Ngoại trưởng Toà Thánh: Ngoại giao của Giáo hội là công cụ hy vọng

Phát biểu tại hội nghị chuyên đề tại thủ đô Hàn Quốc, ngày 21/11, dịp kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao giữa Toà Thánh và Hàn Quốc, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh cho biết hoạt động ngoại giao của Vatican nhắm xây dựng sự ổn định, an ninh và hoà bình, tất nhiên không phải hoà bình của sự cân bằng lực lượng nhưng dựa trên công lý.

Trong bài phát biểu Ngoại trưởng Toà Thánh lưu ý sự kiện kỷ niệm trùng với việc kết thúc một dự án nghiên cứu và bảo tồn văn khố về hành trình ngoại giao của Toà Thánh và Hàn Quốc. Công trình nghiên cứu này được chính phủ, các Giám mục Hàn Quốc hỗ trợ, và có liên quan đến các nguồn được bảo quản trong Văn khố Toà Thánh.

Đức Tổng Giám Mục cho rằng chính vì quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai bên mà Tin Mừng đã bén rễ sâu và mạnh mẽ tại Hàn Quốc, “từ một vùng đất truyền giáo, trở thành nơi khởi hành của nhiều nhà truyền giáo”. Hơn nữa, theo quan điểm của Kitô giáo, những chứng từ được lưu trữ không chỉ liên quan đến tài liệu của quá khứ, nhưng là một công cụ để Giáo hội kể lại đời sống của cộng đoàn và nhận ra dấu hiệu sự hiện diện của Chúa.

Từ điểm này Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng việc gìn giữ và nhắc lại quá khứ sẽ là một việc làm vô ích nếu điều này không làm cho chúng ta có thể rút ra nguồn lực để đối diện với những hy vọng và thách đố trong tương lai. Vì thế, trước tình hình mà Đức Thánh Cha gọi là chiến tranh thế giới thứ ba từng phần, với những hiện tượng như chạy đua vũ trang, đe doạ hạt nhân hay khủng bố, làm cho nhân loại dao động giữa sợ hãi và hy vọng, thì “Giáo hội và các cơ cấu ngoại giao đều có chung một nhiệm vụ: trở thành dấu chỉ của niềm hy vọng”.

Niềm hy vọng này phải là “tiêu chuẩn truyền cảm hứng” cho hành động chung, một lần nữa khẳng định ý tưởng rằng chiến tranh không phải là điều không thể tránh khỏi, nhưng trái lại có thể khắc phục qua đối thoại. Từ quan điểm này, đường lối ngoại giao của Đức Thánh Cha trở thành một công cụ phục vụ sự chung sống của con người, và một tiếng nói tái khẳng định rằng trong mọi trường hợp đều có thể có khát vọng chung cho sự ổn định, an ninh và hoà bình, tuy nhiên đây không phải là một nền hoà bình cân bằng lực lượng nhưng trái lại là một hoà bình thực sự, được xây dựng trên công lý.

Đức Tổng Giám Mục kết luận bằng việc nhắc lại rằng Giáo hội và các cơ cấu ngoại giao của Giáo hội hoạt động để mang lại hy vọng cho thế giới.

Nguồn: vaticannews.va

bài liên quan mới nhất

Ngày 06/12: Thánh Nicôla, giám mục

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng