Thiên Chúa là Cha yêu thương tất cả mọi người, là Ông Trời để chúng ta hướng lòng về.

Thánh lễ do Đức cha Giuse chủ sự. Đồng tế với ngài có Cha xứ Chính Toà Giuse Trần Đức Hạnh và quý Cha. 

Bước vào Thánh lễ, Đức cha Giuse ngỏ lời với Cộng đoàn Phụng vụ: Người ta thường nói: "Sinh ký - Tử quy" hay "Sống gửi - Thác về" để nói lên hai bước ngoặt trọng yếu trong cuộc đời con người. Với người tín hữu Công giáo, chúng ta xác tín rằng mình được Thiên Chúa tác sinh và yêu thương quan phòng; Chết là lúc chúng ta trở về với chính Thiên Chúa là khởi nguyên của mình. Hành trình dương thế của mỗi người chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót vì yếu đuối bất toàn của con người. Mỗi lần cử hành Thánh lễ An táng cho người thân yêu trong Cộng đoàn và Gia đình là dịp để chúng ta cùng với người quá cố xin lỗi Chúa và xin lỗi nhau; chúng ta cũng xin lỗi người quá cố vì những thiếu sót trong tương quan cuộc sống với họ. Đức cha mời gọi cộng đoàn tín thác vào lòng nhân từ yêu thương của Thiên Chúa là Cha từ ái để được Người thương yêu và được hưởng nhờ hiệu quả Ơn Cứu Chuộc của Chúa Giêsu Con Một Người.

Khởi đầu bài giảng, Đức cha nói đến hai chữ Sống và Chết theo quan niệm của con người: hai chữ này cách xa nhau nhất bởi nó nói lên hai trạng thái và cảnh vực cách xa nhau diệu vợi. Tuy nhiên, Đức cha chia sẻ: Hai chữ này với đức tin của người Công giáo thì lại rất gần nhau, gần đến mức không thể chia lìa, đan xen và đặt điều kiện cho nhau. Thánh Phaolô viết: "Nếu anh em cùng chết với Đức Ki-tô thì anh em sẽ được cùng sống lại với người". Chính khi chết đi cho con người tội lỗi thì chúng ta lại được tái sinh trong đời sống mới nơi Đức Ki-tô Phục Sinh. Con người bất lực trước cái chết, nhưng nơi Đức Kitô, sự chết đã bị đánh bại bởi mầu nhiệm Phục Sinh của Người, để rồi tất cả những ai liên kết với Người thì được dự phần vào chiến thắng tử thần. Đức Kitô đã chết vì chúng ta nhưng ngài đã sống lại trong vinh quang để đưa chúng ta về với Thiên Chúa. 

Thiên Chúa là Cha yêu thương tất cả mọi người. Ngài yêu thương không chỉ những ai tin thờ nhận biết Ngài, nhưng sự quan phòng được trùm phủ lên tất cả mọi người mọi vật. Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa đã đến trần gian mặc khải cho chúng ta biết và gọi Thiên Chúa là Cha, hướng lòng chúng ta lên cùng Thiên Chúa là Cha của mình. Người đã Phục sinh để tất cả chúng ta cũng được cùng Người về cùng Cha Yêu Thương trên Trời. 

Đức Giêsu mời gọi chúng ta đi vào tương quan với Thiên Chúa là Cha qua lời kinh nguyện chính Người dạy cho các môn đệ: Kinh Lạy Cha. Mỗi người chúng ta dù lương hay giáo đều tin và gọi tên Ông Trời, khi vui khi buồn, khi thành công hay thất bại trong cuộc sống: Trời ơi!, Trời cao có mắt; Lưới Trời lồng lộng,… Trời là một hữu thể hiện hữu. Trời là Đấng tạo dựng nên muôn loài và yêu thương quan phòng tất cả. Trời theo quan điểm Công giáo không phải là mây mưa sương gió mà chính là Đấng dựng nên chúng ta, hơn nữa, chính là Cha của mỗi người chúng ta bất kể chúng ta là ai.

Chia sẻ về người quá cố là ông Giuse Nguyễn Văn Bảo, Đức cha nói: Ông  là con người bình thường, sống giữa chúng ta với tất cả cám cảnh cuộc sống vui buồn sướng khổ. Ông là một người lính Trường Sơn hào hùng. Ông cũng có một cuộc hôn nhân khởi đầu hạnh phúc. Ông là người tín hữu Công giáo gần gũi với Nhà chung và các mục tử, là một y tá hay đến chăm sóc sức khoẻ cho các vị trong Toà Giám mục, nhất là Đức cha Hedde Minh. Ông đã trải qua những năm tháng tù tội oan ức: Khi Đức cha Hedde qua đời, chính quyền dân sự muốn lập tức chôn táng ngài, nhưng ông Bảo đã đứng ra ngăn cản và đề nghị phải để đủ tối thiểu 24 giờ mới an táng, nhờ đó mọi người có thời giờ mà đến thăm viếng cầu nguyện cho Đức cha. Từ đó ông trải qua bao sóng gió, tù tội và cuộc sống bước vào bước thăng trầm dai dẳng.

Cuộc đời ông Giuse trải qua bao khó khăn thử thách: Hôn nhân đổ vỡ, đức tin lung lay, ông dần xa rời cộng đoàn, xa rời nhà Chúa. Dẫu vậy, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương và mời gọi ông trở về với Ngài. Hồng ân Chúa tràn ngập trên ông trong những ngày cuối đời, ông làm hoà với vợ con, quay về với Thiên Chúa, lãnh nhận các Bí tích dẫu tuổi già cô quạnh. Ông trải qua cái chết cô độc, nhưng chính cái chết của ông mà hôm nay chúng ta thấy tình Chúa và tình người được biểu lộ mạnh mẽ. Thân nhân, xóm giềng, xứ đạo và mọi người cùng tới tiễn biệt và cầu nguyện cho ông. Tiễn đưa là khéo lại hành trình dương thế, nhưng “sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi”, giờ đây ông được về với Thiên Chúa là khởi thuỷ của ông, là Đấng hắng yêu thương mời gọi ông. Hôm nay đây chúng ta thấy: trong Chúa, sự sống và sự chết tương quan mật thiết với nhau.

Kết thúc bài giảng lễ, Đức cha nói: Hôm nay đây, chúng ta kẻ lương người giáo, kẻ tin và chưa tin, chúng ta cùng hướng lòng về trời cao, về Ông Trời là chính Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa yêu thương. Kẻ đã tin thì hãy xin ơn vững tin hơn. Người chưa tin hãy lắng nghe tiếng lương tâm của mình là chính tiếng Chúa trong lòng để thúc đẩy mình tìm gặp Thiên Chúa ngay trong chính cuộc sống thường nhật. Chúng ta cùng cầu nguyện xin Thiên Chúa là Cha ban cho Ông Giuse Nguyễn Văn Bảo được sự sống đời đời, và cho mỗi người chúng ta bước sau ông trên đường về Nhà Cha cũng luôn hướng lòng về Trời, nguyện xin Thiên Chúa cho cuộc đời được bình an, gia đình hạnh phúc, mọi người được yên vui và cuối cuộc đời cùng hẹn gặp nhau trong Nhà Cha trên Trời.

Bài Tin Mừng được chọn đọc trong Thánh lễ An táng Ông Giuse hôm nay nói về Kinh Lạy Cha, và trong bầu khí Phụng vụ của Thánh lễ này, trước khi đọc kinh Lạy Cha trong Thánh Lễ, Đức Cha mời mọi người lương giáo đang hiện diện trong Thánh đường cùng nhìn lên bảng và hướng lòng đọc kinh lạy Cha. Một bầu khí thật trang trọng nhưng rất cảm động và ấm lòng. Nguyện cho Danh Cha cả Sáng nơi những tâm hồn tín hữu của Cha, và cho mọi người nhận biết Cha chính là Ông Trời mà lòng người hằng hướng trông.

0 02 08 35a87e22f9a474b270da25c9bed3cb222c9985f6d8273212e4cc493eaf061399 1c6d93e18d6df9
 
0 02 08 4d2ed4d4a66fcc080e98515905c4fb6b68a51fdea26b6df99e0599324af929de 1c6d93e18d60b9
 

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/4: Thánh Phêrô Channe – Linh mục, tử đạo (1803-1841)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng