Tại sao Đức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù?

 Trong các trình thuật về việc Đức Giêsu chữa cho người mù được sáng mắt, thì trình thuật Ga 9, 1-41 là trình thuật dài nhất, phức tạp nhất, và dẫn đến nhiều hệ lụy nhất, để mặc khải cho chúng ta một điều cực kỳ quan trọng là: Ngôi Lời Thiên Chúa đã giáng trần để hòa giải chúng ta với Chúa Cha. Bài Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu đã hòa giải chúng ta với Chúa Cha, khi người dùng nước miếng trộn với bụi đất để chữa mắt cho anh mù từ thuở mới sinh. Nước miếng, tức Thần Khí của Thiên Chúa phải được trộn với bụi trần, nghĩa là, Ngôi Lời phải mặc lấy xác phàm để làm trung gian hòa giải giữa chúng ta với Thiên Chúa.

 Khi Ađam phạm tội: sự công thẳng, đức công bình của Thiên Chúa đã bị xúc phạm, giờ đây, Đức Giêsu, Đấng là Sự Thật, đã lấy nước miếng của mình trộn với bụi đất, để: chân lý mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao; và để: tín nghĩa, ân tình được hội ngộ; hòa bình, công lý được giao duyên. Loài người được thứ tha tội lỗi, khi Đức Kitô đã tự nguyện trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, chấp nhận bị khạc nhổ vào mặt, để trả lại sinh khí cho con người, chấp nhận chịu mai táng trong huyệt đá để trả lại sự bất hoại, bất tử cho con người.

 Thiên Chúa đã dùng bùn đất tác tạo Ađam. Vì Ađam đã phạm tội, nên, chúng ta sinh ra phải bị mù. Đức Giêsu lấy nước miếng của mình trộn với bụi đất, để thực hiện công trình sáng tạo mới, mở con mắt đức tin cho một nhân loại mới. Ở bên Chúa Cha, Đức Giêsu là Sự Thật và là Sự Sống; Trở thành phàm nhân: đến cắm lều ở giữa chúng ta, Đức Giêsu là Con Đường, Con Đường duy nhất dẫn đưa chúng ta đến Sự Thật và Sự Sống. Ước gì chúng ta luôn biết bước đi trên con Đường Giêsu để tiến về cõi sống mà Chúa đã dành sẵn cho chúng ta.

 Chúng ta phải xin cho mình ơn đức tin, bởi vì, chỉ có con mắt đức tin: mới có thể nhìn được, như Chúa nhìn. Ngôn sứ Samuen đã được Chúa dạy cho biết: đừng nhìn theo dáng vẻ bên ngoài, bởi vì, con người chỉ thấy điều mắt thấy, còn Thiên Chúa thì nhìn thấy tận đáy lòng (x.1Sm 16, 7). Đức Giêsu đã lấy nước miếng trộn với bụi đất: làm cuộc sáng tạo mới, để mở con mắt đức tin cho chúng ta. Nếu chúng ta để cho Chúa chữa lành, thì đôi mắt của chúng ta sẽ sáng rõ, mà nhìn thấy Sự Thật, và Sự Thật sẽ giải phóng chúng ta.

Ai theo Ta, sẽ được ánh sáng mang lại sự sống (x.Ga 8, 12). Đây là một mệnh lệnh và cũng là một lời hứa: một mệnh lệnh: Hãy theo Ta; một lời hứa: sẽ được ánh sáng ban sự sống. Muốn theo Chúa, chúng ta phải tháo gỡ xiềng xích, đập tan gông cùm, và quẳng ra xa những quyến luyến lệch lạc đang trói buộc: khiến chúng ta không thể tự do, để bước theo Chúa. Ước gì chúng ta biết đặt hết niềm tin tưởng nơi Chúa, bởi vì, đức tin sẽ là phương dược chữa lành đôi mắt mù tối của chúng ta, và sẽ giúp chúng ta can đảm dấn bước theo Chúa.

Để bước theo Chúa, tự sức mình, chúng ta sẽ không thể nào tháo gỡ được những rào cản ngăn cách chúng ta đến với Chúa. Tuy nhiên, không có gì phải sợ, bởi vì, Chúa chính là Mục Tử Nhân Lành, Người chăn dắt chúng ta, dù qua lũng âm u, ta sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng; Có vương trượng Người bảo vệ, ta vững dạ an tâm (x.Tv 22). Do đó, xiềng xích trói buộc ta, Người sẽ tháo cởi; Ta bị tù tội, Người sẽ giải phóng; Ta bị dìm xuống, Người sẽ cho đứng thẳng lên. Chỉ có điều, chúng ta có biết đặt hết tin tưởng nơi Người hay không mà thôi?

Đức Giêsu tự nhận mình là Con Đường. Theo kinh nghiệm, ta thấy: không có con đường nào là có sẵn, chỉ có: ta đi riết, rồi mới thành đường: phải đi trước, rồi mới có đường. Tuy nhiên, Con Đường Giêsu thì lại khác, chính Người đã tự nguyện đi bước trước, mang Đường đến cho chúng ta, đánh thức chúng ta bằng cách: mở cho chúng ta đôi mắt để nhìn thấy Con Đường, và mời gọi chúng ta bước đi, như thánh Phaolô kêu gọi chúng ta đừng thỏa hiệp với con cái bóng tối: Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi! (Ep 5, 14),

Nguồn: giaophanvinhlong.net

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Ba tuần V Phục Sinh: "Thầy ban bình an của Thầy cho các con"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng