Gia Trưởng Đứng Trước Thách Đố Của Thời Đại

1. Xu hướng thế tục hóa trong đời sống tôn giáo.

Ở vài thế kỷ gần đây, xã hội loài người đi lên bằng những bước nhảy vọt về khoa học kỹ thuật. Nền văn minh và khoa học tiến bộ đã đáp ứng được nhiều nhu cầu của nhân loại hơn, chất lượng sống được nâng cao hơn. Thực tế đó khiến mỗi con người có nhu cầu muốn làm giàu, muốn thăng tiến về danh vọng địa vị nhiều hơn là muốn nên thánh. Có một thời gian, người ta nói nhiều về nếp sống đạo ở các nước phương Tây: Khá đông tín hữu thờ ơ với các bí tích nâng đỡ đời sống linh hồn, các sinh hoạt tôn giáo ngày càng ít người tham dự, thậm chí có người trong đời chỉ đến với nhà thờ ba lần: lúc được sinh ra, khi kết hôn và đến khi giã biệt đời sống. Còn lại tất cả đã được giải quyết bằng tiến bộ khoa học và sự vạn năng của đồng tiền thặng dư.

Nền văn minh và tiến bộ khoa học đã mau chóng lan tỏa ra khắp thế giới và bén rễ vào đời sống ở hầu hết các châu lục; Và ta nghiêm túc nhận ra rằng Châu Á rồi cũng sẽ đến lúc như thế. Xu hướng thế tục hóa đang ngày càng lôi kéo nhân loại quay nhìn về tạo vật chứ không còn nhìn về Thiên Chúa.

2. Những thách đố trong đời sống hôn nhân gia đình.

Giá trị cao đẹp của Bí tích Hôn nhân ngày nay cũng đang phải đối mặt với bao thách đố của thời đại hôm nay. Trước hết, kiểu mẫu của hôn nhân một vợ một chồng đã bị xem nhẹ. Người ta nhân danh văn minh và tự do đã bắt đầu cổ súy cho hôn nhân đồng giới, hôn nhân không giá thú, hoặc kiểu gia đình chỉ có cha - con hoặc mẹ - con. Ngay cả trong hôn nhân kiểu mẫu một vợ một chồng, cũng đã xuất hiện những giao kèo đổi chác, những hợp đồng bán mua mà không có tình yêu. Rồi người ta cũng nhân danh hạnh phúc, nhân danh tự do mà hạn chế sinh sản bằng bất cứ hình thức nào, kể cả phá thai, hoặc bán và cho con. Mặt khác, gia đình còn đối mặt trước các làn sóng di dân khổng lồ, đặc biệt ở các nước đang phát triển, người ở thôn quê đổ dồn về các trung tâm thành phố kiếm sống, người ở nước nghèo tìm kiếm con đường lao động chui ở nước ngoài. Không tránh được những cám dỗ lôi kéo, người ta ngoại tình rồi ly hôn, con cái thiếu vắng sự giáo dục thường xuyên của cha mẹ dẫn đến xa cách cha mẹ rồi hư hỏng.

Những thách đố ấy tiềm ẩn những hiểm họa không chỉ phá vỡ nền tảng gia đình mà còn đẩy nhân loại đến bờ vực của sa đọa và hủy diệt.

3. Những thách đố của con cái chúng ta hôm nay.

Xã hội thực dụng đẩy những người trẻ trong các gia đình đến trước những thách thức muôn mặt của đời sống. Không được giáo dục tử tế, thiếu nền tảng đức tin thời thơ ấu, nhiều người trẻ lớn lên từ trong môi trường gia đình thiếu vắng tình yêu hạnh phúc. Họ sống những năm tháng tuổi thơ bằng sự bị bóc lột, bị xâm hại, để rồi lớn lên trở thành những phần tử tội phạm nguy hiểm cho đời sống cộng đồng. Người trẻ có học vấn cũng không tránh những thách đố trong đời sống. Áp lực kiếm việc làm và sự cám dỗ khó cưỡng của đồng tiền đã đẩy nhiều người trẻ có học vào con đường tội lỗi.

Và rồi, khi đến tuổi yêu đương, người trẻ sống buông thả theo bản năng xác thịt, đồng hóa tình dục với tình yêu, xem tình yêu như một trò chơi tuổi trẻ, không còn nhận ra vẻ đẹp của hành vi trao hiến là nhắm đến sự hiệp nhất sâu xa và mở ngỏ ra sự sống mà Thiên Chúa đã riêng ban cho bậc vợ chồng.

Có thể nói, nơi những người trẻ ấy không có lý tưởng sống, trong họ không có hình ảnh của thần tượng tốt đẹp. Họ sống thực dụng, chỉ biết hôm nay mà không biết đến ngày mai.

4. Tìm về giá trị thật trong đời sống.

Giáo Hội của Chúa Giêsu thiết lập mang đặc tính vừa siêu nhiên vừa hữu hình. Không có Thiên Chúa, không có đời sống Giáo hội. Do vậy, tự bản chất, Giáo hội không thể chấp nhận chủ trương loại trừ Thiên Chúa ra khỏi xã hội loài người. Không có Thiên Chúa, đời sống nhân loại sẽ không còn ý nghĩa. Trái lại, Thiên Chúa luôn hiện diện trong dòng lịch sử của nhân loại. Ngài tự thiết lập giao ước với con người, rồi nhập thể làm người, sống như con người, chết vì con người và mặc lại phẩm giá thiêng liêng cho con người mà vì tội lỗi mà con người đã đánh mất.

Do vậy, niềm tin Kitô giáo không yêu cầu con người trốn tránh cuộc sống, thoát ly thực tại; ngược lại, đòi hỏi con người phải thể hiện niềm tin ấy ngay trong lòng đời.

Con người hôm nay không còn con đường nào khác ngoài việc quay về với Thiên Chúa. Từ đó canh tân từ trong chính đời sống gia đình mình, để gia đình thực sự trở thành một mái ấm yêu thương, một cái nôi của sự sống và một ngôi trường huấn luyện nhân cách và đức tin Kitô giáo.

Xin được lấy lời trong Thư mục vụ Năm Đức Tin của HĐGM Việt Nam để kết thúc bài chia sẻ này, như một định hướng bắt đầu trong mỗi chúng ta: “Cùng một nhịp bước với Giáo hội toàn cầu, Năm Đức Tin phải là cơ hội thuận lợi cho mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam củng cố đức tin của mình, hoán cải và đổi mới đời sống, trở về với Chúa là Đấng Cứu độ duy nhất của thế giới. Khi chúng ta tái khám phá niềm vui đức tin, chúng ta sẽ hăng say dấn thân cho công cuộc Tân Phúc Âm Hóa loan báo Tin Mừng cho 93% người Việt Nam chưa biết Chúa, đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập mọi lãnh vực đời sống, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh theo những giá trị Tin Mừng và truyền thống văn hóa của dân tộc”.

bài liên quan mới nhất

Thứ Năm tuần IV Phục Sinh: “Nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng