Các bài suy niệm Chúa nhật VIII thường niên – Năm C

 

SUY NIỆM CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN – NĂM C

1/ KHÔN NGOAN VÀ BÁC ÁI

(ĐTGM Giuse Vũ Văn Thiên)

Trong kho tàng ca dao tục ngữ của Việt Nam, có rất nhiều lời căn dặn phải khôn ngoan trong lời nói. Sở dĩ phải cẩn trọng, vì “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” – một lời nói ra, con ngựa Tứ khó đuổi kịp (lưu ý: tứ mã ở đây không phải là 4 con ngựa mà là con ngựa giống Tứ, chạy rất nhanh ở Trung Quốc). “Rượu ngon uống mãi cũng say, người khôn nói mãi dẫu hay cũng nhàm”. Lời nói tạo phong cách và tăng thêm giá trị của người, “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đã vận dụng những câu ca dao tục ngữ đương thời để giáo huấn dân chúng. Người muốn khẳng định: hãy cẩn trọng trong lời nói, hãy suy nghĩ trước khi nhận định và nhất là đừng lên án ai. Chúng ta có thể dễ dàng thấy, những điều Chúa nói trong Tin Mừng rất quen thuộc và phù hợp với mọi người, mọi trình độ văn hoá. Những lời dạy của Chúa Giêsu cũng mang nội dung giáo huấn của các bậc khôn ngoan thời Cựu ước, ví như bài đọc I, trích sách Huấn Ca. Những lời này cũng có thể là những lời mẹ ru con trong nôi, để rồi những giá trị sống ấy thấm nhập nơi mỗi con người từ thuở sơ sinh, góp phần tạo nhân cách khi những em bé ấy đến tuổi trưởng thành.

Thánh sử Luca, trong Tin Mừng Chúa nhật này, đã ghi lại một chuỗi ba câu chuyện dụ ngôn. Một lần nữa, Chúa Giêsu lại dùng những hình ảnh đi cặp đôi với nhau: người mù và người sáng; cái xà và cái rác; cây tốt và cây xấu. Những hình ảnh này đều mang ý nghĩa giáo huấn rất sâu sắc, giúp người tín hữu suy tư và chọn lựa hướng đi cho đời mình. Có thể nói ba cặp từ này mang ba giáo huấn riêng biệt.

– Người mù mà dắt người mù được sao? Mỗi người sống ở đời cần chọn cho mình một hướng đi hay một lý tưởng. Người sống không có lý tưởng, giống như cây sậy phất phơ hoang dại, gió chiều nào thì theo chiều ấy. Khi chọn lựa lý tưởng và mẫu mực cho đời mình, mỗi người đều phải khôn ngoan cân nhắc. Không ai chọn một người mù làm người dẫn đường. Khái niệm “người mù” ở đây không có nghĩa là người khiếm thị, nhưng là người thiếu hiểu biết, thiếu khôn ngoan hoặc là người không đủ tư cách. Là tín hữu, chúng ta chọn Chúa Giêsu là lý tưởng. Người đã tuyên bố: “Tôi là Đường, là Sự thật và là Sự sống” (Ga 14,6).

– Cái xà và cái rác: con người sinh ra, đơn sơ mỏng manh như chiếc lá. Phải cần có thời gian để trưởng thành. Với sự dạy dỗ của cha mẹ và những người có trách nhiệm, chúng ta mới cứng cáp từng ngày. Hiện diện trong cuộc sống, mỗi chúng ta có một cá tính, giống như mỗi người có tên gọi, có diện mạo và sở thích riêng. Sự khác biệt làm nên tính phong phú đa dạng trong cuộc sống. Vì vậy, không ai được lấy mình làm tiêu chuẩn để xét đoán phê phán người khác. Sự chênh lệch giữa hai hình ảnh Chúa Giêsu dùng để so sánh, cho thấy khuynh hướng tự tôn: một bên là cái xà, rất to và rất nặng; bên kia là cái rác, đơn giản và nhẹ nhàng. Vậy mà thông thường, người ta chỉ thấy cái rác trong mắt người khác mà không thấy cái xà nghiêm trọng hơn trong con mắt của mình. Để thấy được cái xà trong mắt mình, cần có sự khiêm tốn và vị tha.

– Cây tốt và cây xấu: mỗi người là một cây Chúa trồng trong vườn đời. Lòng bao dung, quảng đại và nhân ái chính là hoa thơm trái ngọt chúng ta cần đem lại cho đời. Lòng ích kỷ, gian tham và mưu mô mánh lới chính là những trái đắng, làm phương hại đến bản thân, trước khi gây hậu quả tai hại cho người khác. Chất lượng của một cây không thể hiện ở dáng vẻ bên ngoài, nhưng hoa thơm trái ngọt mới đem lại giá trị của cây ấy. Vì thế, lời nói tốt, việc làm thiện hảo và trái tim nhân hậu chính là bằng chứng nhân cách của một người tín hữu đích thực và là một cây tốt trong vườn đời.

Tội lỗi sinh ra nơi chúng ta những khuynh hướng xấu. Đó là sự ích kỷ, tham lam và hận thù. Đức Giêsu đã giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi và tử thần. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy cậy dựa vào Chúa Giêsu để được chiến thắng. Thay vì dùng thời gian và tâm huyết vào những chuyện vô bổ để đoán xét người khác, thì hãy “tích cực tham gia vào những công việc của Chúa, với xác tín rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích” (Bài đọc II).

Nền tảng giáo huấn của Chúa Giêsu dựa trên đức ái. Đức ái là lòng yêu mến dành cho từng người và hết mọi người. Chúa nhật trước, chúng ta đã nghe Chúa mời gọi: hãy yêu thương cả kẻ thù và cầu nguyện cho họ. Nhờ có đức ái mà chúng ta sống hài hoà nhân ái với người khác, không xét đoán và không lên án họ, bởi lẽ mỗi chúng ta cũng mang nhiều bất toàn và yếu đuối. Thay vì dò xét bới móc người khác, chúng ta hãy cố gắng đào luyện bản thân. Khi quan sát những điều bất toàn nơi người khác, ta tự nhắc mình phải cẩn trọng; khi thấy nơi người khác có những điểm tốt lành, ta coi đó như những mẫu gương, để học hỏi, phấn đấu và thăng tiến trong đời.

 

2/ LÒNG AN VUI THÌ DƯỜNG NHƯ KHÔNG XÉT ĐOÁN

( Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, DCCT)

Trong cuộc sống thường ngày, con người chúng ta dễ có khuynh hướng khen, chê và phán xét người khác. Ta phán xét người khác có thể bằng lời nói, bằng cử chỉ, hoặc đôi khi chỉ là nghĩ thầm trong bụng về chuyện này chuyện khác của người ta.

Nhất là khi ngồi lại với nhau để chuyện trò, chúng ta thường có khuynh hướng khoe những điều tốt về bản thân mình bằng cách so sánh cái tốt của mình với cái dở của người khác, còn những cái dở, cái xấu của mình thì cố giấu cho bằng được. Gắn với xét đoán tiêu cực người khác thường là một thái độ ganh tị, đả phá, trả thù cho bõ tức. Còn khi nhận xét để góp ý cho người khác sửa sai, tránh lỗi lầm, thì bao giờ ta cũng dễ dàng có sự bao dung, nhẹ nhàng trong cử chỉ và lời nói.

Hơn nữa, có một sự thật khá hiển nhiên: Một khi lòng ta nhẹ nhàng, thanh thản, an vui, thì ta thường nghĩ đến người khác với một thái độ tích cực và đầy bao dung, chứ chẳng muốn phán xét hay nặng lời với họ. Còn khi ta thích phán xét, thích nói xấu người khác thì lại là lúc chính ta thiếu sự bình an, hạnh phúc trong lòng.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô bảo rằng “những ai phán xét anh chị em mình, nói xấu anh chị em mình thì họ chính là kẻ giả hình vì họ không đủ can đảm nhìn lại những thiếu sót, lỗi lầm của bản thân mình.” Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay thì nói trực tiếp vào vấn đề hơn: “Sao người nhìn thấy cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy?… Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi”

Đặt mình trước Lời Chúa hôm nay, tôi với bạn thử ngẫm lại xem, mỗi khi ta chỉ trích, phán xét người khác, thì thật sự trong lòng ta đang an vui, hạnh phúc hay lòng ta đang ấm ức, bức xúc, tị hiềm? Nếu thấy lòng ta còn ấm ức, hậm hực, thì Chúa bảo ta rằng: Con hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ con sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh chị em con!

3/ XEM QUẢ BIẾT CÂY

Tại một làng đánh cá bên Ấn độ, một đêm nọ có một ngư phủ nghèo lẻn vào trong đầm của người giàu có để thả lưới. Người ngư phủ nghèo kia chưa kịp kéo lưới lên thì bị phát giác. Người giàu có cho gia nhân bủa đi khắp nơi trong đầm của mình để lùng bắt cho bằng được tên trộm. Đám gia nhân đốt đuốc đi tìm khắp mọi nơi mà không thấy bóng dáng tên trộm. Trong khi đó, người ngư phủ nghèo lấy tro rắc lên đầy người và ngồi dưới một gốc cây y hệt như một hiền triết hay một đạo sĩ. Đám gia nhân không tìm thấy tên trộm, nhưng chỉ thấy một đạo sĩ ngồi dưới gốc cây đắm mình trong suy tư và cầu nguyện. Chỉ trong ngày hôm sau tiếng đồn vang đi rằng có một đạo sĩ đang tu luyện dưới gốc cây bên bờ đầm của nhà phú hộ. Thế là thiện nam tín nữ từ các ngả đường đổ xô đến gốc cây để chiêm ngưỡng nhà đạo sĩ: người thì mang hoa quả, kẻ thì mang tiền bạc, chẳng mấy chốc quà cáp tuôn đổ xuống nhà đạo sĩ bất đắc dĩ. Tất nhiên nhà đạo sĩ nghì thầm: thà đánh lừa dân chúng để sống hơn là nhọc công đánh cá suốt ngày mà không được gì. Nghĩ như thế, ông ta tiếp tục đóng vai nhà đạo sĩ, ngày đêm tụng niệm và chờ đợi sự tiếp tế của dân chúng. Người đánh cá bất đắc dĩ trở thành nhà đạo sĩ trên đây có thể là hình ảnh của mỗi người chúng ta. Một cách nào đó, nhiều khi chúng ta cũng tự sơn vẽ cho mình một lớp áo đạo đức để đánh lừa người khác và chính mình. Có những sự kiện đáng chúng ta suy nghĩ: nhà thờ Việt Nam nào xem ra cũng đầy người, người ngoại quốc nào đến Việt Nam lúc đầu cũng cảm kích trước sự sốt sắng của tín hữu Việt Nam. Thế nhưng, liệu đó có là lòng đạo đức đích thực không? Mỗi Chúa nhật tôi đến nhà th để cho người khác thấy rằng tôi đã giữ trọn luật Chúa và luật Giáo Hội. Nhưng tuân giữ như thế đã đủ để được gọi là sống đạo chưa, nếu tôi không màng đến những đòi hỏi của công bằng bác ái trong việc làm của tôi cũng như trong quan hệ của tôi với khác. Cõ lẽ chúng ta giữ đạo nhưng chưa sống đạo, có lẽ chúng ta mang lớp sơn đạo đức bên ngoài những chưa có thực chất của một lòng đạo đức đích thực. Chúa Giêsu tỏ ra cảm thông, khoan dung đối với tội lỗi và yếu hèn của con người, nhưng Ngài lại có thái độ gay gắt đối với thói giả hình của Biệt Phái. Ngài không ngừng kêu gọi các môn đệ Ngài để phòng trước men gia hình của Biệ Phái. Tin mừng hôm nay một lần nữa lặp lại lời cảnh giác của Chúa Giêsu với hình ảnh cây tốt phải sinh trái tốt và ngôi nhà xây tên nền móng vững chắc. Chúa Giêsu muốn nói chúng ta chúng ta rằng một niềm tin đích thực phải được tuyên xưng và thể hiện bằng những hành động cụ thể, một niềm tin đích thực phải được nuôi dưỡng bằng nền móng của những việc làm tốt.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta kiểm điểm cách thể hiện niềm tin của chúng ta. Nếu chúng ta đóng khung niềm tin ấy trong bốn bức tường nhà thờ hay những kinh kệ dài dòng, mà không thể hiện niềm tin ấy bằng những công việc của công bằng bác ái, thì có lẽ chúng ta chỉ là những căn nhà xây trên cát khó đứng vững được trước sóng gió của cuộc đời.

Nguyện xin Chúa củng cố niềm tin chúng ta và ban cho chúng ta sức sống của Ngài, để trong mọi sự chúng ta luôn thực thi thánh ý Ngài.

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 02/5: Thánh Athanasiô, Giám mục Tiến sĩ Hội thánh (295-373)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng