Hoạt động tông đồ, đấu tranh chống án tử hình của sơ Helen Prejean

Cuốn sách có tựa đề Dead Man Walking của sơ là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của thế kỷ XX về quyền công dân, cũng như góp phần suy tư đưa đến việc sửa đổi giáo huấn của Giáo hội về án tử hình.

Sơ Helen rất thích chia sẻ với mọi người về sứ vụ tông đồ đặc biệt này. Sơ cho biết mọi chuyện bắt đầu từ kinh nghiệm tiếp xúc với những người bị kết án tử hình. Sơ nói: “Bước vào nhà tù, tôi hiểu những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về Giáo hội như một bệnh viện dã chiến, mở cửa cho tất cả những người bị thương, bởi vì ở đó Chúa Kitô đang đau khổ và Người ở trong phẩm giá của tất cả mọi người, kể cả những người đã phạm tội”.

Từ cuộc hành trình này, sơ Helen đã rút ra một định nghĩa về đức tin: “Đức tin không chỉ là cầu nguyện, không chỉ là tham dự Thánh lễ. Đức tin là hiểu mối liên hệ giữa Chúa và vạn vật. Là nhìn vào mắt một người phạm tội đã hối hận và thấy rằng Chúa cũng đang ở trong ánh mắt đó”.

Tất cả những gì sơ làm, từ viết sách đến phát biểu trước công chúng đều nhằm mục đích thay đổi xã hội về mặt tinh thần về chủ đề công lý và sự trả thù. Hơn thế nữa, sơ còn đề cập đến vấn đề pháp lý và quyền tước sự sống của nhà nước. Sơ dẫn chứng: “Theo thống kê, các vụ hành quyết thường ảnh hưởng đến người nghèo và người không có khả năng tự vệ. Như trường hợp của Lisa Montgomery, bị liên bang kết án tử vào tháng 01/2020. Tội ác của Lisa không kể xiết, nhưng trong cuộc đời Lisa chỉ biết đến bị gia đình hành hạ, hãm hiếp và tra tấn. Là người bị hành hạ nhiều nhất trong số những người bị hành hạ”.

Tội lỗi và tha thứ, vô tội và bất công. Sơ Helen đã sống trọn một cuộc đời theo tinh thần Kitô giáo trong những khái niệm này. Sơ biết đường đi của gia đình các nạn nhân, những người sau các vụ hành quyết đã công khai đọc một thông điệp được viết bởi văn phòng chính phủ, trong đó họ cám ơn chính quyền liên bang đã thực hiện công lý.

Sơ Helen chia sẻ một câu chuyện cụ thể: “Vui mừng trước cái chết của một người, dù họ tội lỗi, là một tổn thương thứ hai đối với những người mất đi người thân yêu. Tôi đã có dịp chia sẻ hành trình tha thứ của ông David Leblanc, có con bị Patrick Sonnier sát hại. Kẻ sát hại bị kết án ngồi ghế điện. Giai đoạn đầu là nỗi đau và khao khát trả thù. Rồi một ngày ông Leblanc nói với tôi: sự kiện khủng khiếp này đã thay đổi tính cách của tôi. Từng là một người đàn ông hiền lành, giờ đây tôi là một cái bình đầy giận dữ. Họ đã giết con trai tôi, nhưng họ sẽ không thể giết tôi. Và vì vậy ông không muốn trả thù nữa. Ông Leblanc hiểu rằng tha thứ không có nghĩa là nhượng bộ sự yếu đuối hay thừa nhận rằng việc mất con không là một vấn đề nghiêm trọng. Tha thứ là điều chúng ta cho đi đầu tiên để tình yêu Chúa và chính chúng ta không bị đè nặng do những gì đã xảy ra. Nhờ tha thứ, ông Leblanc, một ngày kia, xuất hiện trước nhà người mẹ của kẻ giết con trai ông, người gần như không rời khỏi nhà vì liên tục bị tấn công và lăng mạ từ một số cư dân của thị trấn. Ông Leblanc nói với bà: Tôi ở đây vì chúng ta đều là cha mẹ và tôi hiểu nỗi đau của bà”.

Về phía Giáo hội, sơ Helen nhận ra rằng dù tội lỗi và bị kết án tử nhưng những người này cũng là con Chúa và xứng đáng được nâng đỡ. Năm 1995 khi đọc thông điệp Evangelium Vitae-Tin Mừng về Sự sống của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, sơ Helen thấy Giáo hội chưa mạnh mẽ lên án việc kết án tử. Trong những năm đó, cả nước Mỹ rúng động vì vụ án Joseph O'Dell, bị kết án tử hình sau một phiên tòa được tranh luận nhiều, trong đó sơ Helen cũng bận rộn đêm ngày để đấu tranh cho tử tù này. Sơ đã viết thư cho Đức Giáo hoàng về điều này. Sơ nói: “Tôi đã giải thích sự khó chịu của tôi cho Đức Giáo Hoàng. Thông điệp ủng hộ sự sống, chống phá thai, chống trợ tử, giết người vô tội, nhưng không bảo vệ tính mạng của những người phạm tội nghiêm trọng. Tôi đã dùng những lời mà tôi biết sẽ thấu được trái tim Đức Giáo hoàng. Tôi thưa với Đức Giáo Hoàng rằng một trong sáu tử tù mà tôi có dịp tiếp xúc, vào ngày hành quyết, bị còng tay và bị lính canh bao vây, quay lại và nói với tôi: Sơ Helen, xin sơ cầu nguyện để Chúa giúp đôi chân tôi bước đi. Tôi đã hỏi Đức Giáo Hoàng: nhân phẩm ở đâu khi giết một người không có khả năng tự vệ?”. Thư của sơ Helen đã có tác dụng, năm 1997, trong chuyến viếng thăm Saint Louis, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra những lời cứng rắn chống lại hình phạt tử hình, được ngài định nghĩa là tàn nhẫn và không cần thiết.

Sơ nói: “Đối với tôi, đó là một niềm vui không gì có thể phai mờ và đó cũng là bằng chứng rằng một phụ nữ như tôi, cùng với rất nhiều phụ nữ dấn thân bảo vệ những người yếu đuối và bất hạnh, có thể làm mới tinh thần của Giáo hội”. Sau này, sơ Helen cũng đã viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô, vào đầu triều đại giáo hoàng của ngài, để thúc giục sự hiện diện của phụ nữ trong Giáo triều. Sơ viết: “Phụ nữ có được một trái tim, lòng trắc ẩn và cảm thức cộng đồng. Giáo hội sẽ không bao giờ được cứu nếu không mời họ vào bàn đối thoại và ra quyết định. Chúng ta cần kinh nghiệm của những người nữ để Giáo hội năng động hơn".

Ngọc Yến

bài liên quan mới nhất

Lễ Đức Mẹ Mân Côi: “Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng