Tôi đi tìm tôi - một hành trình

Dẫn nhập:

Biết bao lần trong cuộc đời tôi đã không chấp nhận được mình, tôi thấy mình thật vô dụng, tầm thường và dốt nát … Tôi lần lượt nhìn vào những sự kiện, những biến cố, những lời nói của chính mình và của chị em và tôi thấy tại sao tôi lại như thế, tại sao tôi lại không làm được những gì tôi muốn đó là trở thành một người lễ độ, trưởng thành … Vì ít ra, tôi cũng đang là một nữ tu kia mà, sao lại ứng xử tệ  như một người thiếu nhân bản! … Rồi tôi lại thấy mình thua kém chị em về nhiều mặt … và còn nhiều, rất nhiều vấn đề khiến tôi phải bận tâm. Tôi rơi vào bế tắc, chán nản như không còn lối thoát, nhưng tôi vẫn muốn tu, vẫn muốn theo Chúa và vẫn cảm thấy tôi được Thiên Chúa yêu thương, không hiểu sao bước vào cuộc sống thì nó lại ngán ngẩm đến thế.

Cuối cùng, tôi lại nhủ thầm “mình phải cố gắng lên”, rồi nhìn lên Chúa, tôi lấy lại nghị lực, dù tôi thế nào thì tôi biết Ngài vẫn yêu tôi, Ngài không muốn nhìn thấy bộ dạng như thế này của tôi, và chắc chắn Ngài không cho phép tôi nghĩ về mình như thế, vì Ngài coi tôi là thụ tạo tuyệt vời của Ngài, bởi “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh của mình” (St 1,27) và “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1,31) kia mà. Có thể trong mắt mọi người tôi không là gì cả, nhưng tôi lại tuyệt vời trong mắt Chúa. Chúa yêu tôi, nên tôi tin Ngài cũng sẽ muốn những điều tốt đẹp nhất xảy đến cho tôi. Về phần mình, tôi sẽ làm theo Lời Người dạy tôi, là tôi học sống như Ngài đã sống, đó là “hiến mạng sống của mình cho tha nhân” trong tình yêu, thì tôi sẽ gặp lại chính mình.

Nghĩ như thế, nhưng thật khó để có thể làm được như vậy và rất có thể biến cố này sẽ là một cơ hội để tôi có thể suy nghĩ sâu sắc hơn, hầu có một cái nhìn trưởng thành, chuẩn xác hơn trong mối tương quan giữa tôi với Chúa, với tha nhân và với mình. Thật vậy, tôi đã từng được nghe rất nhiều về việc phải sống với Chúa làm sao, với tha nhân như thế nào qua các dịp tĩnh tâm, các bài huấn đức …, nhưng giờ đây hỏi rằng có còn gì tồn đọng lại trong tôi hay không, thì câu trả lời sẽ là “không”. Nó đã thoáng đến rồi lại thoáng đi một cách nhẹ nhàng, mặc dù lúc đó tôi cảm thấy rất tâm đắc và thấm thía. Trong thinh lặng tôi đi tìm tòi, học hỏi và cảm nghiệm cho đến hôm nay với một tâm trạng thật sự bình an, tôi muốn bộc bạch tất cả để muốn được chia sẻ cho tất cả mọi người về tôi – một con người – một thụ tạo của Chúa – hơn nữa là một người được Chúa yêu và tuyển chọn cách đặc biệt. Trước hết, tôi muốn khởi đi từ việc nhận biết chính mình, cảm nhận về căn tính của mình là hình ảnh Thiên Chúa.

1. Con người là hình ảnh Thiên Chúa:

1.1 Con người là hình ảnh của Thiên Chúa nghĩa là gì?

Ơn cứu độ nhìn từ cơ cấu nhân học Kitô giáo trong việc Thiên Chúa mạc khải về con người thì mười một chương đầu của sách Sáng Thế diễn tả rất cụ thể. Trong đó, khi đề cập đến việc con người được sáng tạo giống hình ảnh Thiên Chúa thì đã có những giáo phụ giải thích con người giống hình ảnh Thiên Chúa ở chỗ con người có lý trí khôn ngoan. Và quả thật, nhờ lý trí, con người có khả năng tham dự vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa như việc đặt tên cho các loài vật của Adong, nguyên tổ của loài người. Nhưng sự khôn ngoan cũng không thật sự làm cho Adong hạnh phúc cho đến khi tìm được Eva “một trợ tá tương xứng” (St 2,20b). Lúc đó, ông đã thực sự thốt lên trong sự vui sướng sung mãn: “Phen này xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2,23). Vậy ta có thể nói rằng, lý trí khôn ngoan chỉ là điều kiện cần để con người được tự do đi vào tình yêu thương.[1]

Như thế, con người được sáng tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là con người thiết yếu được mời gọi sống với Thiên Chúa, có vận mạng “siêu nhiên” và chỉ có thể hoàn thành cuộc đời mình khi trở về với Thiên Chúa, là thực hiện bản chất yêu thương đã được ghi khắc trong hữu thể của mình. Trong hiện trạng cuộc sống, tất cả vấn đề của con người có thể gồm tóm trong cuộc đấu tranh giữa tình yêu và ích kỷ. Vậy, ta cũng hiểu ra rằng sức mạnh để con người sống cuộc đời này, sống bản chất và hoàn thành vận mạng của mình, không gì khác hơn là tình yêu thương. Lý trí khôn ngoan chỉ là một điều kiện cần thiết để con người tự do đi vào tình yêu thương. Điều quan trọng nhất không phải là nỗ lực sửa chữa theo kiểu uốn nắn, cắt tỉa, rèn luyện … nhưng là đón nhận, là chân nhận tất cả và quy hướng chung vào nguồn mạch chung, nhuộm chúng trong màu sắc chung của tình yêu thương.[2]

Song song với việc mạc khải trong Kinh Thánh, sách GLHTCG số 356 cũng nói rằng: “Trong tất cả các thụ tạo hữu hình, chỉ có con người có khả năng ‘nhận biết và yêu mến Đấng tạo hóa của mình’, ‘là thụ tạo duy nhất trên trái đất được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ’, chỉ có con người được kêu gọi tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, bằng sự nhận biết và tình yêu”. Con người được tạo dựng vì mục đích ấy, và đó là lý do căn bản của phẩm giá con người. Một trái tim yêu thương mà con người dành cho nhau, một thao thức không nguôi trong tận thẳm sâu tâm hồn con người luôn hướng về Thiên Chúa. Điều mạc khải kỳ diệu này đã trở thành nền tảng xác nhận bản tính cao cả của con người như là một nhân vị có tương quan tính, có khả năng nhận thức và có ý chí tự do.

Vì được dựng nên do ý muốn của Thiên Chúa và theo hình ảnh của Người, nên thân xác con người cũng được dự phần vào  phẩm giá thần linh. Quả thật, thân xác con người đã được linh hồn thiêng liêng làm cho sống động để trở nên một cá vị toàn diện và được đặt định để trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần trong thân thể Chúa Kitô.[3] Như vậy, phẩm giá con người trước tiên đến từ dữ kiện mạc khải “con người là hình ảnh của Thiên Chúa”, chứ không phải đến từ những gì con người đã làm được hoặc sẽ làm được. Nói cách khác, phẩm giá mỗi người không đặt nền trên sắc đẹp,thành công xã hội, chỉ số thông minh, nhưng ngay trên dữ kiện nó hiện hữu, vì nó hiện hữu là do ý muốn của Thiên Chúa. Mỗi người hiện hữu theo một phong cách rất riêng của mình với thế giới chung quanh, và sẽ trở thành một tế bào không thể thiếu để tạo nên một xã hội đa dạng nhưng hợp nhất. Niềm xác tín này giúp ta dễ chấp nhận chính mình, cũng như đón nhận phẩm giá của người khác – người mạnh khỏe hay người dị tật bẩm sinh, người cao tuổi ốm liệt hay trẻ em khuyết tật. Việc chấp nhận chính mình là việc tự tìm tòi và khám phá ra chính bản thân mình để có thể hiện hữu cách trọn vẹn như mình là. Vì mọi người, không trừ một ai, đều nằm trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.

1.2 Con người được Thiên Chúa yêu thương:

Trong thực tế, ta thấy rõ ràng rằng các nhà lãnh đạo đều tuyển dụng con người theo khả năng để thu được lợi ích cho chính công ty, xí nghiệp hay đất nước của mình. Nói chung, hầu hết mọi người đều muốn người khác phục vụ cho lợi ích của mình. Chẳng hạn, ta yêu một ai đó, vì ta thấy họ dễ thương, dễ mến, hợp với “gu” của mình, hay người đó cũng yêu cũng mến ta, hoặc họ làm cho ta cái này, cái kia mà ta không thể làm được … Vậy, đối với Thiên Chúa thì sao, tại sao Thiên Chúa lại tạo dựng nên con người? Ngài được gì khi tạo dựng con người? Phải chăng Ngài được vinh hoa phú quý, hay được vinh quang khi con người ngợi khen chúc tụng, hay Ngài được giàu có hơn …?

Hoàn toàn không có gì cả! Thiên Chúa tạo dựng nên con người vì chính con người và vì muốn con người được sống và sống hạnh phúc. Vì nơi Ngài mọi sự đã tròn đầy và viên mãn. Việc tạo dựng con người không những không mang lại được gì cho Ngài. Ngược lại, ta thấy Ngài còn phải khốn khổ với họ, chấp nhận hy sinh mạng sống, danh dự, uy quyền để đồng lao cộng khổ với họ … Và cuối cùng Ngài nhận được sự cám ơn của con người là một án phạt trần truồng, nhục nhã trên thập tự. Ngài đã được gì khi tạo dựng nên con người, nếu không phải chỉ là những sự thiệt thòi, rắc rối, bất trung dành cho Ngài mà thôi. Vậy Ngài tạo dựng nên con người làm chi để Ngài phải đau đớn khổ cực như thế?

Ngài tạo dựng nên con người hoàn toàn vô vị lợi, chỉ vì họ. Ngài đã yêu, yêu hăng say, yêu cuồng nhiệt, yêu không tính toán. Ngài đã tôn trọng người mình yêu để họ tự do với những khả năng của chính họ: “Chính tình yêu khôn tả đã khiến Chúa nhìn đến thụ tạo của Chúa nơi chính Chúa, Chúa đã say mê nó; vì tình yêu Chúa đã dựng nên nó, vì tình yêu Chúa đã cho nó hiện hữu, để nó nếm được sự tốt lành vĩnh cửu của Chúa.”[4] Về phần mình, con người cũng phải dừng lại để xem xét lại cách sống của mình với Chúa và với thụ tạo của Chúa, để có thể, một chút nào đó, đáp trả lại tình yêu thương vô vị lợi mà Chúa dành cho ta. Muốn được như thế, quan trọng nhất có lẽ con người phải khởi đi từ việc nhìn vào chính mình.

2. Mình với mình

Quả không đơn giản chút nào khi dám chấp nhận chính mình, hay nói khác đi là biết mình, như Thales một triết gia Hy Lạp đã từng thốt lên: “Điều khó nhất là biết mình” hay như Socrat đã chọn cho mình một châm ngôn sống: “Hãy biết chính mình”, hoặc trong Binh Pháp Tôn Tử nhấn mạnh: “Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng”, nghĩa là: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Chính Đức Giêsu cũng đã dạy: “Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em! (Lc 6,42b)

Khi nói về bản thân mình, tôi phải nói mình như thế nào nhỉ? Thật sự mà nói tôi còn là người hay “a dua” và sống dựa vào người khác khá nhiều. Tôi có cảm giác mình là thân phận tầm gửi, cũng có khi là một đám mây trôi hững hờ, muốn về đâu thì về, đi đâu thì đi hay như cánh bèo trôi dạt trên sông. Tôi cứ sống thoái thác cho hoàn cảnh, cho môi trường, nên tôi cảm thấy chẳng có gì để cho mình phải phấn đấu và bon chen, cứ chị em sao tôi vậy … Hình như tôi chưa xác định được căn tính của mình, chưa dám đứng lên bằng đôi chân của mình hay chưa dám chấp nhận chính mình … Thật sự mà nói, tôi luôn cảm thấy mình là người vô dụng, vô duyên và tầm thường, nhưng khi có ai chê thì lại buồn, lại chán nản … Tôi đã chưa biết mình là ai nên chưa dám chấp nhận mình, nên tôi đã tự tạo cho mình nhưng chiếc mặt nạ thật khéo để không ai có thể nhìn ra con người thật tồi tệ của tôi, để khi tôi đối diện với chính mình thì cảm thấy đau đớn và buồn chán. Điều này đã vô tình  trở thành những gánh nặng nề, đôi khi thật kinh khủng, trong tâm hồn của tôi. Làm sao tôi có thể thoát ra được với những khó khăn này; trở về hòa giải với chính mình, chấp nhận mình nhỏ bé hay chấp nhận sự thật về mình!?

Thật vậy, ta rất dễ dàng để có thể nói không tốt về tha nhân, hay cứ nghĩ xấu, đổ lỗi cho họ, nhìn thấy nơi họ những khuyết điểm và trách móc họ, còn mình thì lại chẳng thấy được mình. Và đây có lẽ là then chốt cho những cuộc cãi cọ, tranh chấp, hiểu lầm và muôn vàn những sự xấu xa. Như thế, tất nhiên, điều này sẽ đưa ta đến những đau khổ mà do chính mình tạo ra chỉ vì không biết mình là ai, không chấp nhận con người thật của mình để cũng biết cảm thông với tha nhân. Việc trở về và chấp nhận mình thì thật là khó, nhất là khi ta đang là một tội nhân, đầy rẫy những khuyết điểm. Thật vậy, nếu ta không chấp nhận được chính mình thì làm sao tha nhân có thể chấp nhận được ta. Thiên Chúa, Đấng hoàn hảo vô cùng đã chấp nhận và yêu thương ta như chính ta là, ngay khi ta còn là tội nhân, thế thì vì lý gì ta lại không thể chấp nhận được chính mình? Phải can đảm đứng lên để nhìn nhận, mỉa mai và dám mỉm cười với chính những khuyết điểm của mình, có như thế ta mới mong tránh được thái độ phê bình và chỉ trích tha nhân.

2.1 Khác biệt và độc đáo

“Khác biệt ư, độc đáo ư?”  Tôi không bao giờ nghĩ mình là người “độc đáo”. Cụm từ này thường được dùng để diễn tả những cái hay,  những cái mới mẻ … khiến cho mọi người phải chú ý. Còn tôi có cái gì đâu mà độc đáo, tôi chỉ là một con người bình thường giống như bao nhiêu người khác, nếu tôi không muốn dùng từ ngữ tầm thường; tôi có gì hơn những người xung quanh nếu không muốn nói là tôi thấp kém hơn họ rất nhiều; tôi có đẹp hơn ai đâu nếu chưa muốn nói là tôi xấu xí hơn biết bao nhiêu người: tôi có giỏi hơn ai đâu, nếu chưa muốn nói là tôi tệ hơn họ rất nhiều … Vâng, nếu xét như thế thì tôi chẳng bao giờ là người độc đáo. Nhưng trong tương quan tình yêu với Thiên Chúa tôi nhận ra và khẳng định rằng tôi “độc đáo”, vì tôi là một thụ tạo tuyệt vời “có một không hai” của Thiên Chúa, tôi là tôi, tôi không phải là ai khác. Chúa tạo dựng nên chỉ duy nhất có mình tôi mà không còn “một tôi” thứ hai nữa, nên tôi hiện diện với tất cả những gì tôi có, tôi cố gắng để tôi thật sự hiện hữu theo cách độc đáo của tôi mà Thiên Chúa đã dựng nên. Và tôi thấy mình độc đáo, vì tôi đang được sống trong tương quan với tha nhân, tôi không phải là tha nhân, tôi có một hoàn cảnh, một quá khứ cũng như những hoạch định tương lai rất riêng mà Thiên Chúa đã dự phóng cho tôi, để tôi trở thành một thụ tạo thật sự “hoàn hảo” trong mắt của Ngài qua cuộc sống hằng ngày của tôi, với những khác biệt mà Chúa muốn nơi tôi, để cùng với tha nhân tôi hoàn thiện mình và đem tình yêu của Chúa đến với họ.

Là một tác phẩm “độc nhất vô nhị” của Chúa, tôi đang sống, đang hiện hữu trong vũ trụ này với vạn vật thiên nhiên và con người. Sách GLHTCG số 357 cũng nhấn mạnh: “Mỗi cá nhân con người, bởi vì được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên có phẩm giá của một ngôi vị: không chỉ là một sự vật nào đó nhưng là một ai đó. Con người có khả năng nhận thức về bản thân mình, làm chủ mình, tự hiến mình cách tự do và đi vào sự hiệp thông với các ngôi vị khác.”

Tình yêu Thiên Chúa dành cho tôi, chẳng bao giờ tôi có thể biết và hiểu được cho trọn, nên không thể nào tôi diễn tả được. Nhưng tôi biết chắc một điều là Ngài rất yêu tôi thương tôi, mặc dù đó là tình yêu đơn phương của Ngài dành cho tôi (vì tôi biết mình chưa yêu Ngài bằng Ngài yêu tôi). Lại nữa, biết chắc là tôi chưa bao giờ yêu Ngài cho đủ vì Ngài thật vô hình. Vì thế, nhiều lúc tôi cũng đã than trách Ngài nhiều lắm vì sự thinh lặng và vô hình của Ngài: Ngài yêu tôi mà Ngài chẳng nói cho tôi hiểu, hay phải chăng tôi quá hững hờ với Ngài? Tôi chỉ đi tìm Ngài trong loạng choạng, mập mờ giữa một xã hội có quá nhiều lôi cuốn, còn Ngài thì cứ im lặng, nhẹ nhàng, từ tốn, hiền từ nhìn tôi … Tôi nhiều lúc cũng phải “bó tay” và gào thét trước sự thinh lặng thẳm sâu của Ngài. Tôi phải tìm Ngài nơi những con người mà Ngài cho tôi gặp gỡ hay trong công việc tôi làm? Chắc chắn rằng việc gặp gỡ Ngài nơi tâm hồn của tôi vẫn luôn là vấn đề trọng yếu trên hết mọi vấn đề mà tôi phải suy nghĩ và thao thức.

2.2 So sánh

Để hoàn thiện mình thì việc nhìn vào tha nhân là điều cần thiết mà tôi tạm sử dụng từ “so sánh”. Vậy,  việc so sánh giữa hai con người với nhau là một việc tích cực hay tiêu cực? Theo tôi, nó phụ thuộc vào cách suy nghĩ của từng người. Có người cho rằng đó là một căn bệnh cần phải được thanh tẩy và điều trị đến tận gốc rễ. Vì trên thực tế, việc so sánh làm cho “người bị so sánh” dễ dàng nản chí, thậm chí còn trở nên mặc cảm tự ti, khiến tình trạng của họ càng tồi tệ và đau khổ hơn. Nhưng về phía mình, tôi thấy nó không đến nỗi trầm trọng, vì phải so sánh thì mình mới có thể thăng tiến được. Tôi công nhận mình hay so sánh mình với chị em, với mọi người nhưng để tôi biết cố gắng hơn: Tại sao chị em cũng có thời gian hay môi trường như tôi mà họ lại sống thánh thiện, hiểu biết, giỏi giang hơn tôi? Đành rằng, Chúa cho mỗi người có một cách suy tư khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, nên chúng ta sẽ chẳng bao giờ giống nhau. Nhưng việc so sánh để thăng tiến đó là điều cần thiết để phát triển mình.

Thật vậy, khi so sánh thì sẽ có hai thái độ xảy ra hoặc là chấp nhận hoặc là sẽ tự cô lập mình. So sánh để biết cố gắng phấn đấu hơn trong cuộc sống thì đó là điều tôi nghĩ nên làm. Tôi vẫn còn nhớ lời của một thánh nhân đã nói: “Tại sao ông nọ, bà kia làm thánh được còn tôi lại không làm được?” Cũng vậy, tôi so sánh mình với chị em để yêu thương, cảm thông và cảm phục họ. Vì rất nhiều người có cuộc sống cơ cực, bần cùng nhưng cách sống của họ đã khiến tôi cảm mến họ, phục nể họ … Việc so sánh, theo tôi, nó cũng nói lên một tương quan, một tương quan giữa chúng ta với nhau, rằng: chúng ta rất cần đến nhau và phải nhìn vào nhau để sống, để giúp nhau hoàn thiện mình mỗi ngày. Vậy, ta phải loại trừ hai chữ “so sánh” ra khỏi đầu của mình, nếu như sự so sánh đưa ta đến việc loại trừ tha nhân hoặc đánh mất chính mình. Việc so sánh như thế là một trong những “căn bệnh trầm kha” mà ta phải hết sức cảnh giác. Nhưng với tôi, so sánh với tha nhân để hiểu, để cảm và để yêu họ nhiều hơn và hoàn thiện mình tốt hơn là một việc hữu ích nên làm.

3. Mình với người

3.1 Trao ban – một mầu nhiệm

Tương quan “người-ta” là mối tương quan ở trong nhau, ta không thể gạt bỏ tha nhân, và cũng chẳng thể trốn chạy tha nhân, vì tha nhân luôn ở trong bản thân ta. Tha nhân chính là bầu sữa mẹ thấm vào từng huyết quản cho ta được lớn lên. Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai. Khi nói đến con người hay nói đến “người ta” thì ta đã nói đến  “ta” và “người”. Bởi trong “ta” có “người” và  trong “người” có “ta” – một nửa là của người, một nửa là của ta. Cho nên khi nói đến “con người” là nói lên một sự tương quan. Sống ở trên đời không ai là một hòn đảo đơn độc, mà phải “sống với” và “sống cùng”.[5]

Qua kinh nghiệm sống hàng ngày, cho đến hôm nay tôi có thể nói rằng không phải tự mình mà tôi có thể biết được chính mình, nhưng tôi cần đến tha nhân, cần đến những người xung quanh, họ chính là những người đã giúp tôi biết mình là ai, mình đang thiếu cái gì … Nói đến đây, tôi sực nhớ ra lời của một bài hát: “Tôi chỉ thực sự là người, nếu tôi sống với anh em tôi”. Có nghĩa là, tôi sẽ không bao giờ trở thành người nếu tôi không sống với tha nhân, những người đang sống xung quanh tôi đây. Còn nhớ lúc nhỏ xíu tôi được Mẹ bồng ẵm lo cho từng li, từng tí một với nhu cầu căn bản là bú mớm, ăn uống … Lớn hơn một chút, tôi lại được bố mẹ cho đi học, được tiếp xúc gặp gỡ với thầy cô, bạn bè, xã hội … Cứ thế, dần dần con người của tôi như hôm nay được hình thành. Gần hơn, đó là khi sống trong cộng đoàn, tôi mới nhận thấy rõ hơn vai trò quan trọng của tha nhân trong cuộc đời của mình; tôi nhận thấy tính cách của mình cũng bị ảnh hưởng không ít bởi gia đình, xã hội và cộng đoàn. Nói như thế không có nghĩa là tôi để cho mình bị tác động và bị hòa tan trong cộng đoàn, nhưng tôi trước hết phải suy nghĩ để biết mình là ai, mình cần gì trước khi bị tác động bởi mọi người xung quanh. 

Đành rằng trước đây, tôi hay bị lôi cuốn bởi những cái gì mà tôi cho là hay, là đẹp, là đúng, cũng có khi tôi bị ép buộc vì sợ rằng mình làm trái ý người đó thì họ sẽ ghét tôi, hay người bạn đó sẽ tẩy chay mà không chơi với tôi nữa, nên tôi hay sống dựa vào thế lực của người khác. Nhưng giờ đây, tôi có đủ suy nghĩ và chín chắn để nhận thấy tha nhân rất có ích cho tôi và tha nhân cũng có thể sẽ là mối nguy hiểm cho tôi, nếu tôi không có đủ nghị lực và lập trường của riêng mình. Như tôi đã nói ở trên: con người là hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng không có người nào giống người nào, kể cả là hai người sinh đôi, có thể họ giống nhau ở một vài điểm nào đó chứ không thể giống nhau về sở thích hay tính cách; và đây cũng chính là một trong những nét độc đáo riêng mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi con người, để Chúa cho chúng ta biết mình phải cần đến nhau. Chúng ta rất cần đến nhau nhưng trong một giới hạn cho phép nào nào đó, vì mỗi người sẽ có cái độc đáo riêng của chính họ, chúng ta cần đến nhau để giúp kiện toàn những khiếm khuyết nơi nhau. Chẳng vì thế mà sống trong một tập thể chúng ta cần phải tôn trọng ý kiến của mỗi người, vì mỗi người đều có thể nói lên những suy nghĩ, những thao thức riêng của mình về vấn đề cộng đoàn đang gặp phải, để rồi ta đi đến cái chung, sao cho tất cả đều hài hòa và mọi người đều cảm thấy có sự cộng tác, đóng góp của mình.

Sống trong cộng đoàn, chúng ta ảnh hưởng đến nhau cũng không ít, tốt có, mà xấu cũng không thiếu. Bên cạnh đó, còn có vô số những đụng chạm tế nhị rất dễ làm phiền lòng nhau, nếu ta không để ý. Chỉ một câu  nói cũng có thể làm cho chiến tranh lạnh xảy ra và vô vàn những trường hợp đau lòng khác mà ta vẫn gặp thấy trong đời sống cộng đoàn. Có những người mà chỉ cần nhìn thấy mặt là ta đã thấy ghét, mặc dù họ chẳng làm gì đến ta cả, cũng có những người làm ta phải đau khổ, đau đến tột cùng mà như không còn lối thoát … Nhưng như lời của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận thì “va chạm với người khác là sự thường. Một xã hội không có sự va chạm chỉ có thể là thiên đàng. Một hòn đá nhờ va chạm mà láng hơn, tròn hơn, sạch hơn, đẹp hơn” (ĐHV số 21164). Tôi cũng ý thức được điều đó, vì mỗi người một tính, mỗi người có một nét đẹp tiêng, nếu tôi thật sự biết chân thành lắng nghe họ, thì tôi sẽ nhận ra rằng, quả thật họ dễ thương! Vậy mà bấy lâu nay tôi không nhận ra. Cũng nhiều khi, qua những lần vì bực tức ta vì cái gì đó, mà tha nhân mắng chửi ta xối xả, họ tuôn ra những lời nói không tốt về ta, những lời mà bấy lâu nay đã có trong suy nghĩ của họ. Hôm nay, có cơ hội, họ nói tất cả. Nói xong, họ hả giận, còn mình thì đau khổ mà suy đi nghĩ lại những lời họ đã nói. Nghiệm lại mới thấy, phải nhờ họ, ta mới biết mình là người như thế nào … Nhờ họ, ta còn học được bài học phải biết lắng nghe, không vội kết án ai, vì mỗi người sẽ có những tâm tư, những thao thức và những cảm nghiệm riêng về cuộc sống rất thi vị và muôn hình vạn trạng. Họ cũng làm cho tâm hồn ta thêm hiểu biết về cuộc sống mà bấy lâu nay ta chưa nhận ra.

Những khi quá đau khổ vì cuộc sống cộng đoàn, tôi thường đến với Chúa là căn nguyên và cùng đích của cuộc đời tôi. Tôi nhìn Ngài và được Ngài cho tôi nhận biết rõ hơn về mình, về sự yếu đuối mỏng dòn của chính tôi và của tha nhân. Tôi có những sai lầm thiếu sót, và tha nhân cũng thế. Qua tha nhân, tôi mới biết được mình có sống hi sinh, có quên mình, có yêu thương và đủ vị tha hay không. Quả vậy, tha nhân – không trừ một ai, đã giúp tôi nên thánh. Những người hay  gây phiền toái, đau khổ cho tôi, thì họ đã giúp tôi rèn luyện hy sinh, kết hoa nhân đức. Những người tạo cho tôi niềm vui, họ như những bóng mát Chúa gửi đến cho tôi, để tôi có thêm sức mạnh đi tiếp “cuộc lữ hành” về nhà Cha. Tất cả họ đều là những món quà Thiên Chúa đã yêu thương trao gửi cho tôi.

3.2 Trao ban – một món quà

 Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã từng nói rằng: “Con người chỉ giống hình ảnh Chúa khi hiến mình liên lỉ như mỗi Ngôi trong Thiên Chúa: hoàn toàn hiến dâng, hoàn toàn tương quan, hoàn toàn yêu thương.” (ĐHV số 606) Mặc dù, cuộc sống cộng đoàn có nhiều lúc khiến ta phải đau khổ, phải dừng lại … nhưng bên cạnh đó, ta cũng đón nhận được vô vàn tình yêu thương. Mà để có được điều đó thì chính ta là người phải biết mở lòng ra đón nhận tất cả anh chị em như chính họ là, chứ không phải theo ý ta. Ta hiến dâng cho họ tất cả những gì thuộc về ta, ví dụ như thời gian hay những khả năng mà Chúa ban riêng cho ta. Cách cụ thể, trong cuộc sống hàng ngày, tôi thường dành chút thời gian giúp một người chị em đang quét sân hay rửa cho chị một cái chén, nở với chị một nụ cười, giặt phụ chị em bộ quần áo để quên, hay pha cho chị em một ly nước khi đi xa về … Điều đó làm cho họ cảm thấy hạnh phúc và chính tôi cũng thấy mình được hạnh phúc không kém. Ngay chính bản thân tôi cũng thế, tôi cũng cảm thấy hạnh phúc khi tôi được đón nhận một cử chỉ, một hành động yêu thương nào đó mà tha nhân dành cho tôi. Chính vì vậy, tôi nghĩ, họ cũng sẽ hạnh phúc khi nhận được những điều đó từ tôi, nên tôi cũng thích cho đi như thế, tôi cho họ thời gian mà lẽ ra tôi có thể làm việc riêng cho mình, tôi cho họ những gì họ cần … Chính lúc tôi hy sinh cho đi, tôi gặp lại chính mình và cảm nếm được niềm hạnh phúc đích thực trong Thiên Chúa.

Tạm kết

Tôi xác tín rằng, tình yêu của Chúa đã đưa tôi đến với cuộc sống cộng đoàn. Nơi đây, tôi thật sự cảm thấy được hương vị muôn màu muôn sắc của cuộc đời. Nhưng cuối cùng, thì niềm vui cũng được hé lộ như ánh bình minh không bao giờ khuất bóng. Nó nằm ngay trong chính con người của tôi, trong ánh mắt và cái nhìn của tôi. Và tôi thật sự cảm thấy yêu quý cuộc sống cộng đoàn, khi tôi cảm nhận được tình thương chân thành mà chúng ta trao cho nhau. Điều đó sẽ nảy sinh muôn vàn những phép màu, dù rất bình thường, nhưng lại là những hạt mầm của niềm tin, của hy vọng cứ  từng ngày, từng ngày được gieo vãi trong tâm hồn mỏng manh, bé nhỏ của tôi, để rồi đơm bông kết trái làm thành của lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa.

……………………………………….

[1] Nguyễn Trọng Viễn O.P, Đạo Luân Lý, Góp Gió 6, tr.10

[2] Nguyễn Trọng Viễn O.P, Đạo Luân Lý, Góp Gió 6, tr.11

[3] X. GLHTCG, số 362-367.

[4] Xem sách GLHTCG, Công Đồng Vaticano II, năm 1992, số 356

[5] Nguyễn Văn Quý O.P, Đi Tìm ý Nghĩa Cuộc Đời, Góp Gió 5, tr.5

Têrêsa Nguyễn Vân

bài liên quan mới nhất

Thứ Sáu tuần V Phục Sinh: "Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng