Chân dung linh mục Việt Nam: Cha Vinh-sơn Hoàng  Trọng Quỳnh (1903–2000)

CHÂN DUNG LINH MỤC VIỆT NAM: 

CHA VINH-SƠN HOÀNG  TRỌNG QUỲNH (1903–2000)

Cậu Vinh Sơn Hoàng Trọng Quỳnh cất tiếng khóc chào đời năm 1903, tại Hậu Phú, Nam Định thuộc Giáo phận Bùi Chu. Năm 13 tuổi cậu Quỳnh lên Lạng Sơn để vào ở Tiểu Chủng viện Lạng Sơn nằm ở giáo xứ Mỹ Sơn. Sau đó, thầy Quỳnh được gọi đi học ở Đại Chủng viện Xuân Bích tại Hà Nội, nhưng do bị bệnh đã trở về giáo phận và giúp xứ ở các giáo xứ Cao Bình, Tinh Túc, Bản Lìm, Mỹ Sơn, Cửa Nam.
Suốt 33 năm làm thầy (1946 - 1979), thầy Quỳnh luôn được bề trên tín nhiệm và giáo dân tin yêu quý mến. Thầy có khả năng về âm nhạc và rất sáng tạo trong việc dạy giáo lý. Thầy có cuốn phim nhựa hình ảnh Kinh Thánh, thầy nhặt các kính hiển vi hỏng để chế ra chiếc máy phát hình cho các em học giáo lý xem.
Khoảng năm 1976, thầy Quỳnh phải trải qua một ca phẫu thuật nguy kịch tại bệnh viện sơ tán Kéo Tào gần Tam Thanh. Dù bệnh tật đau đớn nhưng thầy vẫn một lòng gắn bó với Giáo phận, mà Giáo phận lại cũng đang trong thời kỳ cực kỳ gian nan khốn khó tư bề, vì thế, sau khi từ bệnh viện về, thầy bán chiếc xe đạp là tài sản giá trị duy nhất đang có để có chi phí chữa bệnh hầu tiếp tục ở lại Lạng Sơn để phục vụ.
Do thời cuộc, Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng khi ấy không còn linh mục nào, Đức cha Vinhsơn Phaolô Phạm Văn Dụ đã cử thầy Quỳnh đi học bổ túc ở Bắc Ninh để về làm linh mục, nhưng bất thành vì nhà nước không đồng ý.
Vào năm 1979, nhân dịp chạy giặc Tàu về Bắc Ninh rồi đến Bùi Chu, thầy Quỳnh đã được Đức cha Vinhsơn Phaolô nhờ Đức cha Giáo phận Bùi Chu Đaminh Maria Lê Hữu Cung truyền chức linh mục. Khi đó thầy đã 76 tuổi. Dù thế, ngài vẫn là linh mục “chui”; do đó, khi trở về Lạng Sơn, cha Quỳnh chỉ mặc áo alba và đeo dây stola khi dâng lễ.
Thời gian đầu làm linh mục và cử hành Thánh lễ, cha Quỳnh bị chính một số giáo dân chất vấn và hạch sách về chức linh mục: “Ai truyền chức cho ông?”, “Ông xuống để tôi lên làm cho!” Ngài không thanh minh, chỉ nói: “Việc tôi làm linh mục không thuộc quyền của các ông. Là linh mục tôi phải dâng lễ, thế thôi!”. Một số sỉ vả ngài rằng: “Không có trình độ mà cũng đòi làm linh mục.” Nhưng ngài vẫn im lặng. Có những xứ không đón tiếp ngài nhưng ngài vẫn đến để làm mục vụ. Có thể nói đứng trước mọi chống đối, hiểu lầm kể cả sự sỉ nhục, ngài luôn im lặng, nhẫn nhục chịu đựng và một niềm phó thác vào sự quan phòng cuả Thiên Chúa và sự sắp xếp của Bề trên Giáo phận.
Năm 1982, nhân dịp lễ giỗ cho cha chính Khái, Đức cha Vinhsơn Phaolô đã yêu cầu cha Quỳnh mặc áo lễ tím để đồng tế với ngài. Kể từ đó, Đức cha đã chính thức công khai hóa chức linh mục của cha Quỳnh ở địa phận, và sai cha về làm mục vụ ở nhà thờ Mỹ Sơn.
Vào dịp lễ Giáng sinh năm 1983, chính quyền địa phương tại Lạng Sơn đã đồng ý việc cha Quỳnh được dâng Thánh lễ ở Cửa Nam và Mỹ Sơn một cách công khai. Kể từ đó, một cách mặc nhiên, linh mục Quỳnh đã được nhà nước công nhận. Vì thế, dù tuổi cao sức yếu, một mình cha đã phải đảm nhận công việc mục vụ hầu hết cả giáo phận trải dài từ Lạng Sơn đến Cao Bằng vì Đức cha Vinhsơn Phaolô chỉ được ở tại khu vực địa bàn giáo xứ Thất Khê, rất ít khi được đến thăm mục vụ các Giáo xứ trong Giáo phận.
Năm 1994, cha Quỳnh đã khôi phục giáo xứ Lộc Bình. Nhà thờ Lộc Bình trước đó do thời cuộc đã bị chiếm đóng và bị biến thành kho đựng vật liệu của công trường cầu đường. Nhờ cha Quỳnh can thiệp mà nhà thờ đã được trả lại, dần dần giáo xứ Lộc Bình đã hồi sinh.
Cha Quỳnh luôn luôn quan tâm đến người nghèo khổ. Tiền của, quần áo luôn sẵn sàng chia sẻ. Có người thấy ngài ít quần áo quá nên nói với bà Mến là người lo cơm nước cha cha: “Sao cha ít quần áo quá vậy?” Bà Mến nói: “Ông không biết cái quần vừa may cho ngài, gặp người khó ngài cho luôn!”
Áp lực công việc hay bệnh tật hành hạ đôi khi khiến ngài khó chịu, la mắng người chăm sóc mình, nhưng ngay sau đó, khi cơn đau đã dịu, cha đã khiêm nhường nhận lỗi và xin tha thứ.
Ngài tuyệt đối vâng lời bề trên, từ thời Đức cha Dụ, Đức Hồng y Tụng và Đức Tổng Kiệt, dù công việc khó khăn mệt nhọc, ngài vẫn vâng lời làm tất cả mọi việc mà bề trên truyền. Một mình ngài phải rong ruổi cả hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, nhất là khi có kẻ liệt, bất kể đêm ngày hay mưa phùn gió bấc. Như một lần vào một đêm giá buốt, Đức cha Dụ đã sai ngài đi Cao Bằng gấp vì có kẻ liệt, cách nơi ngài ở 200km. Cha và ông trùm đã vội vàng đón xe hàng đi Cao Bằng ngay. Khoảng 3g30 cha con đã đến Bó Tờ nơi có kẻ liệt, nhưng vì trời còn sớm mà nhà xứ lại không có chỗ ngủ, cha con đã nằm nghỉ ngay tại ghế nhà thờ chờ trời sáng, rồi vội vã đi kẻ liệt. Một lần khác, đang khi ngài lên cơn sốt rét và nằm chữa bệnh ở Mỹ Sơn, nghe tin có kẻ liệt đang hấp hối và cần lãnh nhận các bí tích cuối cùng ở Ngạn Sơn, cha vội vàng đi ngay
Cuộc đời của cha luôn vâng lời, khiêm tốn phục vụ, phục vụ đến hơi thở cuối cùng. GIáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng thời đó vô cùng đặc biệt. Giáo phận chỉ có một Đức Giám mục già yếu, một Linh mục gần trăm tuổi và một Nữ tu hơn trăm tuổi. Cả ba cây đại thụ gồng mình gánh vác sứ vụ nơi Giáo phận truyền giáo vô vàn thách đố này.
Năm 1999 dù tuổi già và sức yếu, nhưng ngài vẫn lên Cao Bằng dâng lễ Tro ở giáo xứ Thanh Sơn, Bó Tờ, Tà Lùng. Sau khi trở về Lạng Sơn, cha lâm trọng bệnh và vào ngày 31-5-2000, cha đã an nghỉ trong Chúa, hưởng thọ 97 tuổi, kết thúc 84 năm tận hiến cho Chúa ở Giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng.
Cuộc đời tận hiến của cha chính Vinhsơn Hoàng Trọng Quỳnh đã là bài học mạnh mẽ và sống động cho các linh mục hôm nay về đời sống dâng hiến, khó nghèo, khiết tịnh, can đảm và khiêm hạ trong phục vụ yêu thương để trở nên chứng tá cho Tin Mừng Tình Yêu của Chúa Giêsu Kitô nơi miền đất Giáo phận truyền giáo Lạng Sơn-Cao Bằng, dẫu phải đương đầu với muôn khó khăn và thách đố nhưng một niềm tín thác vào Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành.

image4
Đức cha Giuse Ngô quang Kiệt ban Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân cho cha Vinhsơn

NGƯỜI QUẢN LÝ TỈNH THỨC
(Lc 12, 35 – 40)


Bài giảng của Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt
trong Thánh lễ An táng
Cha chính Vinhsơn Hoàng Trọng Quỳnh
Mỹ sơn ngày 2-6-2000.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su đã ví đời người như một cuộc chờ đợi. Thiên chúa là chủ nhân vắng mặt trong một thời gian. Chúng ta là những người  quản lí có nhiệm vụ coi sóc nhà cửa, tài sản khi ông chủ vắng mặt. Giờ ông chủ về là giờ chết của ta. Không ai biết giờ nào ông chủ về cũng như không ai biết giờ chết của mình. Vì thế phải tỉnh thức. Tỉnh thức có nghĩa là sống như một người quản lí trung thành, luôn chu toàn mọi nhiệm vụ Chúa trao phó. Hiểu như thế, cha Chính Vinh sơn Hoàng trọng Quỳnh là một người quản lí tỉnh thức và trung thành.
Ngài luôn tỉnh thức tuân giữ những bổn phận cá nhân của bậc tu trì. Một nét quan trọng trong đời sống tu trì là từ bỏ ý riêng. Về điểm này, cha Chính Vinh sơn thật là một tấm gương nổi bật. Ngài đã hoàn toàn dứt bỏ ý riêng trong tinh thần vâng phục các vị bề trên, dù phải đảm nhận những công tác khó khăn nhất. Thái độ của Ngài đối với vật chất cho thấy một tinh thần siêu thoát đáng ca ngợi. Suốt đời, dù ở đâu, dù trong công tác nào, Ngài luôn ký thác việc quản lý cho người khác để thảnh thơi lo công tác mục vụ. Không ai có thể nghi ngờ về sự  đơn sơ trong trắng của tâm hồn Ngài.
Ngài luôn tỉnh thức chu toàn bổn phận mục vụ. Chăm lo cho phần hồn của giáo dân, cha Chính sẵn sàng ban các bí tích khi cần. Đã có lúc, một mình Ngài phải dong ruổi ngược xuôi đi lại tất cả các giáo xứ trong Giáo phận. Đường Lạng sơn – Cao bằng xa xôi và khó khăn, cộng thêm gánh nặng của tuổi cao, sức yếu, nhưng Ngài vẫn hăng hái phục vụ. Trong năm qua, tuy sức khoẻ suy yếu, nhưng mỗi khi có thể, Ngài vẫn cố gắng dâng lễ phục vụ giáo dân. Cách đây mấy tuần, Ngài đã mệt nhiều, nhưng khi có kẻ liệt, Ngài vẫn hi sinh quên mình, gắng gượng đến ban các bí tích sau cùng. Ngài tâm sự : thà mình bị mệt còn hơn để linh hồn giáo dân bị thiệt thòi.
Ngài luôn tỉnh thức phấn đấu để vượt qua chính mình. Luôn phải nhận những nhiệm vụ chưa được chuẩn bị. Luôn phải đối phó với những tình huống bất ngờ, Ngài đã phải phấn đấu rất nhiều mới có thể chu toàn nhiệm vụ. Không được chuẩn bị, nhưng cuối cùng, Ngài đã vâng lời bề trên lãnh chức Linh mục khi tuổi đã đến mức cổ lai hi. Không được dự kiến, nhưng cuối cùng Ngài phải gánh lấy trách nhiệm của một vị Tổng Đại diện. Trước những trách nhiệm đầy bất ngờ và vượt quá khả năng, Ngài không chỉ cúi đầu vâng phục mà còn phấn đấu rất nhiều. Không chỉ phấn đấu với khả năng hữu hạn, Ngài còn phải phấn đấu với tình trạng sức khoẻ mong manh. Ba lần chịu phẫu thuật. Nhiều lần bệnh thập tử nhất sinh. Chắc chắn, ngoài ơn Chúa giúp và sự tận tâm của các y bác sĩ, bản thân Ngài phải có một ý chí sắt đá mới có thể vượt qua những tình trạng hiểm nghèo, tiếp tục phục vụ cho đến giây phút cuối cùng.
Ngài luôn tỉnh thức lo lắng cho việc chung. Tuy phải vất vả phấn đấu để chu toàn nhiệm vụ giữa biết bao khó khăn, nhưng cha Chính không bao giờ than van kêu trách. Trái lại, Ngài quên hết những gì riêng tư của bản thân mình để lo cho việc chung của giáo phận, của giáo xứ. Trong những lần gặp gỡ với tôi, Ngài luôn bày tỏ những thao thức về Giáo phận, nhất là vấn đề nhân sự. Từ mùa Giáng sinh năm ngoái, Ngài đã không quản ngại tuổi cao sức yếu, đi khắp nơi để lo cho cha Hà trung Hoàng được về giúp Ngài phục vụ giáo xứ Mỹ sơn. Ngài không chỉ lo cho công việc của Giáo hội, mà còn quan tâm tới công việc của xã hội. Ngài lên tiếng bài trừ nạn nghiện hút. Ngài khuyến khích trẻ em đi học để nâng cao trình độ văn hoá. Ngài tích cực kêu gọi giáo dân giúp đỡ đồng bào nạn nhân bão lụt miền Trung.
Có thể nói cuộc đời của Cha Chính Vinhsơn là cuộc đời của nhiệm vụ. Lúc nào cũng đặt nhiệm vụ lên trên hết. Ngài xứng đáng là người quản lí tỉnh thức và trung thành. Chính vì thế, Chúa đã trao phó cho Ngài trọng trách gìn giữ gia nghiệp của Chúa. Hôm nay, Chúa đến gọi Ngài và thấy Ngài đang tỉnh thức chu toàn nhiệm vụ. Thật vinh dự cho Ngài. Thật vinh dự cho chúng ta. Chúng ta chúc mừng Ngài đã đi trọn vẹn con đường phục vụ. Chúng ta noi gương Ngài để biết luôn tỉnh thức chu toàn nhiệm vụ của mình, nhiệm vụ của người công giáo tốt và nhiệm vụ của người công dân tốt.

RIP
Cha Chính Vinhsơn Hoàng Trọng Quỳnh

05 – 02 – 1901 : Sinh tại Hồng Quang, Nam Định
1917                 : Học Tiểu chủng viện Lạng sơn
1930                 : Học Đại chủng viện Saint Thomas
1979                 : Thụ phong Linh mục
1979                 : Chính xứ Cửa Nam
1986                 : Tổng Đại Diện
1992                 : Chính xứ Mỹ sơn   
30 – 05 – 2000 : Từ trần 
 
image1 1
XIN VÂNG Ý CHA
(Lc 6, 1-5)
Mỹ sơn ngày 9 tháng 9 năm 2000
Lễ giỗ 100 ngày cha Chính Vinh-sơn Hoàng trọng Quỳnh.

Con người sống trên đời có rất nhiều bổn phận phải chu toàn. Bổn phận đối với bản thân. Bổn phận đối với gia đình. Bổn phận đối với bạn bè. Bổn phận đối với tổ quốc. Bổn phận đối với Thiên chúa...Con người chỉ có một mà những bổn phận thì nhiều. Những lúc thuận lợi, người ta thanh thản chu toàn hết các bổn phận một cách dễ dàng. Nhưng rất nhiều lần, các bổn phận giao thoa chồng chéo nhau khiến con người lâm vào hoàn cảnh khó xử, không biết theo bên nào, bỏ bên nào. Một chàng thanh niên yêu thương một nàng thiếu nữ. Hai người dự định kết hôn thì chiến tranh nổ ra. Người thanh niên đứng trước hai bổn phận. Một bên là hạnh phúc gia đình, một bên là bổn phận đối với tổ quốc. Một học sinh giỏi ham mê học tập. Nhưng gia đình gặp tai nạn khó có thể chu cấp cho cậu tiếp tục học. Người học sinh phân vân giữa một bên là bổn phận trợ giúp gia đình, một bên là niềm ham mê học tập.
Trong đời sống tôn giáo, những mâu thuẫn giữa các bổn phận cũng không thiếu. Làm sao giải quyết những mâu thuẫn đó mà vẫn chu toàn được các bổn phận ?
Giải quyết các mâu thuẫn liên hệ tới việc sáng suốt phân định. Trong Tin mừng, Đức Giê-su đã nhiều lần đề cập đến việc phân định để biết điều gì nên làm, điều gì không nên. Điều gì nên làm trước, điều gì nên làm sau. Có thể tóm tắt vào mấy nguyên tắc sau.
Nguyên tắc thứ nhất : Giới răn của Thiên chúa quan trọng hơn tập tục của người đời. Người Do thái có nhiều tập tục của tiền nhân để lại. Chẳng hạn tục lệ rửa tay trước khi ăn. Họ coi trọng tục lệ này đến nỗi không rửa tay đối với họ là một tội  nặng. Trong khi đó họ coi thường những tội gian tham, bất công, xâm phạm tài sản của người khác. Đức Giê-su đã lên án họ là đạo đức giả, chỉ “thờ kính Chúa bằng môi miệng mà lòng dạ thì xa Chúa”. Người bảo cho họ biết, giữ đạo như thế là vô ích, vì “họ chỉ tuân giữ giới luật của người phàm” mà không giữ luật Chúa (cf. Mc 7, 6-7). Giữ đạo thật phải tuân giữ luật Chúa. Luật quan trọng nhất trong đạo là mến Chúa yêu người. Yêu mến Chúa thành thực trong tâm hồn và yêu thương đồng loại thì cần thiết hơn là giữ  những tục lệ bên ngoài của con người.
Nguyên tắc thứ hai : Lề luật vì con người chứ không phải con người vì lề luật. Người Do thái có luật nghỉ ngày thứ bảy. Luật này nghiêm nhặt đến nỗi người ta không được phép cứu người bị nạn, không được nấu ăn trong ngày thứ bảy. Đức Giê-su đã dạy cho họ biết ngày thứ bảy nghỉ là để làm việc lành. Luật có mục đích phục vụ hạnh phúc con người. Nếu luật lệ trở thành gông cùm trói buộc, làm khổ con người thì luật đã mất ý nghĩa và mục đích của nó. Con người thì cao trọng hơn lề luật. Tình thương thì quý hơn của lễ. Và Đức Giê-su đã ban cho ta một lề luật cao quý hơn mọi lề luật, một lề luật mới thay thế mọi lề luật cũ, đó là luật yêu thương : “Thày ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như chính Thày đã yêu thương anh em”. Với luật yêu thương thì con người là cao trọng hơn cả.
Nguyên tắc thứ ba : Thánh ý Chúa là trên hết. Khi có việc, ta thường hay hỏi ý kiến người này người khác. Và khi có tranh luận, ta thường muốn mọi người phải theo ý kiến của ta. Ta quên mất một điều quan trọng là phải tìm thánh ý Chúa. Chính Đức Giê-su nêu gương cho ta về điểm này. Trọn cuộc đời Người luôn luôn tìm thánh ý Chúa Cha. Vì vâng lời Chúa Cha mà Người đã sinh xuống thế làm người. Vì vâng lời  Đức Chúa Cha mà Người đã sống một cuộc đời nghèo khổ. Việc vâng lời Đức Chúa Cha thể hiện rõ nhất khi Người cầu nguyện trong vườn Giệt-si-ma-ni. Người sợ cái chết đau đớn. Người sợ sự nhục nhã. Người muốn trốn chạy thánh giá. Nhưng cuối cùng Người đã từ bỏ ý riêng mà theo ý Đức Chúa Cha : “Lạy Cha, nếu có thể được thì xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý Con, chỉ xin vâng theo ý Cha mà thôi” (Lc 22,42).
Cha Chính Vinh-sơn mà chúng ta kỷ niệm 100 ngày qua đời hôm nay đã thấu hiểu và thực hành những nguyên tắc Đức Giê-su đề ra trong Tin Mừng. Người đã coi trọng luật Chúa hơn những tập tục của người xưa, nên Người đã không ngần ngại dứt bỏ những tục lệ nặng nề phiền phức không phù hợp với tinh thần Tin mừng. Luôn coi trọng con người, nên Người sẵn sàng bỏ qua những luật lệ không cần thiết nhằm phục vụ con người hữu hiệu hơn. Đặc biệt nhất là Người luôn sẵn lòng từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa. Đức vâng lời của Người là tuyệt đối.
Tưởng nhớ Cha Chính Vinh-sơn, ta hãy biết noi gương Người. Biết tìm giữ luật Chúa hơn là tìm giữ những tục lệ của người đời. Biết yêu mến Chúa trong tâm hồn hơn là bằng những việc làm phô trương bên ngoài. Biết yêu mến anh em bằng tâm tình chân thật hơn là những lời đầu môi cửa miệng. Nhất là ta hãy noi gương Người đi tìm ý Chúa chứ đừng tìm ý riêng. Ta tìm ý Chúa bằng cách học hỏi Lời Chúa, đọc Phúc Âm, suy niệm và đem ra thực hành. Ta tìm ý Chúa qua việc vâng lời các vị bề trên mà Chúa gửi đến như lời Chúa nói : “Ai nghe các con là nghe Thày” (Lc 10,16).
Khi tuân giữ những nguyên tắc Đức Giê-su đề ra trong Tin mừng, ta đi vào chiều sâu đích thực của đạo, ta đi vào trái tim Chúa và anh em, và ta đi vào kết hiệp hoàn toàn với Thiên Chúa khi đã từ bỏ hết ý riêng của mình.
Lạy Chúa, xin thương linh hồn cha Chính Vinh-sơn. Amen.

 
image6

HÌNH ẢNH NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐỨC KI-TÔ

Bài giảng Lễ Giỗ đầu
Cha Chính

Vinh-sơn Hoàng trọng Quỳnh (30-5-2001)


Ngày giỗ là dịp tưởng nhớ người qua đời. Ta họp nhau cầu nguyện cho người quá cố. Ta quây quần bên nhau để ôn lại những kỉ niệm. Ta nói về người đã khuất. Mỗi người giữ một hình ảnh về người đã ra đi. Hình ảnh về Cha Chính Vinh-sơn còn đọng lại nơi tôi là hình ảnh người môn đệ Đức Ki-tô.
Người môn đệ Đức Ki-tô là người khiêm nhường.
Vì chính Đức Ki-tô đã sống khiêm nhường. Người là Thiên chúa nhưng đã tự hạ xuống làm người phàm. Người rất giàu sang nhưng đã tự nguyện sống nghèo hèn. Người là Thày nhưng đã quì xuống rửa chân cho môn đệ. Người vô tội nhưng đã tự nhận mình tội lỗi. Người đã tự nhận : “Con Người đến  không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mt 20, 28).
Người không ngừng dạy các môn đệ của Người phải khiêm nhường : “Các con hãy học cùng Thày vì Thày hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29). “Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22, 26).
Cha Chính Vinh-sơn đã học được bài học khiêm nhường của Đức Ki-tô. Nhiều lần Cha Chính kể cho tôi nghe về cuộc đời của Người. Khi kể về mình, Người không bao giờ tự đề cao. Trái lại Người luôn nói sự thực, những sự thực rất khiêm nhường về bản thân và cuộc đời của Người.
Người môn đệ Đức Ki-tô là người từ bỏ mình.
Chính Đức Ki-tô đã luôn từ bỏ mình. Không chỉ từ bỏ một phần mà từ bỏ cả bản thân. Không chỉ từ bỏ những gì  hời hợt bên ngoài mà từ bỏ cả những gì sâu xa nhất trong bản thân người. Cuộc từ bỏ gay go nhất là bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa Cha. Người đã hoàn toàn “vâng lời Đức Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá” (Pl 2, 8). Người đã tự huỷ mình, biến mình thành con số không để cho ý Chúa Cha được thực hiện.
Người dạy các môn đệ : “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27)
Nghe lời dạy của Chúa, Cha Chính Vinh-sơn đã luôn tiến bước trên con đường từ bỏ mình. Từ khi tự nguyện hiến thân trong bậc tu trì, Người không bao giờ làm theo ý riêng. Khi bề trên cử Người đi học, Người sẵn sàng ra đi. Khi bề trên bảo Người nghỉ học, Người mau mắn ra về không hề khiếu nại hay phản đối. Người không vận động để được chịu chức, nhưng khi bề trên gọi, Người sẵn sàng vâng lời. Đối với Người, ý Chúa được truyền qua lệnh của bề trên, nên Người tuyệt đối vâng theo. 
Người môn đệ Đức Ki-tô là người trung tín.
Vì Thiên chúa là Đấng trung tín.Thiên chúa trung tín đã hứa thì không bao giờ sai lời. Dù loài người thay lòng đổi dạ, Thiên chúa vẫn trung tín với lời giao ước.
Thiên chúa yêu thương, tín nhiệm và tuyển chọn những người trung tín. Người sẽ đặt “người quản gia trung tín và khôn ngoan coi sóc kẻ ăn người ở để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc” (Lc 12,42). Những ai trung tín trong việc nhỏ, Người sẽ đặt coi sóc những việc lớn (cf. Mt 25, 21).
Cha Chính Vinh-sơn là một người trung tín. Từ khi dâng mình cho Chúa, Người không bao giờ nghĩ đến việc thoái lui. Người trung tín với Chúa khi gặp may mắn, thuận lợi. Nhưng nhất là Người vẫn trung tín cả khi gặp khó khăn thử thách. Trung tín với Chúa khi được thương yêu nâng đỡ, Người vẫn trung tín cả khi bị bỏ quên, bị thử thách. Dâng mình cho Chúa từ năm lên 15 tuổi, mãi hơn 60 năm sau mới được chịu chức Linh mục, thế mà người vẫn trung tín đến cùng. Chính vì thế, Người đã được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn, trao cả gia nghiệp cho Người coi sóc.
Cha Chính Vinh-sơn là hình ảnh trung thực của người môn đệ Chúa. Hình ảnh đó là một nét đẹp giúp ta nhận ra khuôn mặt của Chúa. Hình ảnh đó không những góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp mà còn giúp xây dựng Nước Trời.
Tất cả chúng ta được mời gọi trở thành môn đệ Chúa. Ta hãy noi gương Cha Chính Vinh-sơn, biết sống khiêm nhường và trung tín, biết từ bỏ mình để trở thành những môn đệ trung thực của Chúa.
Lạy Chúa, xin thương linh hồn Cha Chính Vinh-sơn. Amen.

 
image1

Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô quang Kiệt chia sẻ:
Cha già Quỳnh quê tại Hồng Quang, Bùi chu nhưng đã lên Lạng sơn tu từ khi còn nhỏ. Bề trên cho ngài đi học đại chủng viện Xuân bích. Nhưng học chưa tròn một năm, ngài bị chứng nhức đầu, xin nghỉ học về giúp việc cho các cha. Rất đạo đức và không tham vọng, ngài vui với những công việc nhỏ bé như đàn hát, dạy giáo lý và còn thời giờ dành cho thú sửa chữa đồng hồ. Không bao giờ ngài nghĩ đến việc vận động để được chịu chức.
Năm 1979, vì trong giáo phận không còn linh mục nào, nhân dịp chạy giặc, Đức Cha Vinhsơn Phaolô giới thiệu ngài về Bùi chu để được Đức Cha Cung phong chức. Phong chức trở về, ngài vẫn vui với những công việc cũ.
Năm 1981, Uy ban Nhân dân thành phố Lạng sơn muốn tổ chức lễ Chúa Giáng sinh cho phái đoàn các nước tham dự, nhưng không tìm được linh mục nào dâng lễ, chính quyền nhờ ngài dâng lễ. Từ đó ngài bắt đầu công khai thi hành tác vụ linh mục. Bấy giờ ngài đã gần 80 tuổi. (x . PHẠM PHÚC KHÁNH, Lược sử địa phận Lạng sơn, Cannes 1994, tr. 199).
Trở thành linh mục, ngài vẫn luôn khiêm tốn nhận mình không xứng đáng, vẫn âm thầm với những việc nhỏ bé, nhưng lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ giáo dân và bảo vệ quyền lợi của Giáo hội. Sức khỏe của ngài rất mong manh. Nhiều lần phải nằm viện cấp cứu. Nhưng bất kể yếu, khỏe, bất kể nắng, mưa, khi nào có người cần đến, ngài sẵn sàng lên đường. Có lần đang nằm viện, nhưng khi có kẻ liệt, ngài vội vã lên đường không ngần ngại. Tuy yếu ớt và thân cô thế cô, nhưng không bao giờ ngài ký giấy hiến nhượng tài sản của Giáo hội.
Lần sau cùng gặp tôi, ngài nói như trăn trối. Những lời nói ngắn gọn tuyệt nhiên không chú ý gì tới của cải vật chất hay những người thân, chỉ tập trung vào việc chung của Giáo hội. Thật đáng khâm phục biết bao. Sau khi Đức Cha Vinhsơn Phaolô qua đời, chỉ còn một mình ngài là người gìn giữ giáo phận. Hoàn thành nhiệm vụ, ngài an bình ra đi ngày 30-05-2000. Thật lạ lùng, Chúa dùng những con người yếu đuối để làm những việc lớn lao.


 
duc cha pham van du voi doan chien
 
img 3389
 
dcha 2
 
img 3386
 
image3
 
image2
 
image5



 

bài liên quan mới nhất

Thứ Sáu tuần IV Phục Sinh: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng