Cain đã dâng hoa màu của đất đai, nhưng, không được Chúa chấp nhận. Aben đã dâng những con chiên đầu lòng cùng mỡ của chúng, và được Chúa thương đoái nhận. Cain đã nhìn vào bộ đồ bằng lá cây do chính con người tự kết lại để che đậy sự lõa lồ của mình. Lá cây được lấy từ cây cối, hoa màu của đất đai, với những giọt mồ hôi tội lụy. Aben đã nhìn vào bộ đồ bằng da thú do chính Thiên Chúa làm và mặc cho con người để che giấu sự tủi hổ của họ. Da thú được lấy từ việc giết thú vật, với những giọt máu hồng tế hiến.
Cain đã nhìn vào một hình phạt với lời nguyền rủa: Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn. Vì thế, lễ vật của Cain là hoa màu của đất đai đã bị nguyền rủa, là hình phạt: phải đổ mồ hôi mới có được, và ông đã dâng lễ vật lên một vì Thiên Chúa bạo tàn hà khắc với ông. Aben đã nhìn vào một tình yêu với lời hứa cứu độ. Vì thế, lễ vật của Aben là chính chiên con bị sát tế, là hình ảnh báo trước Đấng Cứu Chuộc sẽ phải đổ máu mình ra để cứu độ ông, và ông đã dâng lễ vật lên một vì Thiên Chúa nhân từ thương xót ông.
Tại sao mãi đến chương 4 của Sáng Thế Ký, con người mới bắt đầu dâng lễ vật lên Chúa? Chúng ta biết rằng: ở cuối chương 3 của Sáng Thế Ký, loài người đã phạm tội, đánh mất mối tương giao với Thiên Chúa, và bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Con người trở thành tội nhân và thù địch với Thiên Chúa. Tội nhân không thể nào có mối tương quan với Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh. Để chuộc tội, thì cần có sự đổ máu của con vật bị sát tế, nên sau khi bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, loài người mới bắt đầu dâng lễ vật lên Thiên Chúa để nhận được ơn tha tội.
Chúng ta cũng nên nhớ rằng: Sáng Thế Ký được xếp đầu tiên trong bộ Ngũ Thư, nhưng lại được viết sau các sách khác, do đó, những quy định về tế lễ đã được nhìn theo cái nhìn hậu thiên của sách Lêvi. Cho nên, việc Cain dâng lễ vật không đẹp lòng Chúa, là do: ông đã tự làm theo ý riêng của mình, không theo lệnh truyền của Chúa khi dâng lễ vật (x.Lêvi chương 1 đến chương 7).
Đành rằng, con người cũng được mời gọi dâng của lễ lên Thiên Chúa bằng thổ sản, hay hoa lợi đầu mùa do chính tay mình trồng trọt như ở Cn 3, 9: “Của cải làm ra, con hãy dùng mà tôn vinh ĐỨC CHÚA, và hãy dâng lên Người phần hoa lợi đầu mùa của con”, hay trong Lv 2, 14-15: “Nếu các ngươi tiến dâng ĐỨC CHÚA của đầu mùa làm lễ phẩm, thì phải tiến dâng gié lúa rang, hột lúa mới đã xay, làm lễ phẩm của đầu mùa. Các ngươi sẽ đổ dầu lên trên và bỏ nhũ hương vào. Đó là lễ phẩm”. Tuy nhiên, trong bối cảnh của St 4, 3-5 này, việc dâng lễ vật của Cain và Aben không phải là việc dâng của lễ đầu mùa, nhưng là dâng hy lễ toàn thiêu: phải dâng “mỡ” vì vinh quang Thiên Chúa, và dâng “máu” vì sự thánh thiện và công chính của Người. Cain từ chối dâng của lễ toàn thiêu, đồng nghĩa, ông không chấp nhận mình là tội nhân trước Chúa. Do đó, chỉ có Aben được kể là công chính, còn Cain thì không. Điều này cũng tương tự dụ ngôn: hai người lên đền thờ cầu nguyện, khi trở về, người thu thuế thì được nên công chính, còn người Pha-ri-sêu thì không.
Không phải Thiên Chúa thích thịt chiên hơn thổ sản, nhưng Người nhận lễ vật của Aben là vì “Nhờ đức tin, ông Aben đã dâng lên Thiên Chúa một hy lễ cao quý hơn hy lễ của ông Cain: nhờ tin như vậy, ông Aben đã được chứng nhận là người công chính, bởi vì Thiên Chúa đã chấp nhận những lễ phẩm ông dâng. Và cũng nhờ tin như thế, mà tuy đã chết rồi, ông vẫn còn lên tiếng” (Hr 11, 4). Thật ra, Thiên Chúa cũng chẳng cần lễ vật của Aben, bởi vì: “Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận. Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50, 18-19). Do đó, của lễ đẹp lòng Chúa không phải là chiên con hay thổ sản. Của lễ đẹp lòng Chúa là tấm lòng ăn năn thống hối, là thái độ khiêm nhường: trông cậy vào lòng nhân từ và thương xót của Chúa.
Khi đến trước nhan Thiên Chúa, Aben nhận thức rõ mình là một tội nhân, nên thái độ của ông là tấm lòng tan nát giày vò, ông khiêm nhường ăn năn thống hối. Đó chính là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa, nên Người đã đoái thương đến ông và nhận lễ vật của ông.
Khi Thiên Chúa chẳng nhìn đến Cain và cũng không nhận lễ vật của ông, thì ông giận dữ, sa sầm nét mặt. Khi chúng ta đem tặng quà cho một ai đó, thì người ta có thể nhận hoặc không nhận, chúng ta không được tức tối với họ, vì đó là quyền và tự do của họ. Con người còn có quyền và tự do như thế, thì huống hồ Thiên Chúa, Người là Đấng Tạo Hóa toàn năng. Người có thẩm quyền tối thượng và tuyệt đối trên tất cả các thụ tạo của Người. Người hoàn toàn tự do để làm theo ý mình, như Người chọn dân Ítraen là dân riêng của Người, là do quyết định hoàn toàn tự do của Người. Vì vậy, việc Thiên Chúa không nhận lễ vật của Cain, cũng hoàn toàn là chuyện bình thường, Người có quyền làm như vậy. Tuy nhiên, Cain đã không chấp nhận điều đó, ông phủ nhận thẩm quyền tối thượng của Thiên Chúa, cho nên, ông giận dữ, sa sầm nét mặt. Sống ở đời, mười phần, thì đã: có đến tám, chín phần là không theo ý mình, nếu, lúc nào, chúng ta cũng đòi hỏi: mọi người, mọi việc phải diễn ra theo đúng như ý mình muốn, thì chúng ta sẽ tự chuốc khổ vào thân, và bất hạnh, tai ương sẽ tự động: ùn ùn kéo đến với chúng ta.
Chúng ta có thể rút ra bài học từ việc dâng lễ vật của Aben: (1) động cơ dâng lễ vật phải là lòng tin; (2) chất lượng của lễ vật phải là tốt nhất; (3) lễ vật đó phải làm đẹp lòng Chúa. Các tổ phụ: Nôê, Ápraam, Ixaác, Gicóp đều dâng lễ vật theo cách thức của Aben, và đã được Chúa thương chúc phúc. Chúng ta có thể lược qua một chút việc dâng lễ vật của ông Nôê. Sau khi sống sót qua trận Đại Hồng Thủy, Ông Nôê dựng một bàn thờ để kính ĐỨC CHÚA. Ông đã lấy một số trong các gia súc thanh sạch và các loài chim thanh sạch mà dâng làm lễ toàn thiêu trên bàn thờ (St 8, 20). Ông Nôê dâng lễ toàn thiêu đó trên bàn thờ mà ông đã dựng. Cách thức dâng lễ vật này chắc chắn đã làm đẹp lòng Thiên Chúa, bởi vì, Thánh Kinh nói: “ĐỨC CHÚA ngửi mùi thơm ngon, và ĐỨC CHÚA tự nhủ: “Ta sẽ không bao giờ nguyền rủa đất đai vì con người nữa. Lòng con người toan tính điều xấu từ khi còn trẻ, nhưng Ta sẽ không bao giờ còn sát hại mọi sinh vật như Ta đã làm” (St 8, 21), và Thiên Chúa ban phúc lành cho ông Nôê và các con ông, và Người phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất” (St 9, 1). Việc dâng lễ vật của ông Nôê là bằng chứng cho thấy đức tin mạnh mẽ của ông đặt nơi Đức Chúa và đường lối của Người. Vì ông Nôê luôn vâng lời Đức Chúa và làm theo lệnh truyền của Người, nên Thánh Kinh nói: “Ông Nôê là người công chính, hoàn hảo giữa những người đồng thời, và ông cùng đi với Thiên Chúa” (St 6, 9), hay “Nhờ đức tin, ông Nôê được Thiên Chúa báo cho biết những gì người ta chưa thấy; vì có lòng kính sợ Thiên Chúa, ông đã đóng một chiếc tàu để cứu gia đình ông. Tin như thế là ông đã lên án thế gian, và được phần gia nghiệp là sự công chính nhờ đức tin” (Hr 11, 7).
Thiên Chúa không cần lễ vật của chúng ta, nhưng chúng ta không thể đến với Chúa với hai bàn tay trắng.“Tốt lễ, dễ kêu”, chúng ta không thể kêu cầu Chúa, mà lại không có gì để dâng lên Người. Của lễ đẹp lòng Chúa là tấm lòng tan nát giày vò, thống hối ăn năn: càng khoét rỗng chính mình, chúng ta càng được Chúa đổ đầy; càng thấy mình bất lực, chúng ta càng được Chúa trợ lực; càng ngoan ngùy trong bàn tay Chúa, chúng ta càng trở nên tuyệt phẩm của Người.
Nguồn: giaophanvinhlong.net