ĐHY Marengo: Người dân Mông Cổ có ấn tượng tốt đẹp về Đức Thánh Cha Phanxicô

ĐTC Phanxicô và Đức Hồng y Giorgio Marengo tại Mông Cổ  (AFP or licensors)

Đức Hồng y Giorgio Marengo, Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar, cho biết rằng nhiều người đã viết thư cho ngài vì họ xúc động bởi những lời của Đức Thánh Cha, người đã ca ngợi vẻ đẹp và giá trị của lịch sử và của dân tộc Mông Cổ”. Đức Hồng y nói thêm rằng Đức Thánh Cha cho thấy rằng không phải mọi thứ đều được quyết định chỉ bằng logic tính toán, quyền lực, sự quanh co.

Trong một cuộc phỏng vấn, trước hết, Đức Hồng y Marengo nhìn nhận rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha hoàn toàn là một ân sủng, một món quà vượt quá kỳ vọng và mong đợi của Giáo hội Mông Cổ, một cộng đoàn quá nhỏ bé chỉ với khoảng 1.500 tín hữu. Những vất vả chuẩn bị đã được vơi đi bởi niềm vui được đón tiếp Đức Thánh Cha, bởi chứng tá khiêm nhường, đơn sơ và gần gũi của ngài, đến nỗi ngay lập tức ngài đã tạo được sự hòa hợp với người dân, với mọi người thuộc mọi hoàn cảnh có thể.

Người dân Mông Cổ xúc động về những lời của Đức Thánh Cha

Chia sẻ về ấn tượng chung của người dân Mông Cổ về Đức Thánh Cha, Đức Hồng y Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar cho biết ngài nhận được một số nhận xét rất tích cực từ mọi người, hầu hết là những người không có liên hệ với Giáo hội, về cách Đức Giáo hoàng đã cố gắng làm nổi bật vẻ đẹp, sự độc đáo của dân tộc này.

Đức Hồng chia sẻ thêm: "Các bài phát biểu của Đức Thánh Cha thực sự chứa đựng những yếu tố khiến mọi người cảm thấy tự hào về dân tộc của họ, bởi vì ngài đã nói nhiều về vẻ đẹp, sự phong phú của dân tộc này, những truyền thống, lịch sử của nó. Vì vậy, việc gặp gỡ trực tiếp ​​một nhà lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng thế giới đến đây, ngay cả với sự đau yếu của ngài bởi bệnh tật, và mang đến thông điệp giải trừ vũ khí của tình huynh đệ, sự hợp tác, hòa hợp, chắc chắn đã tạo ra sự xúc động trong lòng người dân. Và cuối cùng nó đã góp phần vào sự hiểu biết về con người của ngài và về những gì ngài đại diện".

Đức Thánh Cha: sứ giả hòa bình

Khẩu hiệu chuyến viếng thăm - "Cùng nhau Hy vọng" - Đức Hồng y giải thích là "có nghĩa là có hy vọng, tất cả không chỉ được quyết định bởi logic tính toán, quyền lực, quanh co, lợi ích mà còn có một thế giới tinh thần, đạo đức, chân chính được xây dựng trên những mối quan hệ đích thực mà nó có thể tạo ra điều kiện cho hòa bình lâu dài". Điều này, theo Đức Hồng y, cũng đặt Đức Giáo Hoàng như một sứ giả hòa bình một cách rất đơn giản và trực tiếp. Từ đó người ta có thể hiểu chuyến viếng thăm bằng cái nhìn đúng đắn, và mở ra thông điệp là mỗi dân tộc - bất kể quy mô và khả năng tương đối - đều có trách nhiệm xây dựng hòa bình như thế nào.

Nguồn: vaticannews.va

bài liên quan mới nhất

Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng