Mỗi buổi sáng tôi vẫn thường quét những chiếc lá rơi rụng trên sân trường. Nếu như trước đây, sau khi làm xong, tôi sẽ mở cổng đón các "thiên thần nhỏ" vào trường. 

Hôm nay, tôi vẫn quét rác, nhưng cổng trường sẽ chẳng được mở, chẳng có một ai tới trường, các em nhỏ của tôi phải ở nhà để phòng ngừa nhiễm Covid-19. 

Tôi nhớ các em vô cùng, nhớ những ánh mắt thơ ngây, những nụ cười hồn nhiên và cả những trò tinh nghịch của những học trò “siêu quậy”.

Đang miên man suy nghĩ, bỗng giật mình vì tiếng gọi phía sau: “Con chào Soeur quét rác!”. Tôi quay lại… Là em, học trò của tôi… Sao em có mặt ở đây?... Chưa kịp trả lời, nó đã chạy lại ôm lấy tôi: “Con nhớ Soeur quá ah!”. Dễ thương biết bao sự đơn sơ và hồn nhiên của em. 

Đáp nụ cười chào em, gợi vài câu hỏi dành cho em… tôi lại càng nhớ về các bé mà tôi đã từng chăm sóc, dạy dỗ…
Một làn gió nhẹ thổi, những chiếc lá bay xa… 
Chuyện trò với em, bao câu nói đơn sơ, nhiều cử chỉ dễ thương, những trò chơi tinh nghịch trong giờ học của bọn trẻ ùa về … cho tôi những bài học từ các bé.

Trong cái nhìn của nhiều người, giáo viên mầm non vẫn được coi là cái nghề mà “khổ nhiều hơn sướng”. Suốt ngày thì tất bật với lũ trẻ, tối về phải chuẩn bị “giáo án” để có những giờ lên tiết dễ hiểu nhất dành cho bé, rồi còn phải làm đồ dùng đồ chơi để bé được trải nghiệm. Hơn thế nữa, giáo viên mầm non còn phải chịu nhiều áp lực từ mọi phía khi thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục trẻ. 

Dẫu biết thế, nhưng là người giáo viên mang danh hiệu Mến Thánh Giá, tôi hiểu rằng: chính Thiên Chúa đã mời gọi tôi cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài, khi đặt để bên cạnh tôi và chị em những mầm non tương lai của Giáo hội và xã hội. Giúp các em hình thành và phát triển nhân cách cho phù hợp với phẩm giá của một con người, đó là sứ mạng Chúa trao cho tôi qua Hội dòng. Nhưng khi được ở bên các em, tôi sớm nhận ra rằng, các em cũng chính là những người thầy của tôi, các em đã đem lại cho tôi biết bao bài học ý nghĩa mà tôi thiết nghĩ chẳng có giá nào tôi có thể mua nó được.  

Bài học đầu tiên mà tôi nhận được từ các em là lòng đơn sơ, phó thác. Trẻ con biết cách tận hưởng cuộc sống, chúng chơi với nhau một cách vô tư, hồn nhiên, say sưa khám phá những điều mới, dám nói những gì mình nghĩ, dám hỏi những gì mình chưa biết. Trong vòng tay yêu thương của những người lớn xung quanh, các em thả mình vào những trò chơi hay làm điều gì đó mình thích mà không hề biểu lộ sự sợ hãi nào vì chúng biết đã có người lớn bên cạnh rồi. Nhớ về các em, tôi thầm nghĩ giá như mình cũng biết luôn sống đơn sơ, phó thác vào Chúa giống như các em thì tốt biết mấy.

Sự quan tâm và tình yêu thương chân thành đó cũng chính là bài học thứ hai mà tôi nhận được. Cứ mỗi ngày lên lớp, những lời dễ thương cứ thỏ thẻ bên tai tôi: “Soeur ơi, bạn Lan bị ốm hay sao mà không đi học vậy soeur?, “Soeur ơi, mẹ con mới mua cho con một chiếc xe tăng, hôm nay con mang lên để các bạn cùng chơi”, “Con chơi với bạn là không được đánh bạn phải không soeur?”, “Sao hôm nay soeur nói nhỏ thế, soeur mệt ah!”…. Nghe những lời như thế lòng tôi dạt dào niềm cảm xúc. Với trí hiểu hạn hẹp của bé, có lẽ các em chưa thể hiểu được yêu là gì, thương là như thế nào và quan tâm ra sao, nhưng trong những lời nói và hành động nhỏ, các em đã thể hiện được sự yêu thương, quan tâm. Tình thương ấy rất đơn giản, rất dễ hiểu và cũng rất chân thành, các em đến với nhau, chơi với nhau, cho nhau những món đồ chơi không nhất thiết là người đó phải mang lại lợi ích cho chúng. Còn tôi và bạn thì sao? 

Tôi vẫn không thể quên một học trò cá biệt của lớp, em được đặt biệt danh là “siêu quậy”. Với đủ thứ trò nghịch ngợm, em đã khiến tôi bao phen phải đau đầu, mệt mỏi. Đôi lúc tôi mong em nghỉ học một vài ngày cho tôi đỡ khổ… Vậy mà trong một giờ tạo hình tự chọn, em đã nặn một chiếc vòng tới bên cạnh tôi và nói: “Soeur ơi, con tặng Soeur chiếc vòng nè”. Cầm chiếc vòng em trao, tôi thấy lòng mình thật xấu hổ. Em không hề giận tôi, cả khi tôi chưa trao hết tình thương cho em, có lúc còn trách phạt em, em vẫn dành cho tôi một chỗ đứng đặc biệt trong tâm hồn em. Đó cũng là bài học thứ ba mà tôi nhận được – bài học về lòng vị tha. 

Bài học về sự vui tươi. Các em cười một cách tự do ngay cả khi chỉ có một mình. Mọi thứ đều trở nên ngộ nghĩnh trong nhận thức của một đứa trẻ, chỉ cần thấy một đồ vật gì đó màu sắc hấp dẫn là đã có thể khiến chúng nghịch nó một cách vui vẻ. Các em cũng biết làm thế nào để có niềm vui. Hãy xem chúng chơi với những thứ rất thường như lá cây, que kem, hay tờ giấy…Cuộc sống sẽ trở nên đẹp như thế nào, nếu tôi và bạn cũng chú ý đến những điều bé nhỏ như vậy giống lũ trẻ? “Chính đứa trẻ tạo nên người lớn, và không người lớn nào tồn tại mà không được tạo nên từ đứa trẻ trước kia”.( x.Từ điển danh ngôn)

Còn biết bao bài học khác mà những đứa trẻ đã gửi tặng cho tôi. Tôi nhận ra một điều rằng dù trong bất cứ công việc gì, nếu tôi chỉ làm cho xong mà không có hồn, nghĩa là không đặt vào đó cái tâm của mình thì tôi sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán chường, vì sự đồng điệu, nhàm chán với nhiều công việc phải chu toàn. Nhưng khi để một chút hương vị của tình yêu, tôi thấy công việc ấy có ý nghĩa hơn. Qua những năm tháng được ở bên các em, được hòa vào đức tính đơn sơ, dễ thương của con trẻ, tôi cảm thấy những khó khăn chỉ là một nét chấm phá trong muôn vàn nét chấm phá khác của bức tranh muôn màu của cuộc sống mà thôi, bởi điều tôi nhận được lại có giá trị hơn điều tôi trao ban. 

Và…hơn lúc nào và thứ gì khác, luôn cần nơi người giáo viên mầm non một tấm lòng nhân ái, một trái tim biết yêu thương. “Một đứa trẻ cảm nhận tình yêu sâu sắc đối với môi trường xung quanh và đối với tất cả sinh vật, đứa trẻ đã phát hiện niềm vui và sự nhiệt tình trong hoạt động, cho chúng ta lý do để hy vọng rằng nhân loại có thể phát triển theo hướng mới” . (x. Từ điển danh ngôn)

Dùng lòng nhân ái để giáo dục trẻ là một con đường chân chính nhất và hiệu quả nhất bởi “Nhân cách của người thầy chính là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đến nhân cách của người học, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa hay bất kỳ câu chuyện đạo đức, bất kỳ hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác” (Usinxki).

Bài học từ trẻ thơ giúp tôi khám phá tiếng nói của Chúa qua sứ mạng Ngài trao. Tôi cũng là một người học trò đang được hướng dẫn bởi tình yêu thương và sự nâng đỡ của quý chị em trong Hội dòng, và một người thầy rất đặc biệt là Thầy Giêsu. Học trò của tôi thật dễ thương, nhưng khi tôi làm học trò, tôi lại chưa có được đức tính của các em. Bởi tôi còn quá yêu bản thân mình, nên nhiều lúc tôi cảm thấy buồn phiền, chới với khi được sửa dạy… Tôi đã phụ ơn Thầy Giêsu và cũng đã nhiều lần tôi làm buồn lòng những người hướng dẫn cuộc đời tôi. Tôi ước mình trở nên là một em nhỏ để trên mỗi bước đi của cuộc đời, tôi không chỉ đi bằng đôi chân của tôi, nhưng biết buông mình trong tay Chúa từ nhân. Từ đây, tôi sẽ cố gắng sống đức tính của trẻ thơ, theo như Lời Chúa mời gọi: “Hãy nên như trẻ nhỏ” (Mt 18,4). Nếu tôi chịu khó học tập từ trẻ con, và mang cho mình “một trí tuệ của người lớn, và một tâm hồn của trẻ thơ”, thì chắc là cuộc sống sẽ đơn giản, tươi đẹp và ý nghĩa hơn.

Cuộc sống vẫn luôn ẩn chứa những điều kỳ diệu. Trong bất kỳ công việc nào, dù rất bình thường, rất đơn giản, nó vẫn luôn cho tôi và bạn những bài học quý giá. Hãy dừng lại một chút để rút ra những bài học cho riêng mình qua những công việc Chúa trao. Trên hành trình dâng hiến, Chúa sẽ dùng tôi để thực hiện những công việc của Ngài. Ngài trao cho tôi công việc gì, điều đó không quan trọng, quan trọng là tôi sẽ biết đặt tình yêu vào công việc tôi làm như thế nào, tôi có ý thức tìm vinh danh Chúa qua bổn phận Chúa trao hay không? 
Xin Chúa uốn nắn tâm hồn và cuộc sống của con, để từ đây con trở nên như cây bút chì trong lòng bàn tay Chúa và luôn có một tâm hồn trẻ thơ khi sống trước Thánh nhan Ngài.

Xin chia sẻ vài cảm nhận rất riêng xen lẫn những khát vọng và cố gắng trong sứ mạng của người sống đời tận hiến theo Linh đạo Mến Thánh Giá. 

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 20/4: Thánh Anê Môntepuxiano (1268-1317)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng