Tư liệu: Lược sử GIáo xứ Đồng Đăng

Trọng kính Đức Cha Giuse – Giám mục giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng.
Kính thưa Cha Tổng đại diện, quý Cha, quý nam nữ tu sỹ, quý vị đại biểu, quý khách và toàn thể cộng đồng dân Chúa.

Hôm nay (01/10/2010) là một ngày trọng đại, một ngày tràn đầy hồng ân đối với giáo xứ Đồng Đăng chúng con, là ngày chúng con đã mong đợi từ rất lâu. Nhờ hồng ân Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Thánh nữ Têrêsa quan thầy, sự quan tâm giúp đỡ của các Đấng bậc và mọi thành phần dân Chúa, ngôi thánh đường giáo xứ Đồng Đăng nay đã được hoàn thành và long trọng cung hiến dâng cho Thiên Chúa. Với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, con xin đại diện cho mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ, điểm qua những nét cơ bản về lịch sử hình thành và phát triển của giáo xứ Đồng Đăng, từ khi được thành lập cho đến hôm nay.

Tin Mừng đã được rao giảng đến quê hương Việt Nam từ khoảng thế kỷ XVI, nhưng từ đó cho đến những năm đầu thế kỷ XX, vùng đất Lạng Sơn Cao Bằng vẫn còn vắng bóng dấu chân các nhà truyền giáo. Đến năm 1913, với việc Tòa Thánh tách vùng đất Lạng Sơn – Cao Bằng để thành lập một Phủ Doãn Tông Tòa, người dân nơi đây mới được lắng nghe Lời Chúa, cũng như học biết về Đạo Công giáo. Các thừa sai thuộc dòng Đaminh (Lyon) đã dành hết tâm huyết, cùng với ơn Chúa, để rao giảng Tin Mừng cho bà con nơi đây. Việc truyền giáo đã bước đầu thu được những kết quả tốt đẹp. Dù còn gặp nhiều thử thách, nhưng ở vùng đất Lạng Sơn – Cao Bằng này, hạt giống Tin Mừng đã bén rễ và trổ sinh hoa trái.

Ngày 1 tháng 7 năm 1939,  Giáo phận Đại diện Tông Tòa Lạng Sơn – Cao Bằng được thành lập và năm 1960 được nâng lên hàng Giáo phận Chính Tòa.

Trong suốt hành trình xây dựng và phát triển qua hàng trăm năm của Giáo phận truyền giáo miền sơn cước biên giới này, Đồng Đăng là một trong những xứ đạo tiên khởi, dù trải qua những bước thăng trầm, nơi đây vẫn ươm trồng hạt giống Tin Mừng và vun đắp một Đức Tin bền vững.

Năm 1934, giáo xứ Đồng Đăng được chính thức thiết lập, đặt tại thị trấn giáp biên giới Việt – Trung. Trong năm đó, cha Wiligers Huy đã khởi công xây dựng nhà thờ giáo xứ Đồng Đăng. Diện tích nhà thờ tọa lạc tại trung tâm thị trấn Đồng Đăng, là nơi có trục đường sắt và đường bộ băng qua. Đại lễ Phục Sinh năm 1934, nhà thờ giáo xứ được khánh thành và làm phép trọng thể. Từ đây, giáo xứ bước vào một giai đoạn phát triển mới, với đời sống đạo đức nhiệt thành và con số giáo dân ngày một gia tăng.

Tuy nhiên, từ khoảng giữa thế kỷ XX, do những biến cố của thời cuộc, những khó khăn của đời sống xã hội, công cuộc truyền giáo bị chững lại, việc giữ đạo của bà con giáo dân nơi đây gặp phải những thử thách khắc nghiệt. Giáo xứ Đồng Đăng, cùng với giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng, bước vào một cuộc khổ nạn triền miên với khó khăn thử thách tư bề. 

Tháng 6 năm 1959, cha Vinhsơn Phaolô Phạm Văn Dụ, khi đó đang kiêm nhiệm quản xứ Đồng Đăng, được chính quyền địa phương yêu cầu rời khỏi giáo xứ Đồng Đăng, và sau đó phải cư trú chỉ định tại giáo xứ Thất Khê trong nhiều năm. Lúc này, giáo xứ còn duy nhất một chủng sinh người Choang, Hứa Vĩnh Ký, đanh theo học tại chủng viện Mẫu Tâm (Bùi Chu), cùng với bốn chủng sinh khác của giáo phận.

Tháng 2 năm 1979, thầy Thảo – người phụ trách giáo xứ - qua đời. Cũng năm đó, ngôi nhà thờ của giáo xứ bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, phàn mái bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại những bức tường loang lổ. Số giáo dân còn lại rất ít, chỉ còn một số gia đình Công giáo, họ cùng khích lệ nhau giữ vững Đức Tin và âm thầm sống Đạo. Diện tích nhà thờ suốt một thời gian dài trở nên hoang tàn, nhiêu khê.

Năm 1992, với việc xây dựng nhà Ga xe lửa tại thị trấn Đồng Đăng, chính quyền địa phương trưng dụng khu đất nhà thờ Đồng Đăng để phục vụ việc xây dựng chung. Việc này, đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của bà con giáo dân. Tuy nhiên, Đức cha cố Vinhsơn Phaolô Phạm Văn Dụ, với lòng hiền phụ, đã động viên con cái trong lúc khó khăn, và khích lệ mọi người vững tin vào sự quan phòng của Chúa. Giáo xứ Đồng Đăng chúng con chỉ biết vững lòng tín thác vào Chúa, âm thầm giữ Đạo, hàng tuần đi đến các nhà thờ Cửa Nam hay Mỹ Sơn để dự lễ. Sau gần 50 năm, đời sống đức tin của bà con mai một dần và gặp nhiều thách đố do thiếu vắng mục tử và những người đồng hành thiêng liêng. 

Nhưng quả thực, Chúa đã không bỏ rơi đoàn con nhỏ bé này của Người. Đức cha cố Vinhsơn Phaolô, dù tuổi cao sức yếu, vẫn luôn canh cánh nỗi lo cho Đồng Đăng có một ngôi nhà thờ để bà con giáo hữu có nơi thờ phượng Chúa cho xứng đáng. Đến khi Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt về nhận địa phận, năm 1999, ngài cũng hết sức lo liệu cho giáo xứ Đồng Đăng, khôi phục lại các sinh hoạt của giáo xứ, nâng đỡ đời sống đạo của giáo dân, nhất là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tái thiết ngôi nhà thờ của giáo xứ.

Năm 2007, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân được bổ nhiệm Giám mục giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, ngài đã quan tâm tới đời sống đạo và cơ sở vật chất của giáo xứ Đồng Đăng. Cha Phaolô Nguyễn Văn Thảo được đặt làm quản xứ Đồng Đăng. Ngày 19 tháng 3 năm 2008, nhà thờ Đồng Đăng được chính thức khởi công xây dựng, tại khu đất mới, thuộc xã Phú Xá – thị trấn Đồng Đăng. Hôm nay, sau hơn 2 năm xây dựng, nhà thờ Đồng Đăng được cắt băng khánh thành và long trọng cung hiến. Một trang sử mới đã mở ra cho giáo dân xứ đạo Đồng Đăng!

Trải qua nhiều thăng trầm, xứ đạo Đồng Đăng vẫn luôn tồn tại và phát triển. Đó là nhờ hồng ân và sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Trong ngày hồng phúc hôm nay, xin Đức cha, quý cha, quý khách và cộng đồng dân Chúa, hiệp ý với giáo xứ Đồng Đăng, cảm tạ ngợi khen Thiên Chúa, tri ân các vị tiền nhân và quý vị ân nhân. Với ngôi thánh đường mới được hoàn thành và long trọng cung hiến này, chắc chắn, đời sống đạo đức và những sinh hoạt của giáo xứ Đồng Đăng chúng con sẽ ngày một khởi sắc, trong ơn Chúa và sự quan tâm của mọi thành phần dân Chúa.

 
photo41 1
 
Đồng Đăng, ngày 1 tháng 10 năm 2010
Hiện nay (2020), Giáo xứ Đồng Đăng do Cha xứ Giuse Nguyễn Văn Chung coi sóc, cùng với Cha phó Gb.Vũ Đình Tới (CRM) và Cha phó Giuse Nguyễn Văn Vinh

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/4: Thánh Phêrô Channe – Linh mục, tử đạo (1803-1841)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng