Gia trưởng đối mặt với thử thách của cuộc sống

Người gia trưởng chúng ta, đã ứng phó với thử thách của cuộc sống như thế nào? Có chấp nhận đặt nó lên vai như một thánh giá, và kiên trì vác lên tận đỉnh Can-vê của cuộc đời?

1. Thử thách muôn mặt của cuộc sống.

Trong quan niệm của nhà Phật thì “Đời người là bể khổ”; trong triết lý nhân sinh thì “Đời mà vui thì khi chào đời đã chẳng khóc”… Cơ bản, đó là những kết luận thấm thía mà nhân loại từ bao đời đã trăn trở và đúc rút ra.

Chẳng nói đâu xa xôi, hãy nhìn vào đời sống của ông bà cha mẹ, của anh em bằng hữu xóm giềng, và của chính gia đình ta, sẽ đều thấy ngút ngàn những vất vả gian truân mà con người phải đối mặt. Chẳng làm sao mô tả hết được muôn hình muôn vẻ những giọt mồ hôi, nước mắt và cả máu mà con người phải đổ ra trước gian nan cuộc sống.

a. Thử thách trong công ăn việc làm:

Cuộc sống gia đình được đảm bảo trước hết bằng thu nhập của các thành viên trong gia đình qua những công ăn việc làm nhất định. Song rất nhiều khi, trong hành trình mưu sinh, công việc lại chẳng hề xuôi chèo mát mái: Người buôn bán gặp lừa đảo mất cả vốn liếng, người chăn nuôi khánh kiệt tài sản trước dịch bệnh của đàn gia cầm gia súc, người trồng cấy hoa màu mất trắng cả vụ mùa vì thiên tai hoặc dở khóc dở cười khi trúng mùa mà rớt giá, người có bằng đại học không kiếm được việc làm, người làm công bị quỵt lương, công chức bị sa thải,… Đau lòng nhất nếu việc ấy xảy ra với chính gia trưởng trong gia đình. Đã rất nhiều gia trưởng khi mất việc, đắng lòng giữ việc coi nhà, xót xa nhìn vợ con tảo tần buôn bán sớm khuya. Rồi thời buổi lạm phát phi mã, kinh tế khó khăn, vật giá mỗi ngày leo thang mà nhu cầu của gia đình thì không thể dừng lại… Những lúc như thế, gia đình của chúng ta thật sự chông chênh như con thuyền mất lái mà chẳng thấy bến bờ.

b. Thử thách về sức khỏe:

Gia đình nào cũng vậy, rồi cũng có ngày đối mặt với ốm đau bệnh tật. Đời người theo quy luật sinh-lão-bệnh-tử đã đành một lẽ, đàng này nhiều khi trớ trêu giáng xuống chính những thành viên mạnh khỏe nhất trong nhà, đang là trụ cột chính cho nhiều người cậy dựa. Đột ngột một căn bệnh nan y, một tai nạn giao thông, hoặc một rủi ro nghề nghiệp có thể kéo một người khỏe mạnh phải nằm liệt trên giường, nhất nhất mọi hành vi đều cần người giúp đỡ. Cảnh ấy rơi vào ai cũng khổ, mà rơi vào gia trưởng thì nỗi khổ còn nhân lên nhiều lần, bởi khó khăn của gia đình sẽ bị đẩy lên tột cùng, không dễ dàng tìm ra hướng tháo gỡ.

c. Thử thách về tinh thần:

Đó là những lúc bị nghi kỵ hiểu lầm, bị vu oan giá họa. Tai bay vạ gió tận đâu lại nhè gia đình mình trút xuống. Mà đâu phải mọi sự hiểu lầm đều có thể dễ dàng minh oan, có nhiều khi phải đắng cay nuốt lệ vào lòng, chịu sự phỉ báng của nhiều người mà chẳng biết thổ lộ cùng ai. Tinh thần sa sút và hoảng loạn, nếu không tìm được hướng giải quyết sẽ dễ dàng rơi vào tuyệt vọng, nhìn con đường tương lai phía trước chỉ một màu tối đen.

d. Thử thách về đạo đức, niềm tin:

Ngay cả khi cuộc sống gia đình tưởng như ấm êm hạnh phúc nhất, vẫn luôn luôn có những lôi kéo, cám dỗ thấp hèn để con người đánh mất đi lương tâm trong sáng của mình. Danh lợi thú luôn túc trực sẵn trong ngõ ngách sâu thẳm nào đó của tâm hồn, đợi một dịp thuận tiện sẽ ra tay. Khi ấy, con người sẵn sàng vì nó mà đánh mất lương tâm đạo đức, hủy hoại niềm tin cả một đời đã dày công vun đắp.

2. Đặt thử thách lên vai.

Đức tin Kitô giáo cho ta một xác tín rằng: Hạnh phúc thật sự không có ở đời này, hạnh phúc chỉ trọn vẹn trong ngày cánh chung, trong Bữa Tiệc Đoàn Viên nơi Quê Trời. Theo đó, mọi gian truân vất vả, khổ đau và cái chết ở đời sống lữ hành này là hậu quả của tội lỗi mà con người phải gánh chịu vì nguyên tổ đã bất tuân lệnh Thiên Chúa. Và nếu tất cả chỉ dừng lại ở đó, lịch sử nhân loại bao đời nay thực sự là một hành trình cuộc sống không đáng sống. Song, duy chỉ nhờ cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô, mọi đau khổ ở đời này đã được biến đổi sâu xa trong ý nghĩa. Thay vì mang diện mạo của hậu quả tội lỗi, khổ đau ở đời này đã được Máu Con Chiên hoán đổi thành hy lễ lập công. Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh, mỗi người Công giáo chúng ta sẽ tìm ra hướng đi vững vàng lúc đối mặt với mọi thử thách ở đời này:

a. Chấp nhận đối mặt cùng thử thách.

Mọi lời than van trách cứ đều không thể xua đi khó khăn trong đời mình. Vậy thì chấp nhận đối mặt với nó vẫn là khôn ngoan nhất. Chúa Giêsu ngày xưa trong vườn Cây dầu, khi nhìn thấy cuộc thương khó sắp tới mà Ngài sẽ phải đi qua, sau lời cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha, Ngài đã chủ động bước vào, bình an trả lời kẻ tìm bắt mình rằng “Chính là ta đây”. Không hề chạy trốn, không tìm viện binh, không sử dụng quyền lực, Con Thiên Chúa đã phô bày trọn vẹn thân phận loài người để vác thập giá nặng nề trên vai, chịu té ngã tới ba lần và chết trong tột cùng đau đớn trên đỉnh đồi Can vê.

b. Tìm kiếm Ý Chúa trong thử thách đời người.

Cùng lúc với việc chấp nhận đối mặt với thử thách, chúng ta hãy tìm kiếm Ý Chúa ngay trong gian nan thử thách được gửi đến cho mình. Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta khi Ngài cầu nguyện với Chúa Cha “Xin theo ý Cha, đừng theo ý Con”. Nghĩa là, Chúa Giêsu đã trao phó toàn bộ hành trình thương khó vào tay Thiên Chúa Cha, để Ý của Chúa Cha được thực hiện.

Vả lại, chỉ mình Thiên Chúa mới biết trước được tương lai của mỗi con người. Điều hôm nay ta cho là khổ đau bất hạnh lại chính là hạt mầm trổ sinh hoa trái thơm ngọt trong tương lai. Tổ phụ Giuse trong thời Cựu ước đã chịu đau khổ khi các anh bán sang Ai Cập, nhưng rồi chính từ đau khổ ấy, tổ phụ Giuse đã làm vinh hiển gia đình và dân tộc mình nơi xứ sở đầy quyền lực của các pharaon xưa.

c. Cùng Chúa vác thập giá đời mình.

Khổ đau là có thật, và chẳng có thánh giá nào nhẹ nhàng khi được vác trên vai. Chính Đức Kitô đã phải té ngã tới ba lần, phải có Simon vác giúp một đoạn đường, nhiều phen phải kéo lê thập giá, thân thể bầm dập trước đòn roi và sức nặng của cây thập tự. Nhưng Ngài đã tới đích. Sau khi cuộc thương khó chấm dứt bằng cái chết, quyền năng Thiên Chúa đã tỏa rạng muôn đời qua biến cố Phục Sinh. Sự sống đã bừng lên từ cái chết, vinh quang đã mọc lên từ trong tận cùng khổ đau. Nhìn vào ánh sáng Phục Sinh, chúng ta hãy cùng Chúa vác thập giá đời mình. Thiên Chúa sẽ nâng đỡ cho ta đủ sức vác thập giá khổ đau cho đến ngày chiến thắng vinh quang.

* Cùng suy tư:
Tạ ơn Thiên Chúa Phục Sinh đã cho chúng con nguồn sức mạnh để đón nhận những thử thách giữa cuộc đời.

bài liên quan mới nhất

Thứ Tư tuần III Phục Sinh: Hễ ai thấy Chúa Con thì thấy sự sống đời đời...

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng