Làm sao để lời “Ta khát” của Chúa Giêsu tiếp thêm sức mạnh cho tình yêu

LÀM SAO ĐỂ LỜI “TA KHÁT” CỦA CHÚA GIÊSU TIẾP THÊM SỨC MẠNH CHO TÌNH YÊU

Ta khát” là câu ngắn nhất trong những lời cuối cùng của Chúa Giêsu (Ga 19, 28). Tuy thế, câu này lại chứa đựng ý nghĩa thâm sâu khôn dò.

Khi nói “Ta khát”, trước hết, Chúa Giêsu đề cập tới cơn khát thể lý của Người theo cấp độ thứ nhất và theo nghĩa đen. Cơn khát thể lý của Chúa không phải là chi tiết tầm thường trong câu chuyện Thương Khó mà là đã được tiên báo trong Cựu Ước. Thánh vịnh 22 cho thấy việc Người cảm thấy “cổ họng khô ran như ngói, lưỡi với hàm dính lại cùng nhau” (Tv 22, 16). Thánh vịnh 69 thậm chí diễn tả rõ hơn: “Kêu hoài nên kiệt sức, họng con đã ráo khô” (Tv 69, 4). Khi những người lính đứng dưới chân thập giá nghe Chúa Giêsu nói “Ta khát”, họ thấy “có một bình đầy giấm, nên liền lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người” (Ga 19, 29). Những người lính hiểu lời tuyên bố của Chúa về cơn khát của Người thuần tuý theo nghĩa đen, và họ lợi dụng tình thế để hành hạ Người thêm khi thay vì cho Người một chút nước, họ lại cho Người uống giấm. Khi làm như vậy, họ đã làm những lời của Thánh Vịnh 69 nên ứng nghiệm: “Ta khát nước, lại cho uống giấm chua” (c.22).

Thứ đến, ở cấp độ thứ hai và mang tính biểu tượng hơn, cơn khát của Chúa mạc khải một điều gì đó sâu xa hơn đang diễn ra trong tâm hồn Người. Ngày nay, người phương Tây có xu hướng sử dụng từ vựng khá trừu tượng để mô tả trạng thái tâm lý hoặc tinh thần bên trong con người, nhưng người Dothái cổ đại thường diễn tả những trạng thái bên trong bằng từ vựng mang tính thể lý và thế tục. Một người Dothái cổ đại không chỉ nói: “Tôi buồn sầu” mà sẽ nói: “Rên xiết đã nhiều, nên tôi mệt mỏi, trên giường ngủ, những thổn thức năm canh, từng giọt vắn dài, lệ tuôn đẫm gối” (Tv 6, 7). Cũng vậy, một người Dothái cổ đại sẽ không chỉ nói với Chúa “Con yêu Chúa”, mà sẽ nói: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông” (Tv 63, 2). Đối với người Do Thái cổ đại, ngôn ngữ của cơn khát là ngôn ngữ của tình yêu.

Chúa Giêsu công bố tình yêu của Người

Nhưng liệu Chúa công bố tình yêu của Người với ai khi nói “Ta khát”? Có lẽ Người bày tỏ tình yêu với Chúa Cha, ngụ ý về niềm khao khát cháy bỏng được trở về nhà Cha. Vả lại, chắc chắn Chúa cũng công bố tình yêu của Người dành cho bạn và cho tôi. Người đang nói cho chúng ta biết lý do chính tại sao Người phải chịu đựng mọi cực hình trong Cuộc Khổ nạn. Như Kinh thánh nói với chúng ta rằng, yêu thương “chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 7), và Chúa Giêsu “yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1). Tại sao Chúa Giêsu chết trên thập giá? Người chết như thế vì tình yêu dành cho bạn và cho tôi. “Ðức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi” (Rm 5, 8).

Ta khát” diễn tả mức độ trọn vẹn của tình yêu Đức Kitô dành cho chúng ta. Tuy vậy, ai có thể dò được chiều sâu tình yêu của Người? Thánh Thomas Aquinas nói rằng: “Chẳng ai có thể biết Đức Kitô đã yêu thương chúng ta đến mức nào”. Vì tình yêu của Đức Kitô, giống như sự bình an của Người, vượt lên trên mọi sự hiểu biết (x.Phil 4, 7; x.Eph 3, 19). Mặc dù tình yêu của Đức Kitô vượt quá mọi điều mà bạn và tôi có thể hiểu được, nhưng tình yêu của Người không hoàn toàn bị che giấu khỏi chúng ta. Thiên Chúa ban Thánh Thần tình yêu của Người cho các Thánh, và nhờ ánh sáng của Thánh Thần, nhiều vị Thánh đã trải nghiệm được chiều dài, rộng, cao sâu của tình yêu Đức Kitô dành cho chúng ta.

Cuộc gặp gỡ của Mẹ Têrêsa Calcuta với Đức Kitô

Một ví dụ điển hình là Thánh Têrêsa Calcutta. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Mẹ đã trở thành một chứng nhân đặc biệt cho cơn khát mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Năm 18 tuổi, Mẹ rời ngôi nhà thời thơ ấu của mình để gia nhập Dòng Sisters of Loretto. Chỉ vài tháng sau, Mẹ rời quê hương Albania để trở thành một nhà thừa sai tại Ấn Độ, nơi Mẹ tuyên khấn trở thành nữ tu. Cảnh sống nghèo nàn của người dân Calcutta đã gây ấn tượng sâu sắc đối với Mẹ.

Và rồi, 15 năm sau, vào ngày 10/9/1946, Mẹ bắt chuyến tàu đi tĩnh tâm năm ở Darjeeling. Trên chuyến tàu, Mẹ đã nhận được một ân sủng đặc biệt – một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô– trong đó Người mạc khải cho Mẹ một điều gì đó về mầu nhiệm cơn khát của Người. Ân sủng và ánh sáng của cuộc gặp gỡ này riêng tư và sâu sắc đến nỗi Mẹ hiếm khi nói về điều đó với bất kỳ ai ngoại trừ các vị linh hướng của mình. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, những gì được mạc khải với Mẹ dần dần được sáng tỏ cho thế giới biết.

Dường như điều được ban cho Mẹ trên chuyến tàu hôm ấy là ân sủng giúp Mẹ hiểu rằng khi Chúa Giêsu nói “Ta khát” trên thập giá, Người đang công khai tuyên bố về tình yêu sâu xa và lòng khao khát của Người dành cho cá nhân Mẹ. Những lời của Người là sự mặc khải về ý muốn của Thiên Chúa để Mẹ được sống trong trái tim Chúa Giêsu. Tuy nhiên, mong muốn này không chỉ dành cho bản thân Mẹ Têrêsa mà thôi, mà còn dành cho mỗi người chúng ta một cách cá vị. Dường như điều được ban cho Mẹ là trải nghiệm điều gì đó về sự khao khát của Chúa Giêsu dành cho Mẹ và cho tất cả mọi người. Khi được thưởng nếm một ngụm đặc biệt từ nguồn suối tình yêu của Chúa Giêsu cũng là lúc Mẹ biết mình được mời gọi để đáp lại tình yêu này. Kể từ giây phút đó, Mẹ được mời gọi dành phần đời còn lại để đáp lại cơn khát của Chúa Giêsu.

Mẹ cũng thấy rõ phải làm sao để làm dịu cơn khát của Chúa Giêsu. Là người am hiểu những lời dạy của Thánh Thérèse thành Lisieux, và thậm chí còn được đặt tên theo tên của vị thánh Bông hoa nhỏ, Mẹ nhận thức rõ rằng ngay cả những hành động yêu thương nhỏ nhất cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với Chúa Giêsu. Mẹ biết rằng để làm dịu cơn khát của Chúa Giêsu, không cần thiết phải làm những điều vĩ đại mà chỉ cần làm những việc nhỏ bé với tình yêu lớn lao là đủ. Cảm hứng của Mẹ trên chuyến tàu là làm dịu cơn khát của Chúa Giêsu nơi những người nghèo nhất trong số những người nghèo bằng bất cứ cách nào có thể. Những người nghèo nhất trong số những người nghèo không phải là số ít hoặc ở rất xa, mà ở xung quanh Mẹ, ngay tại khu ổ chuột ở Calcutta.

Cho đến nay, trong nhà nguyện của mỗi nhà thuộc Dòng Thừa Sai Bác Ái trên khắp thế giới, bên cạnh cây thánh giá, người ta luôn thấy trên tường có dòng chữ: “Ta khát”. Những lời này nhắc nhở rằng mỗi chúng ta được mời gọi yêu mến Đấng đã yêu thương chúng ta ngay cả trước khi tạo thành thế gian. Là Kitô hữu, ơn gọi của chúng ta là làm dịu cơn khát của Đấng đã khát chúng ta trên thập giá; là lưu tâm đến những người bên cạnh đang khát tình yêu, và làm dịu cơn khát của họ bằng bất cứ cách nhỏ bé nào mà chúng ta có thể. Đôi khi, tất cả những gì chúng ta có thể làm chỉ là nở nụ cười, mà đối với Chúa Giêsu, nụ cười đó cũng có ý nghĩa rất quan trọng vì nó làm dịu cơn khát của Người nơi những người không được yêu thương.

Trong những năm cuối đời, những người thân cận nhất với Mẹ Têrêsa bắt đầu nghe Mẹ nói thêm một chút về những gì đã xảy ra với Mẹ trên chuyến tàu gần 50 năm trước. Vào năm 1993, có nghĩa là 4 năm trước khi qua đời, Mẹ đã viết một lá thư cho tất cả nữ tu của Dòng về cơn khát của Chúa Giêsu. Đây là những gì Mẹ đề cập trong thư:

Đối với tôi, cơn khát của Chúa Giêsu là một điều gì đó rất riêng tư - vì vậy cho đến nay, tôi vẫn cảm thấy ngại ngùng khi nói với các chị em về ngày mồng 10.09 - tôi muốn làm như Đức Mẹ là 'giữ tất cả những điều này trong lòng'. Những lời của Chúa Giêsu trên tường của mọi nhà nguyện của Dòng Thừa sai Bác ái không chỉ là những lời trong quá khứ mà là những lời đang được nói với các chị em cách sống động ngay tại đây và lúc này. Chị em có tin điều đó không? Nếu có, chị em sẽ nghe thấy, sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Người. Hãy để điều đó trở nên thiết thân đối với mỗi chị em, như đã thiết thân đối với Đức Mẹ - đây là niềm vui lớn nhất mà chị em có thể mang lại cho tôi. Chính Chúa Giêsu phải là Đấng nói với chị em rằng ‘Ta khát’. Hãy nghe tên của mình. Không chỉ một lần, mà là hằng ngày. Nếu chị em lắng nghe bằng con tim, chị em sẽ nghe thấy và chị em sẽ hiểu”.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: oursundayvisitor.com (26. 02. 2024)

Nguồn: hdgmvietnam.com

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/4: Thánh Phêrô Channe – Linh mục, tử đạo (1803-1841)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng