Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Năm C
(Kn 9, 13-18; Plm 9b-10. 12-17; Lc 14, 25-33)
“Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.
1/ HÀNH TRÌNH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ
(ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)
Thánh Luca nói với chúng ta rằng “có rất đông người cùng đi đường với Chúa Giêsu”. Và, trong số rất đông người đó, Chúa kêu gọi những ai muốn làm môn đệ thì hãy theo Người, đồng thời Chúa cũng đưa ra những điều kiện cần có để theo Người. Như thế, môn đệ của Chúa Giêsu là những người được gọi tách ra khỏi đám đông dân chúng, tình nguyện chấp nhận những điều kiện khắt khe và những hệ luỵ của ơn gọi làm Kitô hữu. Theo Chúa Giêsu, đó là hành trình của người môn đệ.
Theo từ điển Tiếng Việt, môn có nghĩa “cửa”; đệ có nghĩa là “em”, là “học trò”. Hai từ này (môn đệ) có nghĩa học trò của một người thày. Học theo một vị thày cũng có nghĩa bước vào một cửa, mà cửa chính là vị thày đó. Theo nghĩa này, người theo Chúa Giêsu là người bước vào một cửa – cửa ấy là chính Chúa. Môn đệ của Chúa là người thụ giáo với Chúa và chuyên tâm thực hành những gì Người dạy.
Theo Chúa là tách ra khỏi đám đông. Việc tách khỏi đám đông nói lên sự chọn lựa dứt khoát để không còn sống và suy nghĩ như người đời. Đòi hỏi của Chúa có khi làm cho ta tưởng chừng như đi ngược với những liên hệ tình cảm đời thường. Những điều được liệt kê trong lời Chúa nói cho thấy người môn đệ phải từ bỏ tất cả, chẳng giữ lại gì cho mình từ của cải vật chất cho đến những tình cảm thân thiết. Khi nêu ra những điều kiện đó, Đức Giêsu nhắc tới thập giá, như sự từ bỏ triệt để nhất. Chính Người đã dùng thập giá để chứng minh sự từ bỏ hoàn toàn vì vâng phục Chúa Cha. Từ bỏ chính mình, đó là một nét đặc biệt của người người môn đệ. Thiếu sự từ bỏ chính mình, chúng ta vẫn chưa thuộc về Đức Giêsu cách trọn vẹn mà chỉ trên danh nghĩa. Đấng đáng kính, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã viết: “Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con đã bỏ trước” (Đường Hy vọng, số 3). Tự nguyện vác thập giá đời mình để theo Chúa không phải là một khẩu hiệu được hô vang, nhưng là những thực hành cụ thể trong mối tương quan hằng ngày. Vác thập giá trong cách âm thầm khiêm tốn chứ không ồn ào tô vẽ lấy tiếng khen. Xin trích dẫn một ý tưởng nữa cũng của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê: “Trong một cuộc hành hương long trọng, nghìn vạn người tham gia, ai cũng muốn vác thánh giá đi tiên phong. Nhưng trong cuộc hành hương của mỗi ngày, mấy ai sẵn lòng vác thánh giá của mình? Anh hùng thinh lặng khó lắm” (ĐHV, số 171). Vâng, chúng ta sẵn sàng vác thánh giá trong cuộc rước, nhưng không mấy sẵn sàng vác thánh giá trong cuộc đời.
Theo Chúa là chấp nhận lối sống theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa không giống như sự khôn ngoan của con người, bởi lẽ con người đánh giá theo những gì họ ghi nhận bề ngoài. Tác giả sách Khôn ngoan đã suy tư về sự cao siêu của thánh ý Thiên Chúa, vượt xa trí hiểu của con người, đồng thời mời gọi chúng ta hãy cầu xin cho được đức khôn ngoan để nhìn nhận và đánh giá sự việc theo cái nhìn của Chúa, chứ không theo suy nghĩ thiển cận của chúng ta (Bài đọc I). Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh một người dự tính xây tháp và một vị vua sắp giao chiến để nói với chúng ta hãy khôn ngoan cân nhắc kỹ lưỡng trong việc chọn lựa cho mình một lý tưởng sống. Việc xây dựng và giao chiến là những sự kiện rất quan trọng không thể coi thường. Thiếu cẩn trọng sẽ dẫn tới sự thất bại và có thể mất mạng sống. Nhờ sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà chúng ta được trang bị sức mạnh cần thiết trong cuộc sống hằng ngày, khi xung quanh ta có biết bao khuynh hướng khác nhau đang giằng co lôi kéo con người. Có thể đó là một triết thuyết vô thần làm cho chúng ta bỏ Chúa, hay một người đồng nghiệp có lối sống vụ lợi ích kỷ, hoặc một thành viên trong gia đình có quan điểm sống trái với giáo huấn của Tin Mừng. Sống khôn ngoan theo lời Chúa dạy, chính là sự chọn lựa và quyết định cho mọi hành vi của mình.
Môn đệ là người sống quảng đại bao dung. Ônêximô là một người đầy tớ của ông Philêmôn. Anh đã dại dột trộm cắp tài sản của chủ. Thánh Phaolô đã tiếp đón chàng thanh niên này và cho anh nhập Đạo, đồng thời muốn gửi lại cho ông Philêmôn và mời ông đón nhận “không phải như một người nô lệ, mà là một người anh em rất thân mến”, thậm chí còn “đón nhận nó như đón nhận chính tôi”. Chỉ có người môn đệ đích thực của Chúa mới có thể thực hiện nghĩa cử này. Môn đệ là người từ bỏ tất những gì thuộc về mình cả nhưng lại sẵn lòng đón nhận tất cả mọi người như anh chị em thân thiết.
Trở lại với khái niệm “môn đệ” được quảng diễn trên đây, người Kitô hữu được mời bước qua cửa là chính Chúa Giêsu. “Tôi là cửa, ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu” (Ga 10,9). Bước qua cửa Giêsu là một chuỗi những cố gắng nỗ lực để lắng nghe và thực thi lời Người. Người môn sinh chỉ có thể trưởng thành và được giáo huấn khi đón nhận những gì thày mình dạy và làm gương. Vâng, Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta bằng chính cuộc sống của Người, nhất là bằng thập giá. Người đang mời gọi ta hãy vác thập giá cuộc đời mà đi theo Người. Thập giá sẽ nở hoa nếu chúng ta vác đi trong tâm tình yêu mến và phó thác.
2/ LÀM MÔN ĐỆ CỦA CHÚA
(ĐTGM. Ngô Quang Kiệt)
Ai trong chúng ta cũng mong ước được làm môn đệ của Chúa. Ai cũng muốn theo chân Chúa. Nhưng ta có thực sự hiểu làm môn đệ Chúa là như thế nào không? Hôm nay Chúa chỉ cho ta thấy rõ điều đó.
Làm môn đệ là một việc làm nghiêm túc. Đây không phải là một cảm tính bồng bột nhất thời. Nhưng là một việc lâu dài. Chúa Giêsu ví việc làm môn đệ theo Chúa với việc “xây dựng một cây tháp” và việc “chiến đấu với kẻ thù”. Xây dựng cây tháp là một việc làm lớn lao. Chiến đấu với kẻ thù là việc làm nghiêm trọng. Vì thế cần phải ngồi xuống suy tính cho cẩn trọng, chi li. Cũng thế việc làm môn đệ của Chúa là một việc làm nghiêm túc, vừa lớn lao như sự nghiệp cả đời, vừa nghiêm trọng vì ảnh hưởng tới cả định mệnh. Vì thế phải ngồi xuống suy tính cho kỹ lưỡng để có thể theo Chúa đến cùng. Phải suy tính kỹ lưỡng vì làm môn đệ là từ bỏ đến tận cùng.
Làm môn đệ là từ bỏ đến tận cùng. Môn đệ không phải là kẻ hiếu kỳ cưỡi ngựa xem hoa. Môn đệ không phải là kẻ tài tử nay làm mai không. Môn đệ là người đi theo thày suốt đời, sống như thày trong mọi sự. Chính vì thế mà phải coi thày là thần tượng duy nhất, không yêu mến thày. Chính vì thế mà phải từ bỏ tất cả, không chỉ người thân mà từ bỏ cả chính bản thân với những ý nghĩ riêng tư. Để không những đi theo thày, sống như thày mà con ăn nói như thày, suy nghĩ như thày nữa. Kitô hữu là người mang Chúa Kitô trong mình. Muốn có Chúa Kitô trong mình, ta phải loại bỏ tất cả những gì không phải Chúa ra khỏi mình. Điều này chắc chắn không dễ dàng. Nhưng ta an tâm, vì Chúa Giêsu không chỉ đòi hỏi ta. Người đã đòi hỏi chính mình trước. Chúa Giêsu không chỉ đòi ta vác thánh giá. Chính Người đã vác thánh giá trước. Ta sẻ cảm thấy dễ dàng vì chỉ việc làm như Chúa Giêsu.
Làm môn đệ là làm như Chúa Giêsu. Nếu Chúa Giêsu đòi hỏi ta từ bỏ, chính Người đã từ bỏ trước. Người đã từ bỏ trời cao để xuống đất thấp. Người đã từ bỏ địa vị làm Thiên Chúa để xuống thế làm người. Sự từ bỏ được thấy rõ qua việc Chúa tự nguyện sống nghèo khổ, tự nguyện nhận lấy tội lỗi của loài người và tự nguyện chết thay loài người. Khốc liệt nhất là Người đã từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng theo ý Chúa Cha. Cuộc chiến đấu khốc liệt đã thấy trong vườn Giêtsimani, khi nhìn thấy trước cái chết đau đớn tủi nhục sắp tới, Người run sợ muốn lẩn tránh bỏ cuộc, nên đã tha thiết cầu xin Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén đắng này”. Nhưng cuối cùng, Chúa đã từ bỏ ý riêng, vâng theo ý Cha, sẵn sàng ra đi chịu chết: “Nhưng đừng theo ý con, xin vâng ý Cha mà thôi”.
Nhờ hoàn toàn từ bỏ ý riêng, vác thánh giá đi đến cùng, Chúa Giêsu đã hoàn thành công việc của Chúa Cha trao phó, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Người môn đệ, khi hoàn toàn từ bỏ chính mình, sẽ nên một với Chúa Kitô, cộng tác vào công cuộc cứu độ của Chúa.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Làm môn đệ là gì?
2. Chúa Giêsu đã nêu gương từ bỏ thế nào?
3. Tại sao ta phải từ bỏ tất cả?
3/ TỪ BỎ ĐỂ TỒN TẠI VÀ TĂNG TRƯỞNG
(Lm. Ignatiô Trần Ngà)
Mùa thu về, cây trụi lá, mùa xuân đến, cây đơm lộc xanh tươi.
Cây cối cần phải từ bỏ lá già, lá cũ để khoác lá mới; nhờ thế, cây được lớn lên. Loài rắn cũng phải từ bỏ bộ da cũ để thay da mới; có vậy rắn mới trưởng thành. Loài tôm cũng phải lột vỏ nhiều lần theo đà tăng trưởng để lớn lên… Nói chung, từ bỏ là điều kiện tối cần thiết để cho muôn vật muôn loài được sống còn và tăng trưởng.
Là một sinh vật như bao nhiêu loài vật khác, nên muốn tăng trưởng và tồn tại, con người cũng không thoát ra ngoài quy luật đó.
Hằng ngày cơ thể ta loại bỏ hàng tỉ tế bào cũ để thay vào đó những tế bào mới, nhờ đó cơ thể được lớn lên và mạnh khoẻ. Nếu các tế bào cũ không chịu chết đi để nhường chỗ cho những tế bào mới, thì khối u sẽ xuất hiện và có nguy cơ dẫn đến ung thư và cái chết đau thương!
Đời người cũng là một tiến trình từ bỏ liên tục: người lao động phải đổ nhiều mồ hôi, phải bỏ ra nhiều công sức, trí tuệ mới kiếm đủ tiền cấp dưỡng cho gia đình và bản thân. Người lính chiến phải chấp nhận hy sinh thân mình mới bảo vệ được quê hương. Học sinh phải từ bỏ nhiều giờ vui chơi giải trí, giảm bớt giờ ngủ nghỉ để miệt mài đèn sách thì may ra mới chen chân vào đại học. Các nhà khoa học phải bỏ ra nhiều năm nghiên cứu kiên trì mới có cơ may phát minh và sáng tạo…
Muốn làm ăn lên, phải đầu tư bỏ vốn; muốn thu vào, phải phát ra. Ai không phát ra, không từ bỏ, thì không thể thu vào được gì đáng giá. Đó là quy luật của cuộc đời.
Từ bỏ để đổi lấy những giá trị cao hơn
Của cải đời nầy cũng thật đáng quý, nhưng khi cần, người ta sẵn sàng từ bỏ của cải để dành lấy những giá trị cao hơn. Khi bị cướp hăm doạ tính mạng và đòi lấy của cải bạc tiền, người ta sẵn sàng bỏ của lấy người. Khi bị một chứng bệnh nan y đe doạ cướp đi mạng sống, người ta sẵn sàng bỏ ra hàng tỉ bạc để kéo dài đời sống, dù chỉ sống thêm được một năm.
Qua cuộc đời từ bỏ của mình, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy từ bỏ không là mất đi nhưng là được lại và là được lại gấp nhiều lần.
“Đức Giêsu Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ”, chấp nhận mang lấy thân phận con người mỏng giòn yếu đuối, trở thành Người tôi tớ của Thiên Chúa Cha. Ngài đã từ bỏ tự do và ý riêng của mình để vâng phục Cha như người tôi tớ thấp hèn, “cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự”… Thế nên Ngài được Chúa Cha hết lòng yêu mến, được Cha tôn vinh và đặt làm Chúa Tể mọi loài. (xem Phi-lip 2, 6- 11).
Con đường bỏ mình, từ bỏ mọi sự, con đường thập giá mà Chúa Giêsu đã đi thì Ngài cũng mời gọi các môn đệ cùng đi: “Ai theo Tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi được.”
Hôm nay, nếu chúng ta muốn học dưới mái trường của Thầy Giêsu, muốn làm môn đệ Chúa Giêsu thì chúng ta cũng phải đi theo con đường mà Chúa Giêsu đã đi, thực hiện điều mà Thầy chí thánh đã thực hiện, đó là chấp nhận từ bỏ, chấp nhận thập giá.
Nhưng hãy nhớ rằng: từ bỏ không phải là mất mát, dâng hiến không phải là tiêu vong, nhưng trái lại, “chính khi hiến thân là lúc nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc nhận được bản thân” (Kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô Átxidi)
Thế là sự từ bỏ theo lời mời gọi của Chúa Giêsu, lại trở thành một cuộc đổi chác có lợi: đổi của tạm thời để lấy của đời đời; đổi cái phù du để thu về vĩnh cửu.
4/ MỘT SỰ NGHỊCH LÝ
(Lm. Nguyễn Công Đoan)
Con đường theo Chúa vốn đầy những nghịch lý. Một trong những cái nghịch lý ấy là điều kiện để theo Chúa.
Chúa đưa ra ví dụ người xây tháp, ông vua ra trận. Làm gì thì cũng phải tính xem mình có đủ sức hoàn thành không đã. Nhưng kết luận làm ta chưng hửng và há miệng suy nghĩ: “Cũng giống như thế, ai trong các ngươi không từ bỏ hết mọi của cải thì không thể làm môn đệ ta”. Trước đó, Chúa đã nói đến phải từ bỏ những người ruột thịt và chính mạng sống mình.
Cái nghịch lý ở đó. Muốn xây tháp phải có tiền. Muốn thắng trận phải có lính. Muốn theo Chúa, không cần có gì hết, nhưng phải từ bỏ mọi người ruột thịt và mọi của cải mình có. Vấn đề không còn là có nhiều có ít mà là từ bỏ tất cả.
Thế nghĩa là gì? Từ bỏ tất cả để theo Chúa nghĩa là coi Chúa hơn tất cả và tin vào một mình Chúa. Muốn xây tháp phải có tiền, muốn thắng trận phải có lính, còn muốn theo Chúa phải coi Chúa hơn hết mọi người và mọi sự và tin tưởng vào Chúa hơn hết mọi sự, mọi người: tin vào Chúa mà thôi. Bởi vì muốn theo Chúa thì phải sống bằng lòng tin, cậy, mến.
Nếu không coi Chúa hơn hết mọi người, mọi sự thiết thân với ta, và ta cảm được sự gần gũi bằng giác quan, ta sẽ dựa vào những người và những vật ta thấy được, nên bóng tối đến, khi ta không cảm thấy Chúa đâu nữa, mà chỉ cảm thấy sức nặng của cuộc sống, của vất vả và đau khổ, ta sẽ dễ dàng bỏ Chúa để quay về với những người và những vật ta cảm thấy được.
Cuộc chiến đấu của Chúa Kitô là cuộc chiến đấu chống lại Satan chứ không phải với kẻ thù bằng xương bằng thịt, nên ta không thể dựa vào người nào hoặc sức mạnh nào của vật chất mà chiến thắng được, song phải dựa vào Chúa mà thôi. Đây vẫn là cuộc chiến đấu Đavít – Goliath: “Ngươi cầm gươm giáo ra đánh ta, còn ta, ta ra đánh ngươi nhân danh Chúa mà ngươi thách đố” (1Sam 17,44). Thế đấy, tuy Đavít đã có thể vỗ ngực trước mặt Saulê rằng mình đã từng tay không đánh nhau với sư tử và gấu để bảo vệ đoàn chiên của cha, nhưng khi nghênh chiến tên khổng lồ Goliath thì Đavít chỉ dựa vào Chúa thôi, và Đavít đã thắng, hay đúng hơn Chúa đã dùng tay Đavít mà tiêu diệt Goliath giải thoát cho dân Chúa.
Đây là vấn đề vinh danh Chúa. Chúa thi thố quyền năng để làm vinh danh Chúa, nên Chúa chỉ ra tay khi người ta không mưu toan chiếm đoạt vinh quang Chúa bằng cách gán cho thế lực, của cải hay tài sức mình. Trong chuyện Ghiđêon, Chúa đã bảo ông đuổi bớt người tình nguyện về, chỉ lấy 300 thôi, kẻo dân chúng lại tưởng nhờ sức họ mà họ chiến thắng.
Trong lịch sử, Chúa vẫn hành động như thế, Chúa hạ kẻ kiêu căng, tự phụ và nâng kẻ nghèo hèn, khiêm tốn lên. Có những vị thánh thông thái, tài ba… nhưng các vị ấy đều khiêm nhượng, nhìn nhận quyền năng của Chúa và sự yếu đuối của mình; có những vị thánh yếu đuối, dốt nát như thánh nữ Catarina de Sienna, thánh Gioan Maria Vienney để làm nổi bật quyền năng của Chúa.
Cái có vẻ nghịch lý lại là một hợp lý khi người ta biết nhìn ra ý nghĩa đích thật của việc đi theo Chúa, với mục đích là vinh danh Chúa và sức mạnh là sức của Chúa. Phải đặt Chúa lên trên hết vì Chúa là lẽ sống duy nhất của mình, vì đường lối của Chúa là duy nhất cho mình, và sức mạnh của Chúa là nguồn sức mạnh duy nhất để hoàn thành được cuộc hành trình theo sau Chúa, đi với Chúa.