Tại sao Thánh Phaolô không phải là tác giả thư Hípri?

Chúa Thánh Thần là tác giả chính của thư Hípri, cũng như tất cả các sách còn lại trong bộ Thánh Kinh, bởi vì, tất cả những gì được viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính (2Tm 3, 16), và chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa (2Pr 1, 21). Do đó, ai là tác giả của thư Hípri, điều này không quan trọng, nhưng, nhiều nhà nghiên cứu Thánh Kinh vẫn cứ thắc mắc: Chúa dùng ai để viết thư Hípri? Không có câu nào trong bức thư này: giúp chúng ta xác định được tác giả. Vậy, tác giả của thư Hípri là ai?

Các nhà chú giải đã căn cứ vào nội dung, văn phong, và các nhân vật được đề cập đến trong thư, để truy tìm tác giả. Có người cho rằng: là của Phaolô, bởi vì, có nhắc đến Timôthê cộng sự viên của Phaolô; thư cũng đề cập đến các chủ đề của Phaolô như: đền thờ, việc tế lễ, thao trường, chiến đấu (x.1Cr 9, 24; Pl 3, 14; 2Tm 4, 7; Cl 2, 18 Gl 5, 7); công chính hóa nhờ đức tin (x.Rm 1, 17; Gl 3, 11). Tuy nhiên, cũng có người cho rằng: không phải của Phaolô, bởi vì, thư không có phần mở đầu bao gồm: lời chào thăm, tự giới thiệu về ngài là tác giả, và ngài viết thư đó gửi cho ai, cùng với lời chúc “ân sủng và bình an” (x.Rm 1, 7; 1Cr 1, 3; 2Cr 1, 2; Gl 1, 3; Êph 1, 2; Pl 1, 2; Cl 1, 2; 1Tx 1, 1; 2Tx 1, 2; 1Tm 1, 2; 2Tm 1, 2; Tt 1, 4; Plm 1, 3); thể văn thì không giống như văn phong của Phaolô; và người viết thì thuộc thế hệ thứ hai, chứ không nhận Tin Mừng trực tiếp như Phaolô.

Giữa hai trường phái: cho là của Phaolô, và không phải của Phaolô, thì trường phái “không phải” có vẻ trội vượt hơn. Tuy nhiên, bằng chứng Phaolô là tác giả của thư Hípri cũng khó mà chối bỏ được. Từ đó, nhiều nhà chú giải đưa ra giả thuyết là: thánh Phaolô phối hợp với một người khác để hoàn thành bức thư này. Căn cứ vào cách hành văn trau chuốt, biện luận chặt chẽ, thông thạo tiếng Hylạp, nhất là, gần gũi và cùng theo thánh Phaolô trong những chuyến đi truyền giáo, các nhà chú giải tạm cho rằng: chính thánh Phaolô đã cung cấp tài liệu và ý tưởng, để thánh Luca viết theo cách riêng của mình.

Thư Hípri, chương 2, câu 3 nói rằng: Ơn cứu độ, đầu tiên đã được Chúa rao giảng, rồi được những kẻ nghe chứng nghiệm nó cho chúng ta”. Chúa rao giảng cho “những kẻ nghe”, là các Tông Đồ; rồi sau đó, các Tông Đồ rao giảng ơn cứu độ đó cho “chúng ta”, “chúng ta” ở đây, chính là tác giả, tức thế hệ thứ hai đón nhận Tin Mừng. Như vậy, tác giả đã không trực tiếp nhận Tin Mừng từ Đức Giêsu. Yếu tố này cho thấy các Tông Đồ không phải là tác giả của thư Hípri, và Phaolô cũng không phải, bởi vì, chính ngài nói: “Tôi là Phaolô, là Tông Đồ không phải do loài người, nhưng bởi Đức Giêsu Kitô và Thiên Chúa là Cha, Đấng đã cho Người từ cõi chết trỗi dậy” (Gl 1, 1).

Luca là người rất gần gũi với Phaolô. Phaolô thường nhắc đến Luca trong các thư của mình: Cl 4, 14: “Anh Luca, thầy thuốc yêu quý, và anh Đêma gửi lời chào anh em”; 2Tm 4, 11: “Chỉ còn một mình anh Luca ở với tôi. Anh hãy đem anh Máccô đi với anh, vì anh ấy rất hữu ích cho công việc phục vụ của tôi”; Plm 1, 24: “cùng với các cộng sự viên của tôi là Máccô, Aríttakhô, Đêma và Luca”. Thư Hípri chương 2, câu 3 nói: “Ơn cứu độ, đầu tiên đã được Chúa rao giảng, rồi được những kẻ nghe chứng nghiệm nó cho chúng ta”. Tác giả dùng từ “chúng ta” để chỉ về mình. Luca cũng đã dùng từ “chúng ta” chỉ về chính mình, trong chuyến truyền giáo lần 2 với Phaolô, được ghi trong sách Công Vụ Tông Đồ chương 16, từ câu 10 đến câu 17. Luca cũng đã dùng từ “chúng ta” chỉ về mình, trong chuyến truyền giáo lần 3 với Phaolô ở chương 20, từ câu 5 đến câu 15; chương 21, từ câu 1 đến câu 18; chương 27, từ câu 1 đến chương 28, câu 16.

Thư Hípri chương 3, câu 1 kêu gọi: “Anh em hãy ngắm nhìn Đức Giêsu là Tông Đồ, là Thượng Tế, là Trung Gian cho chúng ta tuyên xưng đức tin”. Chúng ta nhận thấy tác giả của thư Hípri không những gọi Đức Giêsu là Thượng Tế, mà còn gọi Người là Tông Đồ. Tông Đồ, tiếng Hylạp nghĩa là: Sứ Giả, người được sai đi, ý nghĩa này rất phù hợp với sứ mạng của Đức Giêsu: Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi (Ga 5, 37); Đức Giêsu cũng nói với các Tông Đồ: Bình an cho anh em! Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em (Ga 20, 21). Phaolô chưa bao giờ gọi Đức Giêsu là Tông Đồ như thế, trong các thư của mình.

 Tóm lại, văn phong của tác giả thư Hípri khác hẳn với văn phong của Phaolô. Tuy nhiên, chúng ta phải công nhận một phân đoạn ngắn của thư Hípri, chương 13, từ câu 17 đến câu 25: là phần kết thúc của bức thư này, lại có cách hành văn giống y hệt cách hành văn của Phaolô: Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em…Xin gửi lời chào các vị lãnh đạo anh em và mọi người trong dân thánh. Những người từ Italia gửi lời chào anh em. Chúc tất cả anh em được đầy tràn ân sủng của Thiên Chúa! Chính vì thế, theo các nhà chú giải, thư Hípri là công trình của cả Luca và Phaolô. Tuy nhiên, như đã nói, đó chỉ là những phỏng đoán của các nhà nghiên cứu Thánh Kinh, còn người mà Chúa dùng: để viết bức thư này, thật sự là ai, thì cho đến nay, chỉ có một Chúa biết mà thôi!

Nguồn: giaophanvinhlong.net

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng