếu có hàng quán cũng chẳng ai đủ tiền mua cơm bánh cho hàng chục nghìn người đang đói khát. Nên người đã làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân. Qua phép lạ lớn lao này, Đức Giêsu hé mở cho ta thấy trái tim đầy tình thương xót của Người, quyền năng cao cả của Người. Nhưng đồng thời Người cũng nhân dịp này đào tạo trái tim con người.

Bài học thứ nhất mà Người muốn dạy ta, đó là lòng cảm thương phải biến thành việc làm cụ thể. Lòng cảm thương là một tình cảm tốt. Nhưng cảm thương suông thì chưa đủ. Thiếu việc làm cụ thể, lòng cảm thương nhiều khi trở thành hình thức, giả dối. Lòng cảm thương ai cũng có. Nhưng số người thực sự ra tay hành động vì lòng cảm thương lại rất hiếm. Có rất nhiều lý do: thái độ ngại ngùng, hoàn cảnh phức tạp, thiếu thốn phương tiện. Các tông đồ nại đến những lý do đó để thoái thác hành động. Nhưng Đức Giêsu bắt họ vào cuộc. Đã thấy việc tốt thì cố gắng làm. Dù khó khăn cách mấy cũng phải vượt qua. Chỉ có việc làm cụ thể mới minh chứng một lòng cảm thương đích thực. Thế là các môn đệ phải đi tìm bánh và cá mang đến cho Chúa. Các ông giúp phân phát lương thực cho mọi người. Các ông đi thu lượm những mẩu bánh còn dư. Các ông tích cực tham gia vào việc cứu đói.

Bài học thứ hai mà Người muốn dạy ta, đó là hãy cộng tác vào công trình của Chúa. Chúa có thể làm được mọi sự. Nhưng Người muốn ta cộng tác vào chương trình của Người. Người có thể biến đá thành bánh. Nhưng Người vẫn đón nhận 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé. Sự đóng góp của con người tuy nhỏ bé, nhưng rất cần thiết. Đó chính là khởi điểm để Chúa làm việc. Đừng khoán trắng cho Chúa mọi việc. Hãy đóng góp phần của mình. Tục ngữ Pháp có câu: “Hãy tự giúp mình, rồi trời sẽ giúp bạn”. Sự cộng tác của ta nói lên nhu cầu thật sự bức thiết. Sự cộng tác tích cực nói lên lòng ta tha thiết mong muốn. Nỗ lực của con người là khởi đầu phải có. Rồi Chúa sẽ làm nốt phần còn lại. Ở đây ta phải ghi nhận lòng quảng đại của em bé. Có lẽ em đi bán bánh. Giữa nơi hoang vu vắng vẻ, trước một đoàn người đói khát, em có thể lợi dụng thời cơ nâng giá bánh để tìm lợi nhuận. Nhưng em đã quảng đại dâng hết cho Chúa. Chính sự quảng đại của em đã góp phần làm nên phép lạ nuôi sống hàng vạn người.

Bài học thứ ba mà Người muốn dạy ta, đó là hãy biết tiết kiệm. Đói khát và thừa mứa. Thiếu thốn và phung phí. Đó là hai trạng thái trái ngược hiện nay trên thế giới. Khi dư giả người ta dễ phung phí. Những người vừa trải qua cơn đói, nay đã vứt bừa bãi những mẩu bánh dư thừa. Đức Giêsu sai các môn đệ đi thu lượm những mẩu bánh thừa. Chúa dậy cho mọi người hãy biết tiết kiệm. Tiết kiệm là trân trọng những của cải Chúa ban. Tiết kiệm là ý thức của cải là của mọi người. Nếu tôi phí phạm, anh em tôi sẽ thiếu thốn. Tiết kiệm để chia sẻ. Tiết kiệm vì công bình. Tiết kiệm vì lợi ích của toàn thể nhân loại. Thế giới còn những người đói nghèo không phải là vì thiếu tài nguyên, nhưng vì phân phối chưa đồng đều, vì những người giầu có tiêu xài phí phạm.

Bài học thứ bốn mà Người muốn dạy ta, đó là phải tìm lương thực thiêng liêng. Vật chất là cần thiết cho đời sống hiện tại. Nhưng vật chất không phải là tất cả. Quá nô lệ vào vật chất, tâm hồn con người sẽ không vươn lên được. Lương thực cho thân xác là một giải quyết cấp thời. Về lâu về dài, muốn con người phát triển, cần phải giải quyết các nạn đói khác. Đó là nạn đói văn hóa. Đó là nạn đói đạo đức. Và trên hết, đó là nạn đói lương thực thiêng liêng. Nhu cầu tâm linh của con người ngày càng lớn rộng. Cơn đói khát tâm linh càng lúc càng mãnh liệt. Tìm đáp ứng nhu cầu tâm linh là một việc làm thiết thực. Nâng cao đời sống tâm linh là đưa con người tới phát triển toàn diện. Chúa bỏ trốn, không chịu để được tôn làm vua, vì Người muốn những kẻ tìm Người tỉnh ngộ, vượt thoát khỏi vòng nô lệ vật chất, vươn lên những giá trị tâm linh.

Với những bài học kèm theo việc hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu muốn đào tạo trái tim chúng ta. Người muốn trái tim ta hãy mở ra để cảm thương anh em đồng loại. Người muốn lòng cảm thương ấy đi đến cùng bằng những việc làm cụ thể, bằng sự cộng tác quảng đại, bằng sự tiết kiệm để giúp ích cho nhiều anh em. Người muốn trái tim ta vươn lên khao khát những chân trời cao thượng của đời sống tâm linh. Người muốn đào tạo ta nên những con người phát triển toàn diện xứng đáng là những người con của Thiên Chúa. Người muốn nuôi dưỡng không chỉ thân xác nhưng nhất là linh hồn ta.
Lạy Chúa, xin nâng tâm hồn con lên tới Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Hãy kể lại những bài học mà Chúa muốn dạy ta qua bài Tin Mừng hôm nay.
2) Bạn có thể góp phần phát triển xã hội bằng cách tiết kiệm. Bạn có thấy việc đó là cần thiết không?
3) Nhiều lần bạn đã xin Chúa cho được cơm no áo ấm. Nhưng có bao giờ bạn xin Chúa cho được nên người tốt, biết sống đạo đức hơn không?
4) Lòng cảm thương của bạn có đi đến những việc làm cụ thể không

bài liên quan mới nhất

Diễn từ Đức Thánh Cha dành cho Phong trào Équipes Notre-Dame hỗ trợ các đôi vợ chồng Kitô hữu

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng