Thách đố trong đời sống hiến dâng

WHĐ (21.6.2020) – Thách đố của đời sống thánh hiến quả thực là không ít. Đời sống nào lại không có những thách đố của nó. Nhưng dường như thách đố làm cho cuộc sống lắm lúc thêm đậm đà và sâu sắc hơn khi có sự kiên nhẫn ngồi lại với nhau để cố tìm một sự lắng nghe, cảm thông, thì có thể hy vọng đi đến một kết quả thay đổi chính cuộc sống của mình.

Bài viết này muốn chia sẻ đôi điều tâm đắc mà kinh nghiệm sống đời hiến dâng lâu năm trong một Hội Dòng quốc tế đã đem lại những hoa quả quý báu làm cho đời sống dâng hiến thực sự có ý nghĩa.

TƯƠNG QUAN là yếu tố căn bản của đời sống truyền giáo thừa sai của người Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ (FMM). Tương quan đó là nền tảng của cuộc sống của chúng tôi, cuộc sống này, chúng tôi hiểu như cuộc sống theo hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa, Cha-Con-Thánh Thần, một Thiên Chúa-Tương giao, đối thoại, đón tiếp, ân ban, yêu thương và tự do. Nhưng trong tương quan đó, chúng tôi cảm nghiệm được sự phức tạp, khó khăn vì mỗi người chúng tôi điều ít nhiều bị thương tích và khi chúng tôi đến với nhau, chúng tôi ý thức mình đến với nhau với tất cả những thương tích trong con người mình. Song chính nhờ những rạn nứt này mà Thiên Chúa đến với con người tôi, chúng tôi, qua bản thân của Đức Giêsu, sống giữa con người bị thương tích đó, để nhờ Thần Khí lôi kéo chúng tôi đến tâm tình sám hối liên lỉ, nhờ đó, chúng tôi từ từ có thể đi đến với người khác để gặp gỡ, chia sẻ.

Tôi còn nhớ lệnh truyền của Yahweh Thiên Chúa với Abraham: “hãy ra khỏi xứ sở ngươi, dòng tộc ngươi, làng mạc ngươi và hãy đi đến mảnh đất mà Ta sẽ chỉ cho ngươi”. Ai trong chúng ta đã không một lần nghe được lệnh này, một lời mời bỏ tất cả mọi sự, lời mời đến từ một AI đó, hoàn toàn khác. Và khi đó bắt đầu một cuộc mạo hiểm, một cuộc mạo hiểm lớn. Một cái nhảy vọt trong hoang vắng, trong cái hoàn toàn không biết, trong đức tin; tách khỏi mọi sự quen thuộc với chúng ta, với những gì thân thiết nhất, với những thói quen, nơi chốn, một sự từ bỏ hoàn toàn...

I ...để đi đến với người khác, đến với những con người mà ta không quen biết, đến những nơi lạ lẫm.

II ...để gặp gỡ những người anh em, chị em, những quốc gia, những nền văn hóa khác, đến với một Giáo Hội khác...

III ...trong một quá trình lâu dài... quá trình tập luyện sống tình anh chị em, qua những xung đột, những hòa giải, những thứ tha...

I. ĐI ĐẾN VỚI NGƯỜI KHÁC là một thách đố lớn đối với chúng tôi, một thách đố 2 mặt:

1. VỚI TƯ CÁCH LÀ MỘT THỪA SAI, THÁP NHẬP TRONG

a) Một nền văn hóa lắm lúc không phải là của tôi (ngay cả là người Việt, đã có 3 miền khác nhau với bao khác biệt từ ngôn ngữ/giọng nói/thực phẩm, v.v...). Trong một cộng đoàn quốc tế và liên văn hóa, điều này cho thấy liền, yếu tố quan trọng và cơ bản là phải ra khỏi chính mình.

Chúng tôi là những thừa sai phải được gởi đi “ra ngoài biên thùy” (ad extra). Muốn gặp gỡ tha nhân, phải ra khỏi chính mình, mà tha nhân thì hoàn toàn khác với tôi, không chỉ tôi thấy họ khác mà chính họ cũng thấy tôi khác với họ nữa. Cả hai, chúng tôi khác nhau biết bao, xa lạ nhau nhiều. Ngày nay không có một quốc gia nào mà không có sự pha trộn lẫn nhau giữa các nền văn hóa.

b) Ra khỏi mình luôn là một sự mạo hiểm và không dễ dàng gì khi phải chấp nhận rằng có những điều chúng ta không biết, rằng có những thứ tình cảm xen lẫn trong chúng ta, những nỗi sợ hãi, những lo âu, cảm nghiệm không an toàn, bị loại trừ, làm ta muốn quay về với chính mình. Trên bình diện tình cảm, ta có thể bị tổn thương. Cần can đảm và thực tế nhìn nhận chân lý này nếu muốn thực sự đi đến với người khác.

** Một kinh nghiệm: khi được biết người cháu gái là giáo sư ở Sorbonne sắp lập gia đình với một người Guadeloupe, không nghề nghiệp... là một cú sốc cho tôi... Mình vẫn được biết và được giáo dục rằng con người là hình ảnh Thiên Chúa... rằng phải tôn trọng họ... phải yêu thương tôn trọng họ v.v... Tôi cũng được chuẩn bị, biết rằng chấp nhận những khác biệt, dù nhỏ, như món ăn, đến những giá trị sâu xa hơn, ngôn ngữ, tính tình, tư tưởng không phải là dễ... đón nhận những cách thể hiện khác nhau của niềm tin, rằng tất cả những thứ đó làm phong phú mình... Đúng vậy!.. nhưng dù gì, đó vẫn là một cú sốc quá lớn đối với tôi. Có lẽ không phải là do sự khác biệt văn hóa cho bằng, mà dường như do chính tôi: với những nguồn cội văn hóa và thiêng liêng của mình... tôi ý thức rõ ràng được sự vượt trổi hẳn của nền văn hóa Việt của mình; cú sốc ẩn dấu sâu xa dưới mặt nạ được mang danh là quyền của mỗi người được thể hiện nó, biểu lộ nó và cả quyền phải bảo vệ nó nữa. Tôi tự vấn mình về chính căn tính thật của mình: sống sự giằng co này, giữa gặp gỡ và đối nghịch, nghĩa là nhu cầu diễn tả và xác định căn tính văn hóa của tôi, tinh thần và tôn giáo của tôi và nhu cầu đi vào tương quan với tha nhân, trong sự chấp nhận, đón nhận thế giới của họ, màu da của họ, văn hóa của họ, tôn giáo của họ... Không dễ để yêu thương, để tôn trọng người kia, và đây như là một vết thương tích đối với tôi, khi khám phá ra rằng tôi có khuynh hướng đề cao mình là người Việt Nam, vượt hẳn họ! Phải khiêm tốn nhìn nhận điều này, nếu không, chúng ta sẽ không chế ngự được nó. Đúng, đây là một kinh nghiệm sống đau đớn nhưng hữu ích vì nhờ đó mà sau này tôi cảm thấy khoan dung hơn.

c) Ra khỏi mình để gặp gỡ tha nhân cũng đòi buộc để lại đàng sau những thành kiến, những phản ứng, suy tư nhanh, vội, để được biến đổi = là quay trở lại, đơn giản là để lại đàng sau những thói quen mà lắm lúc ta thường dễ dàng tuyệt đối chúng; tránh đi những so sánh, nếu không, thân xác có đó, với ý nghĩ là thừa sai, nhưng tinh thần, hồn thì “ở nhà” chứ không ở vùng truyền giáo.

d) Quá trình dài lâu này sẽ được sống với những vụng về và ngạc nhiên nữa, trước những phản ứng hay suy tư mà chúng ta có thể không hề biết trước. Ý thức và chấp nhận điều này sẽ giúp cả hai đi đến một sự đổi thay nào đó. Nỗi sợ hãi sẽ biến mất, lòng tin tưởng bất đầu hé mở và những chiếc cầu nhỏ bé bắt đầu được thiết lập. Người kia, kẻ xa lạ, trở nên gần hơn, trở nên người láng giềng mà ta chia sớt với nhau một cái bánh mới làm hay một cọng rau trong vườn...

e) Một điểm khác không thể chối cãi được mà kinh nghiệm gặp gỡ tha nhân đưa đến là thực sự có một mất mát nào đó, có thể là xa cách với một người thân vì họ không đồng suy nghĩ với mình. Để tái lập lại một rạn nứt nào đó, như chính Phêrô cũng đã phải làm khi mở rộng lòng mình để đón tiếp sĩ quan Cornelius vào Giáo Hội.

f) Trong kế hoạch truyền giáo, có một cách thế đặc biệt: không cố thuyết phục, không áp đặt để người kia “trở lại đạo” như mình muốn, nhưng là làm sao để người kia thấy họ vẫn có quyền “khác” với mình. Do đó, phải có sự lắng nghe giữa đôi bên, qua đó, mỗi người chia sẻ cho nhau sự khôn ngoan của mình, cách thức chiến đấu của mình, niềm hy vọng, nỗi sợ hãi, thất bại, thành công của mình, niềm vui nỗi buồn, tất cả mọi diễn đạt nghèo nàn, giới hạn, kinh nghiệm đức tin, lòng tha thứ... Qua những lần trao đổi chia sẻ kinh nghiệm sống trong cuộc sống bình dị của mỗi người, Tin Mừng có thể được cảm nghiệm qua chứng từ yêu thương đưa mỗi người đi đến với nhau, đến với sự sống. Một trong những mục tiêu của đối thoại là làm rơi những bức tường thành kiến chia rẽ con người, tạo điều kiện tốt, thuận lợi để cảm thông và gần gũi.

g) Việc truyền giáo giúp con người tôn trọng lẫn nhau, khơi dậy nơi ta chiều kích phổ quát... ý thức rằng chúng ta cùng chung một đại gia đình và đây là điểm đặc sắc của người Á Đông khi Khổng Tử dạy: “Tứ hải gia huynh đệ”. Phải chăng đó là ước muốn của Thiên Chúa Ba Ngôi - Một mà Ba - cho chúng ta, Đấng đã qui tụ chúng ta thành một đại gia đình và anh em bởi được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài ?

2. VỚI TƯ CÁCH LÀ CHỊ EM...

Dám sống tình chị em. Trong thao tác đón nhận nhau, mỗi người nhận mình được đón nhận như mình là mình, với những giới hạn, những phong phú của mình, với lịch sử của mình, cùng nhau đọc lại, lắng nghe, chia sẻ, trở thành “lịch sử thánh” cho cả hai, kết nối bởi bao ân huệ và lỗi lầm được thứ tha; những nỗi sợ hãi, bị xét đoán, sợ không được nhìn nhận, từ từ có thể nhường chỗ cho lòng tin tưởng. Trong tương quan này, những ước mơ và nguyện vọng sâu thẳm giành cho nhau được xác định, và những ngờ vực được giải tỏa. Do vậy mà những gặp gỡ với tha nhân có thể giúp khám phá được công trình của Thần Khí đang hoạt động trong cuộc sống của chúng ta, một cuộc sống được sẻ chia bởi ân huệ và lỗi lầm, nhưng chắc chắn là được thứ tha thực sự.

II. ĐỂ GẶP GỠ NHỮNG NGƯỜI ANH EM...

Chúng ta nên lưu ý về cách nói ít khi có trên môi miệng của Chúa Giêsu, khi sáng ngày Phục Sinh, ngài dùng để nói với các bà khi nhờ nhắn tin cho các môn đệ. Ngài dùng từ “anh em”: “Hãy đi nói với anh em Thầy rằng, họ phải đi đến Galilê để gặp Thầy(Mt 28, 10). Thánh vịnh 22 cũng đã dùng: “Con sẽ loan báo tên Ngài cho anh em con trước lòng Đại Hội”. Tại sao có lời này của Chúa Giêsu sáng ngày Phục sinh? Điều này hé mở cho thấy lý do căn bản giữa cuộc gặp gỡ-tương quan, nghĩa là mối giây phải có giữa Chúa Giêsu được phục sinh và các môn đệ: Biến cố Phục sinh mặc dù mang tầm vóc lớn và có làm cho các ông cảm thấy kinh hoàng, thì cũng không được xem như một sự cắt đứt giữa quá khứ và hiện tại, giữa sự vinh quang của một Giêsu Phục Sinh và tính nhân loại của một Giêsu Nazareth. Đúng, Người là Thiên Chúa hiển vinh nhưng là người anh em của họ trong bản tính nhân sinh của Ngài. Đối với Đức Kitô, sự hiển vinh này của Người là Nước Thiên Chúa mà Người đã loan báo trước đây, được đánh dấu bởi sự gần gũi. Và để minh chứng điều đó, Người đã tự mạc khải cho thấy Người là một người gần gũi nhất với họ, gần gũi với mọi con người. Thay vì tự giam mình trong một vòng nhỏ bé với một số bạn bè hay người công chính, Người lại đi đến với những người xa nhất, với những người lạc lõng, những tội nhân, những người bị loại bỏ. Người ăn uống với họ, ở giữa họ. Người dẹp đi tất cả mọi khoảng cách. Người để cho họ đến gần Người. Người để cho quần chúng đụng chạm đến Người. Mọi người phải cần biết rằng Thiên Chúa muốn quan hệ với con người, muốn tạo tương quan, muốn hiệp thông với mỗi con người. Sự hiển vinh của Thiên Chúa mà Ngài mạc khải, cơ bản là tính vương quyền của tình yêu thương, thứ tình yêu thương không hề biết đến ranh giới hay khoảng cách nào và chỉ có thể trị vì nhờ sự gần gũi và hiệp thông (Osê 11,1-4).

Qua đó, Đức Giêsu cho thấy rõ vinh quang của Cha và sự vinh hiển của Người không cần tìm đâu trên trời, ngoài trần thế này mà là với tha nhân, không là chế ngự mà là (với...) hiệp thông. Không là khoảng cách mà là (với...) tương quan gần gũi.

Đó là ý nghĩa căn bản của tương quan liên văn hóa của chị em, dẫn đến sự hiệp thông, làm cho chị em trở thành chị em trong Chúa Giêsu Phục Sinh, quyền năng mới của Sự Sống lại làm Thiên Chúa gần gũi với con người nhờ bởi tình Con Thảo của Chúa Kitô, biến đổi tương quan xa xôi của con người thành NGƯỜI ANH EM.

III. ĐIỀU NÀY CẦN PHẢI TRẢI QUA MỘT TIẾN TRÌNH LÂU VÀ DÀI

Chúng ta cần xác tín rõ và vững chắc rằng, chúng ta phải chấp nhận tiến trình dài lâu này, nhưng vững tin là có thể đạt được kết quả, có thể đến đích trong kiên trì, thông cảm, khiêm tốn và thứ tha.

Và tôi tin rằng chúng ta, ít nhiều, đã trải nghiệm được đôi chút kinh nghiệm này. Chưa trễ để chúng ta có thể bắt đầu. Chúc thành công cho mỗi anh chị em.

 

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 90

bài liên quan mới nhất

Ngày 30/11: Thánh Anrê, Tông đồ (lễ kính)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng