Trong lá thư như lời bạt cho cuốn sách của nhà văn Pháp Éric-Emmanuel Schmitt, tựa đề “Thách đố Giêrusalem - Một hành trình ở Thánh Địa”, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu của ba tôn giáo có cùng tổ phụ Abraham sống tình huynh đệ, bởi vì tất cả đều là con của Thiên Chúa.
Mở đầu lá thư, Đức Thánh Cha nói với ông Schmitt rằng đọc sách của nhà văn làm cho ngài nhớ lại cuộc hành hương đến Thánh Địa vào năm 2014, kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Thánh Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athenagoras của Constantinople. Sự kiện này đánh dấu “một giai đoạn mới” trong “hành trình xích lại gần nhau giữa các Kitô hữu, bị chia rẽ trong nhiều thế kỷ, nhưng trên vùng đất của Chúa Giêsu đã nhận được một hướng đi mới.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng, Thánh Địa cho chúng ta cảm nghiệm rằng Kitô giáo không phải là một lý thuyết hay một hệ tư tưởng, nhưng là một kinh nghiệm về một sự kiện lịch sử. Ngày nay, vẫn có thể gặp được sự kiện này, Con Người này ở đó, giữa những ngọn đồi đầy nắng ở Galiêa, giữa sa mạc Giuđêa, những con đường nhỏ Giêrusalem. Đó là bằng chứng thực tế mà Tin Mừng đã truyền lại cho chúng ta rằng Thiên Chúa đã nhập thể làm người, Chúa Giêsu thành Nazareth, để loan báo cho chúng ta rằng Vương quốc của Người đang đến gần. Đây là tin vui thực sự cho chúng ta.
Đề cập trực tiếp đến tựa đề cuốn sách “Thách đố của Giêrusalem”, Đức Thánh Cha nhận xét rằng thực tế đây là thách đố tất cả chúng ta đang phải đối diện, thách đố tình huynh đệ nhân loại
Đức Thánh Cha nhắc lại ý nghĩa quan trọng của Giêrusalem đối với Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, đồng thời lưu ý rằng “không phải ngẫu nhiên” khi trong chuyến tông du năm 2014, ngài mong muốn được đồng hành bởi người bạn Argentina, Rabbi Abraham Skorka, và đại diện Hồi giáo Argentina, Omar Abboud.
Ngài nói: “Tôi muốn chứng minh tỏ tường rằng các tín hữu được mời gọi trở thành anh chị em và những người xây cầu, chứ không còn là kẻ thù hay kẻ gây chiến. Ơn gọi của chúng ta là tình huynh đệ, bởi vì chúng ta là con của cùng một Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha tiếp tục viết: “Thách đố mà Giêrusalem vẫn đặt ra cho thế giới ngày nay, chính là việc đánh thức trong tâm hồn mỗi người ước muốn nhìn người khác như anh chị em trong một gia đình nhân loại”. Bởi vì, chỉ với “hiểu biết” và “nhận thức” này, “chúng ta mới có thể xây dựng một tương lai khả thi, làm im lặng các vũ khí hủy diệt và hận thù, đồng thời lan tỏa khắp thế giới, hương thơm hòa bình ngọt ngào mà Thiên Chúa không mệt mỏi mang lại cho chúng ta".
Nguồn: vaticannews.va