Gia trưởng và "Ngày của Cha"

Người ta có thể viết rất nhiều và rất hay về mẹ, nhưng lại ngập ngừng, lúng túng khi viết về cha. Nhìn vào kho tàng ca dao tục ngữ, có thể có rất nhiều câu viết về tình mẹ, nhưng rất hiếm gặp những câu viết riêng về cha. Cha chỉ thường xuất hiện liền kề ngay với mẹ. Chẳng hạn:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

                                                                   (Ca dao)

Ơn cha nặng lắm ai ơi

Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.”

                                                                   (Ca dao)

Hiếm lắm mới thấy xuất hiện những câu dành riêng về cha như:

Con mất cha như nhà không có nóc

Con hơn cha, nhà có phúc

                                                                   (Tục ngữ)

Lý giải hiện tượng này thật không dễ, nhưng chỉ biêt rằng, dẫu xuất hiện với một tần xuất không nhiều trong văn thơ, nhưng không vì thế mà công ơn của cha bị xem nhẹ trong lòng người. Trái lại, cha giữ một vị trí vững vàng và quan trọng trong việc giáo dục và hình thành nhân cách trưởng thành cho con.

1.    Ngày con còn bé

Sau ngày cha mẹ về xây hạnh phúc cùng nhau, giây phút mẹ nói nhỏ vào tai cha rằng con được tượng hình trong lòng mẹ, đã khiến cha hạnh phúc biết chừng nào. Cha thầm tạ ơn Thiên Chúa đã cho cha cộng tác vào quyền năng sáng tạo, để một con người mới được xuất hiện trên thế gian này. Con dần lớn lên trong lòng mẹ, cha âm thầm lên kế hoạch của riêng cha: Sáng dậy sớm hơn để ra đồng và chiều về muộn hơn. Cha làm việc như chạy đua với thời gian để có một sự chuẩn bị chu toàn cho ngày ra đời của con.

Ngày mẹ một mình vượt cạn, cha thấy mình bất lực trước nỗi đau banh da xẻ thịt của mẹ. Thuở ấy, phòng hộ sinh không sẵn như bây giờ, cha cuống cuồng cầm đèn dầu trong đêm đi tìm bà mụ- bà đỡ, rồi chạy tới chạy lui ở phòng ngoài, thần kinh căng thẳng, nhịp tim dồn dập, chỉ đến khi nghe tiếng khóc chào đời của con, biết chắc mẹ tròn con vuông, cha mới thở phào trong hạnh phúc.

Những tháng ngày con nằm trong vòng tay mẹ, êm đềm giấc ngủ thiên thần với tiếng ru ngọt ngào nơi cánh võng. Cha cũng muốn suốt ngày gần bên con, để được hạnh phúc ngắm nhìn hoa trái của tình yêu, ngắm nhìn chính mình trong hình hài con trẻ ; nhưng ý thức trách nhiệm đã buộc cha tiếp tục bươn chải dòng đời, gánh nặng áo cơm của cả gia đình cha tự nguyện một mình đảm nhận.

Tuổi thơ con ít khi thấy cha vỗ về, âu yếm. Không phải cha không thương, mà cách biểu lộ tình thương của cha không giống mẹ. Con như chú chim non bình yên trong lòng tổ. Mẹ đem lại hơi ấm của sự bảo bọc chở che, còn cha quyết kéo con ra rìa tổ làm quen với bầu trời cao rộng mà tập sải cánh bay. Khen thưởng con, nhiều phần là mẹ; răn dạy xử phạt con, dành để phần cha. Nhưng chính nhờ có khen có phạt mà con lớn lên thành người hữu dụng.

Nhong nhong nhong cha làm con ngựa…” Một lời hát của nhạc sĩ Thế Hiển phần nào khơi gợi trong lòng người những kỷ niệm tuổi thơ được vui vầy bên cha. Lúc mùa màng rỗi rãi, cha làm trâu, làm ngựa cho con cưỡi. Trung thu, cha làm đèn lồng; Noel, cha làm ngôi sao năm cánh. Cha đẽo cù, cha làm diều giấy, đi làm đồng về trong túi cha có mấy chú dế lửa, dế than... Tất cả chỉ để cho tiếng cười trong veo của con theo cả vào trong mơ.

2.    Con đã hiểu cho cha

Người xưa có nói: “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Riêng với cha, thì hôm nay, khi chúng ta đã là gia trưởng, ta mới hiểu được cha của những năm tháng ngày xưa. Mẹ hầu như chẳng có nhu cầu gì nhiều cho bản thân, nhưng cha thì khác. Cha ngủ dậy phải có bình trà nóng hoặc một tách cà phê. Cha hút thuốc, uống chút rượu, tiệc tùng với bạn bè. Khi còn nhỏ, đã nhiều khi ta thương mẹ mà thầm trách cha. Giờ thì ta đã hiểu, người đàn ông luôn coi trọng thể diện. Ở nhà cha ăn mặc thế nào cũng xong, nhưng khi ra đến ngoài, mẹ luôn chuẩn bị cho cha một bộ trang phục tươm tất.

Con có biết, lúc con chuẩn bị lập gia đình cũng là thời gian cha lo lắng nhất. Con đi tìm hiểu, cha cùng mẹ thắt lưng buộc bụng, để cuối vụ mùa sắm cho con chiếc đồng hồ citizen kim-vàng-giọt-lệ, chiếc xe cub 78 cho con ra ngoài cũng bằng với người ta. Đâu phải như bây giờ, dịch vụ cưới xin được phục vụ từ A đến Z. Ngày con cưới vợ, ở miền quê, chỉ một cái rạp đám cưới, cũng phải mất đến mấy cây dừa trụi lá và nhờ đến cả chục người dựng giúp, Rồi để có mâm cỗ tươm tất trên bàn, phải nuôi heo, nuôi gà ngay từ đầu năm. Cả gia đình thu vén hàng năm trời mới có trọn vẹn một ngày hạnh phúc của đời con.

3.    Cha vẫn cần con hiểu

Dòng thời gian dần vắt kiệt sức cha. Quay đi ngoảnh lại, con cái trưởng thành cũng là lúc cha về già. Gan phổi bắt đầu có vấn đề, cơ bắp nhiều khi không còn theo ý muốn. Đêm đêm cha húng hắng ho, nghe trong người các khớp các cơ rệu rã. Nhưng cha chẳng bao giờ chịu nói ra. Con cái có thể dễ dàng thấy mẹ nhức đầu sổ mũi, nhưng ít khi nào thấy cha ốm vặt. Không phải cha không bệnh, không nhức đầu sổ mũi mỗi khi trái gió trở trời, nhưng cha chịu đựng không để lộ ra ngoài kẻo mẹ-con lo lắng. Bệnh mà quật được cha nằm lỳ trên giường không thể ra đồng mới là lúc cha chấp nhận mình bị bệnh.

Con cái có thể thấy giọt nước mắt mẹ chảy bất kỳ khi nào, nhưng nước mắt cha còn khó nhìn thấy hơn là châu báu.

Khi cha đã già yếu, đang sống phụ thuộc vào con, thì cũng đừng bao giờ trước mặt cha, con tỏ ra thái độ ban phát cưu mang. Đừng bao giờ có lập luận sòng phẳng kiểu này: Đồng tiền con làm ra, con mua sắm gì là tùy con; con cái con sinh ra, con dạy dỗ sao là quyền của con. Không! Dù cha đã già, thậm chí rất già, nhưng cha vẫn là cha. Tham vấn ý cha trước khi quyết định một việc lớn trong nha voi cha vừa là một việc tế nhị, vừa là một hành động khôn ngoan. Luơn neu guong va dạy con cái kính trọng và thương yêu ông bà. Khi ấy, cha sẽ góp những ý chân thành khôn ngoan, và rồi hoàn toàn cho con quyền quyết định vì con đã trưởng thành. Con sẽ chẳng mất gì, vẫn được mua sắm tuỳ con, vẫn sẽ được giáo dục con cái theo ý mình nhung lai co duoc bau khi cua tinh yeu va hanh phuc noi gia dinh.

4.    Tháng Sáu và Ngày Của Cha

Kính thưa quý gia trưởng!

     “Cây khô đâu dễ mọc chồi

    Bác mẹ đâu dễ ở đời với ta

                                                                   (Ca dao)

Tạ ơn Thiên Chúa đã cho ta có cha, có mẹ. Và nếu ai đó trong chúng ta thường ngày chỉ nhìn về phía u ám, ngột ngạt khi có cha mẹ già yếu sống cùng một mái nhà, thì xin một lần nhìn vào vùng tươi sáng, sẽ thấy rằng mình còn hạnh phúc hơn bao người khi còn có cha mẹ ở cùng. Nếu có Chúa nhật thứ hai trong tháng năm là Ngày Của Mẹ, thì cũng có Chúa nhật thứ ba trong tháng sáu là Ngày Của Cha. Nguyện xin Thiên Chúa, Người Cha nhân lành sẽ ban cho chúng ta lòng hiếu kính cha mẹ, để một ngày nào đó không ngờ, cha ta giã từ cuộc sống, mỗi gia trưởng chúng ta sẽ không phải lặng lẽ rơi những giọt nước mắt ăn năn trong muộn màng.

bài liên quan mới nhất

Lễ Đức Mẹ Mân Côi: “Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng