Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XXV Thường Niên – Năm C

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XXV Thường Niên – Năm C

(Am 8, 4-7; 1 Tm 2, 1-8; Lc 16, 10-13 {hoặc 1-13})

“Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”.

1/ SỬ DỤNG CỦA CẢI

(ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)

Sống trên đời, ai cũng cần có tiền bạc. Dù ở bậc sống nào, người ta cũng cần đến của cải. Các đan sĩ trong đan viện, dù mỗi cá nhân long trọng tuyên khấn đức khó nghèo và không có của riêng, nhưng cộng đoàn lại vẫn cần có vật chất để nuôi sống các thành viên của đan viện. Tiền bạc là nguyên nhân dẫn tới xung đột ở mọi cấp độ: gia đình, làng xóm, xã hội. Không ít trường hợp, vì lý do tiền bạc, đã gây ra án mạng tang thương và huynh đệ tương tàn.

Lời Chúa hôm nay mang một thông điệp rất cụ thể: hãy sử dụng của cải như thế nào để đem ích lợi cho bản thân và tha nhân. Nếu ngôn sứ Amos lên án những người giàu có thường lấy tiền bạc để mua người cơ bần, thì người quản gia trong Phúc âm lại gian xảo dùng tiền bạc của chủ để “mua” những anh em. Cả hai trường hợp xem ra đều không chính đáng và hợp pháp. Người quản gia, dù được ông chủ khen, nhưng vẫn bị gọi là “bất lương”. Đương nhiên, Chúa Giêsu không khuyên chúng ta bắt chước người quản gia này.

Khởi đi từ dụ ngôn người quản gia, Chúa Giêsu dạy chúng ta về cách sử dụng của cải. Những gì chúng ta đang sở hữu, thực ra là Chúa trao cho chúng ta giữ gìn và sinh lợi. Chúng ta chỉ là người quản lý, mà Chúa chính là Ông Chủ trao phó gia nghiệp cho chúng ta. Nếu tiền bạc đến dễ dàng, thì cũng sẽ đi cũng mau lẹ. Thực tế đã chứng minh, có nhiều tiền chưa chắc đã là hạnh phúc; mà có ít tiền không hẳn đã là bất hạnh. Một câu nói được người ta truyền miệng nhiều trong thời gian vừa qua, đó là “tiền nhiều mà làm gì?”. Quả vậy, nhiều tiền mà mất hạnh phúc gia đình, bạn bè xa lánh, lương tâm bất an, thì cũng là vô nghĩa. Cuộc sống ở đời ngắn ngủi mong manh, điều quan trọng là làm sao để có cuộc sống thanh thản, an vui quây quần bên những người thân, cảm nhận được những niềm hạnh phúc, tuy nho nhỏ mà đang hiện hữu xung quanh mình.

Nếu chúng ta là những quản gia, thì Chúa đòi nơi chúng ta một đức tính rất quan trọng, đó là lòng trung tín. Không chỉ trung tín trong cách sử dụng tiền bạc, mà còn trong mọi lãnh vực của cuộc sống như gia đình, nghề nghiệp, lý tưởng tu trì, tình huynh đệ, mối tương quan bạn bè. Từ sự trung tín đời thường, Chúa Giêsu dẫn chúng ta đến sự trung tính mang tính quyết liệt hơn, đó là sự trung tín với Chúa. “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ”. Những ai coi tiền bạc là ông chủ, sớm muộn cũng gặp đau khổ và thất bại. Người ta thường nói: “Tiền bạc là ông chủ tồi và là người đầy tớ tốt”. Điều đó có nghĩa, đối với ai tôn thờ tiền bạc, làm mọi cách để có nhiều tiền, bất chấp lương tâm và luật pháp, thì sẽ chuốc lấy thất bại ê chề. Những ai chỉ coi tiền bạc như đầy tớ phục vụ mình, luôn quân bình và sáng suốt trong cách sử dụng tiền bạc, sẽ thành công và vươn xa. Trong cuộc sống hôm nay, nhiều người tuyên bố mình vô thần, nhưng lại đang thờ biết bao thứ thần tượng khác, như tiền bạc, danh vọng, kỹ nghệ. Thiên Chúa không ngự chung bàn thờ với những thứ ngẫu tượng phàm trần. Ngài là Đấng độc tôn. Những ai muốn theo Ngài, phải dành cho Ngài vị trí đặc biệt trong trái tim và trong cuộc đời.
Trong truyền thống Thánh Kinh, người nghèo được Thiên Chúa yêu thương và bảo vệ. Người nghèo vừa là người có ít tài sản. Người nghèo cũng là người khiêm tốn, tin tưởng cậy trông và phó thác theo sự chỉ dẫn của Thiên Chúa. “Nào ca ngợi danh thánh Chúa đi. Người cất nhắc những ai nghèo túng” (Đáp ca). Đức Trinh nữ Maria cũng hát lên trong Kinh tạ ơn: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,52). Đây cũng là nội dung lời tuyên sấm của ngôn sứ Amos, khi ông lên án những người giàu, cậy tiền cậy của mà coi thường nghèo. Nếu Amos sống trong thời đại chúng ta, ông sẽ lên án những người làm hàng giả, những người dùng hoá chất trong thực phẩm rau quả, những người gian dối trong buôn bán thương mại và lừa đảo qua các hình thức công nghệ. Tất cả các hành vi trên, vừa chống lại Thiên Chúa, vừa gây hậu quả nghiêm trọng nơi người khác.
Thánh Phaolô đưa ra những định hướng mục vụ cho người môn sinh của mình là ông Timôthê. Thánh nhân đã diễn tả lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa. Ngài muốn cho mọi người được cứu độ. Những ai sống ngay thẳng trung thực, khi cầu nguyện, có thể giơ cao đôi tay mà không hổ thẹn. Cũng vậy, những người công chính luôn tìm thấy bình an trong tâm hồn cũng như trong cuộc sống.
Tiền bạc là vấn đề thiết thực đối với mỗi người chúng ta, nhưng sử dụng tiền bạc thiếu khôn ngoan sẽ làm con người đau khổ và sa đoạ. Xin Chúa cho chúng ta có cuộc sống ổn định về vật chất, để an tâm theo Chúa, đồng thời có khả năng giúp đỡ những người xung quanh.


NGƯỜI QUẢN LÝ KHÔN NGOAN VÀ TRUNG THÀNH

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Mạnh Thường Quân nhà giàu, cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ. Trước khi đi, Phùng Nguyên hỏi: “Ngài có muốn mua gì không?”. Mạnh Thường Quân trả lời: “Ngươi xem thứ gì nhà chưa có thì mua”. Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi dân tới bảo rằng: “Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả”. Rồi chẳng tính vốn lời, đem văn tự ra đốt sạch. Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân: “Nhà ngài không thiếu gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm mua ở đất Tiết cho ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý ngài”. Về sau Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đấy nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên: “Đó hẳn là cái ơn nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước”.

Nghe chuyện này, có lẽ mọi người đều đồng ý với Mạnh Thường Quân rằng Phùng Nguyên thực là người quản lý trung thành và khôn ngoan. Trung thành vì ông đã biết cách làm lợi cho chủ. Khôn ngoan vì ông biết nhìn xa trông rộng, đầu tư vào những chương trình có ích lợi lâu dài. Nhờ sự khôn ngoan của Phùng Nguyên, Mạnh Thường Quân đã vượt qua được những khó khăn gian khổ.

Người quản lý trong bài Phúc Âm hôm nay khôn ngoan nhưng không trung thành. Khôn ngoan nhanh nhẹn, trong một thời gian ngắn đã tìm ra phương thế chuẩn bị cho tương lai. Nhưng ông ta đã không trung thành vì ông đã phung phí, làm hại tài sản của chủ.

Khi khen người quản lý này khôn khéo, Chúa Giêsu không khen ngợi tính gian giảo, thiếu trung thực của ông. Người chỉ khen ngợi sự thông minh nhạy bén của ông. Người ước mong con cái sự sáng cũng biết thông minh nhạy bén trong việc tìm kiếm Nước Trời.

Quả thực chúng ta là những người quản lý của Chúa. Tất cả những gì ta có đều là của Chúa. Sự sống, sức khỏe, tài năng, tiền bạc… đều không phải của ta. Ta chỉ quản lý chúng.

Hai đức tính quý ở người quản lý là trung thành và khôn ngoan.

Người quản lý trung thành gìn giữ nguyên vẹn tài sản của chủ. Không phung phí, không làm mất mát hao hụt. Người quản lý khôn ngoan sẽ tìm cách sinh lợi cho chủ, làm cho tài sản ngày càng gia tăng. Tiền bạc có thể sinh lợi ở ba góc độ khác nhau.

Mức độ bình thường nhất là: tiền đẻ ra tiền. Dùng tiền gởi ngân hàng để lấy tiền lời. Dùng tiền đầu tư vào công việc thương mại, kinh doanh để kiếm được nhiều tiền hơn nữa.

Mức độ thứ hai cao hơn là: dùng tiền đầu tư vào chất xám, vào giáo dục, vào nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước đầu tư rất nhiều vào giáo dục. Vì thế họ đã đào tạo được một đội ngũ trí thức đông đảo có kiến thức, có khoa học kỹ thuật. Nhờ thế, không những họ làm cho đất nước giàu mạnh mau chóng, mà còn nâng cuộc sống nhân dân lên cao hơn, giàu có sung túc về của cải vật chất và nhất là cao đẹp vì có văn hóa, đạo đức.

Mức độ thứ ba, cũng là mức độ cao nhất là: dùng tiền mua hạnh phúc vĩnh cửu. Biến tiền của hay hư nát ở đời này thành gia sản vĩnh viễn ở trên trời. Để làm được việc này, ta phải vượt qua sự khôn ngoan, nhạy bén đầy tính toán của người đời để đạt tới sự khôn ngoan nhạy bén đầy quảng đại theo tinh thần Phúc Âm.

Tạo lập gia sản trên trời khác với tạo lập gia sản nơi trần gian.

Gia sản nơi trần gian được tạo lập bằng tích lũy. Gia sản trên trời được tạo lập bằng cho đi. Để tích lũy tài sản nơi trần gian, ta phải tiện tặt, chắt bóp, nghĩ đến lợi nhuận của bản thân hơn đến người khác. Để tích lũy gia sản trên trời, ta phải rộng rãi, hào phóng nghĩ đến người khác hơn bản thân mình. Càng cho đi ở đời này, ta càng giàu có ở trên trời. Người nghèo là Chúa Giêsu hóa trang. Khi ta giúp đỡ người nghèo là ta chuyển tiền về thiên quốc. Qua trung gian người nghèo, đồng tiền trần gian hay hư nát sẽ biến thành tài sản vĩnh cửu trên trời.

Chúng ta là con cái sự sáng. Hãy biết sống theo con đường sự sáng của Phúc Âm. Hãy xin Chúa ban cho ta sự khôn ngoan của Phúc Âm. Hãy rèn luyện cho ta có sự nhạy bén đối với những thực tại vĩnh cửu trên trời. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại. Bạn nghĩ gì về câu này?

2) Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được. Bạn đã coi thường chủ nào và đã yêu mến chủ nào hơn?

3) Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Bạn hiểu câu này thế nào? Bạn đã thực hành chưa?

4) Làm sao để trở thành người quản lý trung thành và khôn ngoan của Chúa?

3/ HÃY BIẾT LO CHO TƯƠNG LAI!

(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)

Ngày nay, chúng ta nhận thấy rất nhiều người dùng tiền để mua chuộc, để thăng quan tiến chức; hay có những người giàu vì làm ăn bất chính, nên họ thường rửa tiền để tránh sự dòm ngó của người khác. Những người như thế thường bị xã hội lên án vì hành động bất nhân của họ. Bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu kể dụ ngôn “Người quản gia bất trung” đã làm thiệt hại cho ông chủ, nên đã bị ông chủ thải hồi. Nhưng, mặt khác, Đức Giêsu lại khuyên họ hãy học theo gương người quản gia, vì ông ta đã biết dùng tiền của bất chính để mua chuộc bạn hữu, đã biết lo cho tương lai vận mệnh của mình. Phải chăng Đức Giêsu khen và cổ súy cho hành vi sai trái này của người quản gia? Vậy, nếu điều đó là tốt thì tốt ở chỗ nào? Và, nếu sai thì sai ở đâu? Chúng ta cùng nhau suy niệm.

1. Người quản gia bất trung là ai?

Thoạt đầu, mới nghe dụ ngôn này, chúng ta rất dễ bị hiểu lầm. Tuy nhiên, chúng ta cần phải đặt mối tương quan của chúng ta vào toàn bộ tổng thể bản văn, cũng như văn hóa của người Dothái thời bấy giờ, thì mới hiểu được ý Chúa muốn dạy chúng ta điều gì!

Với người Dothái thời bấy giờ, có nhiều người giàu có, họ thường lắm đồn điền ở nhiều nơi. Ông chủ không thể hiện diện cùng lúc tại nhiều chỗ được, vì thế, họ thường đặt những quản gia để trông nom kho lẫm và thay mặt mình để quản lý, điều hành mọi công việc.  

Như vậy, người quản gia có một thế giá rất đặc biệt trong e kíp lãnh đạo. Ông chỉ đứng đằng sau chủ của ông và có quyền thay mặt cũng như đại diện ông chủ khi ông vắng nhà; đồng thời có toàn quyền sắp xếp công việc cho những người làm công. Tuy nhiên, ông ta không có lương như những người làm công bình thường, ông ta chỉ có quyền thu xếp công việc và tìm cách làm lợi cho ông chủ. Khi không có lương như vậy, ông ta tìm cách cắt xén và ghi tăng thêm số lượng để lấy những nguồn lợi bất chính đó về cho mình. Quả thật, người quản gia trong bài Tin Mừng hôm nay đã tận dụng cơ hội “quyền huynh thế phụ” để làm ăn bất chính, hầu thu tích của cải cho mình. Nhưng thật không may, ông ta đã bị chủ phát hiện và quyết định đuổi việc: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó ? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!” (Lc 16,2).

Trong hoàn cảnh này, ông ta suy tính: “Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” (Lc 16, 3-4). Quả thật, không lẽ từ một người quản gia mà nay lại đi cuốc đất, hay đi ăn mày? Ông ta không thể làm được những chuyện đó vì những mâu thuẫn với con người và vai trò của ông! “Cái khó ló cái khôn”, trước khi bị đuổi chính thức, ông vẫn còn đủ tư cách là đại diện cho ông chủ, và trong thời gian chờ đợi để bàn giao sổ sách, giấy tờ, ông ta tìm cách lấy lòng và tạo bạn hữu bằng việc giảm nợ cho cho những con nợ: “… ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy ?’  Người ấy đáp : ‘Một trăm thùng dầu ô-liu.’ Anh ta bảo : ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.’  Rồi anh ta hỏi người khác : ‘Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy ?’ Người ấy đáp : ‘Một ngàn giạ lúa.’ Anh ta bảo : ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi’” (Lc 16, 5-7). Một cách giải quyết hết sức khôn khéo. Ông vừa được tiếng là tốt bụng, lại còn thêm được rất nhiều bạn bè, hòng khi bị đuổi việc, ông được người ta đón rước mình như một vị đại ân nhân của họ. Và cuối cùng, ông chủ đã khen người quản lý bất lương đó hành động thật khôn ngoan.  

Như vậy, Đức Giêsu có phải khen người quản gia bất lương vì sự bất lương của hắn ta không? Thưa không! Ngài khen là khen cái tài khôn khéo, biết tính trước cho tương lai vận mệnh của mình, và biết dùng tiền của bất chính để tạo nên bạn hữu. Qua câu chuyện này, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy biết lo cho tương lai của mình, bởi vì “sinh hữu hạn, tử bất kỳ”. Cuộc sống là một cái gì mong manh, ta có thể ra đi bất cứ lúc nào, nên: “Không biết lo xa, ắt phải rầu gần”. Phần cuối của dụ ngôn, như một mệnh lệnh, Đức Giêsu nói:  “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc 16, 9); mặt khác, Ngài cũng dạy chúng ta phải biết khôn ngoan trong việc sử dụng tiền của ở đời này, làm sao tiền của trở thành nô lệ, đầy tớ cho chúng ta, chứ đừng biến nó thành ông chủ của mình: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13).

2. Sống Sứ Điệp Lời Chúa

Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta biết rằng: mọi sự đều là của Chúa và chúng ta chỉ là người quản lý mà thôi. Nếu chỉ là quản lý, thì phải biết giới hạn, phải biết được vai trò của mình đến đâu và phải lo chu toàn trách vụ mà ông chủ trao cho. Vì thế, ta phải trung thành và giữ chữ tín trong khi làm việc: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ. Vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ kia. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”(Lc 16,16).

Cần tránh những hình thức lạm quyền và sa đà vào tình trạng tội lỗi. Hãy biết chia sẻ cho người khác để làm giàu trước mặt Thiên Chúa và có lợi cho phần hồn của mình. Chia sẻ bác ái được ví như một sự cầu lần, nay người, mai ta:“Người giàu giúp kẻ nghèo ở đời này, nhưng người nghèo giúp kẻ giầu trong đời sau”. Thật thế, “Thương xót kẻ khó nghèo là cho Đức Chúa vay mượn, Người sẽ đáp trả xứng đáng việc đã làm”(Cn 19,17).

Cuối cùng, ta phải biết lo cho tương lai của chính mình như người quản gia trong Tin Mừng hôm nay: “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc 16,9). Hãy mua lấy Nước Trời và làm giàu trước mặt Thiên Chúa là trách nhiệm hàng đầu của chúng ta. Thật vậy, tiền của vật chất rồi sẽ qua đi, nhưng chỉ có Chúa là tồn tại, vì thế, hãy tìm mọi cách mà xây dựng, mua lấy Nước Trời cho cuộc sống mai hậu. Hãy biết lo cho tương lai của mình cách cẩn trọng. 

Thế nhưng, trong xã hội hôm nay, nhiều người có những tư tưởng tự cao và cho rằng: ta có được như vậy là nhờ công khó của chính chúng ta, họ quên mất một điều căn bản rằng: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công. Thành kia mà Chúa không phòng giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm” ( (Tv 127,1)). Vì vậy, hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa khi ta còn có thể tìm được. Hãy nhạy bén và biết hành xử khôn khéo như người quản gia trong bài Tin Mừng hôm nay.

Mong sao mỗi chúng ta: “Trong mọi sự phải nhắm chắc cái cùng đích” hầu chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp.  

Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra sự yếu hèn của mình, hầu thoát ra khỏi những sự chóng qua ở đời này mà biết lo tìm phần rỗi cho mình trong cuộc sống mai hậu. Xin cho chúng con biết chọn Chúa và những giá trị tốt trong cuộc đời. Amen.

4/ THÁI ĐỘ CỦA CON NGƯỜI TRƯỚC TIỀN CỦA

(Lm. Giuse Lê Danh Tường)

Dường như cả xã hội hôm nay đang đảo điên lao vào vòng xoáy tìm kiếm tiền của. Ta phải có thái độ nào đối với tiền của mà ta đang có đây? Lời Chúa trong Chúa nhật XXV Thường niên C cho ta câu trả lời về thái độ của con người đối với của cải.

Người quản lý thời Chúa Giêsu bên Do thái có quyền thay mặt ông chủ để quyết định tiền lương cho công nhân. Nếu người quản lý làm thiệt hại tài sản của ông chủ thì luật pháp cũng không buộc ông phải đền trả mà chỉ có thể bị ông chủ sa thải thôi. Sau khi nhận được giấy sa thải, viên quản lý phải tính sổ liệt kê tài sản; việc này cần một thời gian chuẩn bị. Trong thời gian này ông vẫn là người đại diện cho chủ, được luật pháp cho phép hành động nhân danh chủ.

Trong dụ ngôn Chúa Giêsu kể (Lc 16, 10-13) có sự biến đổi nơi thái độ của người quản lý đối với tiền của. Người quản lý trong dụ ngôn bị ông chủ sa thải vì ông đã phung phí tiền bạc của ông chủ. Ông đã tích cóp tiền của cho riêng mình, biển thủ của chủ. Ông thật đáng tội. Thế nhưng đứng trước sự sa thải của chủ, giờ đây ông đã thay đổi thái độ. Ông không tìm cách thu vén cho mình nữa nhưng ông đã tìm cách trao tiền cho người khác. Ông đã biết lấy đồng tiền để mua lấy bạn hữu. Ông không lợi dụng tình người để tích trữ tiền của nữa. Nhưng ông đã lợi dụng tiền của để tích trữ tình người. Và nhờ thái độ biến đổi ấy mà ông được ông chủ khen là khôn khéo.

Kết luận dụ ngôn, Chúa Giêsu đã đưa ra bài học: “Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời”.

Sự an nghỉ đời đời, vinh quang trong Nước Trời, hạnh phúc trường cửu sau cái chết mới là cùng đích của cuộc đời con người. Tiền của chỉ là phương tiện giúp con người trên đường tiến tới Nước Trời. Tiền của được trao vào tay con người và con người có nghĩa vụ quản lý nó mà thôi. Khéo dùng tiền của thì vững bước trên đường đời, vụng dùng tiền của thì đường đời tăm tối.

Con người quản lý tiền của. Con người không phải là ông chủ của tiền của nên bất cứ lúc nào con người cũng có thể bị tước hết tiền của. Dù có giàu sang quyền quý đến đâu đi nữa thì đứng trước cái chết, không ai còn có thể sở hữu được tài sản nữa. Bởi con người không có toàn quyền sở hữu tài sản mãi mãi, nhưng nó chỉ là người quản lý tài sản trong vài chục năm là cùng.

Chỉ là người quản lý, nên có thể người này được trao cho ít, người kia được trao cho nhiều. Người được trao cho nhiều thì có nghĩa vụ làm lợi nhiều. Và ông chủ là Thiên Chúa có thể đòi ta phải giải trình cả lời lẫn vốn bất cứ lúc nào. Nếu ta chỉ biết thu tích của cải và để vào một chỗ thì lấy đâu ra lãi. Và ông chủ không những sẽ không trao cho ta thêm vốn nữa mà còn lấy đi luôn cả những gì ta đang có.

Thế nhưng tôi phải làm lãi cái gì? Là người quản lý khôn khéo sẽ biết lấy tiền của để lo phần rỗi linh hồn mình. Chúa không dạy ta đi biển thủ của công để chia cho người khác. Làm thế là bất công với cả xã hội. Nhưng Chúa muốn ta có thái độ chính xác đối với của cải trần gian và biết đâu là giá trị thực sự của nó: Tiền của không là cùng đích, nhưng nó chỉ là công cụ, là phương tiện giúp ta đạt tới cùng đích là Nước Trời.

Thái độ như thế đối với tiền bạc không giống với thái độ thường tình của loài người. Tiên tri Amos xưa đã lên án những người vì lợi ích cho túi tiền của mình mà họ sẵn sàng tìm cách tiêu diệt người khác. Để có được lợi nhuận, họ sẵn sàng chà đạp lên đồng loại bất chấp mọi thủ đoạn. Thái độ ấy đem lại cho họ nhiều tiền, nhiều của. Đồng tiền trở thành ông chủ của họ. Lẽ dĩ nhiên, họ sẽ gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của họ. Vì họ không thể vừa làm tôi tiền bạc, vừa làm tôi Thiên Chúa; Vì họ không thể tiếp tục thực hiện cách thức kiếm tiền của mình nếu họ chấp nhận có Thiên Chúa hiện diện bên họ.

Đứng trước một xã hội đầy rẫy sự tham ô, hối lộ, một xã hội đang chạy theo nền kinh tế thị trường, lấy lợi nhuận tiền của làm tiêu chuẩn để đo lường mọi giá trị, con cầu xin Chúa hằng soi đường chỉ lối để con biết lựa chọn con đường đưa tới vinh quang Nước Trời, biết lựa chọn thái độ phù hợp với tiền của. Nguyện xin Thần Khí Chúa giúp con biết quản lý tốt những gì Chúa trao phó cho con, biết dùng tiền bạc để mua lấy bạn hữu, mua lấy tình người, mua lấy cho mình sự thanh sạch, sự bình an và thanh thản trong tâm hồn để sẵn sàng chờ ngày Chúa đến.

bài liên quan mới nhất

Gp Lạng Sơn - Cao Bằng: Thánh Lễ Truyền Dầu 2024

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng