Tổ Chức Hành Trình Sa Mạc - Thiếu nhi Thánh Thể

 

HÀNH TRÌNH SA MẠC (Trò Chơi Lớn)
Trong Sinh Hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể
 
1. Nhận Định:
  • Hành Trình Sa mạc, chúng ta liên tưởng đến ngay một cuộc chơi đa dạng, năng động đầy thử thách, đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn, hy sinh và tinh thần đồng đội… Hành Trình Sa mạc không những giúp cho chúng ta hiểu rõ về cá tính và nhân cách của từng con người, mà còn hiểu rõ hơn về bài mà mình đã thụ huấn.
  • Hành Trình Sa mạc, là một trò chơi giáo dục cần nhiều giờ cho nhiều người tham dự, được chơi tại một khu đất rộng có nhiều chướng ngại vật thiên nhiên. Chia thành nhiều giai đoạn, thử thách, phiên lưu, thi đua hào hứng… Và được lồng vào trong một câu chuyện giáo dục .
2. Nền Tảng của Phong Trào TNTT là nội dung chính cho Hành Trình Đức Tin
Thánh Kinh, Thánh Thể và Giáo Huấn của Giáo Hội là những nguồn tài liệu phong phú nhất để giáo dục và hướng dẫn con người về thể lý, trí tuệ, tình cảm, đức tin… Những diễn biến lịch sử, những trình thuật của Thánh Kinh là những câu chuyện và bài học mà Thiên Chúa gửi đến nhân loại qua nhiều cách thức khác nhau, mà Hành Trình Sa mạc là một trong những phương thức hữu hiệu và thực dụng nhất để làm nổi bật những nét độc đáo mà trong sinh hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể muốn truyền đạt.

3. Mục đích của Hành Trình Sa mạc
  • Tạo khung cảnh và bầu khí Thánh Kinh qua sinh hoạt của trò chơi.
  • Trắc nghiệm lại các bài học giáo lý, Thánh Kinh, niềm tin…
  • Khảo hạch các kiến thức, chuyên môn, tài tháo vát, trí thông minh, thể lý…
  • Cảm nghiệm và sống lại các câu chuyện tình thương của Thiên Chúa qua lịch sử ơn cứu độ, lịch sử danh nhân, hoặc các câu chuyện cổ tích nhân gian, để áp dụng vào đới sống hằng ngày qua những việc lành phúc đức.
  • Tạo tinh thần đồng đội, bầu khí vui tươi, sống động, đoàn kết, kỷ luật, và ham học hỏi.
4. Nguyên tắc sáng tác và soạn Hành Trình Sa mạc
  • Chọn đề tài và chủ đề
- Ấn định chủ đích giáo dục: những chuyên môn nào cần thử thách, những đề tài nào cần thi đua, những đức tính và tài khéo léo nào cần được phát triển.
- Chủ đề cần phải thích hợp với giới tính, tuổi tác, khả năng, địa thế, thời tiết…
  • Tìm và đọc đoạn Thánh Kinh, câu chuyện thích hợp (gợi hứng từ Thánh Kinh): đọc thật kỹ diễn tiến từng bối cảnh liên quan đến chủ đề, giúp kích thích trí tưởng tượng để cho cuộc Hành Trình thêm hào hứng.
  • Xác định mục tiêu giáo dục huấn luyện (thể, tâm, trí, đức tin…)
- Đừng quá tham lam để bày ra nhiều chủ đích quá phức tạp tốn nhiều thời gian, khiến các em mệt mỏi, nản chí, gây chia rẽ… là điều trái ngược với mục đích giáo dục của Phong Trào đã đề ra.
  • Sắp xếp luật chơi, số người tham dự, phân chia nhiệm vụ, bao nhiêu trạm…
- Soạn thảo luật chơi cần đơn giản và rõ ràng
- Phân phối Trưởng theo từng trạm và các phần vụ cần chu toàn
  • Bày trí khung cảnh các trạm thích hợp với chủ đề
- Tại mỗi trạm cần nơi vắng vẻ, xa chỗ đông người hoặc tuỳ theo chủ để mà chọn cho thích hợp.
Kiểm soát an toàn chung quanh từ nơi đợi đến trạm chính. Trang hoàng khung cảnh hợp với chủ đề.
  • Diễn tiến cuộc hành trình cho từng trạm
Trình bày và phổ biến tổng quát những điểm chính của mỗi trạm một cách rõ ràng cho mọi người thấu đáo.
  • Ước tính thời gian, và trở ngại nếu có (cho từng trạm và toàn cuộc hành trình).
Ấn định thời gian cho mỗi đội hoặc cá nhân tại mỗi trạm hay mỗi đoạn đường đi, để cuộc chơi được điều hoà.
Nếu cuộc hành trình bị “cháy”, cần dừng lại kịp thời để điều chỉnh. Làm sao các em còn ham thích khi cuộc hành trình đã chấm dứt.
  • Chọn địa điểm thích hợp cho đề tài, lứa tuổi và phái tính.
Phải đến tận nơi để quan sát khung cảnh, nơi sẽ diễn ra cuộc hành trình trước một tuần để có khái niệm chuẩn bị và soạn thảo trò chơi.
- Có thể hỏi thăm, bản đồ hướng dẫn lộ trình
Có những nơi cần phải xin phép và giới hạn phạm vi, cần phải tham khảo trước với giới hữu trách địa phương về các luật lệ…
  • Chuẩn bị mật thư, dấu đi đường, phương tiện liên lạc, dụng cụ sử dụng cho những cuộc mạo hiểm hay thử thách, hoá trang…
Phác hoạ lược đồ hay trình bày những trần đồ để kích thích óc mạo hiểm…
- Trù liệu những tắc nghẽn và giải quyết tức khắc.
- Ra lệnh và truyền lệnh một cách chính xác và rõ ràng.
  • Nhân sự thích hợp trong suốt thời gian bắt đầu và kết thúc cuộc hành trình.
- Thi hành và làm tròn bổn phận giao phó
  • Điều kiện và trách nhiệm Trưởng đứng trạm.
- Để ý và theo dõi trong cuộc hành trình: chấm điểm, đề phòng các nguy hiểm trên đường đi.
- Liên lạc thường xuyên với các trạm khác để biết diễn tiến.
Chọn các Trưởng có khả năng cao hơn các tham dự viên.

5. Tổ chức và điều hành cuộc hành trình
  • Chuẩn bị:
Ban điều hành phải hiểu rõ nội dung và diễn tiến của cuộc hành trình
. Có thể trình bày diễn tiến chi tiết cho các Trưởng trạm hiểu rõ.
. Chọn địa điểm, lộ trình, những trở ngại cần vượt qua từ nơi xuất phát đến nơi kết thúc.
Đến địa điểm trước để sắp xếp, sửa soạn, ướm định thời gian, đặt trạm để thích nghi với chủ đề, nên lợi dụng tối đa cảnh vật thiên nhiên.
Sắp đặt các Trưởng ở từng trạm, từng đoạn đường, hoá trang thành nhân vật hoặc vai trò mà mình sẽ thủ diễn.
Cách thức chấm điểm, giới hạn thời gian tại mỗi trạm, khảo hạch như thế nào? Trò chơi của mỗi trạm ra sao? Có phù hợp với khung cảnh không? Tuỳ thuộc tài ứng biến của Trưởng trạm.
Các Trưởng trạm phải nắm vững diễn tiến của trạm trước, vai trò và nhiệm vụ của mình. Cần đến trạm trước 20 phút để bố trí và trang bị các dụng cụ cần thiết cho trạm của mình.
. Duyệt qua diễn tiến trò chơi, xem lại các dụng cụ cứu thương, mật thư, dấu đi đường, phương tiện liên lạc, phương tiện di chuyển, bản tin… Cho các em hoặc các đội biết phải mang theo những gì cần thiết cho cả cuộc hành trình.
  • Trước khi bắt đầu cuộc Hành Trình:
. Ấn định thời gian để các đội chuẩn bị (thường thì 15 phút trước khi bắt đầu)
. Tập họp chung tất cả các đội lại
. Truyền lệnh, chỉ dẫn cách thức, luật chơi, thi đua, chấm điểm
. Dành ra 10 phút đến viếng Thánh Thể, để chuẩn bị cho cuộc hành trình.
. Người đứng đầu (người điều khiển) cuộc hành trình giải đáp các thắc mắc, câu hỏi của các đội hay các cá nhân để am tường và hiểu rõ nội dung của cuộc hành trình.
  • Bắt đầu Cuộc Hành Trình Sa mạc
Kể câu chuyện ngắn gọn, tóm tắt nội dung để dẫn ý (nên chọn một người nắm vững chủ đích của câu chuyện).
Thổi Morse, Semaphore, hoặc bất cứ dấu hiệu nào đó để các đội nhận diện tìm đến điểm khởi hành. Thời gian bắt đầu tính từ lúc đội đầu tiên khởi hành.
  • Trong khi diễn tiến Hành Trình Sa mạc
. Kiểm soát chặt chẽ diễn tiến của từng trạm, chú ý đến tinh thần cá nhân, các đội thi đua… Chú ý đặc biệt đến thể lý và tâm lý của từng người tham dự.
. Theo dõi kết quả từng trạm và tính thời gian cho đúng chương trình như đã dự liệu.
Lưu ý: Vì là một trò chơi giáo dục, chú trọng nhiều về việc thăng tiến con người nhân bản. Khi phạt, phải được hiểu là một “trò chơi giáo dục” chứ không phải là một hình phạt thích đáng. Khi cần ra hình phạt, nên tìm một hình thức vui chơi nào đó có giáo dục. Tuyệt đối không nên áp đặt những hình phạt cực hình hoặc khổ nhục hình trong cuộc hành trình này.
  • Kết thúc cuộc Hành Trình Sa mạc
Họp ban điều hành để rút ưu khuyết điểm: nên đề cập đến cái dở để làm hay cho lần tới.
Không nên công bố kết quả ngay. Tuyên bố kết quả cần rất tế nhị: mục tiêu giáo dục là chính, tránh sự cạnh tranh hơn thua.
Các Trưởng trạm nhận xét vê Cuộc Hành Trình trong lúc các em họp đội: bàn đến nội dung và bố cục của cuộc Hành Trình.
Để soạn thảo và áp dụng thành công, các Trưởng cần lưu ý đến những điểm gợi ý sau đây; Tuy nhiên, sẽ có những trường hợp hoặc môi trường không thể áp dụng hay thử nghiệm được.

Vai Trò và Nhiệm Vụ của Trưởng Phụ Trách
  • Trưởng điều khiển:
  • Nghiên cứu và chuẩn bị (khoảng 2 tháng)
  • Giữ liên lạc thường xuyên với các trạm để theo dõi diễn tiến, và giải quyết cấp thời những bế tắc có thể xảy ra.
  • Chiụ trách nhiệm hoàn toàn từ nội dung đến hình thức về cuộc hành trình trước Ban Huấn Luyện và Điều Hành Sa Mạc liên hệ.
  • Trình bày và phổ biến: mục tiêu, cách và áp dụng luật chơi… để kích thích óc tưởng tượng, phiên lưu…
  • Nên có một thảo hoạch phụ kèm theo đề phòng nếu Cuộc Hành Trình gặp trở ngại.
  • Trưởng truyền lệnh:
  • Chuẩn bị các hiệu lệnh từ lúc bắt đầu đến nơi kết thúc: dấu đường, địa bàn, phương hướng, bản đồ, mật thư, tù và…
  • Ấn định rõ trường hợp khi nào sử dụng khẩn cấp SOS.
  • Các mật lệnh cần chính xác, rõ ràng và hợp với khả năng của đối tượng.
  • Trưởng trạm:
  • Trách nhiệm về trạm và nội dung sinh hoạt của trạm mình.
  • Trách nhiệm về các trò chơi khảo hạch, thưởng phạt theo đúng tinh thần của cuộc hành trình.
  • Đóng đúng vai trò và sứ mạng cần truyền đạt
  • Vui buồn trong suốt cuộc hành trình phần nhiều trách nhiệm thuộc về trưởng trạm.
  • Ban cứu thương:
  • Theo dõi và quan sát các em trên các lộ trình: mệt mỏi, đói lạnh…
  • Lo an toàn và can thiệp lúc gặp nguy hiểm và tai nạn.
  • Đề phòng hoả hoạn, rắn cắn, trấn tĩnh các em ở những nơi có cảnh vật hãi hùng…
  • Ban tuần kiểm:
  • Đi qua lại tuần kiểm để điều hoà cả cuộc hành trình cho tốt đẹp: thu dọn những dấu vết đã đi qua.
  • Giúp các em thi hành luật cho đúng, làm trọng tài giải quyết những vụ rắc rối.
  • Kiểm soát các em (đội) bị loại hoặc đi ra ngoài phạm vi cấm.
  • Kết luận
Trong tất cả các sa mạc huấn luyện, hay các cuộc cắm trại vui chơi… Cuộc Hành Trình hoặc Trò Chơi Lớn thường là một môn chơi hấp dẫn nhất, hào hứng nhất, nhớ lâu nhất, kỷ niệm nhất, và có công hiệu giáo dục nhất; Nếu các bạn cùng nhau cộng tác, biết chọn trò chơi thích hợp cho từng lứa tuổi, hợp với khả năng, và có một chủ đích tốt.
Một Cuộc Hành Trình kết quả thường không chỉ là những kỷ niệm chóng qua, nhưng là những nuối tiếc luôn nhắc nhớ trên môi những người tham dự.

bài liên quan mới nhất

Lễ Đức Mẹ Mân Côi: “Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng