CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN – NĂM C
(Is 66, 10-14c; Gl 6, 14-18; Lc 10, 1-9 {hoặc Lc 1-12. 17-20})
1/ SỨ GIẢ CỦA NIỀM VUI
(ĐTGM Giuse Vũ Văn Thiên)
“Niềm vui” là ý tưởng xuyên suốt các Bài đọc Lời Chúa cũng như Thánh vịnh đáp ca của Phụng vụ Thánh lễ hôm nay. Trước hết là niềm vui trong thông điệp của ngôn sứ Isaia. Đây là lời tiên báo cho biết thời kỳ lưu đày của dân Do Thái sắp hết. Dân sẽ được trở về xứ sở quê hương của mình. Những tủi nhục của thời lưu đày không còn nữa, thay vào đó là sự chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa dành cho dân riêng của Ngài. Sự chăm sóc này được ví như người mẹ hiền chăm sóc và an ủi con thơ, với tâm tình thiết tha trìu mến. Những hình ảnh vị ngôn sứ sử dụng rất cảm động và thân thiết: Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối”.
Những gì được diễn tả trong lời ngôn sứ Isaia, cũng đang thực hiện đối với đời sống Kitô hữu chúng ta. Quả vậy, trên từng bước đường đời, Chúa vẫn chăm sóc an ủi chúng ta. Chúa vẫn cùng chúng ta đi trên mọi nẻo đường. Ngài nuôi dưỡng chúng ta bằng ân sủng. Ngài ban cho chúng ta những điều tốt đẹp, mà nhiều khi chúng ta không nhận ra. Trong thời gian đại dịch Covid-19 lên tới đỉnh điểm, nhiều bệnh nhân phải có máy trợ thở liên tục. Nếu rời máy trợ thở, bệnh nhân có nguy cơ tử vong. Một bệnh nhân cao tuổi, sau những ngày dùng máy trợ thở và được khỏi bệnh, đã nói: Trong mấy tuần qua, tôi sống nhờ máy trợ thở. Vậy mà trong suốt 80 năm của cuộc đời, Chúa đã cho tôi một máy trợ thở miễn phí, tức là một không gian tự nhiên đầy sinh khí, vậy mà tôi không nhận ra quà tặng cao quý của Ngài. Vâng, Chúa luôn chiều chuộng chúng ta, và cung cấp cho chúng ta những như cầu cần thiết cho thân xác cũng như linh hồn.
“Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa”. Đó là lời Thánh vịnh 65, được hát trong phần Đáp ca của Thánh lễ. Tác giả Thánh vịnh mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng những điều kỳ diệu đang diễn ra hằng ngày xung quanh mình: đó là đại dương mênh mông, là đất liền màu mỡ, là núi cao chập trùng, là sông sâu uốn khúc. Đó còn là muôn vật cỏ cây, là ngàn ngàn sinh vật. Người vô tín cho đó là tự nhiên, người tín hữu tin đó là những thụ tạo Chúa dựng nên để phản ánh vinh quang của Ngài.
Tôn vinh Chúa là hành vi thuộc đức thờ phượng. Chúng ta tôn thờ Chúa vì Ngài đáng yêu mến suy tôn. Tôn vinh Chúa cũng là hành vi của lòng hiếu thảo và biết ơn, giống như người con biết ơn cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục mình. Thiên Chúa là Đấng tạo thành muôn vật muôn loài. Mỗi chúng ta hiện hữu trên đời, là nhờ cha mẹ và nhờ ơn Chúa. Vì vậy mà chúng ta phải cảm tạ tri ân Ngài.
Cảm nhận niềm vui trong cuộc đời, người tín hữu cũng được mời gọi trở nên sứ giả của niềm vui. Như Ông Môisen trong Cựu ước chọn bảy mươi vị kỳ lão, Chúa Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ, để cộng tác với Người trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Chân dung người loan báo niềm vui được chính Chúa Giêsu phác họa. Họ không phải là nhà doanh nghiệp, không phải chính trị gia hay chuyên viên kỹ thuật. Họ đi đến mọi nẻo đường của cuộc sống. Món quà họ đem đến cho mọi người là sự bình an. Nội dung sứ điệp họ loan báo rất đơn giản: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”. Đây cũng chính là nội dung sứ điệp từ thời ngôn sứ Isaia: “Đức Chúa sẽ biểu dương quyền lực của Người cho các tôi tớ biết”. Điều các môn đệ đem đến cho mọi người, trước hết là niềm vui nội tâm do đức tin đem lại. Nhờ niềm vui thiêng liêng đó, mọi người nghe sẽ được thuyết phục và đón nhận Lời Chúa.
Ngày hôm nay, Chúa cũng vẫn gọi và sai chúng ta đi đến mọi nẻo đường của cuộc sống. Thừa sai là bản chất của Giáo Hội. Mọi thành phần dân Chúa đều được mời gọi sống ơn gọi thừa sai phù hợp với hoàn cảnh sống và điều kiện cụ thể của mình. Đây là điều ít được chúng ta chú ý. Một bệnh nhân ốm đau liệt lào; một người già yếu không mấy khi ra khỏi nhà; một người sống trong môi trường công nhân thợ thuyền… tất cả đều là những tông đồ đang được Chúa sai đi để loan báo Tin vui. Nội dung của lời loan báo rất đơn giản, đó là Chúa yêu con người và Ngài khuyên họ hãy sống ngay lành thánh thiện. Người được sai đi có trách nhiệm loan báo Lời Chúa, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, kể cả trong trường hợp bị khước từ và xua đuổi. Giống như người gieo hạt cần mẫn miệt mài làm tròn bổn phận mình, còn Chúa sẽ làm cho hạt ấy nảy mầm và lớn lên.
Người nhiệt thành loan báo niềm vui, sẽ được nhận lại niềm vui, là phần thưởng Chúa ban. Thánh Luca kể lại: nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở khoe với Chúa về những thành quả lao công mà các ông đã đạt được. Nhân danh Chúa Giêsu, các ông làm được những việc chính Chúa đã làm, như trừ quỷ, chữa bệnh. Các ông có lý để vui mừng và để khoe với Chúa. Tuy vậy, Chúa Giêsu muốn hướng các ông tới một niềm vui lớn lao hơn nhiều, đó là tên các ông đã được khắc ghi trên trời. Đây mới là phần thưởng cao quý và là niềm vui lớn lao nhất. Những sứ giả của niềm vui sẽ được ghi tên ở trên trời. Tên của họ cũng được khắc ghi trong chính trái tim của Chúa.
Người loan báo niềm vui phải trải qua nhiều gian nan thử thách. Chúa Giêsu đã báo trước cho các môn đệ, khi Người sai họ lên đường. Hành trang của các môn đệ không phải là những phương tiện trần thế, nhưng là lòng tín thác cậy trông và nhiệt huyết tông đồ.
Ở một góc nhìn khác, thánh Phaolô nói với chúng ta về niềm vui của ngài. Dưới góc độ trần gian, quan niệm của thánh nhân xem ra có phần nghịch lý: niềm vui và niềm tự hào của ngài là Đức Giêsu chịu đóng đinh. Phải thực sự đạt tới đỉnh cao của sự gặp gỡ gắn bó với Đấng chịu đóng đinh mới có thể khẳng định được như thế. Phaolô đã từng trải, đã chiến đấu và kiên trung trong mọi nghịch cảnh. Vào lúc cuối đời, ông khẳng định: Chúa vẫn là trên hết. Đấng chịu đóng đinh là niềm tự hào duy nhất của đời ông. Ông đã chọn lựa Người và sẽ xác tín vào sự chọn lựa ấy. Thánh nhân cũng mong muốn và cầu chúc cho chúng ta có cảm nhận sâu sắc như ngài.
Mỗi Kitô hữu đều là sứ giả của niềm vui. Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng như sau: “Người loan báo Tin Mừng không bao giờ mang bộ mặt của một người vừa đi đưa đám về!… và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hy vọng, có thể nhận được tin mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô” (Số 10). Quả vậy, khi bản thân không cảm nhận được niềm vui của Chúa, thì không thể trở nên sứ giả của niềm vui đích thực là Tin Mừng.
Hãy reo mừng Thiên Chúa! Hãy tôn vinh Ngài, không chỉ trong nghi thức phụng vụ, mà trọn vẹn cả đời sống của chúng ta. Buồn sầu và bi quan, chán nản không thể có chỗ trong đời sống của những ai tin cậy tín thác nơi Chúa. Nguyện xin Thiên Chúa là nguồn mạch của ân sủng và hạnh phúc chúc lành cho chúng ta.
2/ CHÚA SAI TÔI ĐI
(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)
Ta thường nghĩ rằng: Việc truyền giáo là dành cho các Giám mục, các Linh mục, Tu sĩ. Giáo dân không được học hỏi gì nhiều làm sao có thể truyền giáo được? Truyền giáo phải có nhiều phương tiện vật chất. Thiếu phương tiện không có thể làm gì được. Đó là những quan niệm sai lầm mà Chúa vạch cho ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.
Chúa Giêsu cho ta thấy truyền giáo là công việc của mọi người khi Người sai 72 môn đệ lên đường. Mười hai Tông đồ có tên tuổi rõ ràng. Đó là thành phần ưu tuyển. Đó là các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ. Còn 72 môn đệ không có tên tuổi rõ ràng. Đó là một đám đông không xác định. Đó là tất cả mọi người giáo dân. Khi sai 72 môn đệ, Chúa Giêsu muốn huy động tất cả mọi người thuộc đủ mọi thành phần tham gia vào việc truyền giáo.
Giáo dân tham gia vào việc truyền giáo bằng cách nào? Trước hết phải ý thức sự cấp thiết của việc truyền giáo: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Lúa đã chín vàng, phải nhanh chóng gặt về không được chậm trễ, nếu không lúa sẽ hư hỏng. Biết bao anh em đang chờ đợi được nghe Lời Chúa. Biết bao anh em đang tìm kiếm Chúa. Biết bao tâm hồn đang mở cửa đón Chúa. Ta phải mau mắn để khỏi lở mất cơ hội.
Thứ đến ta phải cầu nguyện. Sau khi đã chỉ cho thấy đồng lúa chín vàng, Chúa Giêsu không bảo lên đường ngay, nhưng Người dạy phải cầu nguyện trước. Cầu nguyện là nền tảng của việc truyền giáo. Vì truyền giáo phát xuất từ ý định của Thiên chúa. Ơn hoán cải tâm hồn là ơn Chúa ban. Nên cầu nguyện chính là truyền giáo và kết quả của việc truyền giáo bằng cầu nguyện sẽ rất sâu xa. Ta hãy noi gươngThánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu. Vị Thánh sống âm thầm, suốt đời chôn vùi trong 4 bức tường Dòng Kín. Thế mà nhờ lời cầu nguyện, Thánh nữ đã đem được nhiều linh hồn về với Chúa không kém thánh Phanxicô Xaviê, người suốt đời bôn ba khắp nơi để rao giảng Lời Chúa.
Khi đi truyền giáo, hãy trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Chúa dạy ta: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” để ta biết sống khó nghèo. Để ta đừng cậy dựa vào tài sức riêng mình. Để ta đừng cậy dựa vào những phương tiện vật chất. Biết mình nghèo hèn yếu kém, biết những phương tiện vật chất chỉ có giá trị tương đối, ta sẽ biết trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Chính Chúa sẽ làm cho việc truyền giáo có kết quả.
Sau cùng, truyền giáo là đem bình an đến cho mọi người. Niềm bình an đến từ thái độ quên mình, sống chan hoà với những người chung quanh. Niềm bình an đến từ sự hiệp thông, có cho đi, có nhận lãnh. Và nhất là, niềm bình an vì được làm con cái Chúa, luôn sống dưới ánh mắt yêu thương của Chúa.
Như thế việc truyền giáo hoàn toàn nằm trong tầm tay của mọi người giáo dân. Mọi người đều có thể ý thức việc truyền giáo. Mọi người đều có thể cầu nguyện. Mọi người đều có thể trông cậy vào Thiên chúa. Và mọi người đều có khả năng cho đi, nhận lãnh, sống chan hoà với người khác
Như thế mọi người, từ người già tới em bé, từ người bình dân ít học đến những bậc trí thức tài cao học rộng, từ người khoẻ mạnh đến những người đau yếu bệnh tật, tất cả đều có thể làm việc truyền giáo theo ý Chúa muốn.
Hôm nay, Chúa đang than thở với mọi người chúng ta: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Chúng ta hãy bắt chước tiên tri Isaia thưa với Chúa: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con đi”.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Bạn có thấy việc truyền giáo là cấp thiết không?
2- Theo ý bạn, muốn truyền giáo thành công trong vùng này, người tông đồ cần có những đức tính nào?
3- Bạn có bao giờ cầu nguyện cho việc truyền giáo, cho người làm việc truyền giáo, cho những người chưa biết Chúa ở chung quanh bạn không?
4- Bạn đã bao giờ tham gia vào việc truyền giáo trong Giáo xứ, trong Giáo phận chưa?
3/ HÃNH DIỆN VÌ THẬP GIÁ ĐỨC GIÊSU KITÔ
(Lm. Jos. Phạm Thanh Liêm)
Sứ mạng của ki-tô hữu hôm nay là rao giảng Đức Yêsu bị đóng đinh thập giá đã phục sinh, Ngài là Thiên Chúa nhập thể. Khi nhận biết Đức Yêsu là Thiên Chúa nhập thể, người ta sẽ biết được Thiên Chúa yêu thương con người đến độ nào! Thập giá trở thành biểu tượng của Đấng chịu đóng đinh, và rao giảng về thập giá là rao giảng về tình yêu nhập thể.
Khám phá kho tàng qua thập giá Đức Yêsu
Một đời vất vả lam lũ rao giảng Tin Mừng, công trạng của Phaolô rất to lớn, nhưng Phaolô nói: “ước gì tôi không hãnh diện về điều gì khác ngoài thập giá Đức Yêsu, Chúa tôi”. Với người đánh giá mọi sự theo giá trị phàm trần, thập giá chỉ là một cây gỗ, có gì mà hãnh diện? Cái chết ô nhục trần trụi trên thập giá, có gì đáng tự hào? Phaolô hãnh diện vì thập giá, không phải vì đó là một cây gỗ, nhưng Ngài hãnh diện vì Con Người đã chết trên thập giá, Đức Yêsu- Đấng yêu thương con người đến chấp nhận cái “chết treo thập giá trần trụi ô nhục”.
“Đức Yêsu chết treo thập giá”, dạy Phaolô và con người của mọi thời đại rất nhiều bài học. Ai sống trên đời mà không ham sống lâu, không ham giầu sang, không ham được trọng vọng? Có nhiều người khi bị nghèo, không được trọng vọng, không quyền cao chức trọng, thì than thân trách phận, làm như thể cuộc đời họ không còn ý nghĩa gì nữa. Cái hiểu biết sai lầm này, làm chính đương sự không hạnh phúc, và cũng làm những người thân cũng như những người sống với họ, bị ảnh hưởng. Có biết bao gia đình tan hoang vì một trong hai vợ chồng đã có quan niệm sai lạc như vậy.
Hãnh diện vì thập giá Đức Yêsu, là hãnh diện vì mình chỉ là người trần nhưng được Thiên Chúa yêu thương vô cùng, vì Thiên Chúa nhập thể đã yêu con người đến chết trên thập giá. Con người đối với Thiên Chúa thật đáng quý biết bao. Nếu chính Thiên Chúa còn quý trọng con người đến độ chết cho con người, nghĩa là con người có giá trị thực sự trước Thiên Chúa, thì con người cũng phải biết yêu thương kính trọng nhau. Thập giá Đức Yêsu, là bằng chứng cho thấy Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng. Hãnh diện vì thập giá, là hãnh diện vì mình được yêu, là hãnh diện vì mình nhận thức được chân lý, biết được giá trị đích thực của cuộc đời.
Rao giảng Nước Thiên Chúa trong mọi tình huống
Đức Yêsu đã sai gởi không chỉ nhóm 12, nhưng Ngài còn sai 72 môn đệ đi rao giảng về Nước Thiên Chúa nữa. Sứ điệp rao giảng là “Nước Thiên Chúa đến gần”. Qua cái chết và sống lại của Đức Yêsu, “nước Thiên Chúa” đã đến và đang đến.
Đâu là cách hành xử của người ra đi rao giảng Tin Mừng? Không mang theo túi tiền, không bị, không giày dép; không chào hỏi ai dọc đường! Người rao giảng Tin Mừng, chẳng có gì đáng giá ngoại trừ chính sứ điệp rao giảng. Người rao giảng Tin Mừng, chỉ lo lắng sao cho Tin Mừng được loan báo, và không bận tâm về những điều không cần thiết như lương thực, quần áo, giầy dép. Những việc chào hỏi dọc đường có thể làm người có sứ mạng quên mất công việc chính yếu của họ. Việc rao giảng Tin Mừng, quan trọng và khẩn thiết hơn tất cả những việc xã giao, chào hỏi. Những gì ngăn trở cho việc rao giảng, phải được bỏ đi.
Với những người được rao giảng, phải như thế nào? Với những người tiếp đón các ngài, các ngài chúc bình an và loan báo cho họ biết “Nước Thiên Chúa đến gần”; với những người không tiếp đón các ngài, các ngài giũ cả bụi chân lại nhưng vẫn loan báo “Nước Thiên Chúa đã đến gần”. Môn đệ của Đức Yêsu rao giảng tin mừng Nước Trời trong mọi trường hợp, lúc thuận lợi cũng như những lúc bất thuận lợi, lúc được đón nhận cũng như lúc bị từ chối.
“Nếu ở đó có ai đáng hưởng bình an…”. Bình an hệ tại thái độ nội tâm của con người, tuỳ thuộc thái độ của người đó có sẵn sàng đón nhận Tin Mừng của Thiên Chúa hay không. Phaolô và các tông đồ, khi đi rao giảng các Ngài bị bắt bớ tra tấn, nhưng các Ngài vẫn có sự bình an đích thực. Sự bình an mà Đức Yêsu hứa ban cho các môn đệ của Ngài, và thế gian không thể cướp đi được. Những yếu tố bên ngoài, ảnh hưởng đến con người, nhưng không thể làm một người “theo Chúa” mất bình an.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Khi nói về thập giá, điều gì gợi lên trong đầu bạn? Nói thật với lòng mình, bạn thấy “thập giá” có ích lợi gì không?
2. Bình an là gì? Theo bạn, đâu là điều kiện để có bình an thực sự?
3. Một ki-tô hữu có được trao sứ mạng rao giảng Tin Mừng không? Cung cách hành xử cho những người được sai đi loan báo tin mừng “Nước Thiên Chúa”, có áp dụng đối với các ki-tô hữu không? Tại sao?