Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XIX Thường Niên – Năm C

CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN – NĂM C

( Kn 18, 6-9; Dt 11, 1-2, 8-19; Lc 12, 32-48)

 

1/ CANH TÂN ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN

(ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)

Đức tin là quà tặng Chúa ban cho mỗi chúng ta, vào lúc chúng ta lĩnh nhận Bí tích Thanh Tẩy. Món quà quý giá này, mãi mãi không thay đổi, vì Thiên Chúa là đấng bất biến, vô thuỷ vô chung, thiên thu vạn đại. Vì Đức tin là một quà tặng, nên chúng ta, những người đón nhận, có thể làm mai một hoặc thậm chí đánh mất Đức tin. Nhiều người coi Đức tin như một cổ vật vô cùng quý giá, nên cất giữ cẩn thận trong tủ kính, không liên quan và tác động gì đến cuộc sống đời thường. Có người lại bị ảnh hưởng quan điểm vô thần, coi Đức tin vào Chúa là một điều lỗi thời, cổ hủ và lạc hậu.

Bản chất của Đức tin không thay đổi, nhưng cách sống Đức tin nơi người tín hữu thì cần phải được canh tân. Bởi lẽ, nhiều người nhận mình là tín hữu nhưng không hiểu biết về Chúa và giáo huấn của Người. Vì vậy, Đức tin và cuộc đời nơi họ là hai thực tại tách cách biệt nhau, thậm chí còn tương phản và mâu thuẫn nhau.

Tin là gì? Nhiều người đặt câu hỏi này. Sách Giáo lý của Giáo Hội Công giáo nêu rõ: «Tin là đem trí khôn và ý chí của mình quy phục Thiên Chúa cách trọn vẹn. Con người đặt trọn bản thân quy phục Thiên Chúa, Đấng mạc khải»  (trích số 143). Đối với Kitô hữu, Đức tin không phải là quan điểm mơ hồ, một niềm hy vọng mông lung vào một đối tượng siêu nhiên, có thể hiện hữu đâu đó để giúp họ. Đức tin là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và hoàn toàn phó thác nơi Ngài, Đấng đã ngỏ lời và hành động yêu thương chúng ta trong lịch sử, đặc biệt qua Đức Giêsu, con của Ngài.

Vì Đức tin là một ân ban của Thiên Chúa, nên người nhận cần trân trọng và làm cho phát triển nơi cuộc đời mình. Đức tin cũng giống như một cây trồng, cần chăm sóc và cắt tỉa để lớn lên từng ngày, đồng thời sinh hoa kết trái, tác động đến suy nghĩ và hành động của người tín hữu. Năm 2022 này, Tổng Giáo phận Hà Nội đang chuẩn bị tổ chức Công nghị giáo phận, nhân dịp kỷ niệm 110 năm Công đồng Kẻ Sở (1912-2022). Chủ đề của Công nghị là “Canh tân đời sống Đức tin”. Mục đích của Công nghị là giúp người tín hữu suy tư về nội dung Đức tin và nhìn lại cách sống Đức tin của mình trong đời sống cụ thể. Canh tân đời sống Đức tin tức là nhận ra sự cần thiết của Đức tin, cũng như cảm nhận tác động của Đức tin trong cuộc sống. Người tín hữu trước khi làm việc, nói năng, cần nhận định xem việc làm và lời nói của mình có phù hợp với Đức tin Công giáo hay không. Làm như thế, Đức tin sẽ là một động lực giúp chúng ta sống tốt, nhờ đó có thể làm chứng cho Chúa.

Các bài đọc Lời Chúa của Chúa nhật 19 thường niên đều có chủ đề chung là Đức tin. Tác giả sách Khôn ngoan (Bài đọc I) và tác giả thư gửi giáo dân Híp-ri (Bài đọc II) đều suy tư về quá khứ để nhìn nhận tình thương và quyền năng của Thiên Chúa đối với những ai thành tín cậy trông vào Ngài. Nếu tác giả sách Khôn ngoan suy tư về biến cố vượt Biển Đỏ như một dấu son trong những kỳ công Chúa thực hiện, thì thư Híp-ri lại nêu lên những gương mẫu Đức tin của các Tổ phụ là ông Abraham, Isaac và Giacóp. Đức tin đã giúp các ngài đạt được những điều mà theo lẽ tự nhiên không thể có được, như trường hợp bà Sara đã cao niên mà vẫn sinh con. Đức tin vào Thiên Chúa làm cho những điều nghịch lý trở thành hữu lý, điều không thể trở thành có thể. Nếu đọc tiếp thư Híp-ri, chúng ta sẽ thấy tác giả trích dẫn rất nhiều nhân vật của Cựu ước với mục đích khích lệ các tín hữu noi gương các ngài để can đảm và kiên trì trong thử thách. Như lửa thử vàng, gian nan thử đức, những khó khăn chông gai chính là phép thử lòng trung tín với Chúa của người tín hữu. Những ai tin tưởng cậy trông vào Chúa sẽ tìm được sức mạnh nơi Ngài để vượt lên những khó khăn, biến đau khổ thành niềm vui, vì Chúa luôn che chở và đỡ nâng những ai kêu cầu Ngài.

Nhờ Đức tin, người tín hữu có thể trung thành theo Chúa trong mọi nghịch cảnh. Lời mời gọi theo Chúa trong Tin Mừng Thánh Luca mà chúng ta nghe trong Thánh lễ Chúa nhật này xem ra thật khó khăn. Chúa đề nghị người môn đệ sẵn sàng hy sinh mọi sự như tiền bạc của cải vì Chúa để sắm cho mình kho tàng trên trời. Trong lịch sử, đã có nhiều tín hữu đáp trả lời mời gọi này cách quyết liệt, như những vị ẩn tu, những đan sĩ. Họ chấp nhận buông bỏ tất cả để sống một đời sống cô tịch, chìm sâu trong lời cầu nguyện và sự kết hợp trọn vẹn với Chúa. Trong cuộc sống hiện tại của chúng ta, lời mời gọi buông bỏ để theo Chúa vẫn mang tính thời sự. Quả vậy, nhiều khi của cải vật chất là nguyên nhân làm chúng ta xa Chúa và xung đột với anh chị em. Tinh thần buông bỏ chính là đặt ưu tiên cho vị trí của Đức tin trong cuộc đời. Như thế, chúng ta vẫn sở hữu của cải, mà vẫn có tinh thần hy sinh. Nhờ đó, chúng ta được tự do trước những ràng buộc và ảnh hưởng của vật chất. Chúa Giêsu đã chúc phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó. Điều này cho thấy, ngay cả lúc dồi dào của cải, người yêu Chúa vẫn có thể sống tinh thần nghèo, khi gắn bó với Chúa và dành cho Ngài một vị trí ưu tiên trong trái tim cũng như trong cuộc đời.

Để cụ thể hoá tinh thần buông bỏ, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn về người chủ đi ăn cưới, trao cho người giúp việc coi sóc cơ nghiệp. Người giúp việc trung tín luôn tỉnh thức chờ đợi chủ về. Người giúp việc biếng nhác lại chè chén say sưa. Hậu quả thế nào, chúng ta dễ đoán ra.

Mỗi người trong chúng ta đều là những người quản lý. Tài sản có được đều là do Chúa trao cho chúng ta gìn giữ và sinh lợi. Tài sản đó là sức khoẻ, gia đình, bạn bè, nghề nghiệp, học vấn. Có những người trân trọng giữ gìn và nhờ đó được hưởng hạnh phúc. Cũng có người lười biếng cẩu thả không biết chăm sóc và làm cho số vốn Chúa trao sinh lợi và trở nên bất hạnh.

Chúng ta đều biết, tỉnh thức là luôn nỗ lực cố gắng nên hoàn thiện. Tỉnh thức cũng là sự quan tâm đến anh chị em xung quanh, để tạo mối tương quan hài hoà và nâng đỡ cứu giúp những người bất hạnh. Trái ngược với tỉnh thức là sự mê man trong những đam mê, cố chấp trong những hận thù, mưu mô toan tính trong lối sống. Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta thấy cuộc đời này hết sức mong manh và ngắn ngủi. Con người chỉ sống duy nhất một lần. Hãy cố sống sao cho đẹp, cho có ý nghĩa, để tạo cho mình tâm hồn thanh thản, an vui và hạnh phúc.

Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân Đức tin. Hãy nghiêm túc suy tư về cách thức sống Đức tin trong đời sống hiện tại. Như những người quản lý trung thành cần mẫn, chúng ta hãy làm cho Đức tin nơi cá nhân mỗi người được nở hoa kết trái. Đó chính là lòng nhân hậu, bao dung và vị tha. Nhờ lòng tín thác cậy trông và kiên trì thực thi ý Chúa, chúng ta trở nên những người quản gia trung tín và khôn ngoan. Đó là niềm vui và là lý tưởng của người Kitô hữu.

2/ NGƯỜI QUẢN LÝ TRUNG TÍN VÀ KHÔN NGOAN

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Trong một thời gian ngắn các nước Á Châu đã phải chứng kiến sự ra đi của nhiều lãnh tụ. Trước hết là việc chạy trốn của ông Fujimori. Ông Fujimori đã làm tổng thống nước Peru đến nhiệm kỳ thứ 2. Nhưng vì tham nhũng, ông đã phải trốn chạy về Nhật. Tiếp đến là ông Estrada, tổng thống nước Philippin. Ông đã thắng cử với số phiếu áp đảo. Nhưng cuối cùng phải từ chức cũng vì tội tham nhũng. Gần đây là ông Wahid, tổng thống Inđônêsia. Ông đã sang Mỹ tị nạn cũng vì tham nhũng. Tất cả chỉ vì họ đã làm sai nhiệm vụ. Họ chỉ là quản lý chứ không làm chủ đất nước. Dân mới làm chủ. Nhưng họ đã không làm tốt nhiệm vụ quản lý. Nên họ đã bị sa thải.

Chúng ta cũng là người quản lý của Thiên Chúa. Thật vậy, sự sống, tài năng, trí thông minh, sức khoẻ sắc đẹp, tất cả đều là ơn Chúa ban. Nói tóm lại, tất cả những gì ta có, tất cả những gì ta là, đều là của Chúa. Chắc chẳng có ai dám tự hỏi: Tại sao tôi không cao hơn, không mập hơn? Tại sao tóc tôi không vàng hoe, mắt tôi không xanh biếc? Tại sao tôi không có tài hội họa, có giọng ca hay? Ta không thể hỏi như vậy, vì ta không có quyền gì trên đó. Tất cả đều là của Chúa. Chúng ta chỉ là quản lý. Chúa trao sự sống, tài năng, trí thông minh cho ta gìn giữ trong một thời gian. Nói theo ngông ngữ Trịnh Công Sơn tất cả những thứ đó chỉ “ở trọ” nơi ta.

Con chim ở trọ cành tre,

Con cá ở trọ trong khe nước nguồn…

Môi xinh ở trọ người xinh,

Duyên dáng ở trọ đôi chân Thuý Kiều…

Tôi nay ở trọ trần gian

Mai sau về chốn xa xăm với Người.

Một ngày kia Chúa sẽ đòi ta tính sổ. Lúc đó ta phải nộp cho Chúa cả vốn lẫn lãi.

Là người quản lý, ta phải có những đức tính nào? Thưa, Chúa muốn ta là người quản lý trung tín và khôn ngoan.

Là quản lý trung tín, ta phải biết sinh lợi những tài sản Chúa trao. Phải biết phát triển sao cho thân xác ngày càng khoẻ mạnh, trí thông minh ngày càng sáng suốt, những tài năng ngày càng đạt đến mức tinh vi hoàn hảo.

Là quản lý trung tín, ta phải biết chia sẻ. Chúa ban sức lực, tài năng không phải để ta ích kỷ vun quén cho bản thân, nhưng để ta dùng mà phục vụ. Người có của mắc nợ người nghèo. Người có tài mắc nợ xã hội. Nghệ sĩ mắc nợ khán giả. Giám đốc mắc nợ công nhân. Bác sĩ mắc nợ bệnh nhân. Linh mục mắc nợ giáo dân. Cha mẹ mắc nợ con cái.

Là quản lý trung tín, ta không được phải bội. Không được dùng những ơn Chúa ban để chống lại Chúa. Đừng dùng sức mạnh mà áp bức người khác. Đừng dùng tài năng phục vụ lợi nhuận riêng mình. Đừng dùng trí thông minh gieo rắc nọc độc tư tưởng. Đừng biến thân xác thành món hàng mua bán. Nhưng dùng tất cả để phục vụ Chúa. Dùng tất cả để làm cho Chúa được yêu mến, được vinh danh hơn.

Là quản lý không ngoan, ta phải biết nhìn xa. Sự sống, tài năng, sức lực, trí thông mình chỉ ở trọ nơi ta một thời gian. Phải làm cho chúng biến thành vĩnh cửu. Nhiều lần Chúa Giêsu đã dạy ta: “Hãy dùng tiền của chóng qua ở đời này mà mua lấy bạn hữu. Để sau này họ sẽ đón rước ngươi vào chốn đời đời”. Hôm nay Người dạy ta: “Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt, là kho tàng ở trên trời, nơi không có trộm cắp bén mảng, cũng không có mối mọt đục phá”. Lạ lùng hơn nữa, cách gây dựng kho tàng trên trời khác hẳn với cách gây dựng kho tàng trần gian. Để gây dựng kho tàng trần gian, ta phải hà tiện, ích kỷ, thu tích cho mình. Trái lại, để gây dựng kho tàng trên trời, ta phải biết cho đi. Càng cho đi lại càng giàu có. Càng phân phát lại càng dư thừa. Càng ban tặng lại càng phong phú.

Là quản lý khôn ngoan, ta phải tỉnh thức. Cuộc đời ở trọ mau qua. Chúa lại hay đến bất ngờ. Nên ta phải tỉnh thức đợi chờ. Đợi chờ không phải là thụ động ngồi đó khoanh tay. Đợi chờ là phải tích cực làm việc. Thắt lưng vào, thắp đèn lên để làm việc cho minh chính như giữa ban ngày. Để phục vụ không bao giờ ngừng. Dù Chúa có đến lúc nào, Chúa cũng thấy ta đang mặc quần áo công nhân phục vụ. Dù có bất ngờ như kẻ trộm, Chúa cũng thấy quản lý đang phục vụ anh em, phân phát lúa thóc cho họ.

Lạy Chúa, xin nhắc cho con luôn luôn nhớ rằng con là người quản lý của Chúa, để dù ở đâu, dù làm gì, con cũng luôn làm cho Chúa, luôn tỉnh thức sống dưới ánh mắt của Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Bạn có lần nào nghĩ rằng thân xác cùng với những gì bạn có thực sự không phải là của bạn không?

2- Trong quá khứ bạn đã là người quản lý trung tín và khôn ngoan của Chúa chưa?

3- Phải làm thế nào để trở thành người quản lý trung tín và khôn ngoan?

4- Làm sao để biến những gì ta đang có thành vĩnh cửu?

3/ TỈNH THỨC LÀ MỘT BIỂU HIỆN CỦA TÌNH YÊU

(Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Mặc dù biết rằng chồng mình thuộc diện sĩ quan, còn lâu mới mãn hạn cải tạo, nhưng tâm hồn chị Hồng luôn hướng về chồng, mong đợi chồng và chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ như thể chồng sẽ trở về nay mai. Mỗi buổi sáng, chị dậy sớm quét dọn con đường từ cổng vào đến thềm nhà với ý nghĩ biết đâu hôm nay chồng chị sẽ đặt những bước chân yêu thương lên con đường mới quét. Rồi chị tiếp tục quét dọn nhà cửa tươm tất sạch sẽ, lau chùi bộ bàn ghế phòng khách, cắm thêm những cánh hoa hồng còn đọng sương mai vào bình, thứ hoa mà chồng chị ưa thích, như thể chồng sắp về đến nơi. Vào mỗi bữa ăn, chị lại đặt thêm một chén và đôi đũa như thể có chồng cùng ngồi ăn bên cạnh. Chị làm tất cả những việc đó trong niềm mong đợi, trong tâm tình yêu thương.

Trong khi đó, người láng giềng của Hồng có tên là Phượng, cũng có chồng đi cải tạo. Phượng nghĩ rằng chồng mình còn lâu mới về, nên rủ rê bạn hữu đến nhà đánh bài, loại hình giải trí mà chồng của Phượng vốn rất ghét. Ban đầu thì bạn gái, dần dần thì các ông lợi dụng đến nhà Phượng đánh bài để buông lời chọc ghẹo tán tỉnh và cuối cùng Phượng đã lang chạ với nhiều người đàn ông khác.

Đôi khi lương tâm Phượng cũng lên tiếng nhắc nhở chị hãy tu tỉnh lại, nhưng chị nghĩ rằng chồng mình thuộc diện sĩ quan, thường phải cải tạo đến mươi năm mới về, thôi thì vui chơi cho thoả thích đã, đợi đến thời gian chồng sắp mãn hạn mới tu tỉnh lại thì cũng chẳng sao. Chị luôn tự nhủ lòng: chồng còn lâu mới về… vội gì… cứ hưởng đời đi, hưởng tuổi xuân đi, hãy vui chơi cho thoả thích… bao giờ chồng gần về sẽ tính.

Tương tự như câu chuyện trong Phúc Âm “người tôi tớ đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa là mở ngay” (câu 36), chị Hồng là người vợ trung thành luôn sẵn sàng chờ đợi người chồng thân yêu của mình trở về. Những người Đó là trường hợp được Chúa Giê-su tuyên dương và chúc phúc.

Trong khi đó, chị Phượng được ví như người đầy tớ xấu, cứ nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa…”

Và số phận của người đó sẽ là: “chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín”. (câu 46)

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhìn lại mình!

Cuộc sống của chúng ta hôm nay đang họa lại nếp sống của Hồng hay của Phượng? Trong tương quan với Chúa, chúng ta mang tâm trạng, thái độ của ai trong hai phụ nữ trên đây?

Nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ thích chọn nếp sống của Phượng. Họ nghĩ rằng còn lâu mình mới chết; còn lâu Chúa mới tới gõ cửa nhà mình. Thế thì hãy lợi dụng quảng thời gian ‘vắng Chúa’ để chơi bời cho thoả thích. Chờ khi tuổi đã về chiều, sức tàn lực kiệt… rồi mới tu tỉnh lại đón Chúa sau. Chứ hôm nay thì… cứ sống như không có Chúa!

Nếu thế thì hãy tự hỏi lòng mình: Phượng có xứng đáng với tình yêu của chồng không? Có xứng đáng chung sống với chồng trong ngày đoàn tụ không?

Và tôi, người học theo sách của Phượng, tôi có xứng đáng ‘vác mặt’ ra chào đón Chúa trong ngày Ngài đến gõ cửa nhà mình không? Tôi có xứng đáng được Ngài đón rước vào Ngôi Nhà hoan lạc mà Ngài đã dành sẵn cho tôi trên quê trời không?

Hôm nay, Chúa Giê-su lại kêu gọi chúng ta hãy sẵn sàng, hãy tỉnh thức, nhưng tỉnh thức không chỉ có nghĩa là coi chừng giờ chết đến, không chỉ có nghĩa là dọn mình cho sẵn sàng để khi chết khỏi sa hoả ngục, hay đợi chờ ngày Chúa quang lâm mà ai cũng nghĩ là còn xa tít mù khơi… nhưng đúng hơn, đó là sẵn sàng mở cửa lòng ngay hôm nay để đón Chúa, đón mọi anh chị em là hiện thân của Chúa đang đến với mình hằng ngày, trong tư thế sẵn sàng và tâm trạng đầy ắp yêu thương như Hồng.

Tỉnh thức như thế là một biểu hiện của tấm lòng dạt dào yêu thương. Có tỉnh thức như thế mai sau mới đáng được đón nhận vào chung hưởng hạnh phúc với Chúa muôn đời.

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Bảy tuần IV Phục Sinh: "Ai thấy Thầy là xem thấy Cha"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng