Các bài suy niệm Chúa nhật VI thường niên – năm c

CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN – NĂM C

1/ NGHÈO VÌ NƯỚC TRỜI

(ĐTGM Giuse. Ngô Quang Kiệt)

Bầu khí ngày Tết vẫn chưa tan, nhất là tại miền Bắc giàu truyền thống lễ hội. Ta vẫn còn nghe những lời chúc thịnh vượng, khang ninh cho năm mới. Đầu năm mới, các nước trên thế giới đều phấn đấu để kinh tế phát triển, tăng thu nhập cho toàn dân. Thế nhưng Lời Chúa hôm nay lại nói: “Hỡi anh em là những kẻ nghèo khó, anh em thật có phúc, vì Nước Thiên Chúa là của anh em”. Phải chăng Chúa Giêsu phản lại tiến bộ, muốn nhân loại tụt hậu?

Để thấu hiểu Lời Chúa, ta cần ghi nhận mấy điểm sau đây:

Trước hết ở đây Chúa Giêsu không nói về kinh tế, nhưng nói về hạnh phúc, nhưng vật chất tự nó chưa phải là hạnh phúc. Câu chuyện về công nương Diana là một minh hoạ rõ nét.

Mùa hè năm 1997, cả thế giới xôn xao về cái chết của công nương Diana. Công nương Diana là một phụ nữ xinh đẹp. Từ khi kết hôn với thái tử Charles, con của nữ hoàng nước Anh, công nương trở thành người có danh vọng và đồng thời cũng có nhiều tiền của vào bậc nhất trên thế giới. Có lẽ ai cũng nghĩ rằng một phụ nữ đẹp đẽ, giàu sang, phú quý như thế phải là người hạnh phúc nhất trên đời. Nhưng không đúng như thế. Công nương rất đau khổ vì cảnh gia đình thiếu tình yêu thương chân thực. Thái tử Charles vẫn lén lút quan hệ với người tình cũ. Đau khổ mà chẳng thể nói ra, vì cả gia đình bên chồng muốn giữ uy tín cho hoàng gia. Chán nản với đời sống gia đình, công nương đã tìm vui bên người bạn trai mới. Trong một chuyến đi chơi ở Paris, cả hai bị thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi. Có nhiều người cho rằng chính hoàng gia Anh đã gây ra tai nạn. Không ai nghĩ rằng cuộc đời công nương có hạnh phúc, dù bà có tất cả: sắc đẹp, tiền của, danh vọng.

Thứ đến, Chúa không lên án vật chất, nhưng chỉ lên án thái độ sử dụng vật chất. Vật chất do Chúa dựng nên để phục vụ con người. Chúa dựng nên và Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp. Nhưng con người đã làm sai chương trình của Chúa. Thay vì sử dụng vật chất như phương tiện, người ta đã biến nó thành mục đích. Thay vì sử dụng vật chất phục vụ đồng loại, người ta đã sử dụng đồng loại để phục vụ vật chất. Đó là những thái độ bị Chúa lên án. Những thái độ ấy biến vật chất thành chướng ngại ngăn cản ta đạt đến hạnh phúc Nước Trời.

Sau cùng, Chúa không khuyến khích cảnh nghèo, càng không khuyến khích những người vì lười biếng mà trở nên nghèo. Chúa chỉ khuyến khích những người vì Nước Trời mà tự nguyện sống nghèo.

Những người vì Nước Trời mà tự nguyện trở nên nghèo là những người hiểu biết giá trị thực sự của tiền bạc. Biết rõ tiền bạc chỉ là phương tiện nên họ dùng tiền bạc mà không dính bén, có tiền mà không nô lệ cho đồng tiền, nhất là biết dùng tiền vào những việc hữu ích cho đồng loại. Vì tha nhân, vì Nước Trời mà tự nguyện sống nghèo.

Những người tự nguyện sống nghèo như thế không làm cho xã hội tụt hậu, trái lại giúp phát triển xã hội, đưa nhân loại tiến lên. Không chỉ tiến lên về văn minh vật chất mà còn tiến về nền văn minh tình thương.

Những người tự nguyện sống nghèo như thế giúp nâng cao nhân phẩm con người, đem niềm vui cho người sầu khổ, gieo niềm hy vọng cho những người bị bỏ quên, đem tình thương đến cho những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Những người tự nguyện sống nghèo như thế không phải là những người lười biếng, hèn nhát, uỷ mị, bạc nhược. Trái lại đó là thái độ của những tâm hồn dũng mạnh, luôn phấn đấu với chính mình để nâng tâm hồn mình và nâng cả thế giới lên.

Tự nguyện sống nghèo như thế là một mối phúc cho thế giới, cho nhân loại. Thế giới sẽ tốt đẹp biết bao nếu có nhiều người tự nguyện như thế.

Sau đám tang của công nương Diana 1 tuần lễ, thế giới lại xôn xao về một đám tang khác: đám tang của mẹ Tesexa Cancutta. Khác hẳn với công nương Diana, mẹ Tesexa là một nữ tu già nua, sống một đời sống nghèo. Trong phòng của mẹ chỉ có một chiếc ghế và một chậu thau đựng nước. Người ta cho mẹ nhiều tiền, nhưng mẹ tự nguyện sống nghèo, dành hết tiền của để giúp những người nghèo, những trẻ mồ côi, tàn tật. Khi Đức Giáo hoàng sang thăm Ấn Độ, thấy mẹ đi lại công tác nhiều, tặng mẹ một xe hơi sang trọng. Nhưng khi Đức Giáo hoàng về, mẹ đã bán xe lấy tiền giúp người nghèo. Có 40 nguyên thủ quốc gia đến tham dự đám tang của mẹ. Và Ấn Độ, một nước không ưa gì đạo Công giáo, đã cử hành quốc tang cho mẹ. Hai mươi mốt phát súng đại bác tiễn đưa linh hồn mẹ trong khi các vị nguyên thủ quốc gia quyền uy đứng cúi đầu kính cẩn trước thi hài vị nữ tu già nua, nghèo khó. Mẹ đã thực hành Lời Chúa: “Phúc cho anh em là người nghèo khó, vì Nước Trời thuộc về anh em”.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Bạn có kinh nghiệm vui buồn gì về tiền bạc? Vì tranh chấp tiền bạc mà mất tình nghĩa? Nhờ biết nhường nhịn về tiền bạc mà thêm bạn hữu?
  2. Lời Chúa hôm nay có chúc phúc và chúc dữ. Bạn thuộc diện nào? Được chúc phúc hay bị chúc dữ?
  3. So sánh cuộc đời của công nương Diana và cuộc đời của mẹ Tesexa, bạn rút ra được quyết định nào cho đời bạn?
  4. Tiền bạc và hạnh phúc. Bạn thấy chúng có liên hệ gì với nhau?

 

2/ HẠNH PHÚC THẬT

(Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)

Nếu chúng ta có chìa khóa của Thánh Phêrô để mở cửa thiên đàng, chúng ta sẽ thấy đầy những người nghèo như “bà góa nghèo đến bỏ tiền vào đền thờ hai đồng kẽm chỉ bằng một phần tư đồng bạc Rôma” (Mc. 12, 42), đầy những kẻ đói khát như anh ăn mày Ladarô mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng nhà giàu (Lc. 16, 20), đầy những người khóc lóc như con thành Giêrusalem đến khóc thương Chúa trên đường vác Thánh giá, đã được Chúa đứng lại yên ủi như Cha yên ủi con trong cơn khóc lóc, hay như Phêrô khóc than vì đã phạm tội chối Thầy ba lần, đầy những người bị oán ghét, khai trừ, nhục mạ và xóa bỏ tên tuổi coi như đồ xấu xa như Đức Giêsu, Gioan tiền hô, các tiên tri và các thánh tử đạo.

Nếu chúng ta có quyền tự lực đập tan cửa hỏa ngục, chúng ta sẽ thấy đầy dẫy những hạng phú hộ ăn chơi, những hạng tham ô, móc ngoặc, những quản lý giết người cướp của, như hạng nhà giàu không thương giúp Ladarô, hạng kinh sư móc hết tài sản các bà góa, hạng tá điền cướp vườn nho (Mc. 12. 1-9, 38-40), đầy những hạng quyền quý sang trọng được tung hô, yến tiệc khao vọng, múa nhẩy, nghiện ngập như Hêrôđê no say còn bày trò chém đầu Gioan tiên hô, đầy hạng vui cười, chế nhạo, oán thù như quân dữ, trưởng tế và luật sĩ nhục mạ Đức Giêsu lúc bị treo trên Thánh giá.

Tại sao những người nghèo khó, đói khát, khóc lóc bị oán ghét lại được Chúa chúc phúc chan chứa vui mừng trong vinh quang nước trời?

Thưa, vì họ bị đàn áp, bóc lột, tước đoạt hết các thứ thuộc về thế gian. Hàng đoàn đám đông dân chúng đó chỉ còn biết trông cậy vào Đức Giêsu. Họ bỏ cả quê hương danh tiếng như Giudêa, Giêrusalem, Tyrô, Siđon để đến theo Chúa. Người đã cứu chữa họ cả xác lẫn hồn. Người vừa chữa cho họ khỏi tật nguyền quỷ ám, vừa giảng cho họ biết đường sống hạnh phúc muôn thuở.

Họ là những người nghèo khó về tiền của như Đức Giêsu không có chỗ tựa đầu, nhưng lại giầu lòng thương người như Đức Giêsu đã cho bao nhiêu người nương tựa. Họ nghèo khó, vì không tham lam, trộm cắp, nhưng lại giầu tinh thần cao quý thanh tao, siêu thoát. Họ nghèo của trần tục, nhưng họ giầu của nước trời. Họ là những người bụng đói của ăn như Ngài, đến nỗi các môn đệ bứt lúa ăn và bị chỉ trích, nhưng họ khao khát công chính và theo Ngài đi rao giảng Tin Mừng nước trời cho muôn dân. Họ đói bánh nuôi cái bụng, nhưng họ thoả dạ an lòng vì siêng năng rước Bánh Hằng sống.

Họ là những người sầu khổ khóc lóc thương xót bao nhiêu cảnh lầm than như Chúa đã khóc thương Ladarô, khóc thương thành Giêrusalem và chịu chết cho con cháu họ. Ít ra, họ là những người như Phêrô biết ăn năn thống hối và trở lại với Thầy để lãnh nhận trách nhiệm cứu giúp muôn dân sa ngã như mình.

Họ là những người hy sinh chịu đau khổ, oan uổng, bất công, biết vác thập giá theo Chúa để cứu nhân độ thế. Họ đã được phần thưởng lớn lao trên nước trời.

Tại sao những kẻ giầu, no nê, vui sướng, vinh quang lại bị chúc dữ?

Thưa, họ là những kẻ ham danh, ham lợi, ham thú vui vật chất phàm tục. Họ cậy vào tiền của vì họ tưởng: “Có tiền mua tiên cũng được”, chẳng cần đến ai. Họ xa lìa Thiên Chúa đi theo các thần tài, thần hoàng, thần nữ, thần thổ địa và các thần tượng. Đó là các tử thần, họ sẽ chết theo chúng.

Lịch sử đã cho thấy, khi con người nghèo đói, túng cực, lam lũ khổ sở, họ sốt sắng chạy đến kêu cầu, trông cậy vào Thiên Chúa. Nhưng khi được ấm no, sung túc thì ăn chơi, lười biếng, cậy mình kiêu ngạo, không cần đến Thiên Chúa nữa. Dân nước Balan trước đây hơn 90% siêng năng đi lễ, cầu nguyện, đoàn kết như một, dưới quyền hướng dẫn của Giáo Hội. Nay được dễ dãi, làm ăn phát đạt, họ lại chia rẽ, khinh thường hàng giáo phẩm và xa lìa Thiên Chúa. Các nước Âu Mỹ cũng thế. Giáo dân Việt Nam cũng không khá gì: trong những năm 1975-1985, đời sống đói khổ, thì ngày thường cũng như Chúa nhật nhà thờ đầy người. Nay, ngày thường chỉ leo teo một số cụ già, con nít, còn thanh niên người lớn có tiền bạc, ăn chơi, rượu chè, hút sách bất tận. Chúa nhật đi lễ hơn một giờ thì thấy lâu, sốt ruột, ngồi ngoài sân, đứng lấp ló xó nọ góc kia, nói chuyện, hút thuốc, mà không biết rằng ai cho cái miệng để ăn nói, ai cho cái mũi để thở, ai cho hơi thở khí mát để sống. Thật vô phúc, vô ơn Thiên Chúa đến chừng nào! Những hạng đó đến bao giờ mới được chúc phúc, Đức Giêsu còn phải chúc dữ đến bao giờ!

Người ta nói: “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”. Trồng người để có người tốt, có dòng giống con cháu tốt thì mới có việc tốt, nhờ đó xây dựng gia đình, xã hội tốt từ đời này tới đời kia, lâu dài hàng trăm năm. Trồng cây để lấy của hưởng thụ, chỉ được mươi mười năm là hết. Biết rõ như thế, những bậc thánh hiền vĩ nhân luôn luôn quan tâm đặc biệt tới trồng người, dù có phải sống hy sinh kham khổ như Khổng Tử, Đức Phật.

Khổng Tử đã từ chức quan đại thần sống thật thanh bần: “Ăn cơm thô, uống nước lã, co cánh tay gối đầu, lòng đầy hoan lạc. Bất nghĩa mà giầu sang, ta coi như phù vân … Ta thường trọn ngày quên ăn, trọn đêm quên ngủ vì suy tư … lo đạt đạo” (Ln. 7, 15 và 15, 30-31). Đức Phật không thể chịu nỗi cảnh giầu sang, danh vọng của hoàng cung, đã trốn lên rừng tìm đạo để cứu nhân độ thế, thoát khỏi cảnh khổ của hoàng cung phàm trần này mà nhân loại đang trầm luân trong đó. Các vị đó thật giống với cuộc đời thanh bần trong sáng của Đức Kitô: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc. 9, 58). Vậy hạnh phúc muôn thuở của các ngài, không phải giầu sang, quyền quý, mà là siêu thoát để truyền dậy chân lý không mệt.

Lạy Chúa, xin cho con “đừng tựa vào tường vì tường sẽ đổ, đừng tựa vào cây vì cây sẽ gẫy, đừng tựa vào người vì người sẽ chết” mà chỉ lo sống tựa vào lời chúc phúc của Chúa mà thôi.

3/ NHỮNG MỐI PHÚC

(Trích Logos C)

Ông chủ kia có một khu vườn rất xinh đẹp. Trong khu vườn ấy có nhiều loại cây quý hiếm xanh tươi đẹp mắt. Ông chủ rất yêu quý khu vườn của mình, và ông quý nhất là Bụi tre cao lớn ở giữa vườn. Hằng ngày ông chăm sóc Bụi tre rất kỹ lưỡng. Thế rồi, ngày kia, một cơn hạn hán xảy đến. Cây cối thiếu nước nên khô héo dần. Ông chủ Buồn Bã nhìn khu vườn Bắt đầu vàng úa và tàn lụi. Một ngày nọ, ông đến tâm sự với Bụi tre về nỗi đau xót của mình. Bụi tre nói : “Thưa ông chủ, tôi xin đề nghị ông một cách để cứu lấy khu vườn. Ông hãy đốn tôi xuống, chẻ tôi ra làm những cái máng để dẫn nước từ nguồn suối về khu vườn. Ông chủ la lên : “Ta nỡ lòng nào đốn ngươi xuống để làm công việc ấy!”. Bụi tre nài nỉ :” Tôi Biết ông chủ thương tôi lắm! Tôi cũng thương ông chủ, nhưng chỉ có cách đó mới cứu được khu vườn”. Ông chủ trả lời : “Không, ta không thể làm như vậy!”. Bụi tre nói một cách tha thiết : “Tôi sẽ hạnh phúc Biết Bao khi khu vườn này được cứu sống và ông chủ được vui lòng. Hãy làm ngay đi kẻo muộn!”

Sau những lời nài xin khẩn khoản của Bụi tre, ông chủ đành phải chặt Bụi tre, chẻ ra làm máng dẫn nước cho khu vườn. Quả thật, một thời gian sau, khu vườn được hồi sinh, cây cối lại xanh tươi đẹp mắt. Lòng ông chủ vô cùng vui sướng.

Rồi một ngày kia, một điều kỳ diệu đã xảy ra. Từ Bụi tre Bị đốn vươn lên những Búp măng non tràn đầy sức sống . . .

Bụi tre đã đi tìm kiếm hạnh phúc khi cho đi chính mình. Và khi từ Bỏ chính mình, nó đã tìm thấy sự hồi sinh.

Đó là quy luật muôn đời của Tin Mừng, luật “Bất quy tắc”, nghĩa là quy luật nằm ngoài quy luật thông thường, có khi đi ngược lại với quy luật người đời.

Hôm nay, thánh Luca thuật lại Bài Giảng Đầu Tiên của Chúa Giêsu, Bài giảng về những mối phúc thật. Khác với những nhà chính trị hay ngoại giao, lần đầu tiên nói với dân chúng thường đưa ra những viễn ảnh tốt đẹp : cuộc sống hạnh phúc, no cơm ấm áo, giàu sang thịnh vượng, an cư lạc nghiệp, còn Chúa Giêsu lại nói những điều “ngược đời” : phúc cho những người nghèo khó, những người đói khát, những người khóc lóc, những người Bị thù ghét và Bách hại. Những nhà chính trị và ngoại giao chỉ nói suông Bằng những lời hoa mỹ, nhưng có khi họ lại không thực hiện những lời họ nói. Còn Chúa Giêsu nói những lời nôm na mộc mạc, nhưng Ngài lại thực hiện những lời mình rao giảng.

Khi Chúa Giêsu nói đến niềm hạnh phúc dành cho những người nghèo khó, những người đói khát, những người đang phải khóc lóc hay Bị thù ghét, là Chúa muốn nói đến tinh thần của quy luật Bất thường đối với thế gian.

Chúa Giêsu chúc phúc cho những người nghèo khó và đói khát về tinh thần. Nghĩa là những người không để cho tiền Bạc, của cải, đời sống áo cơm thống trị mình, nhưng luôn vượt lên trên sự ràng Buộc của chúng, để vươn lên cao. Nhất là trở lên nghèo khó và trống rỗng khi Biết chia sẻ và cho đi.

Càng cho đi, càng nhận lãnh thật nhiều và trở nên giàu có thiêng liêng. Càng trở nên trống rỗng, càng được đổ tràn đầy với ân sủng Thiên Chúa.

Chúa Giêsu chúc phúc cho những người đang phải khóc lóc và Bị Bách hại vì Chúa, những người đang sống tinh thần hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa. Họ là những người đang từ Bỏ chính mình để vác thập giá đi theo Chúa mỗi ngày. Họ là những người đành mất mạng sống mình vì Chúa và vì Tin Mừng để được lại sự sống đời đời. Họ là những người gieo vãi trong nước mắt để rồi sẽ gặt hái trong hân hoan vui mừng.

Để chứng thực cho Tin Mừng, Chúa Giêsu đã thực hiện Bài Giảng Cuối Cùng : Ngài vác thập giá lên đồi Golgotha để chịu đóng đinh. Chúa không rao giảng Bằng lời nói nữa, nhưng Ngài rao giảng Bằng chính cái chết của mình. Qua đó, Ngài trở thành Mối Phúc Lớn Nhất dành cho những ai Biết cùng vác thập giá với Ngài, cùng chịu đóng đinh với Ngài, cùng chết với Ngài, để cùng sống lại với Ngài. Đức Kitô Phục Sinh đã trở thành niềm hy vọng rạng ngời cho những ai tin Ngài (1Cr 15, 12  –  16, 20).

Ngày xưa, ở nước Ba tư có một nông dân tên là Ali Hafed rất giàu có. Ông có ruộng đất Bao la, hoa lợi dồi dào.

Ngày kia, có người Bạn đến kể cho ông ta nghe về một mỏ kim cương quý giá ở phương đông. Từ đó, Ali Hafed chỉ mơ tưởng đến mỏ kim cương mà chẳng chú tâm làm lụng nữa.

Cuối cùng, Ali Hafed quyết định Bán hết ruộng vườn, nông trang để lên đường đi tìm mỏ kim cương kia.

Ông ta đi khắp nơi tìm kiếm mỏ kim cương, nhưng càng đi xa, ông càng trở nên nghèo túng mà vẫn không tìm được điều mình mơ ước. Đến khi quá đói khổ và kiệt sức, Ali đã tự sát chết trong tuyệt vọng và cô đơn.

Ngày kia, người nông dân đã mua ruộng vườn của Ali Hafed dẫn lạc đà ra suối nước sau vườn. Khi con lạc đà đang uống nước, ông ta chợt nhìn thấy một tia sáng loé lên từ Bãi cát Bên dòng suối. Ông chạy lại lượm lên, thì thấy đó là một viên kim cương khá lớn. Nhưng không phải chỉ có một viên kim cương, ông còn tìm được nhiều viên khác nữa.

Có ai ngờ khu vườn mà Ali Hafed đã Bán để ra đi lại chính là một mỏ kim cương khổng lồ. Hiện nay, mỏ kim cương đó mang tên Golconda, mỏ kim cương nổi tiếng khắp thế giới.

Ali Hafed đã đánh mất kho tàng vô giá ngay trong chính tầm tay của mình.

Chúa Giêsu cũng chính là kho tàng ẩn giấu. Ngài là niềm hạnh phúc lớn lao ở rất gần chúng ta mà chúng ta không nhận ra Ngài. Chúng ta chỉ có thể tìm gặp được Ngài Bằng “con đường ngược chiều”, con đường đau khổ và hy sinh. Chỉ qua con đường này chúng ta mới đến được vinh quang.

bài liên quan mới nhất

Giáo xứ Cao Bình: Mừng lễ thánh Giuse Thợ, cùng nhiều anh chị em sắc tộc khai mạc tháng hoa kính Mẹ

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng