Lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời, Lễ vọng

“Phúc thay Người Mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!”

Tin mừng Lc 11, 27-28

27Khi Đức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!”

28Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”.

Suy Niệm

Chúng ta được mời gọi ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm, đôi khi rất nặng nề của cuộc sống, để chiêm ngưỡng và ca mừng Đức Maria, Mẹ của chúng ta, được Thiên Chúa ban đặc ân Hồn Xác Lên Trời.

Thật ra chúng ta vẫn ca mừng Đức Mẹ, khi đọc kinh Kính Mừng. Kính Mừng có nghĩa là chúng ta ca mừng Đức Mẹ một cách kính cẩn:

Kính Mừng Maria, đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ.

Trong kinh Kính Mừng, chúng ta ca mừng Đức Mẹ trước, rồi sau đó mới xin ơn, nghĩa là nghĩa đến mình và những nhu cầu cần thiết. Chính thái độ ca mừng Đức Mẹ sẽ chuẩn bị cho chúng ta đón nhận những ơn huệ mà Mẹ sẽ chia sẻ cho chúng ta, và cũng chính thái độ ca mừng này sẽ giải thoát chúng ta khỏi thái độ ngược lại là ghen tị gây chết chóc, đó là không vui để ra khỏi mình đi đến chúc mừng, khi thấy ngưởi khác may mắn hơn mình, được hưởng nhiều ơn hơn mình; và vì thế kêu trách Chúa, thay vì ca tụng Người.

1. “Phúc thay người mẹ…”

Như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng, khi Đức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm” (c.27).

Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường nghe được những lời khen tặng bố mẹ tương tự, khi thấy một người con vừa ngoan vừa giỏi. Tất cả chúng ta đều sinh ra từ bố mẹ, ước gì cách sống của chúng ta khiến người khác phải khen tặng bố mẹ của chúng ta. Và cách sống tốt nhất là cách sống phát xuất từ lòng biết ơn, giống như cách sống của chính Đức Giêsu: cả cuộc đời của Người là lời tạ ơn Chúa Cha; vì thế bí tích Thánh Thế mà Người đã thiết lập và chúng ta cử hành mỗi ngày, còn được gọi là bí tích Tạ Ơn.

Lời khen tặng rất đỗi đời thường của người phụ nữ, nhưng lại chất chứa cả một mầu nhiệm lớn lao. Đó là qua ơn huệ được cưu mang Đức Giêsu và cho Ngài bú mớm, Đức Mẹ sẽ mãi mãi gắn bó với Đức Giêsu, cả ở dưới đất lẫn ở trên trời. Giáo Hội xác tín rằng, nếu Đức Giêsu đã phục sinh và lên trời, thì Đức Maria cũng lên trời cùng với Đức Giêsu, con của Mẹ.

Sự hiệp thông ân sủng giữa Mẹ và Con, và giữa Con và Mẹ, làm cho chúng ta được an ủi và hi vọng rất nhiều. Chúng ta hãy nhớ lại trong Tin Mừng có trường hợp, vì thương người Mẹ mà Chúa cứu người con; và hôm nay, khi Chúa cho Đức Maria hồn xác lên trời, chúng ta cũng xác tín rằng, vì thương người Con, Chúa cũng sẽ cứu người Mẹ. Như thế, Chúa cũng thương yêu, những người chúng ta thương yêu. Chính vì vậy, chúng ta được mời gọi luôn cầu nguyện cho nhau, cho những người còn sống, cũng như cho những người đã qua đời. Và, vì tất cả chúng ta đều có Đức Maria là Mẹ, chúng ta xác tín rằng, Mẹ Maria thương và chia sẻ ân phúc của Mẹ cho chúng ta. Và quả thực, như kinh nghiệm đức tin cho thấy, hơn bất cứ ai, Mẹ vẫn luôn gần gũi, đồng hành, dậy dỗ, cầu bầu và chia sẻ ân huệ cho chúng ta.

2. Tín Điều Đức Mẹ Hồn Xác lên trời

Và chính sự hiệp thông ân sủng giữa Đức Giêsu và Mẹ Maria đã làm cho Giáo Hội nhận biết và tuyên xưng ơn huệ hồn xác lên trời của Đức Mẹ. Thật vậy, vào năm 1950, được cổ vũ bởi rất nhiều thỉnh nguyện, Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên bố trong tông hiến Thiên Chúa Vô Cùng Đại Lượng (Munificentissimus Deus) rằng:

Kết thúc cuộc đời dương thế, Mẹ Thiên Chúa Vô Nhiễm Nguyên Tội, là Đức Maria Đồng Trinh, đã được nâng lên hưởng vinh quang thiên quốc cả hồn lẫn xác.

Để đi đến một kết luận long trọng như vậy, Đức Piô XII đã dựa vào truyền thống cổ xưa của Giáo Hội, có ít nhất từ thế kỷ V, về ngày lễ “An Giấc” (Dormitio) hoặc “Được Nâng Lên” (Assumptio) của Đức Mẹ. Cũng theo Tông Hiến của Đức Piô XII, tất cả những suy tư của các Giáo Phụ về niềm tin “Đức Mẹ An Giấc” hoặc “Đức Mẹ Được Nâng Lên” đều lấy ngôi vị của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm nền tảng. Chúng ta hãy nghe lại câu nói này của Đức Giáo Hoàng Piô XII:

Mẹ hết sức gắn bó với Con mình, người con mang thần tính, và Mẹ luôn thông phần vào vận mệnh của Con Người Ấy.

Qua Tông Hiến của Đức Piô XII, chúng ta có thể nhận ra rằng toàn bộ hành trình của Đức Mẹ, và đặc biệt là hành trình “Lên Trời” mà chúng ta cử hành trọng thể hôm nay, đều đặt nền tảng tối hậu trên sự kết hợp với hành trình của Đức Giêsu Kitô (x.1Cr 15, 20-26).

Thực vậy, thân xác đã cưu mang Đức Kitô thì không thể bị bỏ mặc cho bị hư nát; và Đấng đã liên kết rất mật thiết với Đức Kitô không thể bị lìa xa khỏi Ngài trong chiến thắng sau cùng. Có một kết luận rất quan trọng cho chúng ta, đó là, sự kết hợp huyền nhiệm và bất khả phân của Đức Mẹ với Đức Giêsu Kitô cũng phải là tiêu chuẩn cho lòng sùng kính của chúng ta đối với Đức Mẹ.

3. “Phúc thay kẻ lắng nghe…”

“Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!”. Nhưng khi nghe mối phúc này, Đức Giêsu đáp lại:

Đúng hơn phải nói rằng:
“Phúc thay kẻ lắng nghe
và tuân giữ lời Thiên Chúa”
(c.28).

Nhưng người lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa một cách hoàn hảo, lại cũng chính là Đức Maria, Mẹ của chúng ta. Như vậy, Mẹ Maria có tới hai mối phúc:

Ø  Phúc, vì Mẹ đã cưu mang Đức Giêsu.

Ø  Và phúc, vì Mẹ đã luôn lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa.

Nếu với mối phúc thứ nhất, Mẹ là người duy nhất được hưởng, và Mẹ không thể chia sẻ cho chúng ta, Mẹ chỉ chia sẻ hoa trái là Đức Kitô, “Con lòng Mẹ được chúc phúc”, thì với mối phúc thứ hai của Mẹ, đó là phúc cho ai lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa, Mẹ có thể chia sẻ cho chúng ta cách trọn vẹn. Hơn nữa, chính Đức Giêsu đã xem trọng mối phúc này cách đặc biệt, khi nói: “Đúng hơn phải nói rằng…”.

Quả thực, nếu chúng ta cũng lắng nghe và tuân giữa Lời Thiên Chúa, chúng ta sẽ trở thành người thân của Đức Giêsu, người con của Mẹ, và do đó, chúng ta trở thành người thân của nhau không phân biệt gia đình hay dân tộc, như chính Đức Giêsu đã nói:

Mẹ tôi và anh em tôi,
chính là những ai nghe lời Thiên Chúa
và đem ra thực hành
(Lc 8, 21).

Và như thế, Mẹ ở đâu chúng ta sẽ cùng nhau ở đó với Mẹ, tương tự như Đức Kitô ở đâu thì Mẹ cũng ở đó cùng với Người và anh chị em của Người.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc



 

bài liên quan mới nhất

Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng