Tâm tình ngày cầu nguyện cho Ơn Thiên Triệu

                    Nhân dịp ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu, tôi được vài tu sĩ trẻ yêu cầu cho họ lời khuyên bảo và khích lệ. Tôi đã làm việc đó cách vui vẻ và nhiệt thành. Nhưng sau đó tôi bỗng nghĩ tới chính mình, chính con đường ơn gọi của mình, và tự hỏi : liệu những điều khuyên bảo kẻ khác đó, tôi đã áp dụng cho mình không?

            Ơn gọi linh mục và tu sĩ thường được gọi là ơn thiên triệu : đó là một ơn, và như tất cả mọi ơn Chúa ban, đó là một “quà tặng” hoàn toàn “nhưng không”, nghĩa là hoàn toàn do tình thương của Thiên Chúa muốn ban cho ai tùy ý Người, không dựa trên công đức nào của kẻ nhận ơn. Giáo hội nói ơn thiên triệu là một mầu nhiệm, một điều bí mật của cõi lòng Thiên Chúa mà không lý lẽ nào về phía con người tôi có thể giải thích. Nhắc lại như thế để người được gọi luôn giữ lòng khiêm nhường và nuôi dưỡng tâm tình cảm tạ đối với Đấng đã gọi mình. Những tu sĩ, linh mục cao tuổi như tôi dễ quên mất điều đó. Tu lâu rồi, quen rồi, nên người ta dần dần coi con đường tu hành của mình là “đương nhiên phải thế”, người ta hết còn thán phục và biết ơn về nhiệm mầu ơn gọi của mình.

            Trong đức tin, tôi xác tín ơn gọi phát đi từ Thiên Chúa như Đấng đã sáng kiến trước, nhưng như mọi thực tại siêu nhiên khác, ơn ấy đến với tôi qua trung gian của những thực tại tự nhiên, qua những con người những biến cố thông thường. Năm ngoái, gia đình một người bạn cũ từ Bỉ về, có mời tôi đến ăn điểm tâm tại một khách sạn nhỏ nằm ở trung tâm thành phố. Người đó nguyên là một linh mục làm tuyên úy cho nhóm sinh viên Việt Nam tại đại học Louvain, Bỉ trong những năm 60, về sau anh hồi tục, lập gia đình với một người trong nhóm sinh viên người Việt đó. Trong bữa ăn cũng có mặt hai cặp vợ chồng người Bỉ khác cũng đến thăm Việt Nam với gia đình ông bạn tôi. Gần cuối bữa ăn, trong câu chuyện vui vẻ, bỗng một người trẻ nhất trong nhóm đột ngột hỏi tôi: “nếu không có gì quá riêng tư, tôi xin hỏi cha một câu, tùy cha muốn trả lời hay không cũng chẳng sao: Tại sao cha đi tu dòng Phanxicô mà không đi tu triều hay một dòng khác?” Tôi trả lời ngay, không phải ngẫm nghĩ gì cả, tôi nói đại ý: chuyện tôi đi tu cũng giống như người lập gia đình vậy. Tại sao lấy ông này, bà kia mà không phải ai khác ? Hoàn cảnh mà hai người gặp nhau, quen nhau, thương nhau nhìn từ ngoài, có vẻ như tình cờ nhưng đối với những người trong cuộc thì không phải như thế. Ở Việt Nam chúng tôi hay nói tới duyên số. Tôi vào chủng viện dòng Phanxicô năm 1949, ở Nghệ An trong thời kháng chiến chống Pháp, lúc đó ở Nghệ An chỉ có một dòng duy nhất là dòng thánh Phanxicô mới lập tại Vinh được 20 năm. Tôi biết dòng nhờ những ông thầy đi khất thực trong giáo phận trong những năm chiến tranh khó khăn, đói kém. Không thể nói là tôi chọn dòng. Nhưng về sau, nhìn lại con đường của chính tôi cảm nghiệm như một cái gì nhiệm mầu vì nó hệ trọng và quyết định cả đời tôi. Câu trả lời của tôi đến tự nhiên và chân thành, hình như thuyết phục được người nghe vì tôi thấy họ gật gù và tỏ ra bằng lòng.

            Tôi vừa nói người đi tu cũng giống như người lập gia đình. Nghi thức của một vài dòng nữ mang dáng dấp một lễ cưới, và hình như mọi nữ tu đã khấn trọn đời đều đeo nhẫn ở ngón tay như người phụ nữ có chồng. Không thấy những dấu hiệu bề ngoài trong một lễ khấn của nam tu sĩ cho thấy đó là một “hôn ước”. Trong bản chất, mọi cuộc khấn dòng đều là “giao ước tình yêu”: ở đây cũng có hai tự do, hai cuộc đời – một con người và Đức Giêsu Kitô – đi vào nhau, ràng buộc vào nhau để xây dựng một cuộc sống chung trong lòng chung thủy trọn đời. Chúa thì không thể thiếu chung thủy bao giờ rồi, còn phía tôi thì sao ? nếu không có những phản bội trầm trọng thì đã là khá rồi, làm sao tránh khỏi những thất trung thất tín này nọ ? Lại nữa, tôi có hạnh phúc không và tôi có làm cho Chúa hạnh phúc không, – nếu được phép nói như thế ? Có giáo dân đã trách Giáo Hội không công bằng: hôn phối thì không bao giờ cho hủy, còn lời khấn (và chức vụ linh mục) lại được “chuẩn” khá dễ dàng. Tôi không bàn cãi về ý kiến này, nhưng muốn coi đó như một lời nhắc nhở cho mình.

Trong hôn nhân, nhiều cặp vợ chồng về già sống với nhau trong tình yêu không sôi nổi nhưng thật sâu đậm, thật đơn sơ, tự nhiên; cuộc sống chung dài đã làm cho họ hiểu nhau như hiểu chính mình, hiểu nhau không cần lời nói, và họ trở nên giống nhau trong suy nghĩ, sở thích, trong cách làm và nhiều khi trong cả cách nói năng nữa, có điều là thường thường họ không ý thức về sự “đồng hóa” đó. Nhìn họ mà đôi khi tôi cảm thấy xấu hổ vì mình còn xa mới sống với Chúa được như thế. Tôi là người phải giảng dạy nhiều, nên thường xuyên có dịp nghĩ về Chúa, viết hay nói về Chúa, nhưng từ chỗ nói về Chúa đến chỗ nói với Chúa, từ chỗ Chúa là ngôi thứ ba đến chỗ sống với Người như ngôi thứ hai thân thiết là cả một quãng đường xa!

Tôi rất thích bài hát nhan đề Xin Giữ Con của nhạc sĩ Mi Trầm phổ nhạc một lời cầu nguyện của Cha Karl Rahner, nhà thần học Dòng Tên người Đức nổi tiếng.

Xin giữ con để con phụng sự Chúa,

Con phụng sự Chúa trong suốt đời con,

dù khi mỏi mệt, dù khi chán chường,

xin giữ con luôn luôn phụng sự Ngài!…

xin giữ con để con được đổi mới,

đây đời của con sẽ mãi đẹp tươi,

dù khi phản bội, dù khi lỗi tội,

xin giữ con khiêm cung về với Ngài !…

            Không biết tôi có lầm chăng khi nghĩ đây là tâm tư của cha Karl Rahner về cuộc đời tu sĩ linh mục của Ngài. Ngài nhìn lại con đường ơn gọi của mình trong tâm tình khiêm cung, nó không luôn luôn bằng phẳng, không luôn luôn nằm ở mức cao, nhưng chung quy lại vẫn cố gắng trung thành không ngừng “bắt đầu lại” trong niềm hy vọng. Mỗi lần hát hay nghe bài hát này, tôi đều xúc động mạnh. Hôm nay, ngày Ơn Thiên Triệu, tôi lại muốn ngâm nga bài hát đó như một lời cầu nguyện của riêng mình.

bài liên quan mới nhất

Ngày 20/4: Thánh Anê Môntepuxiano (1268-1317)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng