Sứ vụ của Tu Sỹ

Thánh Phêrô nói:“Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa; xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em đã được xót thương” (1 Pr 2:9-10). Và ngài khuyên mọi người: “Hãy tránh xa những đam mê xác thịt, vốn gây chiến với linh hồn. Anh em hãy ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, để ngay cả khi họ vu khống, coi anh em là người gian ác, họ cũng thấy các việc lành anh em làm mà tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Người đến viếng thăm” (1 Pr 2:11-12).

Đó là niềm hạnh phúc và danh hiệu cao quí nhất của Kitô hữu với tư cách là dân mới của Thiên Chúa trong Giáo Hội, không có danh hiệu và vinh dự nào cao trọng hơn nữa. Vì thế, Thánh Augustinô (354-430) đã xác định: “Với anh em tôi là một Kitô hữu, cho anh em tôi là một giám mục. Kitô hữu là một ân sủng, còn giám mục là một trách nhiệm nguy hiểm”.

Trong Giáo Hội có ba cấp bậc: giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Riêng về tu sĩ, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cho biết: “Do sự thiết lập của Thiên Chúa, trong Giáo Hội có các tín hữu là thừa tác viên thánh mà theo luật được gọi là giáo sĩ, các tín hữu khác được gọi là giáo dân. Trong số các tín hữu thuộc cả hai loại này, có các tín hữu nhờ sự tuyên khấn các lời khuyên của Phúc Âm mà được thánh hiến cho Giáo Hội để phục vụ cho sứ mạng của Giáo Hội” (số 934).

1. SỨ VỤ ĐÍCH THỰC

Nhiệm vụ đó thuộc về mọi tín nhân, cách riêng là tu sĩ. Trong một số định nghĩa, các học giả coi tôn giáo là quá trình tìm kiếm của con người về mối quan hệ tốt đẹp với những con người thánh đức. Đó cũng là cách thuyết phục sâu sắc về sự tuyệt đối, sự thánh thiện và sự công chính của đối tượng tôn thờ và niềm tin hiệu quả từ việc sùng kính sẽ sinh ích lợi là hạnh phúc và sự bảo vệ. Tóm lại, tôn giáo là phương thế để nhân loại tìm kiếm Ý Chúa, nhờ đó chúng ta khả dĩ thỏa mãn và có kết quả là sống trong bình an và hạnh phúc.

Nhiều học giả xác định các điểm chung trong các tôn giáo. Trước tiên, có khái niệm về sự mặc khải, trong đó nguyên nhân đức tin được thiết lập qua việc gặp gỡ của các tiên tri với Đấng Thánh. Trong cuộc gặp gỡ đó, ý muốn của Đấng Thánh thường được mặc khải cho con người. Các mặc khải này được ghi thành văn bản và trở thành Sách Thánh của tôn giáo. Nội dung Sách Thánh có thể gồm hai cột, nghĩa là huyền nhiệm và luân lý của tôn giáo. Nơi mặc khải, nơi các sự lạ và các sự kiện thuận lợi được tin là đã xảy ra, được thánh hiến để trở thành nơi thánh của đức tin. Cuối cùng, Đấng Thánh có thể mặc khải phần thưởng cho những người vâng lời và mô tả các giai đoạn về sự cứu độ sau cuộc sống trần gian này. Giai đoạn cuối cùng này thành lập phương diện về thuyết thế mạt liên quan đức tin. Do đó các tôn giáo đặt nền tảng trên sự mặc khải, các bản văn thánh, luân lý, nghi lễ, nơi thánh và sự cứu độ.

Về phương diện này, điểm hội tụ quan trọng nhất là luân lý. Đó là kiểu mẫu của các hành vi và hạnh kiểm được chấp nhận – điều được xã hội coi là đúng, đáng quý và đáng khen. Luân lý đích thực làm nên tính cách con người và xác định giá trị theo các tiêu chuẩn thế giới. Ở đây, mọi tôn giáo được liên kết, mọi người đồng ý về tính đại lượng, đoan trang, tôn trọng, bình an, thương xót, chân thật và trách nhiệm. Được coi là bản chất chung về tiêu chuẩn luân lý, có nghĩa là nó phải làm đẹp lòng Thiên Chúa nhiều nhất, vì nó xác định tính cách con người và mức độ công chính. Cũng có ý nghĩa để kết luận rằng đó là cách cách cư xử đạo đức đem lại phần thưởng từ Thiên Chúa là niềm hạnh phúc và sự an toàn. Như vậy, phần vững chắc nhất của việc thờ phượng là hạnh kiểm và cách cách cư xử đúng đắn. Nếu nền tảng chùng về hạnh kiểm đạo đức được đề cao trong việc thờ phượng, mục đích của sự hòa bình hoàn vũ và sự đồng hiện hữu hài hòa có thể đạt được, và Nước Trời có thể hiện hữu ngay trên thế gian này.

Tuy nhiên, việc nhấn mạnh về cách cách cư xử đạo đức sẽ tước mất quyền hành và tiền bạc của các nhà lãnh đạo tôn giáo mà họ rất muốn. Nếu người ta phải trở nên tốt hết sức, tránh tham lam, ghen ghét, bất lương và ghen tuông, đồng thời phải sống yêu thương, chân thật, trắc ẩn và thân thiện, mọi người sẽ nên thánh, các nhà lãnh đạo đại diện Thiên Chúa sẽ sớm nhận ra công việc của mình. Chẳng hạn, đa số các tín nhân đều quyết tâm dành một số tiền để làm việc từ thiện, bác ái. Nhờ hành động cao quý đó, các tín nhân sẽ sẵn sàng phục vụ nhân loại, cũng là phụng sự Thiên Chúa; nhưng bởi vì sự tham lam và sự tranh giành của các nhà lãnh đạo tôn giáo, các tín nhân sẽ không muốn góp công góp của nữa. Do đó, trước tiên các nhà lãnh đạo tôn giáo phải tránh xa vật chất, sống công chính và tập trung vào Tin Mừng. Hãy hiểu sâu sắc về cả nghĩa bóng và nghĩa đen trong mối phúc mà Chúa Giêsu đã hứa:“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó” (Mt 5:3).

Nghèo Khó là một nhân đức – còn gọi là Nghèo Nàn, Nghèo Hèn. Nghèo Khó cũng là một trong ba lời khấn chính yếu của các tu sĩ (có những dòng còn thêm các lời khấn khác). Đó là tự nguyện (chứ không ai ép buộc) sống Nghèo Khó vì Phúc Âm – gọi là sống theo lời khuyên của Phúc Âm. Vâng, sống Nghèo Khó chứ đừng sống Khó (mà) Nghèo. Sai một ly là đi tuốt luốt luôn đấy!

2. TU SĨ LÀ TẶNG PHẨM

Tu sĩ là tặng phẩm của Thiên Chúa dành cho Giáo Hội, họ được mời gọi đem lại sự canh tân và sinh khí cho sứ vụ của Giáo Hội. Tháng 12-2015, Thánh bộ về Đời sống Thánh hiến và Tông đồ công bố tài liệu “Identity and Mission of the Religious Brother in the Church” (Sự Đồng Nhất và Sứ vụ của Tu Sĩ trong Giáo Hội) để giúp đánh giá và thúc đẩy ơn gọi tu sĩ.

Tài liệu này khám phá vai trò của tu sĩ trong Giáo Hội Công giáo, đề cập ơn gọi tu sĩ là sự bí ẩn của sự chia sẻ về sứ vụ với ơn gọi sống tiên tri và sống trọn vẹn”. Tài liệu này trình bày chi tiết về sự đồng nhất gấp ba của các tu sĩ như một mầu nhiệm – tặng phẩm được trao ban, và như sự kết hiệp – tặng phẩm được chia sẻ, và như một sứ vụ – tặng phẩm được cho đi. Cuối cùng, tài liệu này đề nghị một số hướng dẫn về mọi thành phần trong thế giới này, trong các cộng đoàn, mỗi tu sĩ có thể (và nên) tự vấn: CHÚNG TA LÀ TU SĨ NHƯ THẾ NÀO TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY?

3. TẶNG PHẨM CỦA THIÊN CHÚA

Tu sĩ được mời gọi sống thân mật với Chúa Giêsu. Đó là bản chất của ơn gọi tu sĩ, là tặng phẩm được trao ban cho Giáo Hội và nhân loại, như đã được đề cập trong Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium: “Đời sống tôn giáo là tặng phẩm mà Giáo Hội đón nhận từ Thiên Chúa và luôn giữ gìn bằng ân sủng của Ngài” (số 43).

Là tặng phẩm của Thiên Chúa dành cho Giáo Hội, tu sĩ được mời gọi đem lại sự canh tân và sinh khí cho sứ vụ của Giáo Hội. Là tặng phẩm của Thiên Chúa, tu sĩ luôn là sự thúc đẩy trong sứ vụ của Giáo Hội. Họ phải là sự tiếp đón đối với những người cần lắng nghe và giúp đỡ để sống có ý nghĩa, đặc biệt đối với những người bị xã hội loại trừ, và phải chuyển tải lòng thương xót, niềm vui và hy vọng.

Nếu tu sĩ coi ơn gọi và sứ vụ truyền giáo là tặng phẩm lãnh nhận từ Thiên Chúa vì điều thiện của Giáo Hội và thế giới, họ sẽ vui sống ơn gọi của mình, hãnh diện và tận hưởng cuộc sống tu sĩ. Theo cách đó, họ có thể hiện diện trọn vẹn hơn và sống chứng nhân đối với mọi người trên thế gian này. Cách sống đó đòi hỏi một tinh thần bắt nguồn từ Lời Chúa, tận tụy với sứ vụ của mình, một tinh thần được tinh luyện gia tăng hằng ngày bằng việc tìm hiểu Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa với tha nhân.

4. TẶNG PHẨM ĐƯỢC CHIA SẺ

Một trong các phương diện quan trọng của tu sĩ là sống cộng đoàn. Nhờ sống chung, cùng nhau chia sẻ, cùng làm việc và cầu nguyện, tu sĩ được kết hiệp về tâm linh để chứng tỏ cho thế giới biết rằng tình huynh đệ có thể vượt qua mọi trở ngại. Cộng đoàn là vị trí nền tảng về tinh thần tu sĩ. Không gian trải nghiệm về Thiên Chúa có thể đạt tới sự viên mãn và truyền sang người khác. Điều này thúc giục tu sĩ chăm lo đời sống cầu nguyện và tinh thần đoàn kết để cùng nhau chia vui sẻ buồn với tha nhân, nhất là đối với người nghèo và người bị xã hội loại trừ.

Việc cầu nguyện củng cố đời sống chung, việc sống chung giúp tăng trưởng tinh thần đại lượng đối với tha nhân. Chọn cuộc sống tu sĩ nghĩa là chọn cách sống cộng đoàn và cùng hoạt động với cộng đoàn. Đó là nơi hình thành tu sĩ theo các nguyên tắc của lòng thương xót và tình huynh đệ, nhờ đó mà biết từ bỏ mình, ra đi hoàn tất sứ vụ của mình.

5. TẶNG PHẨM ĐƯỢC CHO ĐI

Thời đại ngày nay được định dạng bằng những thử thách và tai họa – thiên tai và nhân tai: xung đột chủng tộc, di cư, nhập cư, hạn hán, bệnh AIDS, dịch tễ, lụt lội, bần cùng nơi các khu ổ chuột,… Để phản ứng với các thử thách và tai họa, tu sĩ cần có dấu chỉ yêu thương của Thiên Chúa và cần có óc sáng tạo để có thể mở những cánh cửa mà loan báo Tin Mừng, dấn thân vì Đức Kitô, đến với những con người nghèo khổ.

Thánh Arnold Janssen đã đọc được và hiểu các dấu chỉ thời đại của ngài, rồi đáp ứng các nhu cầu đó. Nhìn vào thế giới thay đổi mau chóng này, con người phải đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô. Chúng ta – nhất là các tu sĩ – phải dùng khả năng Chúa ban để phục vụ. Tu sĩ phải là nhân chứng sống động về Ngôi Lời Nhập Thể trong thế giới ngày nay. Đó là cơ hội rất tốt để tu sĩ thi hành sứ vụ của mình!

Sứ vụ đầu tiên của tu sĩ là phát triển Giáo Hội ngày nay, trở nên thừa tác viên Tin Mừng bằng cách sống gương mẫu đối với những người tin tưởng vào sự quan tâm của tu sĩ và chia sẻ các giá trị Tin Mừng với họ. Vâng, thế giới cần các tu sĩ – những người tự nguyện trao tặng tài năng, kiến thức và cuộc đời vì những con người nghèo khổ, lang thang, yếu đuối, bị loại trừ, cô thân và những người chia sẻ “Niềm Vui Tin Mừng” hôm nay với những người chúng ta gặp. Hãy nên giống Đức Giêsu Kitô!

TRẦM THIÊN THU (viết theo GhanaWeb.com và PanamZone.net)

[Bài chủ đề báo ĐMHCG số 386, tháng 10-2018, DCCT xuất bản tại Hoa Kỳ]

bài liên quan mới nhất

Thứ Sáu tuần V Phục Sinh: "Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng