Ngày II trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh: Lễ kính thánh Têphanô, Vị Tử Đạo Tiên Khởi" Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét"

"Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét"

I. TIN MỪNG: Mt 10, 17-22

17"Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. 18Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. 19Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: 20thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.

21"Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 22Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.

Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV

II. SUY NIỆM

1. Bạo lực

Khi mà niềm vui của Lễ Giáng Sinh lên đạt đến đỉnh cao vào đêm Giáng Sinh và cả ngày hôm qua, và khi mà niềm vui này hôm nay vẫn còn âm vang mạnh mẽ trong lòng chúng ta, thì với Thánh Lễ mừng kính thánh Têphanô, vị tử đạo tiên khởi, lời của Đức Giêsu dường như nói cho chúng về một thực tế, có thể làm cho chúng ta băn khoăn, lo lắng, thậm chí buồn lòng. Bởi lẽ, vì danh của Đấng mà chúng ta đang hân hoan mừng sinh nhật và của Đấng mà chúng ta thuộc về và đi theo suốt đời, chúng ta sẽ «bị mọi người thù ghét»! 

Và không chỉ bị người đời thù ghét, nhưng cả những người thân yêu nữa: Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét (c.21-22).

Và sự thù ghét này đi rất xa: nộp cho các hội đồng, điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền, đánh đập và giết đi! Sự chống đối được Đức Giêsu mô tả thật tận căn, một đàng để giúp chúng ta nhận ra năng động của bóng tối và của sự chết hiện diện ở khắp nơi và ở trong mọi người, và đàng khác để làm bật lên một tận căn khác, là ánh sáng và sự sống: “Ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (x.Ga 1, 4, bài Tin Mừng của Thánh Lễ Giáng Sinh ban ngày). Bởi vì chỉ có sự tận căn này mới gây ra sự tận căn kia mà thôi. Đó là sự tận căn của chính Đức Giêsu, như Ngài nói trong bài Tin Mừng : «vì Thầy», «vì danh Thầy». 

2. Hiền lành

Vậy, vị Thầy của chúng ta là ai, ngôi vị của Ngài tận căn như thế nào, để có thể gây ra một sự thù ghét tận căn đến như vậy, đối với chính Ngài và đối với những người đi theo Ngài, như thánh Têphanô mà chúng ta mừng kính hôm nay? Chúng ta hãy trở lại hang đá, nhìn ngắm «Hài Nhi bọc tã nằm trong máng cỏ», để nhận ra sự tận căn của Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể:

  • Hiện diện thinh lặng ngược lại với những biểu diễn phô trương và thành thích ồn ào.
  • Nghèo khó đơn sơ ngược lại với giàu có tiện nghi.
  • Hiền lành khiêm tốn ngược lại với sức mạnh thống trị.

Sự tận căn này được tỏ hiện nơi mầu nhiệm sinh ra của Đức Giêsu và sẽ được sống đến cùng nơi biến cố Thập Giá của Người, mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ. Chính khi chúng ta cảm nếm và yêu mến sự hiền lành và khiêm nhường tận căn của Đức Giêsu (x.Mt 11, 28-30), chúng ta sẽ tìm lại được sự bình an sâu thẳm, niềm vui bền vững, và có được lòng khao khát sống như Ngài và chết như Ngài, như thánh Têphanô. 

Chính lòng khao khát này sẽ làm cho chúng ta, như đã làm cho thánh Têphanô, được tự do với những hành động đủ loại của Sự Dữ, đang hoành hành ở khắp nơi và dưới mọi hình thức.

3. Trở nên giống Đức Kitô

Sống theo Tin Mừng vì Danh Đức Giêsu, vì tình yêu chúng ta dành cho Người, chúng ta sẽ bị “người ta” bách hại, hay gây khó khăn. Điều này dễ hiểu và chúng ta sẵn sàng đón nhận. Nhưng điều khó hiểu và khó chấp nhận, khi Đức Giêsu nói tới sự bách hại đến từ chính những người thân yêu của chúng ta: “Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em”.

Khi Đức Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Người nói: “Thầy sai anh em đi đi như chiên vào giữa bầy sói”. Như thế, sự chống đối, thậm chí bách hại, là tất yếu; như hình ảnh “chiên và sói” gợi ra: một bên là hiền lành và một bên là bạo lực, muốn hủy diệt. “Người đời” đã bách hại Thầy và “người đời” tiếp tục bách hại Thầy nơi các môn đệ, bởi vì Thầy là “Chiên lành”, “Sự Thiện”, “Thiên Tính”, “Ánh Sáng”, “Sự Sống, “Sự Thật”. Vì thế, một cách tương ứng, kẻ bách hại không phải là những con người cụ thể, nhưng là “Sói Dữ”, “Sự Dữ”, “Thú Tính”, “Gian Dối”, “Bóng Tối”, “Sự Chết” hành động nơi những con người cụ thể. 

Thế mà, Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ có mặt ở khắp nơi và nơi mọi người, có nơi chính các môn đệ, và có ở nơi chúng ta nữa! Vì thế, sự chống đối của Sự Dữ có thể bùng lên từ những nơi và những người thiết thân nhất: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết”. “Sói Dữ” không phải là con người, những là thú tính hiện diện và chi phối con người chống lại “Chiên Lành”.

Nhưng lời loan báo của Đức Giêsu về sự bách hại thậm chí giết hại, lại chứa đựng Sự Sống của Thiên Chúa và hướng đến Sự Sống viên mãn của Người, theo khuôn mẫu của “Hạt Lúa Mì”, nghĩa là của mầu nhiệm Vượt Qua. Thật vậy, bách hại, nhưng lại là cơ hội “để làm chứng cho Thầy” (c.18). Và bởi vì đây là chứng từ tận cùng, nghĩa là “chứng từ hi sinh sự sống”, như Đức Kitô trong cuộc Thương Khó, người môn đệ được dẫn vào kinh nghiệm “thần nhiệm”, như thánh Phaolo đã kinh nghiệm: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, nhưng Đức Kitô phục sinh sống trong tôi” (Gl 2, 20). Thực vậy, Đức Giêsu nói: “Thần Khí của Cha anh em sẽ nói trong anh em”, và “ai bền chí đến cùng, người ấy sẽ được cứu thoát” .

Xin cho chúng ta, mỗi khi gặp khó khăn vì Danh Đức Giêsu và vì Tin Mừng của Người, cảm nghiệm được niềm vui sâu xa, vì mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô được tái hiện lại nơi cuộc đời của chúng ta, vì được trở nên giống như Người, vì được trở nên một với Người, vì được Người nâng đỡ và chăm sóc cách đặc biệt, như Người nói: “Ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi!” (Mt 10, 30).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ, tác giả sách Tin Mừng

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng