Điều chúng ta tin. Phần 2: Kinh thánh nói gì về Đức Giêsu

https://www.simplycatholic.com/wp-content/uploads/2021/12/shutterstock_246112852.jpgĐể hiểu biết điều chúng ta tin, chúng ta cần đọc Kinh thánh. Nhưng Kinh thánh nói gì về Đức Giêsu?

Có một cách để giải đáp vấn đề này, đó là xem xét các tên gọi và tước hiệu của Đức Kitô. Thực tế thì Giáo lý Hội thánh Công giáo đã vận dụng cách tiếp cận ấy (x.GLHTCG, số 422-455). Các thần học gia, cả Công giáo lẫn Tin lành, cũng đã làm vậy qua hàng thế kỷ. Đơn giản mà nói, cách thuận tiện để khám phá việc Tân ước miêu tả về Đức Giêsu ra sao, đó là nghiên cứu các tước hiệu của Ngài. Chỉ cần phân tích một vài tước hiệu là đủ.

Điều mà Kinh thánh nói về Đức Kitô cách dứt khoát và lặp đi lặp lại nhiều nhất, như thánh Phêrô rao giảng vào lễ Ngũ tuần, là Ngài đã chịu khổ hình thập giá và bị giết chết, nhưng “Thiên Chúa đã cho Ngài trỗi dậy” (Cv 2, 23-24). Như thế, Đức Giêsu là Đấng Phục sinh. Đây chính là kinh nghiệm sâu sắc nhất của các môn đệ và điều đó cũng thôi thúc các ông loan báo cho tất cả những ai biết lắng nghe.

Tuy vậy, việc tin vào sứ điệp trung tâm ấy cuối cùng lại gợi lên nhiều câu hỏi hơn – những câu hỏi về tiểu sử. Đại loại như Đức Giêsu đến từ đâu? Cha mẹ Ngài là ai? Ngài đã làm, đã nói những gì? Rõ ràng, Đức Giêsu là một thầy dạy. Ngài cũng được thừa nhận là một vị ngôn sứ và đã hành động trong tư cách đó. Nhưng Đức Giêsu khác với các thầy dạy và ngôn sứ khác như thế nào? Các Tin mừng được viết để giải đáp cho những câu hỏi như thế – để thỏa mãn cho một đức tin tìm kiếm sự hiểu biết – giống như Theophilus, một nhân vật đã có khao khát ấy, như thánh Luca nhắc đến trong Tin mừng của ngài, (Lc 1, 3-4).

Sự khao khát và hiếu tri này nằm dưới tầng nền của các Tin mừng, và chúng đưa chúng ta bước vào toàn bộ thế giới Kinh thánh. Đức Giêsu từng chất vấn: “Người ta bảo Thầy là ai?”. Thánh Phêrô đã trả lời: “Thầy là Đấng Mêsia” (Mt 16, 6). Cũng như hầu hết những điều về Đức Giêsu được nói đến trong Tân ước, câu trả lời trên chỉ có ý nghĩa trong ánh sáng của Kinh thánh Hípri [Cựu ước]. Chẳng hạn, hạn từ “Mêsia”, Hy ngữ dịch là “Kitô”, đơn giản có nghĩa là “được xức dầu”. Trong Cựu ước, các ngôn sứ, tư tế và nhà vua cũng được “xức dầu”. Đấng Mêsia mà Tông đồ Anrê cũng như người phụ nữ Samari mong mỏi, được hình dung theo kiểu một vị vua, giống như những vị vua thời Cựu ước – nhắm đến việc Thiên Chúa hoàn tất lời hứa về vương quyền dành cho Đavít, rằng triều đại của ông sẽ vô cùng vô tận.

Như thế, có thể thấy rằng truyền thống Dothái đã soi rọi ý nghĩa cho Đức Giêsu. Điều này cũng đúng ngay với tên gọi “Jesus”. Đây là tên được thiên thần Gabriel loan báo cho Đức Maria (Lc 1, 31); tên ấy giống với danh xưng “Joshua” [Giôsua] mà đôi khi được phiên tự thành “Yeshua” hay “Yehoshua”. Là người kế vị Môsê, Giôsua đã đưa dân vào Đất Hứa. Đức Giêsu, theo một nghĩa nào đó, cũng đã làm như thế. Danh xưng này cũng gợi lên Tứ tự - YHWH, bốn phụ âm không được phép đọc, và đôi khi cũng không được phép viết, dùng để chỉ danh Thiên Chúa trong Kinh thánh Hípri. “Jesus” đơn giản có nghĩa là “YHWH cứu độ”.

Mạng lưới ý nghĩa của truyền thống Dothái cũng giúp chúng ta hiểu các tước hiệu như “Con Người”, là cách mà Đức Giêsu thường nói về chính mình. Từ này, theo một nghĩa, đơn thuần chỉ về “con người” giống như tất cả chúng ta đều là con cái “loài người” (Tv 8, 4). Tuy nhiên, theo một nghĩa khác – và đặc biệt là khi Đức Giêsu đề cập đến “Con Người” như Tin mừng Luca thuật lại – từ ấy gợi lại nhân vật bí ẩn xuất hiện trong Sách Đaniel, “con người” trình diện trước “Đấng Lão thành” và nhận lãnh “quyền thống trị vĩnh cửu, không bao giờ mai một” vào cùng tận lịch sử (Đn 7, 13-14). “Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người” (Lc 17,24). Ở đây, Đức Giêsu không đơn thuần dùng một thuật ngữ thông tục để chỉ “con người”. Đúng hơn, Ngài đang gắn mình vào vận mệnh được sách Đaniel mô tả. Khi Đức Giêsu nói về cái chết và sự phục sinh của mình, hay về ngày tận thế, hay khi Ngài tuyên bố rằng “Ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội”, đối với người nghe, đoạn văn huyền bí kể trên trong sách Đaniel có thể sẽ xuất hiện trong tâm trí; còn đối với các tác giả Tin mừng, đó là điều chắc chắn (Mt 17, 22-23; Mc 2, 10-11). Cứ như thể các thánh ký muốn chúng ta hiểu về Đức Giêsu, về việc Ngài là ai, về những gì xảy đến cho Ngài, và rằng chúng ta có thể hiểu về Ngài trong mối liên hệ với chiến thắng vĩnh cửu mà Đaniel đã nhìn thấy cách bí nhiệm.

Một hạn từ khác được Đức Giêsu sử dụng là “tôi tớ”. Phêrô từng gọi mình là “tôi tớ Đức Giêsu” (Cv 3, 13). Phaolô nói rằng Đức Giêsu “đã hủy mình ra không, mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2, 7). Đối với các Kitô hữu tiên khởi, nói về Đức Giêsu bằng tước hiệu này gợi lên Những Bài ca về người Tôi tớ trong Isaia. Chẳng hạn, trong Bài ca thứ IV, người tôi tớ “bị ruồng rẫy” và “bị đâm thâu vì chúng ta ngỗ nghịch”. Tuy nhiên, bản văn khẳng định, nhờ “những vết hằn ngài chịu mà chúng ta được chữa lành” (Is 53, 3-5). Thật dễ nhận ra cách các Kitô hữu sơ thời giải thích những bản văn này từ sách Isaia dưới ánh sáng của Đức Giêsu, chúng như những hình ảnh tiên báo cho cái chết và sự phục sinh của Ngài. Đây là cách Philípphê đã dùng để giảng giải về bản văn trên cho viên thái giám người Êthiôpia (x.Cv 8, 32-35). Cùng với hình ảnh trong sách Xuất hành, bản văn trên cũng có ý nói về điều Gioan đã thấy nơi Sách Khải huyền, về cuộc vinh thắng khải hoàn của “Con Chiên, trông như thể đã bị giết” (Kh 5, 6).

 Đức Giêsu còn được gọi là “Con Thiên Chúa”. Trong Cựu ước, “con Thiên Chúa” đôi khi chỉ một thiên thần hay một vị vua (G 1, 6; Tv 2, 7). Nhưng các Tin mừng chứa đựng ý hướng sâu xa hơn. Tin mừng Máccô, như được ghi nhận ở câu mở đầu, là “tin mừng của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1, 1). Toàn bộ câu chuyện Máccô kể hướng ta đến chỗ lĩnh hội lời mà viên đại đội trưởng bày tỏ. Dưới chân thập giá, ông thốt lên: “Quả thật người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15, 39). Nhưng lời này nói lên điều gì? Gọi Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa”, theo một nghĩa nào đó, không gợi tưởng lập tức đến thần tính của Ngài. Tuy vậy, khi Đức Giêsu cầu nguyện để được tôn vinh theo như vinh quang mà Ngài đã chia sẻ cùng Chúa Cha từ “trước khi thế gian được tạo thành”, chúng ta bắt đầu nhận ra “Con Thiên Chúa” còn có một ý nghĩa sâu xa hơn. Đúng hơn, như Đức Giêsu tuyên bố, nó mô tả mối tương quan độc nhất với Thiên Chúa, Đấng mà Ngài gọi là “Abba” hay “Cha”, (x.Ga 5, 17-18); và những kẻ tin cũng có được tương quan ấy khi được nhận làm nghĩa tử nhờ Thánh Thần (Rm 8, 15). Theo nghĩa này, Đức Giêsu là “trưởng tử” trong số các con cái Thiên Chúa, những người mà tâm hồn họ được đổ đầy Thánh Thần (Rm 8, 29; 5, 5).

Đến đây, tất cả mới chỉ đơn thuần nói về niềm hy vọng của Israel, và về việc điều đó được nên trọn nơi Đức Giêsu. Tuy nhiên, Ngài còn được gọi bằng nhiều cách khác nữa. Chẳng hạn, cả Phêrô và Phaolô đã gọi Đức Giêsu là “Đức Chúa” (Cv 2, 35; Rm 10, 9; Pl 2, 11), có lẽ đây là tước hiệu căn bản nhất mà người ta có thể nói về Ngài. Việc gọi Đức Giêsu là Đức Chúa vừa mang ý nghĩa tôn giáo lẫn chính trị. Về phương diện tôn giáo, người ta có thể rút ra kết luận, điều đó đồng nhất hóa Đức Giêsu với chính Thiên Chúa. Chẳng hạn, bất cứ khi nào các kinh sư Dothái tình cờ bắt gặp Tứ tự YHWH trong Kinh thánh Hípri, thì vì kính trọng, họ thường thay bằng danh xưng “Adonai”, nghĩa là “Đức Chúa”. Còn mặt chính trị, dĩ nhiên, Caesar là “chúa”. Như thế, gọi Đức Giêsu là “Đức Chúa” với một số người là sự báng bổ còn với số khác là mối dấy loạn. Đây là lý do tại sao các Kitô hữu từng bị buộc tội cũng như gặp nguy hiểm khi gọi Đức Giêsu là Đức Chúa.

Và cũng táo bạo không kém, ít nhất là về mặt triết học, khi gọi Đức Giêsu là “Lời”. Gioan đã gọi Đức Giêsu như thế, rằng Ngài là Lời “ở nơi Thiên Chúa” và “là Thiên Chúa” (Ga 1, 1). Điều này nên được đọc dưới ánh sáng của sách Isaia, theo đó, Thiên Chúa đề cập về lời phát xuất tự “miệng” Người (Is 55, 11), cũng như dưới ánh sáng của tất cả những lời của Thiên Chúa và Lề luật mà Môsê đã khẩn xin để cho dân Israel tuân giữ và truyền lại cho con cháu (Đnl 32, 46). Nó cũng gợi lên lời mà Thiên Chúa đã phán khi tạo dựng (St 1, 3). Tuy vậy, tâm thức Hy Lạp lại quan niệm về “Lời” theo những cách thế rất đa dạng: lời nói, ý niệm, nguyên tắc lý tính cấu tạo vũ trụ. Philo, một triết gia Dothái, hiểu đó là nguyên lý thần linh nơi vạn vật. Điều này làm cho tuyên bố của Gioan gây kinh ngạc, vì nơi Đức Giêsu, “Lời đã trở thành nhục thể” (Ga 1, 14). Ở đây, chúng ta đang nói không chỉ về sự hoàn tất niềm hy vọng của Israel, nhưng còn là điều gì đó lớn lao hơn. Một tuyên bố độc đáo mà phải đến mấy thế kỷ sau, Công đồng Nicêa mới tóm kết – Chúa Cha và Chúa Con “đồng bản thể”, Đức Giêsu là “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa”.

 Thực ra nội dung này chỉ là một phần rất nhỏ so với những gì Tân ước cho biết về Đức Giêsu. Tất nhiên là còn rất nhiều điều nữa. Gioan đã đề cập về ý tưởng này ở cuối Tin mừng của ngài (Ga 21, 25). Thánh Athanasiô cũng nói như vậy, rằng cố gắng học biết về Đức Giêsu cũng giống như cố gắng đếm những cơn sóng biển (Về Ngôi Lời Nhập thể, số 54). Quả thật là còn nhiều điều cần bàn. Tuy nhiên, người ta phải bắt đầu từ đâu đó, và Kinh thánh là nơi tốt nhất để khởi sự. Vì chưng, điều chúng ta tin được tìm thấy trong Kinh thánh, và ở đấy, bạn cũng sẽ được tìm thấy nếu kiên trì đọc. Vì sự thật là tất cả chúng ta được tìm kiếm bởi chính điều chúng ta đang tìm kiếm. Vậy nên, hãy cứ đọc cho đến khi bạn được tìm thấy. 

Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ

từ: simplycatholic.com

Nguồn: gpquinhon.org

Các bài đã đăng:

Điều chúng ta tin. Phần 1: Bắt đầu với Đức Giêsu và Kinh thánh

Điều chúng ta tin. Phần 2: Kinh thánh nói gì về Đức Giêsu

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/4: Thánh Phêrô Channe – Linh mục, tử đạo (1803-1841)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng